Thứ sáu, 20/09/2024,


Nhà văn Tô Hoài: Con dế thích lang thang giờ bước đi đã chậm (01/03/2010) 

Mùa xuân này nhà văn Tô Hoài bước sang tuổi 91, vợ ông, bà Nguyễn Thị Cúc cũng đã ở tuổi 85. Gần 70 năm gắn bó đời vợ chồng từ lúc cuộc sống còn nhiều vất vả cho đến lúc tóc bạc, răng long, với người phụ nữ Hà thành đài các thưở xưa, chồng bà, nhà văn Tô Hoài vẫn là con dế thích lang thang, nhưng say đi vì say viết chứ không say thêm điều gì khác.

 

Bà Cúc kể, năm nay dù mắt ông đã không còn tinh tường, muốn xem tin tức phải có người đọc báo giúp, chân tay ông làm mọi việc đều khó khăn nhưng ông vẫn khoe bà, tết này viết được hai bài báo. Bà Cúc kể, hai bài báo đó trước đây ông chỉ viết trong một ngày, nhưng giờ đây để có hai bài báo chưa đầy 3000 chữ ông phải viết nó trong cả tháng. Nhưng ông ấy hoan hỉ lắm, bà kể.

 

Ông ấy chẳng thay đổi gì

 

Người phụ nữ đài các Nguyễn Thị Cúc thưở xưa giờ vẫn đẹp. Bà kể rằng, khi nhìn thấy Tô Hoài lần đầu tiên trong dịp ông về nhà cùng với anh trai mình, bà đã nhận thấy sự khác thường của người thanh niên ấy. Nhìn đôi dép cao su mòn vẹt làm bà tin ngay lời anh trai kể, ông ấy đã đi bộ nhiều năm từ nhà lên trường ở phố Hàng Than để học. “Anh ấy chỉ mặc một bộ đồ cũ kỹ duy nhất ấy trong nhiều lần đến nhà tôi”. Và cô gái lãng mạn thích thơ và hay đọc truyện ấy hiểu rằng, người đàn ông này có chí, nhất định sẽ làm nên sự nghiệp.

Ngày quen nhau ông ấy cũng đã có Dế mèn phiêu lưu ký, bà Cúc kể. Nhưng ngày đó văn chương của ông chưa nổi tiếng như thời sau này. Tuy nhiên có một điều bà Tô Hoài lấy làm ngạc nhiên là từ ngày đó cho đến những ngày theo ông di tản, những ngày hòa bình lập lại cho đến cả những ngày tháng nằm trên giường bệnh, tác giả của Dế mèn phiêu lưu ký chưa bao giờ ngừng viết. Bà luôn thấy ông viết khi tác phẩm được hân hoan chào đón, cả khi nhà xuất bản trả lại bản in, cả khi dư luận lên tiếng. “Mỗi ngày ông đều cầm bút và tập bản thảo của ông cứ dày theo thời gian”.

Tô Hoài là người dễ tính, lành hiền. Trong gia đình ông chẳng bao giờ cáu gắt với vợ con. Ông cũng rất dễ ăn, cho ăn gì là ăn nấy chẳng bao giờ đòi hỏi. Nếu vợ nấu món không thích, ông chỉ bảo hôm nay không muốn ăn chứ không giờ kêu ca, bà Cúc kể. Có điều đặc biệt là nhà văn không bao giờ nhớ được số điện thoại của ai, kể cả nhà mình. Bà Cúc bảo: “Cái gì ông ấy cũng cho là bình thường”. Có lẽ vì thế ngay cả những trận bút chiến nảy lửa về tác phẩm của mình diễn ra ở trên khắp mặt báo ông Tô Hoài cũng vẫn lẳng lặng ngồi vào bàn và tiếp tục viết.

Bà tiếp lời: “Ông ấy dễ tính ngay cả trong việc người ta cho là cần không gian sáng tạo. Có lần bạn đến nhà chơi, thoắt cái không thấy tiếng ông đâu, và sau đó phát hiện ra nhà văn đang ngồi vắt vẻo trên một cái ghế và hý hoáy viết”.

Tô Hoài không có thói quen “quan trọng hóa vấn đề”. Việc nào xảy đến ông cũng bình tĩnh và suy xét, tự tìm câu trả lời cho những câu hỏi tại sao. Bà Tô Hoài kể, khi 10 năm, Cát bụi chân ai, Chiều chiều bị cấm in ông trở về xếp ngay ngắn tập bản thảo trên giá. Ông bảo, lúc này người ta chưa hiểu thì lúc khác sẽ phải hiểu. Thế rồi ông lại tiếp tục viết. Đối với Tô Hoài viết là việc cần phải làm mỗi ngày, cho dù ông không nhớ tất cả các tác phẩm và những câu chuyện mình đã kể trong khi có thể nhớ rất nhiều chuyện của bạn bè.”Ông ấy luôn viết trên cơ sở những suy nghĩ của mình chứ không vì những nhận xét của người khác mà thay đổi”, bà Cúc nhận xét về chồng.

Về những người bạn trong cuộc đời của Tô Hoài, bà Cúc cho biết, trong cuộc đời của ông có nhiều bè bạn, bà không nhớ hết tên những người bạn đã đến thăm ông. Bà cũng tin người như ông thì hiếm người ghét. Nhưng có một người bạn từ thưở hàn vi của ông mà bà không bao giờ quên đó là Vũ Ngọc Phan. Bà Cúc bảo: “cách mà ông ấy giúp cho chồng tôi một cái cần câu thay vì cho một con cá là cách ông Phan giúp cho Tô Hoài luôn vững một niềm tin để viết”. Chính vì thế cho đến bây giờ những người con của ông Phan như Vũ Tuyên Hoàng, Giáng Hương đều coi gia đình Tô Hoài như những người thân, bà Cúc kể.

 

Người đàn ông lành hiền

 

Nếu trong nghề viết Tô Hoài được công nhận, được rạng danh thì trong gia đình, theo bà Cúc ông chưa hẳn là người chồng, người cha lý tưởng, bởi “ông ấy lành lắm”. Sự lành hiền mà theo bà Cúc thường mang theo đi của vợ con ông nhiều cơ hội tốt. Bà Cúc kể, cái nhà ở Đoàn Nhữ Hải ông có được bây giờ là nhờ bạn, nhà ở Nghĩa Đô cũng do một người giúp đỡ tận tình mà có được. Cứ như ông ấy thì không khéo chẳng có nhà để ở, bà Cúc nói.

 

    

 

Cũng vì sự liêm khiết và luôn làm những điều mà mình cho là đúng nên cái thời người ta đi nước ngoài còn là cả niềm mơ ước, có thể làm giàu sau mỗi chuyến đi thì quà ông “Dế mèn” mang về cho vợ chỉ là một xâu ớt cay. Món quà giá trị nhất bà Tô Hoài nhận được từ chồng mà bà vẫn giữ đến giờ là một chiếc áo dài ông mua tặng bà sau một chuyến đi Lào.

Tất nhiên bà không giận ông về những điều đó, bởi bà hiểu không có ai hoàn hảo, và cuộc đời bà được ông bù đắp bằng những niềm tin mạnh mẽ hơn. Bà Tô Hoài kể, ông ấy thường nhận với bạn bè mình là con dế mèn, suy nghĩ cũng “dế mèn”. Và con dế ấy suốt đời lang thang. “Ông ấy đã đi không biết bao nước, đến hầu khắp tất cả các vùng ở Việt Nam”. Trước mỗi chuyến đi ông chỉ dặn bà vẻn vẹn một câu: “Ngày mai tôi đi bà ở nhà giữ gìn sức khỏe và chăm sóc con cái” rồi xách túi lên đường. Những ngày kháng chiến không nói làm gì, sau này hòa bình lập lại ông ấy vẫn coi những chuyến đi là tiền đề cho việc viết.

Nhà văn Tô Hoài từng cho rằng, Cervantes có được Đôn - ki – hô – tê là nhờ làm nghề đi thu thuế khắp đất nước, Cao Hành Kiện có Linh Sơn cũng nhờ những chuyến vể thăm vùng phía Bắc Trung Hoa. Vì thế, cứ rảnh ông lại lên đường. Chính vì quan niệm đó sau mỗi chuyến đi Tô Hoài đều có sản phẩm. Chuyến lên Tây Bắc 8 tháng năm 1992 ông có Tập truyện Tây Bắc, Ba người khác cũng là sản phẩm sau ba năm làm đội phó phụ trách tòa án thời cải cách ruộng đất ở Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Bình.

Dù đi nhiều nhưng bà Tô Hoài thừa nhận: “Tôi chưa từng phải bận lòng về những chuyến đi của ông ấy”. Bà  cười bỏm bẻm mà rằng: “Sau những chuyến đi ông ấy vẫn trong trắng trở về”. Cho dù, nhiều bạn bè của nhà văn từng đến nhà ông to nhỏ về những người phụ nữ, những đứa con riêng. Nhưng bà Tô Hoài thì luôn tin niềm tin của mình là đúng. Chính niềm tin giản dị ấy giúp cuộc sống của ông bà luôn khăng khít cho đến tận bây giờ.

Giờ đây, ông sống với vợ chồng người con gái làm bác sĩ ở Nghĩa Đô. Ông cùng lúc mắc nhiều triệu chứng của bệnh tiểu đường, bệnh gút nên ở cùng con gái để tiện việc chăm sóc. Vào mỗi dịp cuối tuần hay lúc nhớ ông bà lại bắt xe về dưới đó thăm ông. “Ông ấy ham đọc, có bất cứ thứ gì trên tay đều đọc hết, vậy mà giờ đây muốn biết tin tức phải có người đọc báo cho nghe”, bà Cúc rưng rưng. Tuy nhiên, nhà văn Tô Hoài chưa ngùng viết. Bà Cúc kể, dù việc cầm bút đã khó khăn rất nhiều do tay ông bị run nhưng những lúc tinh thần minh mẫn là Tô Hoài ấy lại cầm bút. Bà Cúc kể, mới đây khi xuống thăm ông, ông vừa khoe bà năm nay vẫn viết được hai bài báo Tết.

Năm 2009 nhà văn phải nhập viện mấy lần, thời gian này ông vẫn phải ngồi xe lăn nhưng trong căn phòng làm việc cửa đóng kín cả ngày vẫn bề bộn giấy tờ trên bàn viết. Ông vẫn ấp ủ một tiểu thuyết về thời bao cấp với vốn sống 7 năm làm tổ trưởng tổ dân phố ở Đoàn Nhữ Hải. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã đúng khi viết rằng Tô Hoài vẫn đặt bàn viết giữa cuộc đời.

 

Hà Thủy

(Nguồn: Báo Đất Việt)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: