Thứ bảy, 27/07/2024,


Kỷ niệm đời giáo viên của tôi! (14/04/2010) 

Câu chuyện của tôi - một  thầy giáo trẻ vừa tốt nghiệp, ra trường được nhận công tác tại một trường THPT ở thị xã vùng cao biên giới phía Bắc,  xin được viết ra để chia sẻ với đồng nghiệp, với phụ huynh và học sinh cũng như toàn xã hội trong thời đại hiện nay.

Nguyên, một học sinh nổi tiếng là nghịch ngợm, cá biệt nhất trường ngất ngưởng bước đi xiêu vẹo trước phòng bảo vệ lúc 7h15 khi tiếng trống trường đầu tiên điểm lúc 7h. Tôi đoán biết học sinh này có vấn đề, nghiêm nghị và dõng dạc tôi quát:

- Anh kia, anh đi đâu mà giờ này mới vào!

Nguyên ngước lên chằm chằm nhìn tôi với cái vẻ bất cần và im lặng không trả lời.

Nguyên là học sinh cá biệt cuối khóa lớp 12C, nhiều thầy cô giáo phải bó tay trước những hành vi coi thường nội quy nhà trường của em. Bằng linh tính tôi đoán em này vừa đi uống rượu về. Tôi hết sức nghiêm nghị quát lớn:

- Em vào văn phòng Đoàn, ta nói chuyện!

Nguyên lảo đảo vào phòng, ngồi xuống và sau khi uống xong cốc nước chanh tôi pha, đợi một lúc sau tôi tiếp lời:

- Cậu đã tỉnh hơn chưa?

- Dạ, tỉnh hơn rồi!

Tôi nhìn thẳng vào mặt học sinh, không phải cái nhìn “ăn tươi nuốt sống”, không phải cái nhìn trìu mến yêu thương ưu ái, cũng không phải cái nhìn bất lực với một đối tượng tưởng như “bỏ đi”… Nó khiến Nguyên không dám đối diện, cũng không ghét bỏ tôi. Tôi đã học được điều này qua những tình huống thực tập xử lí nghiệp vụ sư phạm, tôi tin nó ảnh hưởng lớn đến tâm lí của lứa tuổi mới lớn. Im lặng một hồi, Nguyên trả lời tôi bằng cái giọng khá thẳng thắn và cũng rất trẻ con:

- Em đói, sáng em tranh thủ đi ăn ít tiết canh lòng lợn và uống mấy chén.

Tôi hỏi: Sao cậu lại uống rượu? Nguyên vẫn cúi đầu nhìn vô định xuống đất trả lời giọng nhỏ nhẹ:' Vì bố em không mua xe máy cho em, em ghét bố'. Tôi dồn dập hỏi tiếp: 'Cậu mua xe máy làm gì ? Để đua hay để chở con gái đẹp?’. Nguyên trả lời tôi cộc lốc: Cả hai.

Khi nghe Nguyên mạnh dạn trả lời vẻ đầy bức xúc, thấy cậu cũng chưa hẳn đã tỉnh táo, tôi điện thoại về cho bố Nguyên đến đón em. Ông bố đến trường, vừa nhìn thấy con, bực quá ông lao vào đánh con túi bụi, Nguyên quay lại đấm thụi vào mặt  vào ngực bố lia lịa và thách thức “Tôi sẽ không bao giờ thèm về cái nhà đấy nữa”. Tôi vô cùng sửng sốt bàng hoàng, bỗng thấy lồng ngực mình nhói buốt, tim tôi như quặn lại, tôi nhíu mày và nói với phụ huynh:

            - Chú cứ về, từ giờ đến tối cháu sẽ đưa bằng được em về xin lỗi chú.

Ông bố bất lực, rơm rớm nước mắt, lắc đầu và lặng lẽ dắt xe ra khỏi cổng trường. Tôi dõi nhìn theo dáng người cha thất thểu với một tiếng thở dài. Tôi hiểu được, nghề giáo quả thật không đơn giản là truyền đạt tri thức, muốn truyền đạt tri thức tốt phải thức tỉnh được ý thức nhân phẩm cho học sinh.Trong đầu tôi, tôi cũng đã hiểu mình cần phải làm gì.

Nhìn lên đồng hồ đã 8h45, cậu học sinh vẫn còn nồng mùi rượu, thấy  Nguyên chưa thể lên lớp vào tình trạng này vì sẽ gây lộn xộn. Tôi bình thản  nhẹ nhàng nói với Nguyên:

- Cậu vào phòng tôi ngủ đi. Trưa nay, tôi mời cậu ăn cơm.

11h30ph, tiếng trống trường vang lên một hồi dài làm cậu học sinh 18 tuổi giật mình thức giấc, cậu khá hơn nhưng hình như vẫn còn mệt, hai thầy trò chở nhau vào một quán nhậu.Tôi đánh đòn tâm lí, tôi cũng giả vờ khà khịa ra vẻ “dân sành điệu”:

- Chủ quán, cho 5 chai rượu Voska và ít đồ nhậu.

Sau khi chủ quán bê ra đầy đủ, tôi làm ra điệu gật gù:

- Đây, 5 chai, tôi và cậu 'cưa đôi', phải uống hết, không uống hết, giang hồ nó khinh.

Tôi  gắng gồng mình lên để “ diễn”. Qủa thực, tôi biết uống rượu nhưng để uống một lượng lớn thì không phải là điều đơn giản nhưng tôi nghĩ  đây là cách tốt nhất để “trị”’ những đứa cứng đầu như vậy. Tu một phát , nín, “ ực” hết một chai. Nguyên hơi choáng trước hành động của tôi, trong đầu cậu học sinh đặt ra nhiều câu hỏi khó hiểu. Vì lời giao kèo, cũng để thể hiện bản lĩnh “trai nam nhi” của mình, Nguyên rụt rè trước tôi và nhấp một cốc, đến cốc thứ hai chịu không nổi cậu 'phun' ra hết. Có lẽ do trận rượu sáng nay chưa giã, uống thêm sức cậu chịu không nổi. Nắm bắt đúng tâm lí, lượng sức mình tôi bật tiếp chai thứ hai, mặt tỉnh bơ nhưng trong lòng tôi ruột gan như đang  bị đốt cháy cồn cào, tôi tu liền chai thứ hai. Nguyên hốt hoảng cúi đầu xin lỗi  chịu thua. Lúc này , tôi vẫn giả vờ “chiêu bài của dân chơi” để cảm hoá học sinh, tôi nghiêng ngả điệu bộ cố làm ra vẻ “sành điệu nhất , chịu chơi nhất và dễ gần nhất” để “gãi đúng chỗ ngứa” cậu học trò hiếu động. Lúc này, tôi mới quay lại chủ đề hồi sáng:

- Cậu tưởng, con gái xinh nó thích ngồi sau xe những thằng như cậu hả? Cậu nhầm. Còn đua xe chỉ là mấy trò hoang dại của mấy đứa ngu muội  như lũ chó mắc bệnh dại không biết phương hướng đâm đầu vào gốc cây chết lúc nào không biết, hậu quả, mình thiệt thân. Phí ! Phí cả một đời trai trẻ không được hưởng thụ những phần ngon nhất của đời… lối sống đó chẳng khác gì liếm mật ngọt bôi trên lưỡi dao mà đứt lưỡi lúc nào không hay. Cậu biết con gái đẹp nó thích gì không? Nó thích những thằng học giỏi, ngoan ngoãn, ăn được, nói được, làm được. Tôi sẽ bầy cách cho cậu, cậu đi xe đạp mà con gái đẹp nó vẫn bám. Cậu thành công đi, đậu Đại học, ra trường, có nghề nghiệp, có “cái đầu”, cậu đứng trên một đỉnh cao, chọn đứa nào chẳng được, chỉ sợ lúc đó, cậu lại không còn quan điểm sống như bây giờ,  khi ấy cậu sẽ tự quyết định được cuộc đời mình rẽ sang lối nào.

Nguyên cúi gằm mặt xuống hơn nữa vẻ ân hận, biết mình đánh đúng đòn tâm lí, tôi hùng hổ' giáo huấn':

- Đẻ một đứa con, mà nó hỗn láo. Đau! Đau lắm, như đứt  từng khúc ruột, lớn lên làm cha, cậu sẽ hiểu. Tôi sẽ nâng đỡ cậu, giúp cậu trở thành một học sinh chăm ngoan học giỏi nhưng cậu phải hứa với tôi, trong vòng một tháng, cậu phải thay đổi. Còn bây giờ, cậu phải nghe tôi, theo tôi về nhà xin lỗi bố mẹ về hành vi sáng nay.

Tôi vô cùng ngạc nhiên. Nguyên quỳ xuống cảm ơn tôi và nhận làm “đệ tử” của tôi.  Đưa Nguyên về nhà, tôi biết không nên nán lại nhà Nguyên lâu, tôi đã làm đúng như lời tôi hứa với phụ huynh. Gia đình thấy con trở về mừng vui khôn xiết. Tối hôm sau, bố mẹ Nguyên đến cảm ơn tôi, biết tôi có thói quen hút thuốc, gia đình mua một cây Vinataba và một bịch trái cây trong đó có một phong bì. Tôi đã phần nào đoán ra “ ý’’ của phụ huynh. Khi bố mẹ Nguyên  chào tôi ra về, đến cửa, tôi mở phong bì xem, trong đó có 5 triệu- lúc ấy nó tương đương với 6 tháng lương của tôi. Tôi cương quyết không nhận, vì nể phụ huynh tôi chỉ giữ lại cây thuốc và gửi lại trái cây cùng số tiền. Phụ huynh “ngậm ngùi” cầm lại gói phong bì sau khi tôi “sạc” cho một trận.

Hôm sau, tôi gọi Nguyên lên hỏi:

- Cậu biết, hôm qua bố mẹ cậu cho tôi gì không?

Nguyên cúi đầu đáp:

- Dạ, biết. Bố mẹ, vẫn làm vậy để xin điểm cho em…

Từ đó, Nguyên dọn đến ở với tôi, đó là do em tự nguyện và gia đình gửi gắm. Thời gian trôi đi, Nguyên đổi thay rõ rệt từng ngày qua sự kèm cặp của tôi cùng sự cố gắng của em. Điều bất ngờ, năm đó, Nguyên đã đậu Học Viện Cảnh Cảnh Sát Nhân Dân, mọi người xung quanh mừng vui khôn xiết trước kết quả này, một cảm giác hạnh phúc đến nghẹt thở trong lòng tôi, Nguyên, cũng như bố mẹ em… Sau 5 năm học, Nguyên thành đạt  trở về xây dựng quê hương, anh trở thành cảnh sát giao thông của tỉnh Tuyên Quang. Với Nguyên, tôi không chỉ là người thầy mà còn là người bạn, người anh, người cha thứ hai của Nguyên. Mỗi lần về thăm tôi Nguyên vẫn đùa “thầy là vị cứu tinh của em, sống em tết, chết em thờ”. Thầy trò vỗ vai ôm nhau trong những giọt nước mắt xúc động vô cùng.

Đó là một trong những kỉ niệm sâu sắc nhất của tôi những năm đầu đứng trên bục giảng rèn giũa học sinh thời đại @. Nghề giáo vinh quang nhưng không phải lúc nào cũng bình lặng, xã hội đổi thay, quan điểm lối sống của con người cũng ảnh hưởng. Công tác giáo giục học sinh thời đại hiện nay là vô cùng gian lao vất vả, nếu không yêu nghề, không tâm huyết với nghề, không tận tuỵ và hi sinh, không sống thật sự 'người'' thì người giáo viên rất khó tồn tại, trụ vững trên mặt trận giáo dục để hình thành nhân cách bồi đắp tư tưởng, hành trang tri thức cho các em vị thành niên tự tin bước vào cuộc sống.

 

Đặng Thy Đông (Theo lời kể lại của một thầy giáo dạy THPT tỉnh Tuyên Quang)

 

ĐT: 01266045896

Email: ddangthidong@yahoo.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  lâm thị thơm -  - 01682045076 - trường cao dẳng sư phạm hưng yên  (Ngày 14/05/2010 10:16:07 AM)
em sắp trở thành giaó viên, cũng đã từng đi thực tế nhưng tình huống sư pham này khiến em rất cam phục thầy
  Vũ Hoài Nam -  - 0988254879 - Tạp chí Văn nghệ Hồng Lĩnh  (Ngày 16/04/2010 05:28:07 PM)
Đã đọc câu chuyện của Thy Đông! Áp dụng chiêu "đánh đòn" trong tâm lý sư phạm rất hay! Một kinh nghiệm cho những kỹ sư tâm hồn!
  TS Ngôn ngữ học Đặng Thiều Quang -  - 0912182999 - ĐH KHXH và Nhân văn Hà Nội  (Ngày 16/04/2010 06:09:32 PM)

Nguyên là học sinh cá biệt cuối kháo lớp 12C .BTV nào ơi! Sửa giúp "kháo" thành "khoá" cho đúng chính tả đi!

Chủ quán, cho 5 chai rượu Voska và ít đồ nhậu .
Sau khi chủ quán bê ra đầy đủ, tôi làm ra điệu gật gù :
- Đây, cậu 5 chai, tôi ba chai, tôi và cậu thi, phải uống hết, không uống hết, giang hồ nó khinh.

Thế thì phải gọi 8 chai mới đủ chứ! Có sai sót gì chăng???

Biên tập viên trực:

Cảm ơn TS Đặng Thiều Quang đã "dọn vườn" cho Lucbat.com!

Các bài khác: