Thứ bảy, 18/05/2024,


Gặp lại “nàng thơ tuổi 92” của Yến Lan (19/03/2010) 

       Mười ba năm trước, cũng trong ngôi nhà bên cửa Đông thành Đồ Bàn ở huyện An Nhơn tỉnh Bình Định, cậu sinh viên là tôi lần đầu được gặp tác giả Bến My Lăng. Những ngày đầu tháng 3/2010, tôi trở lại ngôi nhà ấy lần thứ hai, nhà thơ Yến Lan đã về cõi vĩnh hằng tròn một con giáp. Nhưng ông vẫn còn mãi trong trí nhớ người yêu thơ và đặc biệt là trong trí nhớ người bạn đời của ông nay đã ngoài 90 tuổi.

     1. Cụ bà Nguyễn Thị Lan đang nằm trên giường bệnh. Nhưng khi thấy khách đến thăm gian phòng lưu niệm chồng mình, bà ngồi hẳn dậy và chống gậy tiếp đón. Trong phòng lưu niệm đó, một không gian thơ và những kỷ vật của Yến Lan được lưu giữ cẩn trọng, gọn gàng. Trong số các kỷ vật đó, có một bức tranh của tác giả Tây tiến, Đôi mắt người Sơn Tây - nhà thơ Quang Dũng vẽ tặng Yến Lan. Nay bức tranh tuy có thủng vài lỗ cùng với thời gian, song vẫn còn khá nguyên vẹn. 

      Thăm gian lưu niệm khiêm tốn của Yến Lan, có cảm giác một thời đại trong thi ca hiện về ở mảnh đất này. Bắt đầu từ nén hương trên bàn thờ Yến Lan, khói tỏa về quá khứ, thấy nhóm “Bàn thành tứ hữu” đang đàm luận văn thơ bên thành xưa quách cũ. Những Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan đang kề nhau góp phần làm nên một thời huy hoàng của thơ Việt.

      Đóng góp của nhóm “Bàn thành tứ hữu” mỗi người mỗi khác, riêng Yến Lan, thành tựu của ông về mãi sau này không thể thiếu bóng dáng của người bạn đời Nguyễn Thị Lan. Cũng xin nhắc lại, bút danh Yến Lan lấy từ tên hai cô gái là bạn thân của nhau. Hai cô nguyện lớn lên sẽ... lấy chung một người chồng. Đó là một điều ước “lạ kỳ” thể hiện tình thân của hai thiếu nữ. Nhưng cuộc đời tất nhiên không thể như nguyện ước đó. Cô Nguyễn Thị Lan trở thành vợ của Lâm Thanh Lang, chàng trai này đã dùng bút danh Yến Lan nhằm ghi dấu tình bạn đẹp của hai cô gái. Và bút danh Yến Lan có từ đó.

      2. Nhiều bạn văn vong niên của Yến Lan thán phục rằng: mối tình chồng vợ của nhà thơ Yến Lan đẹp hơn mọi bài thơ. Vì rằng, sau những sóng gió cuộc đời, ở tuổi xưa nay hiếm đến lúc tàn hơi, ông và bà vẫn “tương kính như tân”, vẫn như thuở ban đầu.

      Với cụ Nguyễn Thị Lan, bây giờ và 13 năm trước, tôi vẫn một ấn tượng về bà, ấy là tình yêu dành cho chồng và thơ của chồng không hề suy giảm.

       13 năm trước, khi nhà thơ Yến Lan đã sức yếu lực kiệt, chính bà Lan là người giúp chồng chép lại những bài thơ ông sáng tác trong đầu, vì tay ông run không cầm được bút. Có thể nói, bà Lan thuộc thơ chồng còn hơn cả tác giả. Nhiều người nhận xét rằng Yến Lan là một trong số ít nhà thơ vẫn đầy sáng tạo dù cao tuổi. Càng lớn tuổi, thơ Yến Lan càng có nhiều người nhớ, nhất là thơ tứ tuyệt. Phải chăng ở thể thơ này, giống như tình cảm trân quý nhau của hai mái đầu từ xanh sang bạc của vợ chồng Yến Lan, càng tiết kiệm lời càng chuyển tải nhiều thông điệp tin yêu nhau, nhất là tin yêu cuộc sống này.


Một góc gian lưu niệm Yến Lan

      Ở tuổi 92, cụ bà Nguyễn Thị Lan đang mong ước được xuất bản một tập di cảo thơ Yến Lan do bà biên soạn sau ngày ông mất. 

      Tôi tự hỏi, có phải vợ của nhà thơ Yến Lan là một hình mẫu của người phụ nữ Việt - chịu thiệt thòi tất cả vì chồng con - giữa thời nhiều giá trị gia đình cao đẹp đang biến mất? Chỉ biết rằng, nhờ nhiều cống hiến lặng lẽ của bà cho gia đình, mới có một nhà thơ Yến Lan - không chỉ đóng góp trong “Thi nhân Việt Nam” - mà còn mãi về sau, được đồng nghiệp yêu quý cả về tác phẩm lẫn nhân cách sống.

Theo Trần Hoàng Nhân (TT&VH)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: