(Kỉ niệm 20 năm ngày mất
Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ)
Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cùng các con
Vậy mà đã qua 20 năm từ ngày Xuân Quỳnh vĩnh biệt cuộc đời sau tai nạn thảm khốc. Trong đám bè bạn cùng lứa ngày ấy, đầu óc có người bây giờ đã khi nhớ khi quên... nhưng nhắc đến cái chết đau lòng ấy, bạn bè và người thân vẫn chưa nguôi tiếc thương người phụ nữ tài hoa với một sự nghiệp thơ thuộc loại đồ sộ nhất trong những nhà thơ nữ VN.
Năm 1977 tôi từ tỉnh xa chuyển về làm việc ở Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới của Hội Nhà văn khi đó vừa được thành lập. Bên cạnh lớp đàn anh, trong cơ quan có một loạt những người sàn sàn tuổi nhau: Ngô Văn Phú, Xuân Tùng, Bằng Việt, Ý Nhi, Bùi Hòa... Rồi liên tiếp trong một vài năm sau, thỉnh thoảng lại có thêm những bạn cũng lứa tuổi ấy từ các cơ quan khác chuyển về: Lê Minh Khuê, Xuân Quỳnh, Nguyễn Phan Hách, Vương Trí Nhàn, Trần Vũ Mai, Thái Bá Tân, Vũ Đình Bình...
Khi Quỳnh về Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới chỗ bọn tôi, Quỳnh và Vũ kết hôn đã dăm sáu năm, đã có con chung là bé Quỳnh Thơ. Về phần Vũ, từ lúc ra khỏi quân đội (khoảng năm 1970), chuyện việc làm quả thật đã trở thành chuyện 'cơm áo không đùa' với vị 'khách thơ” ấy!
Nỗi niềm không chỉ nhân đôi
Lưu Quang Vũ dù đã có đôi chút hào quang của một nhà thơ trẻ thành công sớm nhất ở miền Bắc khi ấy, song từ lúc ra khỏi bộ đội vẫn phải long đong ngót chục năm trời, khi thì làm biên tập 'hợp đồng' với Nhà xuất bản Giải Phóng, khi thì đi ngồi chấm công cho một đội cầu đường, khi thì vẽ panô, apphich... Cho đến năm 1978, khi đã là một cây bút viết báo thành thạo, Vũ mới được nhận vào biên chế của tạp chí Sân Khấu.
Nhưng chỉ một năm sau, từ chỗ chỉ là một cây bút viết về sân khấu, Vũ trở thành kịch tác gia có tác phẩm đầu tiên được trình diễn. Vài năm sau, Vũ nổi tiếng khắp cả nước với gần chục vở được diễn cùng lúc ở khắp nơi. Vũ thống trị sân khấu VN vào thời điểm hoàng kim - đã một đi không trở lại(?) - của nền sân khấu này. Trong nghệ thuật, từ chỗ là một nhà thơ trẻ mà triển vọng thời đầu dường như ngày càng xa vời, Vũ bỗng chốc trở nên một tác gia sân khấu với thành công có một không hai. Trong giới bạn bè, Vũ từ một người ham chơi trở thành một người ham việc. Trong cuộc đời rộng lớn, Vũ từ chỗ là kẻ bị đời ruồng bỏ bỗng trở thành một người rõ ràng đang là cần thiết lắm cho cuộc đời này, chế độ này...
Chuyển biến lớn lao ấy do cái gì, do những ai thúc đẩy, tạo ra?
Người ta có thể giải thích khác nhau, nhưng tôi cũng như Vương Trí Nhàn và các bạn văn ở Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới nghĩ nhiều nhất đến tác động của Xuân Quỳnh.
Quỳnh và Vũ lấy nhau trong trạng thái cả hai đều rơi vào cảnh lỡ dở, rồi việc họ đến với nhau cũng đã bị những ngăn trở mà ai cũng biết (tuy ít ai viết ra, sợ rơi vào tọc mạch chuyện trong nhà!). Khi họ đến với nhau, Vũ lại đang... thất nghiệp! Và chút tự hào về thành công đầu đời của Vũ thì đang bị tổn thương - tổn thương ấy hẳn cũng lây đến Xuân Quỳnh! Trong nỗi niềm riêng của Xuân Quỳnh, việc làm sao để Lưu Quang Vũ thành đạt có lẽ là điều khẩn thiết, thậm chí hơn cả sự thành đạt của bản thân Xuân Quỳnh! Bởi chỉ điều đó mới giúp Quỳnh trả lời đích đáng cho những đàm tiếu xung quanh cuộc hôn nhân mà Quỳnh đã lựa chọn, đã dấn thân vào!
Dĩ nhiên Vũ cũng có nỗi niềm riêng, có tự ái tự trọng riêng để mà vượt lên, nhưng khi những nỗi niềm ấy được hai con người ấy chia sẻ với nhau thì, ta nên hiểu, nỗi niềm ấy không chỉ được nhân đôi!
Trong đơn độc có thể Vũ không chỉ một lần ngã lòng; nhưng khi đã có Quỳnh bên cạnh, hẳn bao giờ Vũ cũng được nâng dậy, được vỗ về bởi bàn tay người vợ, người bạn, mà cũng có thể là người chị nữa! Vũ được nâng dậy và thầm bảo: dù thế nào cũng phải đứng lên bước lên!
Quả thật tôi không từng thân thiết lắm với cặp đôi này để có thể bắt gặp những chi tiết thật đắt giá về việc Quỳnh đã 'nắm cổ áo', 'xốc tay' Vũ đi tới, lao động và thành đạt. Nhưng nhìn vào thành đạt của Vũ, tôi không thể ngăn mình nghĩ bằng hình ảnh trên đây về sự trợ lực của Quỳnh. Dẫu tôi chỉ được thấy những điều mà các bạn Lê Minh Khuê, Ý Nhi hẳn cũng thấy: thời gian biểu của Quỳnh được ưu tiên cho công việc của Vũ, Quỳnh thường cùng Vũ đi làm việc với các đạo diễn, các đoàn kịch; Quỳnh đôn đáo tìm người đánh máy, rồi tự tay ngồi sửa bản đánh máy cho các kịch bản viết tay của Vũ... Rất nhiều, rất nhiều những việc tương tự.
Một tài nữ VN
Thành công rực rỡ của Vũ quả là phần thưởng lớn đối với Quỳnh, nhưng tôi tin rằng ngay trước khi Vũ đạt được thành công lớn thì Quỳnh và Vũ cũng đã sát cánh bên nhau vượt qua được tình thế khó khăn. Từ chỗ là những cây bút tài tử, họ nhận ra rằng cần phải sống bằng cây bút chuyên nghiệp của mình và đã lao động theo hướng ấy, không chỉ làm thơ mà còn viết truyện, viết kịch và nhất là viết báo.
Trong cái mong manh của nghề cầm bút đương thời, họ tìm cách sống được bằng ngòi bút - ấy là sự thành công tuy không vang dội nhưng rất cơ bản của Quỳnh và Vũ những năm 1970, là nền tảng cho những thành công sẽ lộ diện về sau.
Người ta thường nói đằng sau sự thành đạt của một người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng ít ra của một người đàn bà. Trong trường hợp Lưu Quang Vũ, đằng sau thành công của anh, cái bóng dáng đáng kể nhất theo tôi là Xuân Quỳnh. Đây là một loại tình tiết không thể giản lược khi nói về sự nghiệp sáng tác của hai tác gia này, nhất là khi nói về sự thành công trong ngành sân khấu của Vũ.
Còn về Xuân Quỳnh, ta đừng quên là Xuân Quỳnh có một sự nghiệp văn học riêng.
Còn nhớ vào những năm cuối thế kỷ trước, tôi ở trong một nhóm năm soạn giả (cùng Ý Nhi, Ngô Thế Oanh, Mai Hương, Phạm Xuân Nguyên) biên soạn hai cuốn Tuyển thơ tác giả nữ Việt Nam và Tuyển văn nữ tác giả Việt Nam cho Nhà xuất bản Phụ Nữ. Công việc tuyển chọn thơ đã khiến mỗi thành viên nhóm chúng tôi càng nhận rõ vai trò nổi bật của một vài tác giả trong thế kỷ 20 mà Xuân Quỳnh hầu như là trường hợp tiêu biểu. Nhóm đã chọn bảy tác phẩm của tác giả này vào tuyển ấy (Sóng, Thuyền và biển, Tuổi thơ của con, Con yêu mẹ, Thơ tình cuối mùa thu, Hoa cỏ may, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa), là số lượng bài chọn nhiều nhất trong số các tác gia thơ nữ VN thế kỷ 20 có mặt trong cuốn tuyển nhắc trên.
Thơ Quỳnh từ lâu đã đi vào đời sống. Có thể không khó để thấy thơ Quỳnh được chép trong khá nhiều sổ tay, nhất là của các nữ sinh. Những bài Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu được phổ nhạc càng trở nên quen thuộc trong nhiều giới công chúng. Có thể là sớm chăng nếu bây giờ đã nói rằng một số bài thơ của Xuân Quỳnh đang đi vào vốn sở hữu 'kinh điển' của thơ ca VN?
Đã 20 năm trôi qua từ ngày Xuân Quỳnh vĩnh biệt cuộc đời này. Nhắc đến cái chết đau lòng ấy, bạn bè và người thân vẫn chưa nguôi tiếc thương. Nhưng khi tỉnh trí lại ta đều phải nhận rằng Xuân Quỳnh đã kịp trở thành tác giả ở tuổi 40. Đời Quỳnh có thể dài thêm hàng chục năm nếu không có tai nạn khốc hại kia, tác phẩm Quỳnh viết ra có thể nhiều thêm, nhưng những nét căn bản của tác gia Xuân Quỳnh đã định hình, thậm chí đã định hình chắc chắn rồi.
Có thể dự cảm rằng trí nhớ của công chúng người Việt, một mai không xa lắm, sẽ xếp cái tên Xuân Quỳnh sau những cái tên Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm - những cái tên của các tài nữ VN.
Long đong 'Xuân Quỳnh - một nửa đời tôi'
Vẫn được biết đến như là vợ của thi sĩ và kịch tác gia tài hoa bạc mệnh Lưu Quang Vũ, nhưng thật ra Xuân Quỳnh có một sự nghiệp thơ vào loại đồ sộ nhất trong những nhà thơ nữ VN. Chị đã có tới 17 tác phẩm được xuất bản, trong đó có 13 tập thơ (bốn tập in chung).
Là con gái làng lụa La Khê, Hà Đông, đẹp người đẹp nết; Xuân Quỳnh từng được tuyển làm diễn viên múa. Mê thơ và tự học, tự đọc, tự âm thầm viết, chị trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp - theo nghĩa đen của từ này - nghĩa là sống bằng thơ. Mối tình ngang trái của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (Xuân Quỳnh sinh năm 1942, hơn Lưu Quang Vũ 6 tuổi) đã mang đến cho chị cả hạnh phúc và cay đắng. Như là số phận, cái long đong của Xuân Quỳnh còn đeo đẳng ngay cả khi chị đã ra đi.
Tập hồi ký của người chị gái Xuân Quỳnh - chị Đông Mai - mang tên 'Xuân Quỳnh - một nửa đời tôi' tái bản có bổ sung nhiều chi tiết về Xuân Quỳnh, về kỷ niệm thời thơ ấu và tình chị em của hai cô gái sớm mồ côi cha mẹ - đã không thể ra mắt kịp ngày giỗ lần 20 của nữ thi sĩ. Theo gia đình và Nhà xuất bản Lao Động, cuốn sách chỉ có thể hoàn thành vào cuối năm (Thu Hà)
LẠI NGUYÊN ÂN
*Tên bài viết là một câu thơ trong bài Tự hát của Xuân Quỳnh