Nguyễn Thanh Hương sinh ra trong một gia đình có chín anh chị em, Hương là con út. Một điểm tương hợp quí là gia đình từ cha mẹ đến tất cả anh chị em đều yêu thích văn thơ. Cách thức yêu thơ văn của gia đình có nét riêng tư thú vị. Vào dịp Tết, đại gia đình ch thường tổ chức các cuộc thi câu đối và thi thơ. Thể cách thơ thường dùng là thơ cổ luật viết theo lối khoán thủ hay hạn từ và các cuộc thi này thường được bình luận, chấm giải đàng hoàng.
Nền nếp gia phong là vậy, những tưởng việc chọn nghề để sinh cơ lập nghiệp sẽ theo hướng vậy. Nhưng không, chỉ có một chị theo học môn Văn- Sư phạm, còn lại đều học kĩ thuật hay sư phạm Toán, Lý. Hương học khoa Đô thị trường Kiến trúc, rõ là một môn học gần như chỉ có tính kĩ thuật. Nhưng khi Hương vừa tốt nghiệp Đại học thì một tai nạn đã cướp đi cả hai chân. Và từ đó cuộc đời Hương gắn liền với chiếc xe lăn...
Chẳng cần phải tưởng tượng xa xôi nào: tuyệt vọng- thứ tiếng nói này hẳn đã vang trong lòng Hương bao nhiêu nhưng đi vào thơ chỉ có một đôi lần. “Và cứ thế, tuyệt vọng và bất lực”! Do điều kiện sức khỏe quãng ngày sau tai nạn, mối quan tâm tới văn thơ trước đây đến với Hương nhẹ nhàng một niềm yêu, như một cánh buồm xa xa mơ mộng thì bây giờ bỗng trở thành điểm nương thân mang khả năng giúp Hương chuyển tải thời gian, nuôi giữ lấy tình yêu cuộc sống.
Và hay đâu từ bao giờ, cái hệ câu chữ mang danh Bài Thơ dần được gọi ra theo ngòi bút, mở cho Hương một lối đi về an trú mới. Hương đã sống với hết thảy tình cảm của người thân, bạn bè và nhất là với những ai có chung niềm thích nơi an trú mang danh Bài thơ này. Tự nhiên, giản dị, thơ tìm đến bên Hương như cố nhân tìm lại nhau sau đoạn ngày dài buồn thương cách trở. Lắng trong nhịp sống thơ Hương vẫn thấm đượm đấy tiếng thở dài u uẩn nhưng sự trong lành, dịu bền, tươi mát, dí dỏm mới là nhịp điệu chủ đạo.
Cảm xúc thơ Hương dành nhiều cho những loài hoa. Và Hương thường ví mình với những loài hoa khiêm nhường nhất: “Anh giọt mưa rực rỡ sắc cầu vồng/ Em trọn sắc hoa mua trong đó” (Song đôi) ở Hoa xà cừ, bài lấy làm tên chung cho tập thơ, có đoạn: “Em muốn như hoa xà cừ/ Chùm hoa vàng chanh lặng lẽ/ Âm thầm nắng đọng chắt chiu/ những nốt nhạc ngân thật khẽ…”. Khi thơ Hương viết về loài hoa rực rỡ sắc hương hơn như hoa hồng, hoa sen thì trạng thái cảm xúc, ý tưởng được thể hiện khác hẳn: “Em khao khát nhiều mà đều tan vỡ/ Ôi hoa hồng xanh/ Hoa hồng xanh!” và như “Hồn anh – lá sen xòe mở/ nâng niu giọt nước mắt em”...
Hình như những gì to tát hơn, cao quí hơn Hương đều dành gắn kết với những hình bóng con người khác. Tình thơ ấy, vẻ ngoài dễ cho cảm giác về sự tự ti, mặc cảm do cái hoàn cảnh kia nó xui nên. Song không đơn giản vậy, trạng thái cảm xúc, ý niệm tinh thần thơ ấy sâu xa là do yếu tố nền tảng, nề nếp gia đình mà một người phụ nữ Hà Nội đã hấp thu được. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An mà!
Hy vọng thơ Hương sẽ còn tiếp tục gìn giữ được nét e ấp dịu bền của phẩm chất tinh thần cảm xúc đó. Sắc hương hoa xà cừ đã ngân lên thật khẽ, thật khẽ. Đó là loài hương sắc của riêng Hương, một cách hiện diện, thật tự hào, do chính Hương lựa chọn!
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi
(ĐT: 01693276294)
LBT: Ban đọc muốn chia sẻ, hay đọc toàn bộ tập thơ nói trên, xin liên hệ trực tiếp với tác giả: Nguyễn Thanh Hương qua địa chỉ email: salemtim258@yahoo.com.vn.
Lucbat.com xin chép tặng bạn đọc một bài thơ 6/8 có trong tập 'Hoa xà cừ' của Nguyễn Thanh Hương:
Ký ức
Nhớ căn gác nhỏ ngày xưa
Chiều xa cứ ngỡ như vừa chiều qua
Hồn tôi hút tiếng ghi-ta
Thoáng sang, chợt gặp mắt hòa trong nhau
Bên nhau chẳng nói một câu
Mà như nghe tiếng qua cầu gió bay...
Ai nhìn, ai biết, ai say?
Cung đàn sâu lắng ngất ngây bồi hồi
Bây giờ người đã xa xôi
Có còn nhớ đến mảnh đời xanh trong
Có nghe một chút xao lòng
Khi nghe lời hát 'dòng sông...' nao buồn*
Xa nhau còn chút vấn vương?
Mong người tìm được người thương... mong người...
Đừng buồn chuyện cũ người ơi
Chia tay, tôi tặng... Nụ cười ngày xưa!
N.T.H
_________
* Bài hát 'Dòng sông ai đã đặt tên'
của Trần Hữu Pháp.