Chủ nhật, 08/09/2024,


Nhà thơ Hồ Anh Tuấn ra mắt tập thơ lục bát “Tự tình với mùa thu” (25/03/2010) 

Một ngày đầu Xuân Canh Dần, Nhà thơ Hồ Anh Tuấn điện thoại bảo có quà cho tôi. Khi tôi tới nhà ông, vẫn phong thái tươi tắn cởi mở, ông tặng tôi tập thơ lục bát “Tự tình với mùa thu” do ông sáng tác, Nhà Xuất bản Văn hoá Dân tộc và Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành đầu năm 2010.

 

Món quà này làm tôi hết sức vui mừng. Vui mừng không chỉ bởi lẽ tôi là người yêu thơ lục bát mà còn bởi chính việc được nhận quà từ một nhà thơ có tiếng với số lượng lớn tác phẩm và giải thưởng. Đặc biệt sự vui mừng còn ở chỗ thơ lục bát của ông đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người đọc và tình yêu của ông dành cho thể thơ truyền thống của dân tộc chưa bao giờ phai nhạt.

 

Nhà thơ Hồ Anh Tuấn sinh ra và lớn lên tại Vinh (Nghệ An) trong một gia đình có truyền thống văn hoá, văn nghệ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, ông trở thành giáo viên dạy văn. Hơn 40 năm công tác, ông đã kinh qua các chức vụ Hiệu trưởng Trường Cấp 3, Trưởng phòng Giáo dục, Phó chủ tịch huyện rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng. Sau khi nghỉ hưu, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ giáo chức Hải Phòng. Cho tới nay ông đã xuất bản được 9 tập thơ, truyện và đạt nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật.

 

Trở lại tập thơ lục bát “Tự tình với mùa thu” cuả nhà thơ Hồ Anh Tuấn, tập thơ gồm 64 bài được in ấn, trình bày đẹp, chia 4 phần: Tự tình I: Tôi mang cả một cơn giông.- Gồm 16 bài nói về tình yêu. Tự tình II: Mưa xuân như có bùa mê. - Gồm 10 bài nói về mùa xuân và hoa. Tự tình III: Chợ chiều - Nhớ cha. - Gồm 10 bài nói về cha mẹ. Tự tình IV: Cuộc đời như một cuộc cờ. - Gồm 28 bài viết về cuộc đời...

 

Tự tình nào cũng có những câu thơ hay được chắt lọc, gây ấn tượng cho người đọc. Có thể kể ra như:

Tôi mang cả một cơn giông

Về lay ngọn cỏ cánh đồng phía em

(Tôi mang cả một cơn giông - Tự tình I)

 

Tay cầm chớ lỏng em ơi

Và trái tim hãy nói lời như xưa.

(Em về Thác Bạc - Tự tình I)

 

Mùa xuân như một cuộc chơi

Sắc hương mấy giọt chưa mời đã say.

(Mùa xuân như gái chưa chồng - Tự tình II)

 

Mưa xuân như có bùa mê

Cho trời gặp đất em về gặp anh

(Mưa xuân như có bùa mê - Tự tình II)

 

Chẳng mong cho lắm xa vời

Trăm năm con sống trong lời mẹ ru.

(Ru con bốn mùa - Tự tình III)

 

Cuộc đời như một cuộc cờ

Ra quân - Tính nước - Về nhờ am mây.

(Ngày xuân thăm đền Trạng Trình - Tự tình IV)

 

Điều đáng kể là không phải đến bây giờ nhà thơ Hồ Anh Tuấn mới thể hiện một tinh thần lao động sáng tạo nghiêm túc. Mà từ nhiều năm trước ông đã dụng ý sáng tạo trong mỗi sáng tác của mình. Có những bài thơ lục bát đã để lại trong lòng người yêu thơ dấu ấn sâu sắc như bài Ra sông giặt áo cho chồng đã được bạn đọc báo Điện tử Tổ quốc (Bộ Văn hoá – Thông tin) bình chọn trong năm 2008 là một trong 99 bài thơ lục bát tiêu biểu của thế kỷ 20.  Chúng ta thử lướt qua một số đánh giá của các nhà thơ, nhà văn để thêm hiểu về thơ ông:

 

'Từ đề tài tình yêu muôn thuở đến đề tài cuộc sống hôm nay, từ cái riêng đến cái chung, từ vùng đất quê hương đến vùng đất khác... thơ Hồ Anh Tuấn mở rộng ra nhiều chiều kích khác nhau. Đọc thơ Hồ Anh Tuấn tôi thấy có nhiều câu thơ hay. Anh nói tới mưa xuân, rất lạ: Mưa xuân như có bùa mê/ Cho trời gặp đất, em về gặp anh/ Nhớ thương vắt kiệt trời xanh/ Giọt buồn thấm cỏ, ngọt lành lên môi. Bài ra sông giặt áo cho chồng là một bài thơ hay. Tác giả nói về người vợ có chồng là bộ đội, sau chiến tranh, chị ra sông giặt áo. Đề tài này thật khó viết. Anh dùng thể loại lục bát để chuyển tải nội dung ... Ở đoạn kết bài thơ có những câu hay, nhói, in đậm trong trí nhớ của người đọc: Ra sông giặt áo cho chồng/ Vắt vai cả một dòng sông mang về. Hồ Anh Tuấn rất nhuần nhuyễn trong thể loại thơ lục bát'.

                                                 (Văn nghệ quân đội số 580 tháng 8 năm 2003)

                                                           Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu

                                                      Phó Chủ tịch Hội đồng thơ Hội NVVN

 

'Hồ Anh Tuấn xuất thân là một thầy giáo, chắc chắn anh đã nghiền ngẫm, đã giảng dạy khúc 'Chinh phụ ngâm'. Ra sông giặt áo cho chồng, thời gian vò rối bòng bong tay người ẩn hiện tâm tình của áng thơ xưa. Nhưng người từng là chinh phụ này không phải là giới quý tộc mà là của cả khối dân gian rộng lớn ở quê hương Việt Nam ta thời hiện đại: Súng gươm một trận khóc cười/ Gái quê buồn thả sông trôi se lòng.

 

Rất rõ ràng mà vẫn rất kín đáo, câu tám chữ phải nói là hay một cách thấm thía, có sức ngân trong nội cảm người đọc. Bài thơ khép lại bằng một hình ảnh sung mãn về bút pháp: Vắt vai cả một dòng sông mang về.

 

Thường giặt áo xong người ta vắt áo lên vai mang về nhưng tác giả lại viết thế để làm rõ lên dòng sông mênh mang, dòng sông của nhẫn nại, thương yêu, thuỷ chung trong trái tim người vợ, người phụ nữ Việt Nam yêu quý của chúng ta'.

                                                   (Lời bình bài thơ 'Ra sông giặt áo cho chồng')

                                                      Báo Văn nghệ số 46 ngày 15/11/2003

                                                                    Nhà thơ Trúc Thông

                                                           Phó Chủ tịch Hội đồng thơ Hội NVVN

 

'Đọc thơ Hồ Anh Tuấn ta thấy anh không bị cảm xúc cuốn đi với sự dễ dãi. Dù một bài thơ, đoạn thơ hay một câu, một chữ ta đều thấy được sự tìm tòi hướng tới cái mới cả trong ý tứ và hình ảnh. Anh không chịu dừng lại, không chịu bằng lòng với cách nghĩ lười nhác, anh nghĩ đến từng chữ, từng ý, từng hình ảnh hay liên tưởng.

 

Hồ Anh Tuấn có một cách đặt tên bài thơ khá độc đáo: Mùa xuân như gái chưa chồng, Mưa xuân như có bùa mê, lênh đênh thiên địa con thuyền, nghiến răng tôi tiễn cha lên thiên đường, tôi mang cả một cơn giông, tôi mua cả đất lẫn trời...

 

Tôi thích cách đặt tên của anh: rất gợi nhưng cũng rất dung dị, không màu mè lên gân mà rất đời, rất thơ'.

                                            (Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam - Số tháng 5/2003)

                                                             Nhà văn Vũ Quốc Văn

 

'Hồ Anh Tuấn là người làm thơ cẩn thận , chỉn chu từng câu, từng chữ. Những bài thơ lục bát của anh nhuần nhuyễn, có tính truyền thống, nhưng anh cũng là người chịu tìm tòi, cách tân trong cách nghĩ, cách viết để thơ luôn đổi mới về hình thức, nội dung'.

                                                (Báo Văn nghệ số 15 ngày 14/4/2007)

                                                           Nguyễn Long Khánh

                                                      Nhà văn, Nhà biên kịch điện ảnh

 

Nhà thơ Hồ Anh Tuấn đã gặp hái được nhiều thành công trên con đường thi ca. Để có được sự thành công, ngoài yếu tố năng khiếu, sự kiên trì khổ luyện còn đòi hỏi sự đam mê... Ở đây tôi chỉ xin nói đến tình yêu của nhà thơ Hồ Anh Tuấn dành cho thơ lục bát. Có lần ông đã nói với tôi về sự ảnh hưởng của quê hương, gia đình đến sự nghiệp thơ ca của ông. Chính những lời ru của mẹ, những làn điệu dân ca xứ Nghệ đã gieo vào tâm hồn ông tình yêu thơ ca để rồi khi lớn lên trải qua bao năm tháng kiên trì tìm tòi, sáng tạo ông đã trở thành nhà thơ được nhiều người yêu mến. Tôi còn nhớ như in, khi tôi kể với ông về hoạt động của lucbat.com, ông rất hồ hởi gửi bài tham gia mục giới thiệu tác giả, tác phẩm... Phải là người yêu thơ lục bát đến thế nào mới có được những câu thơ hay đến vậy. Chắc có bạn đọc sẽ nêu ý kiến: Tại sao đang mùa xuân lại đi 'Tự tình với mùa thu'? Xin thưa nhà thơ Hồ Anh Tuấn đã bước sang tuổi mùa thu của cuộc đời. Cái tuổi mà người ta đã có đủ độ chín và bản lĩnh để đánh giá, chiêm nghiệm đầy đủ, chính xác về cuộc đời, về năm tháng đã qua. Với tập thơ thuần lục bát này ông cho chúng ta thấy tình yêu của ông dành cho thơ lục bát vẫn luôn cháy bỏng.

 

            Cầm tập thơ lục bát “Tự tình với mùa thu” của nhà thơ Hồ Anh Tuấn trên tay, bất chợt tôi thấy lắc rắc mưa xuân, mơm mởn sắc hồng của hoa đào và ngọn gió như ru như lay nơi 'cánh đồng phía em'... Đó là cảm giác của mùa xuân thiên nhiên vừa tới và cũng là cảm giác của mùa xuân cuộc đời trong thơ ông. Xin cảm ơn nhà thơ Hồ Anh Tuấn vể tập thơ “Tự tình với mùa thu”. Chúc ông ngày càng thêm vui khoẻ và để cho đời thêm nhiều áng thơ hay.

 

Đinh Thường

Câu lạc bộ thơ

Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt - Tiệp thành phố Hải Phòng

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: