Thứ bảy, 18/05/2024,


Người viết thư thuê duy nhất Việt Nam (04/03/2010) 

Gắn bó và nổi tiếng với những lá thư, ông Dương Văn Ngộ sở hữu nhiều cái nhất: nào là người viết thư thuê duy nhất, lâu đời nhất, viết thư tình nhiều nhất nước... Mặc dù đã nổi tiếng không chỉ ở trong nước nhưng đến nay ông vẫn tiếp tục cặm cụi tại một góc bàn làm cái việc hơn 30 năm qua.

Có gia đình đầm ấm, các con đã có công ăn việc làm ổn định, ông Ngộ vẫn ngày ngày đạp xe đến nhà Bưu điện (TP HCM) và khi tiếng đồng hồ của Nhà thờ Đức Bà gõ leng keng 18 tiếng thì ông lại ra về, khi ấy mới xong một ngày làm việc.

 

Con đường thành 'đệ nhất thư thuê'

 

Ông Ngộ là cựu học sinh trường Petrus Ký (trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện nay), lấy bằng trung học Pháp năm 22 tuổi rồi gia nhập đội ngũ Bưu điện Sài Gòn, nay là Bưu điện trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Sau giải phóng, tại đây có thành lập tổ viết thư thuê. Một số nhân viên đủ tuổi về hưu với 35 đồng/tháng, còn lại 7 người viết thư thuê, chia làm 3 cặp, mỗi cặp trực 2 ngày. Khi ấy thạo 2 ngoại ngữ Anh, Pháp, ông là người trẻ nhất. Nhưng rồi, mọi người nghỉ hưu dần. Đến tuổi hưu của mình, ông Ngộ xin ở lại làm tư vấn viết thư thuê.

 

    

Ông Ngộ đang xem lại từ điển.

 

Có thời gian, khó khăn vật lộn gia đình ông ở chợ Cầu Muối, Bình Đông, cầu Tân Thuận. Người đàn ông này khi ấy phải làm nghề bỏ hột vịt lộn, bánh mì để kiếm sống. Nhờ có ít con chữ, kiến thức mà ông gắn bó với nghề viết thư thuê ở nhà Bưu điện thành phố. Giờ đã 77 tuổi, ông Ngộ bảo rằng: 'Ngồi nhà nhớ việc, nhớ mọi người quá!'. Tính từ sau giải phóng, ông Ngộ đã gắn bó với nghề viết thư thuê 32 năm mà ông không thể nhớ mình đã viết bao nhiêu lá, chỉ biết mỗi ngày dù nắng hay mưa cũng phải viết 5-7 lá.

 

Viết thư thuê kiêm luôn cả dịch thuật nên khi nhận những quyển sách, carte postal từ nước ngoài gửi về, ông Ngộ phải dùng tới kính lúp. Ông bảo rằng, mình có duyên với con số 3, vốn là số đen đủi nhưng với ông lại là may mắn: 'Tôi sinh ngày 3/3/1930 vào lúc 3h sáng. Vậy là tôi đã có 60 năm làm nhân viên bưu điện rồi, trong đó có 32 năm viết thư'.

 

Cách đây vài năm, một đoàn làm phim của Hunggary tình cờ đến Sài Gòn và quay về ông. Quay xong, đoàn này có gửi tặng phong bì tiền thù lao, ông cương quyết trả lại và nói: 'Từ bộ phim này có nhiều người biết về tôi, thế là đã giúp tôi rồi'. Trung tâm Vietkings đang thu thập tài liệu, phong ông là kỉ lục gia Việt Nam. Đó là thành quả đáng trân trọng của người đàn ông yêu nghề viết thư thuê đến nỗi: 'Có tiền tỉ tôi cũng không bỏ nghề, trúng số độc đắc cũng không rời nghề'. Dường như, tình yêu với nghề làm ông đánh ngã bệnh tật, để mỗi ngày nắn nót bên từng con chữ, trong sự chờ đợi của mỗi người tại góc khuất bưu điện.

 

Kết nối mọi người

 

Năm 2007, phóng viên Fiona Ehlers của tạp chí nổi tiếng nước Đức Der Spigel trong một lần sang Việt Nam có viết về ông: 'Có một người đàn ông lặng lẽ ngồi ở một góc nhỏ của Bưu điện thành phố và làm một công việc thật đặc biệt: 'kết nối mọi người'. Ông là một trong bảy người viết thư tay đầu tiên ở Việt Nam và người cuối cùng còn lại với nghề'. Sau bài viết này, các báo đài trên khắp thế giới nếu có dịp tới Sài Gòn thế nào cũng tìm đến ông để viết bài và như ông nói là bận trả lời báo chí đến nỗi không viết thư giúp bà con được. Trên bàn của ông cơ man nào là những bài báo viết về mình bằng đủ thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa... Ông bảo đó là những kỉ niệm không thể nào quên.

 

    

Ngày nào cũng có người đợi ông viết thư giúp.

 

Ông tâm niệm: 'Viết xong cho ai là phải quên ngay và tuyệt đối giữ bí mật vì người ta đã tin tưởng mình, giao tâm tư, tình cảm cho mình thì mình phải nhớ chữ tín, chữ nghĩa'. Thế cho nên, ngày qua ngày hết lượt người này đến lượt người khác đến nhờ ông đều vui vẻ ra về sau, đó vì biết ông già rất uy tín. Chị Thanh Tiên, ngụ ở đường Nơ Trang Long, phường 13 (Q. Bình Thạnh) cho biết: 'Cháu tôi ở bên Mỹ, viết về thư toàn tiếng Anh nên tôi phải nhờ chú Ngộ dịch ra và viết thư trả lời. Ông già làm việc nhiệt tình lắm, cứ ai đến trước thì làm trước. Chúng tôi yên tâm về ổng lắm'. Một trường hợp khác, bà cụ già tận Thủ Đức lọ mọ lên Sài Gòn có tạt qua gửi thư cho con bên Mỹ, biết nhà bà không giàu có gì, ông Ngộ đã tư vấn là nên gửi thư thường chứ không phải thư chuyển phát nhanh. Nghe ông Ngộ giảng giải hồi lâu, bà cụ nghe ra gửi thường cho tiết kiệm hơn. Đó chính là những tình cảm san sẻ yêu thương làm người cần đến nhờ ông ngày càng  nhiều.

Có lần dịch thư cho một khách hàng, địa chỉ nơi nhận thư là một thương gia ở châu Âu. Được biết, anh này là tài xế hơn 1 năm tại châu Âu. Anh nhờ ông Ngộ viết thư đề nghị trả tiền phí bảo hiểm y tế và xin tạm ứng trước 200 USD. Với những dòng chữ tiếng Anh nhã nhặn, mọi chuyện được giải quyết êm đẹp. Nhớ ơn ông Ngộ, anh này gửi thư cảm ơn ông. Ông Ngộ cười vui: 'Làm được gì cho người khác hạnh phúc thì tôi vui rồi. Sẽ có người khác giúp mình thôi'.

Những ngày này, người đến giao dịch tại bưu điện đông lên cũng làm ông bận tối mắt tối mũi vì khách đến nhờ viết thư chúc Tết tại các nước. Trên bàn ông ngồi nào là bút mực, từ điển Anh-Pháp - Việt, sách địa lý. Ông than: 'Từ điển bây giờ nhiều cuốn soạn sai quá. Tôi phải đọc nhiều quyển, đối chiếu qua lại, như thế mới không phạm sai lầm khi viết thư thuê cho khách'. Để minh chứng điều đó, ông giở cuốn từ điển của một nhà xuất bản được gạch và làm dấu chi chít. Sự cẩn thận của một người lâu năm trong nghề buộc ông phải dùng kính lúp soi mặt chữ để dịch cũng như viết thư phúc đáp cho chính xác nhất, 'chứ nhầm một chữ cái đầu là sai ngàn dặm đó' - ông bảo vậy. Chính vì cẩn thận nên một bức thư thuê dù chỉ 5.000đ - 7.000đ (tùy theo dài ngắn) cũng được ông trình bày rất cẩn thận. Trong khi các cô cậu thanh niên trẻ tuổi thì cứ hối ông để đến lượt mình, ông cứ mặc vì xong một lá thư ông coi là xong một tác phẩm.

 

Viết thư thuê là bộc lộ văn hóa của người gửi, cẩn thận không thừa nên ông nắn nót từng chữ cái một sau đôi kính lão dù trời đã hoàng hôn. Ngoài kia, xe máy tan tầm bóp còi inh ỏi nhưng trong góc khuất này, ông Ngộ vẫn say sưa bên những cánh thư, nối triệu người phương xa. Vì ông hiểu: 'Cánh thư sẽ nối nhịp những trái tim ở đôi bờ'. Với tốc độ làm việc cuối năm như thế, hy vọng ông sẽ giữ được sức khỏe và từ lâu lắm rồi người dân đã xem ông như một hình ảnh của Bưu điện thành phố.

 

 

Hoàng Hùng

(Nguồn: GiadinhNet)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: