Thứ hai, 02/12/2024,


Thế Lữ - một khách tình si (10/03/2010) 

Mỗi nhà nghiên cứu có một thế mạnh riêng của ngòi bút. Có người giỏi về khái quát lý luận. Có người chuyên sưu tầm và tổng quan tài liệu. Lại có người thiên về năng lực cảm thụ nghệ thuật, phân tích bút pháp của người sáng tác.

 

Vu Gia là nhà văn, từng viết truyện ngắn, tiểu thuyết, làm thơ, ông thừa sức đi vào chuyện hình thức, chữ nghĩa, bếp núc của văn chương. Nhưng theo đuổi việc thực hiện bộ sách về Tự Lực văn đoàn gần 20 năm nay, Vu Gia chủ yếu muốn soi sáng sự nghiệp của các nhà văn này từ cảm quan lịch sử về bối cảnh hoạt động của họ, trên cơ sở đó mà khám phá, đính chính và góp phần giải quyết những tồn nghi trong văn học sử.

 

Thế Lữ - một khách tình si là công trình biên khảo văn học thứ chín của Vu Gia, dành cho một thành viên đa tài của Tự Lực văn đoàn (nhà thơ, nhà tiểu thuyết, dịch giả, nhà hoạt động sân khấu) mà cũng là người mở đường của phong trào Thơ Mới. 

Kinh nghiệm thực hiện tám cuốn sách trước được Vu Gia rút tỉa và áp dụng thành thạo trong cuốn sách này. Để có 733 trang viết về Thế Lữ, Vu Gia đã dành gần hai năm lục lọi trong các thư viện Bắc Nam, đi điền dã đến tận những nơi có liên quan với tác giả và tác phẩm để tìm hiểu, xác minh tư liệu. Ông về nhà thờ tổ họ Nguyễn ở xóm Tự, làng Phù Đổng, trước thuộc Bắc Ninh, nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội, để truy tìm gốc tích, dòng họ của nhà văn.
 

Ông đến Hải Phòng tìm hiểu những địa danh lưu lại trong tiểu sử và trang văn Thế Lữ. Đó là ngõ Nghè, nơi có đền Nghè thờ Bà Lê Chân cùng ngôi trường lúc nhà thơ học lớp đồng ấu. Là đường Thiên Lôi trong một khu xóm ven biển đã gợi ý cho tác phẩm Bên đường Thiên Lôi. Là chùa Hang ở Đồ Sơn, gần ngôi nhà lá nơi nhà văn dưỡng bệnh thời gian bị lao phổi, đã gợi trí tưởng tượng cho ông viết truyện Hang thần, sau đổi thành Vàng và máu…

Qua cuốn sách này, lần đầu tiên những chi tiết cụ thể về gia đình, hôn nhân, những ngả rẽ trong cuộc đời Thế Lữ được công bố. Là người lữ khách vướng vào “nòi tình”, ông từng bị rút phép thông công vì bỏ bê gia đình để sống với nghệ sĩ Song Kim. Vu Gia không biện hộ cho Thế Lữ, nhưng cũng cho thấy đó còn là cái duyên với sân khấu.

Cho đến nay, có lẽ Vu Gia là người lập được một niên biểu đầy đủ nhất về Thế Lữ. Có thể nói tác giả cuốn sách này đã vận dụng một phương pháp tiểu sử triệt để nhất để cắt nghĩa thế giới sáng tạo của Thế Lữ.

Bên trong nhà nghiên cứu Vu Gia luôn hiện diện một nhà phê bình và một nhà báo bức xúc với những vấn đề xã hội. Đã thành phong cách của Vu Gia là giọng tường thuật và tranh biện nồng nhiệt trong văn nghị luận. Bạn đọc có thể đôi lúc cảm thấy nặng nề với những trang tư liệu ngồn ngộn của cuốn sách. Bù lại, tác giả dẫn dắt ta một cách khéo léo và bắt ta theo cùng ông qua hết 12 chương sách với những tiêu đề được rút ra từ thơ Thế Lữ: Non nước đang chờ gót lãng du; Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ; Trọn đời làm kẻ đưa thuyền khách; Đường trần xuôi ngược để vui chơi…

Trong chương cuối, nói về thơ Thế Lữ, Vu Gia viết: “Thế Lữ đưa ta đến một thế giới của thi ca, nhạc, hoạ, của tiên nữ, suối reo, chim hót… Có những bài thơ, những câu thơ của Thế Lữ đi vào lòng người, mê hoặc, ám ảnh người đọc, buộc người đọc có lúc phải tìm đến như tìm tri âm, tri kỷ” (tr. 716). Khi đặt tên cho con, bà mẹ Thế Lữ muốn ông như một “của lễ” để dâng cho Chúa. Cuốn sách Vu Gia chứng minh rằng cuộc đời đa đoan với những sáng tạo đa dạng của Thế Lữ còn là một “của lễ” dâng cho Thơ ca, cho Văn chương và Nghệ thuật.

 

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

(Nguồn: Báo Người Lao Động)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: