Thứ bảy, 18/05/2024,


Thơ trẻ và tình thần lục bát mới (06/03/2010) 

Lục bát - thể thơ độc đáo của dân tộc đã tồn tại, đã mang trong mình cái sâu lắng của người Việt tự ngàn đời. Thế nhưng lục bát dường như đang dần co lại; mật độ và phạm vi xuất hiện cứ thưa dần, nhất là trong thơ trẻ hiện nay. Vietimes đã có cuộc trò chuyện với một số cây viết trẻ của khoa Viết Văn trường ĐH Văn Hoá Hà Nội về quan điểm của họ với thể thơ được tôn vinh là 'thể thơ dân tộc' này.

   

Lữ Thị Mai

PV: Hoàng Chiến Thắng, Đoàn Văn Mật, Lữ Thị Mai đều là những là những cây viết trẻ, có triển vọng của khoa Viết văn. Vậy trong cái nhìn của người làm thơ, các bạn nghĩ gì về Lục bát - thể thơ đang bị nhiều người coi là đã 'lên rêu', đã 'xếp kho' được rồi?

 

Đoàn Văn Mật (ĐVM): Tôi không nghĩ là thể thơ này đã hoàn thành xong sứ mệnh của mình, càng không nghĩ rằng thể thơ này đã “rêu mốc” đã “xếp kho” như nhiều người nói. Trên các trang thơ, trong các tuyển tập thơ tôi vẫn thấy thơ lục bát xuất hiện khá nhiều.

 

Lữ Thị Mai (LTM): Tôi cho rằng: mỗi một thể thơ đều mang cái tạng riêng và ở bất cứ thời điểm nào mỗi thể thơ đều có một lượng tác giả và độc giả nhất định. Thơ lục bát cũng thế, trong cuộc sống xô bồ cộng với sự hiện diện đa sắc của dàn thơ trẻ đương đại thì nhiều tác giả vẫn đắm đuối, vẫn tỏa sáng với thơ lục bát và thể thơ này cũng giành được khá nhiều sự đồng cảm chia sẻ phía từ độc giả nhiều thế hệ. Như vậy, lẽ nào lại khép thơ lục bát vào quan niệm “rêu mốc”, “xếp kho”?

 

Hoàng Chiến Thắng (HCT): Tôi nghĩ chưa hẳn đã thế, đúng là chúng ta rất hiếm khi bắt gặp những vần lục bát từ những người viết trẻ, nhất lại là những vần lục bát hay. Nhưng như thế không có nghĩa là không có.

 

PV: Hiếm khi bắt gặp những vần lục bát từ những người viết trẻ, phải chăng vì Lục bát không hợp với việc thể hiện những cảm xúc mới, suy nghĩ mới của những người viết trẻ?

 

LTM: Vấn đề không phải là hợp hay không mà tôi nghĩ điều đặt ra cho người viết trẻ là có khả năng chuyển tải được cảm xúc và suy nghĩ mới của mình vào lục bát hay không. Đọc thơ lục bát hiện nay, tôi lạc quan vì thấy nhiều tác giả đã làm được điều đó.

 

HCT: Người làm thơ cần có sự thăng hoa của cảm xúc để có những vần thơ đẹp. Và sự lựa chọn hình thức cổ điển hay hiện đại để thể hiện những cung bậc cảm xúc đó lại là chuyện hoàn toàn khác nhau. Khi đã có ý, có tứ của bài thơ thì cấu trúc bên trong sẽ tự lựa chọn một hình thức thể hiện phù hợp nhất.

 

PV: Vậy theo bạn, 'cách thể hiện trẻ' và Lục bát, cách nào có nhiều ưu điểm hơn đối với người viết trẻ?

 

HCT: Tôi nghĩ không nên so sánh vì mỗi hình thức nó có ưu điểm riêng và quan trọng hơn cả là nội dung của bài thơ, chính nội dung nó sẽ lựa chọn và quyết định hình thức thể hiện.

    

Đoàn Văn Mật

ĐVM: Trong sáng tạo văn chương tôi chỉ quan tâm đến từ “mới” chứ tôi không quan tâm đến từ “trẻ”. Cách thể hiện cũng vậy. Còn lục bát so với các thể thơ khác, thì tôi nghĩ cái gì cũng có những ưu điểm và nhược điểm của nó. Cách thể hiện trẻ như bạn nói, theo tôi hiểu nó có sự tích hợp của nhiều cách thể hiện và đương nhiên nó sẽ đa dạng hơn, chiếm ưu thế hơn.

 

LTM: Thật khó để so sánh. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn ủng hộ cách thể hiện trẻ hơn bởi nó chuyển tải được hơi thở của nhịp sống hiện đại vào thơ. Phản ánh hơi thở cuộc sống đương đại là một điều tất yếu và cấn thiết trong thơ ca.

 

PV: Nhịp sống hiện đại đang ngày một nhanh, nhiều lúc tưởng như quãng thời gian của một ngày là quá hẹp, vậy bạn có ngại vì việc gieo vần trong thơ Lục bát chiếm quá nhiều thời gian?

 

LTM: Thơ lục bát là thể thơ khá đặt biệt vì chịu sự chi phối nghiêm ngặt của luật gieo vần bằng trắc, song tôi không nghĩ rằng điều đó ảnh hưởng nhiều tới thời gian của người sáng tác bởi nếu người viết đã mất quá nhiều thời gian vì việc gieo vần thì cái mà họ viết ra đó không thể gọi là thơ, đó chỉ là sự gia công và sắp xếp ngôn từ.

 

ĐVM: Nhiều người nghĩ trở ngại lớn nhất của thơ lục bát là việc gieo vần. Có thể suy nghĩ này là đúng nhưng nói gieo vần trong thơ lục bát mất quá nhiều thời gian thì tôi cho rằng cách nhìn đó hoàn toàn sai. Làm thơ lục bát phải có sự nhuần nhuyễn từ cảm xúc đến suy nghĩ, hơn nữa lục bát là thể thơ biểu hiện rõ nhất chất tài hoa thiên phú của người làm thơ. Vì thế người làm thơ lục bát hay, vần điệu, câu chữ, chất thơ phải ăn vào trong máu anh ta và khi bắt gặp được sự thăng hoa của cảm xúc, anh ta cứ thế mà viết. Tôi nghĩ đấy nới là người giỏi lục bát và đấy mới có lục bát hay.

 

HCT: Dù là lục bát hay thể thơ khác thì bạn vẫn phải đầu tư thời gian kia mà, nên “ngại” không phải là vấn đề cản trở cho việc làm lục bát hay không.

 

PV: Với Đoàn Văn Mật, bạn đọc rất ấn tượng với tập “Giữa hai chiều thời gian” bởi cách thể hiện suy nghĩ, cảm xúc mới của anh. Nhưng trong tập thơ đó lại không có bóng dáng của Lục bát?

 

ĐVM: Tôi yêu thơ lục bát và trước đây thơ tôi làm chủ yếu là lục bát. Bây giờ thì tôi ít làm thơ lục bát hơn. Còn tập thơ, không có bóng dáng của bài thơ lục bát nào là do cách chọn của tôi. Đó là tập thơ gồm chủ yếu những bài tôi viết trong hai năm đầu tại Khoa Sáng tác Lý luận Phê bình văn học (Trường viết văn Nguyễn Du cũ). Khi vào đây học tôi bắt đầu đi tìm những thử nghiệm cho mình. Chính vì thế tôi không đưa thơ lục bát vào “Giữa hai chiều thời gian” mà sẽ đưa vào một tập thơ khác cho phù hợp với hơi thở của tập thơ hơn.

 

Hoàng Chiến Thắng

 PV: Lục bát có phải là lối đi quá khó và có quá ít cơ hội thể hiện?

 

LTM: Không hẳn thế, nếu chọn lựa lối đi và cách thể hiện bằng thể thơ lục bát thì người viết vẫn có nhiều cơ hội để phát huy năng lực của mình. Thứ nhất, trong lịch sử văn học Việt Nam, lối thơ lục bát đã xuất hiện từ khá lâu. Bởi vậy, việc kế thừa và phát huy thể thơ truyền thống này tuy gặp nhiều khó khăn nhưng không thể cho rằng đó là một lối đi khó. Thứ hai, bất cứ ở thời điểm nào cơ hội thể hiện luôn mở ra cho những tác phẩm hay. Đặc biệt, là đối với thể lục bát.

 

ĐVM: Lối đi nào của thơ cũng không hề bằng phẳng, cơ hội thể hiện nào của các nhà thơ cũng không ít. Tất cả chỉ là tài năng và sự trải nghiệm cuộc sống của nhà thơ. Lục bát hay bất cứ thể thơ nào cũng cần điều đó. Bạn cứ nghĩ mà xem.

 

HCT: Nếu đã ít người viết lục bát thì tôi nghĩ lựa chọn lục bát ắt sẽ có nhiều thuận lợi cho nghiệp viết của mình mới đúng chứ. Nhiều người thắc mắc rằng sao tôi ít làm lục bát, thực ra tôi làm khá nhiều. Nhưng với đề tài miền núi mà tôi lựa chọn thì quả thực để thể hiện bằng thể lục bát là rất khó.

 

PV: Là những cây viết còn rất trẻ, bạn nghĩ gì về vị trí của thơ Lục bát trong VHVN hiện nay?

 

HCT: Lục bát ngày nay vẫn đang có vị trí rất quan trong. Và thực tế đã dành được sự quan tâm của rất nhiều nhà thơ. Cách đây 2,3 năm Tuần báo Văn nghệ đã có một cuộc thi thơ lục bát. Gần đây nhất là cuộc thi bình chọn thơ lục bát thế kỷ XX. Thơ nước ta chỉ duy nhất có thể lục bát là không lẫn với bất kì thơ nước nào cũng bởi nó rất riêng biệt và không đâu có ngoài Việt Nam.

 

ĐVM: Nhiều lúc cầm những tập thơ mới xuất bản của các nhà thơ trẻ tôi cũng khá e ngại cho thơ lục bát nhưng tôi nghĩ di sản của thơ lục bát vẫn còn đang nằm ở phía trước. Vị trí của thơ lục bát hiện nay tuy đã thay đổi so với trước nhưng vẫn rất quan trọng và không thể thiếu trong văn học đương đại.

 

PV: Cảm ơn các bạn về cuộc trao đổi!

 

 

Bích Ngọc thực hiện

(Nguồn: Vietimes)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Hà Quang - haquang142@yahoo.com.vn - 0913 317 957 - Hội Thuỷ lợi Việt nam  (Ngày 11/03/2010 04:46:28 PM)
           Mình không đồng ý với nhận định của Bích Ngọc về bình diện Thơ lục bát hiện nay. Theo dõi trên thi đàn hiện nay, mình thấy thơ lục bát xuất hiện nhiều hơn (kể cả phạm vi và mật độ), chẳng hề co lại chút nào.
           Và, dường như thơ lục bát ngày càng hay hơn, lắng đọng hơn nhưng cũng rất bay bổng, có sức hút mạnh hơn đối với thế hệ trẻ làm thơ và những người đọc thơ.
          Đó, có thể nói là điều rất đáng mừng cho thi ca Việt Nam!
  Tú Cười  - butkim@gmail.com -  - Hà Nam   (Ngày 7/03/2010 07:19:20 PM)

VUI...BUỒN...!

Nghe hồn Lục Bát tự xưa
Buồn ơi...Ai đón ai đưa em về
Vui sao...Thơ trẻ đam mê
Truyện Kiều đau đáu...vọng về xa xưa....

Tú Cười

Các bài khác: