Chủ nhật, 22/12/2024,


Những “nồi cháo rìu” của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát (09/04/2010) 

Nguyễn Thị Hồng Ngát tuổi Canh Dần. Canh biến vi cô, có lẽ vì thế mà chị luôn phải đối mặt với sự cô độc, vượt lên sự cô độc. Cuốn tự truyện Hai lần sống một mình chỉ nói lên một phần sự cô độc của chị trong cuộc sống gia đình. Sự cô độc đích thực nằm trong căn tính của nhà thơ. Khi chị đã có một cuộc sống đầm ấm hạnh phúc với Nhà văn, Tiến sĩ Phan Hồng Giang, một người chồng đôn hậu, tinh tế và lịch lãm, những nỗi niềm cô độc không còn có chỗ trong mái nhà riêng của chị nữa. Nhưng chúng vẫn tìm cách len lỏi trở về để ám ảnh con người quản lý của chị...

 

Bí quyết quản lý là lòng chân thành

 

Từ khi được trao trách nhiệm Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, rồi sau đó là Cục phó phụ trách nghệ thuật của ngành điện ảnh, con người Nguyễn Thị Hồng Ngát bị xẻ thành hai nửa - con người thi sĩ và con người quản lý. Nhưng con người thi sĩ của Hồng Ngát không chịu làm một nửa, không chịu co mình lại để giành chỗ cho con người quản lý. Ghê gớm hơn, nó chiếm đoạt luôn con người quản lý. Thành ra, giống như cây đa trong sự tích thằng Cuội, cứ cưa gần đứt nó lại liền trở lại, Hồng Ngát không chịu để cho nhân cách, tư duy và cảm xúc của mình bị tách đôi ra. Chị vẫn là một thi sĩ một trăm phần trăm, ngay cả trong quản lý.

Trách nhiệm quản lý đến với Hồng Ngát như một định mệnh. Người ta bảo: 'Cầu được ước thấy'. Nguyễn Thị Hồng Ngát thì không cầu mong hay ước vọng trở thành một bà lớn trong nghệ thuật, chị chỉ mơ một mái ấm gia đình. Chị cố đi đến mơ ước ấy bằng đôi chân yếu ớt của thi sĩ bước trên sợi dây mỏng manh của lòng chân thành, của tình yêu nồng thắm. Nhưng định mệnh rất ga-lăng khi nó bù đắp cho Hồng Ngát một gia đình hạnh phúc, nó 'khuyến mại' thêm cho chị một quyền lực nghệ thuật như trao cho người làm xiếc đi trên dây một cái ô để lấy thăng bằng vậy. Thế là, vào một ngày đẹp trời, anh em nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm chị làm Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật, rồi sau đó làm giám đốc mới thay cho ông Kim Cương sắp nghỉ hưu. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là bạn thân của TS. Phan Hồng Giang lúc ấy đang ở cương vị Bộ trưởng văn hoá đã tin tưởng, ủng hộ chị ngồi vào chiếc ghế đó. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát bỗng nhiên dấn thân vào khu rừng quản lý để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho điện ảnh nước nhà, giống như cô bé quàng khăn đỏ trong truyện cổ tích kia cứ mải mê đi theo con đường mà mình thích để rồi suýt nữa sói dữ ăn thịt cả cháu lẫn bà.

Nghề quản lý đòi hỏi những kỹ năng nhiều khi trái ngược với con người chân thành, hồn nhiên kiểu thi sĩ và nghệ sĩ. Vậy mà Hồng Ngát lại làm quản lý bằng những cảm xúc và suy nghĩ kiểu nhà thơ. Có thể thấy chị hầu như chẳng có kỹ năng quản lý, lại càng không có những mánh lới và thủ đoạn. Chị chỉ đem con người thật của mình ra để điều hành các nghệ sĩ điện ảnh đa phần là những người 'ghê gớm', 'rạch trời rơi xuống'. Chị lãnh đạo cơ quan và lãnh đạo ngành giống như một bà chị trong gia đình: chiều chuộng, nhắc nhở, thúc đẩy, động viên, rồi thanh minh, càu nhàu, trách móc và dằn dỗi... Kỹ năng quản lý của chị chỉ là những phản xạ hồn nhiên và chân thành của một con người, một nhà thơ nghĩ gì nói nấy, không áp đặt, không giăng bẫy, chẳng hư chiêu, chẳng giương Đông kích Tây hay tọa sơn quan hổ đấu. Ấy vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn làm quản lý, Hồng Ngát đã đạt được nhiều thành tựu bất ngờ mà những nhà quản lý tiền nhiệm chưa có được. Đó là việc dựng lên một Nguyễn Thanh Vân như một bình hoa chính thống đặt chễm chệ trên bàn tiệc của điện ảnh Việt Nam, đó là việc tham gia tổ chức sản xuất được những bộ phim lớn phục vụ chính trị như Hà Nội 12 ngày đêm, Giải phóng Sài Gòn, Ký ức Điện Biên, Đừng đốt, Những đứa con của Rồng, Đường ra biển lớn và việc đưa hàng chục nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam lần đầu tiên sang học nghề và thực tập ở Hoa Kỳ. Bí quyết để chị thành công 'tay không bắt giặc' trong nhiều việc lớn có thể rút gọn lại là nghệ thuật 'nấu cháo rìu' của một người chị nghèo tần tảo nhưng hào phóng niềm tin và biết kiên nhẫn thuyết phục người đời tin theo mình như tin theo thiên sứ.

Kịch bản Đời cát của Nguyễn Quang Lập đã bị Hãng phim truyện loại bỏ, Nguyễn Thanh Vân đang định chuyển sang làm phim truyền hình. Khi Hồng Ngát vừa nhận chức giám đốc, nghệ sĩ quay phim Nguyễn Đức Việt cũng là người họ hàng với TS. Phan Hồng Giang mang kịch bản đến nhà rụt rè đề nghị 'Cô thử đọc xem thế nào?'. Sau khi đọc, chị thấy kịch bản rất hay và chị đã gửi lên Cục đề nghị được làm phim nhựa. Đời cát mới đang hòa âm, chị đã đem ra làm vật thế chấp để xin cho Nguyễn Thanh Vân được 'vay' danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Lúc ấy Nguyễn Thanh Vân suýt bị gạt ra vì chưa đủ tiêu chuẩn về số phim đoạt giải,  Hồng Ngát đã đề nghị Hội đồng xét duyệt cứ đưa Vân vào danh sách phong tặng lần này vì sắp tới anh ấy sẽ có một phim rất khá, có nhiều khả năng đoạt giải, không nên để đợt sau vì như vậy Vân sẽ thiệt mấy năm. Thôi thì cứ coi như là cho đỗ trước. Sau này, khi Liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam, y như rằng Đời cát được lên ngôi, cứ như thể có bàn tay vô hình sắp đặt để cho Hồng Ngát trả được món nợ đã vay cho Nguyễn Thanh Vân trước đó.

Hồng Ngát nói, mình chẳng có bí quyết gì ngoài sự chân thành trong công việc, quý trọng người tài, kể cả những người chưa thích mình, hoặc châm chích mình những câu rất đau mình cũng vẫn cố đưa họ vào công việc, tạo cơ hội cho họ phát huy tài năng. Mình không sắc sảo trong quản lý tài chính, nhưng anh em làm phim thiếu tiền, thiếu phim, xin thêm là mình cho ngay. Có những vị giám đốc coi rẻ nghệ sĩ làm họ buồn bực, tôi nghĩ quản lý như vậy là dại. Nghệ sĩ là máy cái, tôi nghĩ theo kiểu phụ nữ muốn có con phải chiều chồng, muốn có tác phẩm phải chiều nghệ sĩ.

 

Nỗi buồn của nhà thơ

 

Có người bảo Hồng Ngát ưu ái một số nghệ sĩ là vì cái tình sâu thẳm với sân khấu một thời còn đeo đẳng trong tâm hồn chị, như là  cách tưởng nhớ trả ơn những thổ công thổ địa của sân khấu một thời. Hồng Ngát là vậy, không quên ơn ai đã giúp đỡ mình, nhưng lại luôn luôn bị đối xử rất bạc bẽo, vô ơn. Có lẽ đó là số phận một thi sĩ.

 

   

 

Ngồi ghế Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam được hai năm, Hồng Ngát được đưa lên Cục Điện ảnh làm Cục phó phụ trách nghệ thuật. Duyệt phim, duyệt kịch bản, làm Điện ảnh chiều thứ Bảy, tổ chức Liên hoan phim, làm Luật điện ảnh, đón khách quốc tế... họp hành liên miên chẳng có thời gian mà sáng tác kịch bản phim. Nhưng con người nhà thơ vẫn luôn trỗi dậy. Hồng Ngát làm thơ ngay cả trong khi họp. Ngồi trong buồng quản lý nhìn ra cửa sổ, ngắm những tán lá cây xào xạc, bâng khuâng nhớ cái thời làm giám đốc ở hãng phim, các nghệ sĩ vây quanh ấm cúng như một gia đình. Bây giờ ngồi một mình với đống công văn giấy tờ, thi thoảng mới có người vào xin chữ ký hay bàn công việc, nhiều khi thấy người của Hãng phim truyện VN lên Cục đi qua phòng mà không ghé vào chơi, Hồng Ngát lại thấy buồn.

Làm trên Cục thấy nghệ sĩ điện ảnh ít được đào tạo quá, muốn cho anh em đi học nhưng chưa biết làm cách nào thì tình cờ gặp anh Michael, Đại diện Quỹ Ford ở các cuộc họp, gợi ý việc tài trợ cho các nghệ sĩ Việt Nam đi Mỹ đào tạo, anh ấy đồng ý ngay, bảo làm dự án để đưa 15 nghệ sĩ sang học nghề ở Mỹ. Hồng Ngát mừng lắm nhưng không dám nhận tiền trực tiếp từ Quỹ Ford sợ trên không cho, nên rủ anh Michael đi ăn trưa, bàn với anh ấy xem có cách nào đó có thể đưa nghệ sĩ đi Mỹ học mà không phải dính vào những rắc rối về tài chính. Anh Michael giới thiệu cho Hồng Ngát hai ông bà ở Trường nghệ thuật Nam Cali khi họ sang thăm Việt Nam để họ nhận tiền trực tiếp từ quỹ Ford, sau đó chi ngược lại cho đoàn Việt Nam tiền học bổng để các nghệ sĩ ăn ở, chi tiêu trong thời gian ở Mỹ. Có lẽ số phận của nhà thơ Hồng Ngát là phải “nấu cháo rìu” nên đã được Quỹ Ford đưa gạo, đưa thịt đến tận tay rồi nhưng chị lại không dám bỏ vào nồi nấu cháo ngay, mà vẫn phải bưng cái nồi không với “chiếc rìu” sang Mỹ để mượn tay người khác bỏ gạo, thịt vào. Ai ngờ “món cháo rìu” này lại làm các nghệ sĩ nhà ta bực dọc và ngờ vực, gây căng thẳng với chị và thúc ép. Chả là những thủ tục thanh toán tiền lương, tiền học bổng ở xứ cờ hoa không nhanh gọn như ở xứ ta mà rất nhiêu khê, phải qua ngân hàng, phải nhiều thủ tục. Các nghệ sĩ chờ tiền hơi lâu đâm ra sốt ruột, có những lời nói và thái độ làm Hồng Ngát tổn thương. “Món cháo rìu” Đời cát được nghệ sĩ nuốt chửng ngon lành, ngờ đâu “món cháo rìu” California lại bị các nghệ sĩ nhăn nhó muốn ọe ra. Hồng Ngát buồn vô hạn, thấy sống ở đời này sao mà mệt mỏi. Michael cũng thấy mệt mỏi. Nhà trường thì thấy khó chịu vì bị thúc ép tiền. Rõ là làm ơn nên oán, làm phúc phải tội!

Trái tim nhà thơ nảy sinh những dự án và thôi thúc nhiệt thành việc thực thi những dự án đầy thiện  chí ấy, để rồi lại nhận về những nỗi đau cả khi thất bại lẫn lúc thành công. Thậm chí, lúc thành công lại là lúc trái tim thi sĩ cảm thấy buồn tủi nhất. Nhưng chẳng bao giờ Hồng Ngát muốn giã từ số phận của thi nhân!

 

 

Đỗ Minh Tuấn

(Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: