Nhà thơ Trương Nam Hương được biết đến như một người có duyên với các giải thưởng thơ lớn từ những năm 1990. Anh cũng lại là người luôn quan tâm và gắn bó nhiệt tâm với những cây viết trẻ.
Nhân dịp Trương Nam Hương vừa ra mắt bạn đọc tập thơ dịch”Ngẫu hứng Đường thi”, chúng tôi có cuộc trò truyện với anh về văn thơ hôm qua và hôm nay. Khi được hỏi: muốn nói điều gì với những cây viết trẻ hôm nay? Nhà thơ Trương Nam Hương không ngần ngại, trả lời: 'Hãy viết những gì tâm đắc và đừng bao giờ dối trá với ngòi bút của mình'.
Nhà thơ Trương Nam Hương ( đứng tứ 4 từ trái qua) và các đại biểu
UBND TP.HCM và Hội Nhà văn TP. HCM trong Ngày thơ Việt Nam - 2008.
- Trước hết là về tập “Ngẫu hứng Đường thi” của anh. Vì sao anh lại có ý tưởng dịch lại những bài thơ Đường rất nổi tiếng, mà trước đó cũng đã có nhiều người nổi tiếng dịch?
Đã từ lâu tôi đã có ý định dịch lại những bài thơ Đường mình yêu thích. Tôi hiểu đây là một công việc hết sức khó nhọc, đòi hỏi thời gian và rất nhiều công sức. Trước tôi, nhiều bậc túc nho, thi sĩ đã dịch rồi. Tất cả các dịch giả đều mong mỏi đem đến cho bạn đọc những bản dịch tốt nhất và bạn đọc cũng mong có thêm nhiều bản dịch để thưởng thức, lựa chọn. Học giả Nguyễn Hiến Lê từng viết:” Dịch và nghiên cứu một cái gì đó cũng là một cách học”. Vâng! Tôi cũng chọn phương pháp này để “học”.
- Anh có sợ mình sẽ là cái “bóng” và sự lặp lại của những người dịch trước ở những bài dịch của anh? “Ngẫu hứng Đường thi” của anh có gì mới, có gì lạ so với trước?
Tôi luôn trân trọng những bản dịch của các bậc tiền nhân, tôi hiểu phần nào những khó khăn của họ trong quá trình dịch. Vì lẽ đó, tôi và nhiều người khác nữa cũng muốn tham gia giải quyết tiếp những khó khăn không bao giờ hết ấy bằng những cách tiếp cận mới, khám phá riêng, thể hiện khác. Tôi cố gắng phả vào bản dịch của mình thật nhiều chất thơ. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi cố gắng cũng đều thành công.
- Anh có hài lòng với các bản dịch của anh?
Tôi tạm hài lòng, ít ra tới trước khi máy in khởi động. Sau này nếu tái bản, tôi vẫn có thể sửa thêm vài chữ, vài câu nữa.
- Anh đã từng là “hiện tượng” vào những năm 1990 trong số các nhà thơ trẻ với một lọat các tập thơ được giải thưởng văn học danh giá của Việt Nam, nhưng khỏang mấy năm trở lại đây thấy anh ít xuất hiện.Anh đang dành sức cho một tác phẩm mới “hòanh tráng” hay “nàng thơ” trong anh không còn như xưa?
Với tôi, công việc sáng tạo chẳng lúc nào dễ dàng cả. Càng viết càng thấy khó, càng phải vượt lên. Có lúc viết xong muốn công bố tác phẩm ngay, có lúc lại muốn chỉ để đọc riêng mình. Bây giờ tôi bắt tay vào dịch thơ Đường là muốn nhìn lại mình một chút, nghiền ngẫm thơ một chút. Sự im lặng dồn nén đầy ý thức đó cũng nằm trong quy trình sáng tạo của tôi.
- Quê nội ở Huế, quê ngọai ở Bắc Ninh, sinh ra lớn lên ở Hà Nội, trưởng thành ở TP.HCM, tất cả những điều đó ảnh hưởng đến thơ của anh như thế nào?
Không thể nói rành mạch là những vùng đất ấy đã ảnh hưởng thế nào trong thơ tôi. Nhưng có một điều tôi cảm nhận rõ nét nhất, bản sắc văn hóa, tâm linh mỗi miền đất đã bồi đắp tâm hồn tôi.
- Thơ hôm nay có người ví “như rau ngòai chợ”. Có phải là thơ đã “mất giá” hay quá “phổ thông” nên những gì gọi là sự cao quí, thánh thiện của nghệ thuật thi ca đã bị tầm thường hóa bởi kiểu “nhà nhà, người người làm thơ”?
Sáng tác thơ không là độc quyền của riêng ai cả, nên tôi không băn khoăn lắm khi thấy “nhà nhà, người người làm thơ”. Thơ phản ánh, giải mã số phận mỗi người, mỗi thời đại, nói rộng hơn là số phận khát vọng của dân tộc. Hãy tôn trọng quyền tự do làm thơ của mỗi người và đó cũng là sự dân chủ của thơ. Càng nhiều phong cách, nhiều cá tính sáng tạo càng có lợi cho người đọc trong việc lựa chọn, tiếp nhận. Mỗi bài thơ mang những giá trị khác nhau. Sự “mất giá” nếu có sẽ mang tính cục bộ với từng bài, từng tác giả. Đây là lúc “thị trường thơ” cạnh tranh quyết liệt nhất, sòng phẳng nhất, và tôi nghĩ, cũng lành mạnh nhất.
- Theo anh, thơ của anh có vị trí như thế nào trong dòng văn học Việt Nam đương đại nói chung, và trong bạn đọc yêu thơ nói riêng?
Tôi chưa bao giờ nghĩ thơ mình có vị trí như thế nào trong dòng văn học Việt Nam, nhưng tôi tự hào thơ tôi hòa cùng dòng chảy văn học Việt. Còn như thơ tôi đối với công chúng, tôi thiết nghĩ ai cũng có những tri âm, tri âm thấy mặt và không thấy mặt, đôi khi tự dưng bắt gặp ở đâu đó có bài thơ mình, thế có nghĩa là thơ của tôi có tri âm.
- Có rất nhiều cuộc tranh luận về thơ, vậy theo anh là một nhà thơ, anh nghĩ về khái niệm “thơ già”- “thơ trẻ”, có hay không? Có phải “trẻ” là phải phá cách, phải đổi mới, phải thay đổi tất cả những gì đã có?
Đã là thơ thì không có khái niệm “thơ già, thơ trẻ”.Thơ là tiếng nói tâm hồn,tiếng nói từ trái tim. Mà tâm hồn “già” thì sao còn cảm xúc để làm thơ. Thơ “trẻ” ở đây, phải nói chính xác là thơ của người trẻ, của những người thế hệ 7X, 8X, 9X…. Người trẻ là người hiếu động, thích khám phá,thích mới mẻ, không ưa những gì xưa cũ, nhàm chán trong cách nghĩ của họ, cái nhìn của họ, nhưng khi làm thơ, là nói lên những rung cảm từ tâm hồn, trái tim, họ có cách thể hiện riêng của mình để có những “tri âm” của thế hệ mình. Tôi không cho là thơ của người trẻ phá cách, đổi mới, thay đổi tất cả những gì đã có. Đó là cách nhìn phiến diện và không hiểu gì người trẻ.
- Anh là người rất tâm huyết với văn thơ trẻ, đứng ở vai trò là nhà thơ thế hệ trước- đã từng một thời trẻ, anh muốn nói điều gì với những cây viết trẻ hôm nay?
Hãy viết những gì tâm đắc và đừng bao giờ dối trá với ngòi bút của mình.
Một năm mới bắt đầu, cảm ơn nhà thơ Trương Nam Hương đã trò chuyện với bạn đọc. Chúc Anh một năm mới nhiều hạnh phúc và có thêm nhiều cảm xúc để sáng tạo nên những vần thơ đẹp đến với bạn thơ tri âm./
Hoài Hương
(ĐT: 0989690760)