Chủ nhật, 08/09/2024,


Người phụ nữ Thái hết lòng vì văn hóa dân tộc (31/03/2010) 

Khi tôi hỏi thạc sĩ khoa học Lò Mai Cương: “Điều tâm huyết nhất của mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa Thái là gì?” Chị tươi cười, trong đôi mắt của chị như có hai đốm lửa: “Đó là việc bảo tồn và phát triển chữ Thái, đưa chữ Thái vào giảng dạy trong nhà trường và cho người dân.”.

 

Gặp chị, ai cũng bị cuốn hút bởi tình yêu nghề dạy học và nỗi trăn trở với việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân tộc. Là người con của dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn hóa, giáo dục. Bố chị là ông Lò Văn Mười, cố trưởng ty giáo dục khu tự trị Thái Mèo, chính ông đã từng khởi xướng và bước đầu thành công trong việc cải tiến chữ Thái. Chị không bao giờ quên được những con chữ đầu tiên do người cha thân yêu dạy. Còn mẹ chị, bà Cầm Thị Minh là người rất giỏi những điệu “khắp” cổ và sáng tác những tác bài hát mới của dân tộc Thái. Tự bao giờ, những lời ca mượt mà đằm lắng cùng những thiên truyện thơ bất hủ của dân tộc đã thấm vào chị, như mạch nước nguồn trong mát của quê hương không bao giờ vơi cạn.

 

Do nhiều yếu tố khách quan, người Thái ở Việt Nam có đến 8 hệ chữ khác nhau, bởi vậy việc tìm hiểu kho tàng văn hóa vô giá của tổ tiên để lại gặp nhiều khó khăn. Số người biết chữ ngày một ít đi. Kho tri thức quí báu ấy ngày có nguy cơ mai một. Chưa nói rằng, trước sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của xã hội. Một vấn đề lớn đặt ra là phải có một bộ chữ thống nhất được đưa vào giảng dạy, nhất là phải được số hóa, tạo điều kiện cho lớp trẻ và cộng đồng quốc tế dễ dàng tìm kiếm bằng các thủ pháp kỹ thuật công nghệ thông tin. Chính vì vậy ngay từ khi còn công tác ở trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Sơn La chị luôn trăn trở với việc xây dựng một bộ chữ chung và số hóa được bộ chữ đó. Nhưng khi bắt tay vào công việc, chị mới thấy có quá nhiều trở ngại, mà trước hết bộ chữ ấy phải đáp ứng được yêu cầu dân tộc và hiện đại, được người Thái ở các vùng miền và quốc tế thừa nhận. Thế là chị không quản ngày đêm, thử nghiệm, so sánh, cải tiến đưa 65/72 mẫu ký tự mã hóa vào Unicode. Chị vui lắm, bởi qua  bộ font chữ cái do chị cải tiến và số hóa này đã được lựa chọn đại diện cho ngôn ngữ của cộng đồng người Thái ở Việt Nam và được nhóm kỹ thuật Unicode chọn và cấp mã nguồn. Người Thái ở khắp các tỉnh đều điện về và trực tiếp đến xin chị font chữ về sử dụng và đều rất khâm phục vì hiệu quả cao.

 

Không thể kể hết được công sức của chị khi bắt tay nghiên cứu công trình này từ đầu những năm 90 và được thông qua từ năm 2005. Song chị không muốn nói về mình, chị thầm lặng cho ra đời nhiều đứa con tinh thần được cộng đồng người Thái và nhân dân các dân tộc nâng niu, đón nhận, đó là những áng văn, thơ, tục ngữ ca dao, những pho sử nổi tiếng của dân tộc Thái: “Tiễn dặn người yêu”, “Tục ngữ, ca dao Thái”, “Tâm tình tiếc thương”, “Tâm tình trêu ghẹo yêu thương”… Chương trình dạy chữ Thái của chị cùng nhóm nghiên cứu đã được triển khai trong trường Cao đắng Sư phạm và toàn tỉnh.  

 

      

Tác giả bài viết cùng chị Lò Mai Cương tại Hội thảo bàn về việc

dạy và học chữ Thái lần thứ hai tại Lạng Sơn ngày 27 - 28.3.2010

 

Gần đây khi Đảng và Nhà nước có chủ trương đưa ngôn ngữ dân tộc vào giảng dạy trong nhà trường và dạy cho cán bộ, viên chức đang công tác ở vùng miền núi, dân tộc; và khi “Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái” (VTIK), thuộc Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi (CSDM) ra đời, chị như được chắp thêm đôi cánh.

 

Với cương vị là trưởng phòng bồi dưỡng, chị có thêm nhiều điều kiện để phát huy năng lực và ước nguyện của mình. Chị được giao nhiệm vụ phụ trách công việc bồi dưỡng tiếng và chữ Thái cho các trường dân tộc nội trú, học sinh, cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang… của 11 huyện thị.

 

Đặc biệt năm 2010 này chị tham gia nhiều mảng đề tài về chữ viết, phong tục tập quán, trang phục… trong đề tài nghiên cứu cấp tỉnh: “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do chính ủy viên trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng Nhân dân, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Thào Xuân Sùng là chủ nhiệm đề tài.

 

Khi tâm sự với tôi, chị không giấu nguyện vọng cháy bỏng của mình: “Anh ạ, chữ Thái được hồi sinh, nhiều người đã đọc thông viết thạo, em vui vô cùng, bởi đó là cánh cửa mở ra để kế thừa và phát huy những giá trị tinh thần tốt đẹp của cha ông.”. Hướng về phía trời xa, chị trầm ngâm: “Hiện nay Bảo tàng tỉnh Sơn La có đến 3.000 cuốn sách bằng chữ Thái cổ, nhưng kho tài sản vô giá ấy liệu có bền vững mãi trước sự tác động của thời gian. Em chỉ muốn được lãnh đạo các cấp quan tâm cho phép số hóa kho sách ấy để giữ lại cho muôn đời con cháu.”.

 

Tôi thật sự khâm phục tài năng, nghị lực, tâm huyết và thành công của chị. Dẫu biết rằng năm nay chị 48, cái tuổi đang độ chín. Phải chăng ước mơ cháy bỏng của người cha thân yêu năm nào, cùng khát vọng từ bao đời của dân tộc đã tiếp thêm ngọn lửa niềm tin và tình yêu văn hóa dân tộc và chắp cánh cho chị, để chị thực hiện được những tâm nguyện, hoài bão đẹp đẽ của mình với quê hương, với dân tộc.

 

 

Trần Vân Hạc

Địa chỉ: F.201 - Nhà.B4 - ngõ.189 - Thanh Nhàn

P. Quỳnh Lôi - Q. Hai Bà Trưng - Hà Nội

ĐT: 0917 331 683 - Email: vanhac.yenbai@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: