Với nhà nhiếp ảnh, không phải mùa nào trong năm cũng là mùa của sáng tác. Nhưng Hoàng Thế Nhiệm thì không thế. Với anh, bốn mùa đều được anh yêu thương, đều có thể sáng tạo ra những bức ảnh đẹp làm say đắm lòng người. Chính vì vậy, "Bốn mùa vẫy gọi" (sách ảnh và triển lãm) đã được ra mắt công chúng Hà Nội đầu tháng 3 vừa qua.
Những năm qua, nghệ sĩ Hoàng Thế Nhiệm cứ ba năm lại ra mắt một triển lãm cá nhân. Và Hà Nội luôn là địa điểm được anh ưu tiên để giới thiệu trước. Cho đến lúc này, Hoàng Thế Nhiệm đã có đến 19 triển lãm ảnh cá nhân được tổ chức trong và ngoài nước. Nhưng có lẽ anh xứng đáng là nhà nhiếp ảnh Việt Nam được ghi "kỷ lục" về việc đưa triển lãm ảnh cá nhân ra trưng bày tại nước ngoài - 14 lần tại nhiều nước như Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Mỹ, Xin-ga-po...
Ý tưởng cho "Bốn mùa vẫy gọi" được hình thành kể từ sau triển lãm ảnh "Việt Nam toàn cảnh" được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh năm 2006. Những bức ảnh cùng niềm đam mê của anh hiển hiện qua các tác phẩm đã đưa đến cái duyên hợp tác với phòng tranh Lotus do nhà đạo diễn phim Xuân Phương làm chủ.
Từ năm 2007, Hoàng Thế Nhiệm bắt đầu thực hiện "Bốn mùa vẫy gọi" dựa trên tinh thần, ý tưởng của Lotus với đường dẫn xuyên suốt nhằm giới thiệu với người Việt Nam, Việt kiều và người nước ngoài những góc nhìn Việt Nam chưa ai giới thiệu về con người, văn hóa, phong cảnh Việt Nam qua bốn mùa.
Với sự hỗ trợ của Lotus, "Bốn mùa vẫy gọi" được Hoàng Thế Nhiệm dành nhiều tâm sức đầu tư, từ những chuyến đi để thực hiện hình ảnh đến quá trình thiết kế, in ấn. Anh cố gắng làm tốt nhất có thể với khả năng của mình. Mỗi cuốn sách là một mùa, tạo thành bộ sách bốn cuốn. Bìa sách làm bằng lụa Hà Ðông theo mầu của từng mùa với mong muốn tập sách ảnh mang "nét Việt, hồn quê"...
Hoàng Thế Nhiệm tâm sự: "Tôi đã từng được xem nhiều bức ảnh của các nhà nhiếp ảnh khác, nhưng khi tìm hiểu thì những hình ảnh đó không có thực. Làm như vậy thì chỉ lừa dối được những người ở nơi khác, chứ không lừa dối được người dân địa phương". Do vậy, để thực hiện bộ ảnh này, Hoàng Thế Nhiệm chọn trường phái hiện thực, nhằm giữ "chữ tín" của nhà nhiếp ảnh. Tuy nhiên, anh cũng tận dụng các thủ pháp nhà nghề của việc dùng tia hồng ngoại và tia tử ngoại để tạo chiều sâu tâm hồn cho bức ảnh. Chỉ tiếc, dường như anh hơi lạm dụng điều này, vì nếu xem cả bốn cuốn sách ảnh trong bộ "Bốn mùa vẫy gọi" của Hoàng Thế Nhiệm, người xem cứ có cảm giác thấy bức ảnh quen quen...
Thưởng thức các bức ảnh được giới thiệu trong sách, người xem nhận thấy bước chân của người nghệ sĩ in dấu trên khắp mọi miền đất nước. Thậm chí, để có được những bức ảnh ưng ý về hoàng hôn và bình minh, anh đã nhiều lần leo lên đỉnh Phan-xi-păng; từng đón nhiều khoảnh khắc giao thừa trên đỉnh Langbiang; còn Sa Pa thì anh đã đi hàng chục lần, đến mức nhớ được từng gốc cây, khúc quanh của con đường...
Với lần ra sách và triển lãm ảnh "Bốn mùa vẫy gọi" này, Hoàng Thế Nhiệm cho rằng mình "nhàn" hơn rất nhiều vì có sự cộng tác của chủ phòng tranh Lotus Xuân Phương. Chị đã phản bác lại những ý tưởng không hay của anh và nhiều lúc đưa ra cho anh những gợi ý "đường dẫn" rất hay để anh thực hiện.
Bộ sách ảnh và triển lãm "Bốn mùa vẫy gọi" mang đến cho người thưởng ngoạn cảm giác nhẹ nhàng, khiến họ thấy như được đắm mình cùng phong cảnh đất nước và con người. Có được cảm giác ấy là nhờ những câu thơ trích dẫn, những lời tâm sự của nhà nhiếp ảnh về những kỷ niệm với bức ảnh của mình.
Giá thành của bộ sách khá cao (gần năm triệu đồng), nên không phải ai cũng có thể sắm riêng cho mình một bộ. Nhưng chắc chắn rằng, "Bốn mùa vẫy gọi" sẽ là bộ tư liệu ảnh nghệ thuật quý, là bốn mùa yêu thương với những người yêu đất nước Việt
Thạch Thảo
(Nguồn: Báo Nhân Dân)