Sẽ không sợ quá lời nếu ta khẳng định rằng, cho đến hôm nay, 'Nhớ rừng' của Thế Lữ vẫn là bài thơ xây dựng được hình tượng con hổ ấn tượng nhất trong thi ca Việt
Bạn trẻ, nhất là các em học sinh tiếp cận bài thơ qua trang sách giáo khoa, hẳn sẽ không thể hình dung rằng, để tạo dựng nên một bài thơ 'hoành tráng' bậc này, tác giả của nó đã phải cất công chỉnh sửa rất nhiều lần.
Ví dụ, ở bản in đầu tiên của tập thơ 'Mấy vần thơ' (năm 1935), câu thứ 28, 29 của bài là 'Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt/ Để chiếm lấy phần tối tăm bí mật', thì đến bản in năm 1941 (nay là bản phổ biến nhất, được coi là chính thức), tác giả sửa lại là 'Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt/ Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật''; câu 43 'Nơi ta chẳng còn mong được thấy bao giờ' được sửa lại là 'Nơi ta không còn được thấy bao giờ'.
Chưa hết, theo tác giả Tô Sanh cho biết thì ngay cả một số câu ở bản in năm 1941, sau này Thế Lữ cũng muốn sửa thêm. Như câu 'Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu', ông muốn sửa thành 'Cũng học đòi chứa chất vẻ hoang vu' (vì cho rằng đã 'học đòi' lại còn 'bắt chước', viết như vậy là thừa chữ); câu 'Thuở tung hoành hống hách những ngày qua', ông muốn đổi thành 'Thuở tung hoành hiển hách những ngày qua' (có lẽ dùng chữ 'hiển hách' mới đúng với quá khứ của chúa sơn lâm?); câu 'Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm' ông sửa thành 'Dăm vừng lá tự coi mình bí hiểm'.
Theo một bản được tác giả tự tay sửa chữa sau khi bài thơ ra đời đến gần năm chục năm, người ta thấy 'Nhớ rừng' chỉ còn hơn chục dòng nguyên vẹn (cả bài thơ gồm 47 câu).
Tất nhiên, ý định của Thế Lữ là vậy, song thực tế, mọi người có nhớ, có thuộc bài thơ theo bản sửa của ông hay không, đó lại là việc khác, nhất là khi bài thơ đã được phổ biến sâu rộng trong công chúng. Qua tìm hiểu trên sách báo, chúng tôi nhận thấy, bản in 'Nhớ rừng' năm 1941 hiện được mọi người xem là văn bản chính thức và hoàn thiện nhất.
Các nhà phê bình đều căn cứ vào bản này để phân tích, bình luận và dường như tất cả đều xem đây là một tác phẩm đã quá hoàn thiện. Điều đó cho thấy, việc Thế Lữ vẫn ngày đêm trăn trở, tìm cách sửa lại bài thơ và sửa nhiều như kể trên, quả là một hành động dũng cảm, vì làm vậy là ông đã 'vuốt râu hùm'.
Thật ra, trở về với xuất xứ của bài thơ, ta có thể thấy: Ban đầu, 'định hướng' chung về chủ đề bài thơ của tác giả hơi khác. Theo Thế Lữ cho biết, hồi ấy, ông đang làm chân sửa bản in cho một tòa báo có trụ sở ở phố Cửa Bắc. Vì từ nhà đến tòa báo phải qua vườn Bách Thảo nên thường ngày, ông được tận mắt trông thấy vị chúa sơn lâm uể oải nằm trong cũi sắt. Ông nghĩ: 'Con hổ bị giam cầm trong này thì buồn biết bao'.
Trong đầu ông bỗng nảy một tứ thơ đùa: 'Chú nó trong nắng hè uể oải/ Cũng không buồn thương nhớ cảnh rừng xa'. Nhưng rồi, sẵn nỗi u hoài chất chứa về một thân phận chịu cảnh gò bó, tù túng, ông chuyển hướng bài thơ sang nội dung khác như chúng ta đã thấy. Thế mới biết, khi viết, Thế Lữ đã luôn làm chủ ngòi bút, buộc tứ thơ phải xoay vần theo ý hướng của tác giả.
Trần Hoàng Giang
(Nguồn: Văn Nghệ Công An)