Chủ nhật, 22/12/2024,


Ký ức ao nhà (14/04/2010) 

Không chỉ là nơi thả bèo nuôi cá, cái ao còn thể hiện quan niệm phong thuỷ trong kiến trúc nhà của người xưa, và cũng là nơi đi về của tiềm thức, gắn bó thân thiết với đời sống nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ...

 

         

 

Cho đến tận bây giờ, khi quá trình hiện đại hoá nông thôn đã trở nên mạnh mẽ, nhà tầng mọc lên ngày càng nhiều người dân quê tôi vẫn giữ lại cái ao trước nhà. Bạn bè nhiều nơi về quê tôi không khỏi ngạc nhiên vì lối kiến trúc đặc biệt ở đây vì nhà nào cũng na ná như nhau: nhà rồi đến sân, đến vườn, đến ao, rồi lại đến vườn. Ca dao xưa có câu: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” với nhiều ý nghĩa, nhưng chỉ nghĩa đen thôi cũng đủ thấy niềm trân trọng yêu thương với những gì gắn bó thân thuộc...

Ao nhà trước hết gắn liền với các hoạt động đời sống lao động của người nông dân: ao để vo gạo, rửa rau, rửa bát; mỗi khi đi làm đồng về chân lấm tay bùn, đều vòng ra bờ ao để rửa, không quên rửa cả các vật dụng lao động quen thuộc như cày, cuốc, xẻng, liềm...

Có hôm trời mùa hè nóng nực, người lấm bùn đất khi làm đồng về chỉ cần nhảy ùm xuống ao bơi một vòng là bao nhiêu cái ngột ngạt mệt nhọc đều tan biến cả. Chả thế mà thuở nhỏ, bọn trẻ con chúng tôi chỉ thích nhất là chiều chiều được về tắm ao, vùng vẫy ngụp lặn bao nhiêu cũng không thoả, còn ê a mò trai, tôm con cá, cho đến khi bà hoặc mẹ cầm roi mây đứng trên bờ quát mới len lén đi lên...

Ông nội kể, các cụ xưa quan niệm làm nhà phải ngoảnh mặt ra ao, hồ mới lắm lộc; cái ao chứa nước sẽ cân bằng với cái bếp chứa lửa, làm mát không khí, cũng là nguồn nước tưới cho cây cối quanh vườn nhà những khi khô hạn. Quanh bờ ao, nhà nào gần như cũng trồng một số loại cây gì đó, phần nhiều là cây sung, cây táo, vừa để giữ bờ cho đất khỏi lở, vừa lấy bóng mát cho cá trú những ngày hè nắng, quả rụng xuống làm thức ăn cho cá. Ông còn hóm hỉnh bảo, cây sung cây táo còn để cho các cháu tập trèo cây, bởi cây ngả ra ao, có ngã cũng chỉ “ùm” một tiếng chứ không đau.

Mỗi buổi sớm hè bước chân ra ao, ốc, tôm tép vện lấy bờ, cá đủ mọi loại to bé đều ngoi lên hớp, mẹ thường đếm xem còn bao nhiêu con trắm, trôi to... và lẩm nhẩm tính để dành cho những dịp khách khứa đến chơi. Lúc trước, đồ ăn thức uống phải đi chợ phiên rất xa mới mua được, vì vậy cái ao nuôi cá như nguồn dự trữ thức ăn “đặc biệt” dành tiếp khách đột xuất. Những buổi trưa trốn ngủ, anh em chúng tôi thường câu cá quanh bờ ao, nơi những con rô vàng ươm búng mình tanh tách trên mặt nước. Có khi gặp con cá trôi tham ăn mắc câu, đang hí hửng thì mẹ bắt thả xuống “cho nó lớn thêm”, vì cá to phải để dành.

 

          

 

Xung quanh bờ ao có một dải đất được đắp thấp hơn mặt nước khoảng hai mươi phân, gọi là làn ao.  Làn ao thường để cấy rau muống ăn, khoai ngứa làm thức ăn cho lợn, những khoảng trống thì để cất tép, cũng là nơi để lội xuống vớt bèo ở khoảng ao giữa, hoặc cắt mướp, cắt bầu ở giàn phía trên đầu. Đến mùa trồng cấy, bố nối một chiếc dây thừng nhỏ thật dài vào xô để tung xuống ao lấy bùn lên gieo mạ, cũng là nạo vét bùn cho ao thêm sâu, để cá mau lớn hơn.

Tuổi thơ của những đứa trẻ như tôi, dù trai hay gái đều không quên những trận “chết đuối hụt” ở ao nhà, nhưng nhờ thế mà đứa nào đứa nấy mới bơi lội như con rái cá. Vui nhất phải kể đến những lần đi “mót cá” mỗi lúc nhà ai đó tát ao. Sau khi chủ nhà đã đánh bắt xong thì trẻ con ào xuống chiếc ao chỉ còn một màu bùn để bắt những con cá con cua còn sót lại. May mắn thì được con cá chuối, cá trê còn lẩn trong bùn, còn không cũng được mớ cua, mớ ốc về nấu. Tuổi thơ nghèo khó và những nụ cười còn lấm lem bùn đất ấy là động lực để bao giấc mơ trở thành hiện thực. Giờ anh em tôi vẫn không quên ra bờ ao buổi sớm mỗi khi về thăm nhà, ngắm giàn mướp vàng rực phía trên ao. Nhưng tôi không khỏi chạnh lòng, khi nhà nào cũng có giếng khoan, nước ao giờ không còn sạch trong như trước nên lũ trẻ không đứa nào được xuống ao tắm, nên cũng chả biết bơi, nói gì đến việc lội bùn mót cá.

Bờ ao làm dịu nắng trưa, long lanh ánh trăng đêm cứ đầy vơi theo con nước, đi vào tiềm thức với nắng sớm bóng cau. Quê nhà vẫn là chốn đi về thanh tịnh, sau bao bon chen phố xá bụi đường...

 

 

Theo Như Quỳnh (Báo Đất Việt)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Thị Lên - lenbct@gmail.com - 0936392167 - Tổ 61, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội  (Ngày 17/05/2010 10:16:22 PM)
AO NHÀ
Ao nhà - thương lắm ao nhà
Nước in cả bóng mẹ cha những ngày
Cả đời lam lũ đắng cay
Nuôi con khôn lớn mong ngày hiển vinh.

Bờ ao rặng chuối hàng chanh
Hoa thơm trái mọng rễ canh giữ bờ
Từng đàn cá Trám, Mè, Trôi
Bố chăm sóc - chị em tôi học hành.
Vớt bèo, cắt cỏ mẹ tranh
Muối tiêu tóc mẹ bạc nhanh - tuổi già.

Ao nhà - thương lắm ao nhà
Với tôi nơi ấy thiết tha nghĩa tình.
  Ma Thị Hồng Luồm -  -  - Hòa Bình  (Ngày 30/04/2010 06:13:57 PM)

Bên này con sóng ồn ào
Bên kia con sóng lém vào biển xanh
Gió reo nên biển chòng chành
Chiếc phao đầu sóng bòng bành hụt hơi


Ao nhà thuở ấy đâu rồi

Bàn tay khỏa nước lá rơi nghiêng cành

Bờ ao e ấp hoa chanh

Bãi biển phóng khoáng một manh áo trời



Từ nhà đến biển xa ơi

Một con sóng vỗ làm tôi chạnh lòng

  Nhật Minh -  - 0989861661 -   (Ngày 24/04/2010 10:39:22 PM)

...Ngủ đi trăng tỏ bờ ao
Vườn đêm hương bưởi trốn vào song thưa...

Các bài khác: