Tạ Vũ thuộc lớp nhà thơ trưởng thành từ ngày hoà bình lặp lại 1954 - thế hệ bắc cầu từ kháng chiến chống Pháp sang kháng chiến chống Mỹ, và nở rộ trong hai mươi đánh Mỹ.
Nhiệm vụ chính trong thời gian này là đánh giặc giữ nước. Cùng với toàn dân, các nhà thơ cũng tập trung vào nhiệm vụ chính đó, những đề tài riêng tư tạm gác lại. Tạ Vũ cũng dè dặt đề cập đến gia đình. Đó là người cha “một đời tài hoa, một đời giang hồ ngang dọc” (“Câu hát cũ có đám mây bay”). Đó là người mẹ “suối tóc dài chấm gót / Dài bằng thương đau”… (“Mẹ tôi”). Đó là những bà cô răng đen “cứ nhai trầu môi cắn chỉ / Trong bóng tối nhai trầu” (“Bà cô”).
Anh cũng có một bài thơ tình được Cao Việt Bách phổ nhạc, anh thường hát rống lên những lúc vợ giận: “Em đừng làm chân trời / Lòng anh đi không tới / Em hãy làm gió thổi / Đẩy thuyền anh ra khơi…” (“Không đề”).
Nhưng đọc thơ Tạ Vũ, ấn tượng mạnh nhất đối với người đọc là thơ về xây dựng. Từ trẻ đến lúc về già, anh thuỷ chung với đề tài này. Nếu ta phân biệt có một “nền thơ công nghiệp” và có những “nhà thơ công nhân”, thì phải có tên Tạ Vũ.
Kết thúc chín năm kháng chiến đánh Pháp, toàn dân tộc lại xông vào mặt trận khôi phục nền kinh tế đã bị chiến tranh tàn phá, thanh niên trăn trở đến các công trường mở ra ở những miền đất lạ. Những cuộc chia tay diễn ra một cách tự nguyện và hào hứng: “Ba thằng soi vào mắt nhau / Thấy sáu mặt trời, cười phá / Ba cốc bia phọt đổ xuống tay / Ba chiếc vé tàu cựa mình trong túi ngực / Đêm nay ba con tàu phụt khói / Sải phóng trên đường ray” (“Gặp bạn”).
Tạ Vũ trẻ trung xung phong đi khôi phục đường sắt ở miền Tây, rồi làm công nhân đi thăm dò địa chất. Những vùng đất mới lạ đến với anh, say mê như mối tình đầu. Những Lưu Xá, Trại Cau, Pom Hán… hiện dần trong thơ anh: “Anh trẻ như nghề anh trẻ / Tuổi chớm đôi mươi tim rực lửa / Yêu mỏ như yêu mối tình đầu / Như yêu những lứa tuổi mai sau / Đến đây làm công nhân khai mỏ” (“Lên cao”)… Hạnh phúc thanh xuân bừng nở trong lao động gian khổ: “Anh đã cùng em chia nắng nỏ / Nắng đốt chân mây / Ngùn ngụt bụi như sươnng (…). Dù em ở đâu tuyến đường đang đắp / Anh ở cuối tuyến đường đặt những cầu ray / Mỗi đứa một nơi / Xa một khoảng trời / Nhưng tình không xa cách / Hạnh phúc ta trên khắp nẻo đường dài” (“Xa cách”).
Thế hệ con em bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh cũng đượm màu sắc lãng mạn như thế hệ cha anh bước chân vào cuộc trường chinh giữ nước, phơi phới hành khúc thanh xuân.
Thời kỳ khôi phục kinh tế, Hàm Rồng là một trong những công trình trọng điểm mà ta đã phá hồi tiêu thổ kháng chiến. Tạ Vũ có mặt ở công trình này từ ngày khởi công đến lúc hoàn thành. Thật là vinh quang và cũng là gian khổ. Chị Nguyễn Thị Điều (vợ Tạ Vũ) vào thăm chồng, chợt gặp, chị ngỡ ngàng không nhận ra chồng: Mặt mũi lem luốc bụi than, mặc quần áo bảo hộ lao động. Chị rất mực thương chồng, và sẵn sàng chia sẻ những nỗi vất vả với chồng.
Tích lũy tình cảm, chị cũng làm thơ và in được tập thơ “Hai dòng sông” (dòng sông quê vợ và dòng sông quê chồng). Tâm hồn luôn luôn ấm nóng hình ảnh lam lũ của chồng: “Anh là riêng một góc trời của em” (Tặng Tạ Vũ). Trong dòng nước thân yêu, chị cảm nhận được vị mặn của mồ hôi lao động: “Dòng sông này tên là sông Cấm / Sao bỗng dưng có vị mặn mồ hôi” (“Khúc sông tình yêu”).
Qua thời gian lao động vất vả cùng đồng đội, Tạ Vũ viết được bản trường ca “Vầng sen Hàm Rồng”. Anh đã phóng bút trong những câu thơ dài đến 17 chữ: “Những kỷ niệm của tôi những năm tháng của anh anh đan vào nhau trong hương thơm của đất”. Cảm xúc dạt dào cùng với dòng sông Mã: “Kỷ niệm mở một cửa sông và dạt dào xúc động”. Thiên nhiên cũng có những nét tinh tế, hoà nhập với lòng người: “Trời cong tàu dừa / Đu đưa / Nhịp cùng con sóng vỗ”. Ngắm thành quả lao động, anh reo lên: “Thành phố sáng bừng / Ôi những dòng đèn long lanh sắc điệp / Cái lấp lánh của tình yêu công nghiệp / Thắp trong lòng tôi chói chang”.
Qua thời kỳ khôi phục kinh tế (1954-1960), bước vào thời kỳ kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965), Tạ Vũ lại mang balô lên đường. Anh háo hức và hồn nhiên như trẻ nhỏ: “Tôi muốn làm hải âu / Chao cánh trắng / Xuống boong tàu / Chào những anh thuỷ thủ / Tôi muốn làm sơn ca / Hót líu lo trên đồng / Chào những đường cày trong ánh đỏ bình minh / Tôi muốn làm cây cờ đập gió / Hát cùng anh thợ xây” (“Gửi đến những miền xa xôi”).
Tôi cùng làm thơ môt lứa với anh. Nhưng lúc này tôi còn là một sinh viên ngồi trên ghế trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. đọc lại những dòng thơ của anh, tôi hình dung được đất nước ngày ấy rộn rịp như một tổ ong khổng lồ. Tôi thì ngồi viết trên ghế nhà trường. Anh thì vừa đi vừa “nháp thơ”, vừa đi vừa viết giữa công trường bụi bặm. Thơ của anh khoẻ mạnh, kkông gò vào một niêm luật nào, nhưng dạt dào nhịp điệu.
Nhà thơ Tạ Vũ, tên thật là Vũ Hùng, sinh năm 1935 tại Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt |
Đọc thơ anh, ta có cảm giác như đứng giữa công trường ngổn ngang sắt thép, bêtông, vôi vữa… Trong mắt anh, sông núi hiền hoà bốn nghìn năm là chiến luỹ hùng mạnh canh giữ Tổ quốc. Anh dựng nên những hình ảnh mới mẻ và hấp dẫn: “Chào núi Ngọc / Đá dựng tảng trời nhọn hoắt / Nắng lên như mũi mác mới mài (…) / Những ngọn núi từ một phía chân trời xô tới / Những vuốt đá xoè ra dữ dội”…
Trên chiến lũy đó, dựng lên lán trại công trường, bề bộn, kham khổ, và quyết liệt: “Những vòm mái xô nghiêng thanh dầm sắt uốn cong, mảng bê tông toang hoác / Tôi ngẩng lên chói biếc ngọn đèn bàn / Một mảnh trời nắng mới khói bay lung tung / Lưng người thợ chạm vào nền mây và ngọn đèn lấp láy” (“Không đề”).
Thơ viết về công trường trong thời gian này nở rộ. Nhưng đọc thơ Tạ Vũ ta nhận ra ngay. Ta có cảm giác, anh không dùng con dao trổ để chạm tỉa từng nét hoa văn, mà anh dùng rìu bổ trên những thân gỗ lớn, vết rìu bổ mộc mạc và xù xì.
Tạ Vũ vẫn thuỷ chung với cách viết của mình. Vâng, cứ cho là như vậy. Nhưng đọc thơ Tạ Vũ, ta dễ nhận ra tác giả.
Từ khi còn trai tráng đến bây giờ râu tóc bạc phơ, anh vẫn viết một mạch thơ như thế. Tâm hồn anh vẫn hồn nhiên, vẫn trẻ trung. Sức viết dầu có xuống tay, nhưng vẫn là thơ Tạ Vũ.
Võ Văn Trực
(Nguồn: Báo Lao Động)