Bước vào văn đàn nhẹ nhàng như dạo chơi, chị để lại ấn tượng bằng ba đầu sách trong một thời gian ngắn, đó là tập truyện ngắn “Đá của trăm năm” (2006), “Bay lặng im” (2007) và bây giờ là cuốn truyện thiếu nhi “Tí Chổi”.
Đọc hai cuốn sách đầu tiên của Trang Thanh, người tinh ý sẽ cảm thấy sự trong trẻo của một người không màng danh tiếng khi bước vào nghiệp viết. Tập truyện ngắn đầu tay của chị là một chuỗi những câu chuyện khóc cười của cuộc sống cả thôn quê lẫn thành thị, cả nét hồn nhiên, trong trẻo lẫn sự nanh nọc chua chát rất đời thường. Có vẻ như người viết đã hóa vào trang sách và khiến cho Đá của trăm năm không thành một tập truyện có chủ đề xuyên suốt mà là bức tranh phác họa những lát cắt cuộc đời của tác giả.
Dù đã ít nhiều “lộ diện” trên văn đàn, nhưng ở Bay lặng im, tập thơ được Quỹ Lời vàng Eva trao giải Lá trầu lần đầu tiên năm 2007, Trang Thanh vẫn viết về mình và những người xung quanh một cách không điệu đà và “lên gân cốt”. Đó là những bài thơ như tơ rút từ ruột tằm, sương rơi từ lá, kiểu như bài “Trang Thanh”, bức chân dung chị tự họa: “Tôi nhìn/tôi/mặt dài da nâu mũi gãy/mắt thẳm/đêm sầu mất ngủ/đốm sao định mệnh con ngươi/rơi xuống cỏ/rối/mù tóc/đua chen thời đại công nghệ nhan sắc/tôi nhìn/tôi/trán dô cằm nhọn gò má cao/nhân trung sâu/thọ đau kiếp nạn/mím môi/không sẻ cho người/tối lẫn nửa mặt/tôi nhìn/đau tôi/trong câu thơ mất ngủ/tôi khát nụ cười”.
Trang Thanh không xấu xí như chị tự nhận trong những vần thơ vừa dẫn, mà ngược lại, khá tươi xinh. Chị có vẻ kiệm lời khi nói về mình, thậm chí có thiên hướng hơi tự “dìm hàng” mình trong chốn văn chương.
Có người bảo cố lên mà vào Hội Nhà văn, chị bảo đâu cần phải thế, quan trọng là tác phẩm. Khó đong đếm được Trang Thanh. Sôi nổi, vô tư, ồn ào huyên náo đấy, mà chua chát, sụt sùi, cay đắng cũng ngay đấy, cách nhau chỉ một tấc gang. Tí Chổi, cuốn sách thứ ba của Thanh, vừa được NXB Kim Đồng ấn hành có thể chứng minh cho điều đó. Nhiều người nói Tí Chổi có phong cách viết rất mới nên ngay sau khi nhận bản thảo, NXB Kim Đồng đã đưa ngay vào kế hoạch xuất bản. Đó là một cuốn sách gần 200 trang dành cho trẻ em, Tí Chổi đọc ngược của từ “chối tỉ” là câu chuyện không đầu không cuối của những cuộc cãi vã đáng yêu giữa hai mẹ con một “nhà thơ”, có khi là những độc thoại, những câu hát vu vơ, trong đó cả thế giới trẻ thơ lẫn người lớn đều vừa hư vừa thực, đôi khi lộn tùng phèo nhưng vui vẻ, hài hước như cảm giác gặp trong nhà gương mà các nhân vật đều bị gọi tên bằng cách nói ngược.
Thậm chí, tác giả còn “để” cho con gái “phanh phui” mọi điểm yếu của mình một cách “vô tư hồn nhiên liên thiên”: “Ôi mẹ đau khổ, với khuôn mặt tàn nhang phúng phính, cái môi nứt nẻ quanh năm. Ta đã thừa hưởng cái môi nẻ của mẹ từ khi ta sinh ra đời. Có gì có thể cứu giúp ta sau này, hỡi người mẹ suốt ngày âu sầu với hai em ti màn hình phẳng...”.
Không khí hoạt náo của Tí Chổi đã khiến nhà văn Trung Trung Đỉnh phải nhận xét trong lời giới thiệu có tựa đề Hello Tí Chổi, đại ý đó là cuốn sách của những câu hỏi, những câu trả lời quá sức thông minh và đầy rẫy bất ngờ, ngọt ngon chẳng kém gì một cốc kem chocolate mát lạnh!
Đọc cuốn sách chỉ toàn những nụ cười hoạt kê, sự tinh quái rất trẻ thơ nhưng trí tuệ và hiện đại ấy, ít ai biết tác giả ít nhiều đã gặp truân chuyên. Và dù đã là thư ký tòa soạn của một tờ tạp chí, nghĩa là kiêm cả nhà thơ, nhà văn lẫn nhà báo nhưng “người đàn bà viết” 36 tuổi, cử nhân văn học, quê Nam Định ấy vẫn chưa có nhà mà đang ở nhà thuê!
Lưu Quang Phổ
(Nguồn: Thanh Niên Online)