Thứ tư, 30/10/2024,


'Người anh đi bộ đội' nhớ tác giả 'Màu tím hoa sim' (22/03/2010) 

Cuộc trò chuyện với Trung tướng Hồng Cư, người có mối quan hệ sâu sắc với cố nhà thơ Hữu Loan, liên tục bị gián đoạn vì những hồi ức xúc động.

Trung Tướng Hồng Cư chính là một trong ba người anh, là anh trai của nhân vật 'nàng' được nhắc đến trong bài thơ ’Màu tím hoa sim’. Và trong buổi chiều tiễn đưa nhà thơ Hữu Loan về nơi an nghỉ cuối cùng, ông đã ôn lại những kỷ niệm về tác giả, về một thời đã đi vào quá khứ với VietNamNet. Hơn ai hết, Trung tướng Hồng Cư thuộc nằm lòng bài thơ 'Hoa tím ngày xưa' dù giờ ông đã 85 tuổi.

'Tôi là người anh thứ hai của nhân vật nữ trong bài thơ ’Màu tím hoa sim’.
       Bài thơ bắt đầu bằng câu: 'Nàng có ba người anh đi bộ đội'. Ba người anh ấy là những ai? Người anh thứ nhất là Lê Đỗ Khôi, anh cả của chúng tôi, nguyên là chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312, hy sinh tại Điện Biên Phủ trước giờ chiến thắng đúng 5 tiếng đồng hồ.

Lúc đó quân ta đang tiến vào hầm Đờ-cát-tơ-ri. Anh tôi trong đội hình của 312 chiến đấu tại các cứ điểm dọc theo sông Nậm Rốm và bị thương. Sau đó anh trở ra phía sau thì gặp Chính uỷ Trung đoàn 165, cũng là người cuối cùng trông thấy anh tôi. Người ấy hiện vẫn đang còn sống, đó là Trung tướng Trần Quang Khánh. Ông có kể lại với tôi rằng anh tôi bị thương trong trận chiến đấu của ngọn đồi 506.

Nhưng đáng tiếc là khi trở ra, khi gần đến đồi Him Lam thì gặp đội oanh tạc của quân Pháp ném bom vào đội hình của những người chở thương binh. Vì thế về sau việc đi tìm thi thể của anh tôi rất khó. Nhưng cuối cùng Trung Đoàn 165 vẫn tìm được thi thể anh tôi và sau đó  đưa về nghĩa trang A1. Lúc đó tôi cũng chiến đấu ở Điện Biên Phủ và hai anh em hẹn nhau giờ chiến thắng sẽ gặp ở hầm Đờ-cát-tơ-ri.

Tôi đã chờ suốt cả đêm hôm đó nhưng không thấy anh tôi đến. Sáng hôm sau khi đi tìm Chính uỷ của Trung đoàn 165 thì mới được biết tin anh tôi đã mất. Kể từ khi thi thể của anh tôi được quy tập về Đồi A1,đúng 50 năm sau tôi mới có dịp về để thắp hương cho anh, vào dịp kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tôi là người anh thứ hai trong bài thơ. Tên khai sinh là Lê Đỗ Nguyên. Nhưng khi đi bộ đội, tôi ở tiểu đội Phạm Hồng Thái nên tất cả anh em trong tiểu đội đều đổi họ Phạm Hồng. Do vậy, tôi có cái tên thứ hai là Phạm Hồng Cư, cũng là cái tên thường dùng trong quân đội. Người anh thứ ba là Lê Đỗ An, sau này là Bí thư thường trực của TW Đoàn Thanh niên nên đổi tên là Nguyễn Tiên Phong, khi mất ông là Phó ban Dân vận TW.

Còn nhân vật 'Nàng' ở đây chính là em gái tôi: Lê Đỗ Thị Ninh. Em tôi là người thứ tư trong gia đình và đã mất trong khi ở khu sơ tán ở huyện Tĩnh Gia, thời Kháng chiến chống Pháp. 

Còn câu chuyện quan hệ với anh Hữu Loan thì trước hết, anh Hữu Loan là gia sư dạy chúng tôi khi ba anh em còn học ở Thanh Hoá. Anh Hữu Loan sinh năm 1916 đến nay mất là đã 95 tuổi. Anh Hữu Loan hơn anh tôi 8 tuổi, hơn tôi 10 tuổi và hơn em tôi 12 tuổi. Khi đó chúng tôi đang học Tiểu học mà anh Loan thì đã tốt nghiệp trung học và đi làm gia sư rồi. Ấn tượng trong tôi về anh, đó là một con người cương trực và yêu văn thơ. Chính anh ấy đã truyền cho tôi tình yêu văn học.

Cả ba anh em cùng ra trường Bưởi Hà Nội học trung học rồi tham gia CMT8 và Kháng chiến chống Pháp chứ không về nhà. Vì thế mới có đoạn thơ:
            'Một chiều rừng mưa
              Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
             Được tin em gái mất
             trước tin em lấy chồng
'.

Trong Kháng chiến chống Pháp, liên hệ giữa chúng tôi ở Việt Bắc, Đông Bắc và Khu 4 Thanh Hoá rất khó khăn. Suốt thời gian chống Pháp tôi cũng chỉ về nhà có một lần thôi. Đó cũng là lý do tôi không hề biết em tôi lấy chồng và cũng không hề biết em tôi đã mất cho tới tận năm 1949. Khi đó có một hội nghị của Bộ Quốc phòng triệu tập các Chính uỷ, Chính trị viên. Trong cuộc họp ấy tôi đã gặp anh Võ Trí Sơn, bạn của anh Hữu Loan và cũng là bạn của gia đình tôi.

Khi gặp tôi, anh Võ Trí Sơn mừng lắm vì hai người ngoài việc quen biết đã lâu còn có chung kỷ niệm về hoạt động tiền khởi nghĩa. Lúc đó anh nói với tôi rằng: 'Cô Ninh đã mất rồi'! Tôi bàng hoàng hỏi: 'Mất thế nào?' Anh Sơn bảo: 'Cô Ninh đã lấy Hữu Loan và giống như câu chuyện trong 'Màu tím hoa sim'. Vì thế tôi biết em gái tôi mất trước khi biết tin em lấy chồng.

Có thể nói bài thơ ấy hoàn toàn chân thực. Nó là lời thốt lên từ trái tim của một người đau khổ. Hoàn toàn đúng sự thật.

Những kỷ niệm của tôi cũng quy tụ quanh bài thơ 'Màu tím hoa sim' và đặc biệt là hai đoạn thơ tôi vừa kể.

Đến hôm nay, nghe tin Hữu Loan đã mất, tuy rằng lấy em gái tôi nhưng tôi vẫn gọi Hữu Loan bằng Anh. Không chỉ bởi Hữu Loan hơn tôi 10 tuổi mà còn làm cho tôi có những kỷ niệm sâu sắc về một con người cương trực, có bản lĩnh và rất yêu văn học. Đó là người từng giúp tôi có những cảm hứng, có những cảm nhận và biết cái hay, cái đẹp của những vần thơ.

Bây giờ Hữu Loan đã mất, tôi không về đưa tang được... Nhưng tôi nghĩ rằng Hữu Loan sẽ sống mãi với bài thơ.

Theo Hạnh Phương (Vietnamnet)

 

 

CHÙM ẢNH LỄ TANG CỐ NHÀ THƠ HỮU LOAN

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phan Liên Khê - hongtham0709@gmail.com - 098 651 4507 - 242 A Đội Cung, P9, Q11, tp HCM  (Ngày 24/03/2010 12:26:25 PM)

Thương nhớ cụ Tú Loan Tưởng nhớ nhà thơ Hữu Loan, tác giả “Màu tím hoa sim”

 Bâng khuâng thương cụ Tú Loan,
Trông về núi đá Vân Hoàn nắng mưa.
Âm thầm về với người xưa,
Hoa sim tím ngắt tiễn đưa, một chiều.

Ơi người chứa chất thương yêu,
Trái tim rỏ máu đã nhiều tháng năm.
Đời sao lắm nỗi nhọc nhằn,
Gò lưng chở đá, kiếm ăn qua ngày?

Vợ con, cháu chắt sum vầy
Câu thơ, bầu rượu giãi bày tâm can.
Yên Mô, Hoa lúa chứa chan
Đây Đèo Cả, Những xóm làng đi qua…

Một thời máu lửa đã xa
Câu thơ trẻ mãi không già, Người ơi!

Các bài khác: