Thứ bảy, 27/07/2024,


Nhà viết kịch Phạm Văn Quý: Mê kịch hơn cả phụ nữ! (26/02/2010) 

Công chúng không mấy ai biết tới Phạm Văn Quý cho đến khi Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội được trao cho ông. Còn giới chuyên môn gọi ông là nhà viết kịch số 1 Việt Nam hiện nay. Có người lại tung hô ông là đại tài. Riêng ông thì bảo: “Không, tôi là thợ”.

 

Từ bé đã mơ thành… nhà viết kịch!

 

Khi chỉ là cậu bé 7, 8 tuổi, Phạm Văn Quý đã mê xem kịch. Mê đến nỗi chui rào vào xem trộm bị bảo vệ 5 lần 7 lượt túm cổ tạt tai chưa đủ, Quý còn dậy từ sáng sớm mò đến gánh hát “chiêm ngưỡng” diễn viên đánh răng, rửa mặt, sinh hoạt ra sao. Thần tượng nghệ sỹ cải lương Tuyết Sơn, nhìn các diễn viên sân khấu như là người trời, ngay từ lúc ấy, khao khát cháy bỏng được trở thành một đạo diễn, một nhà viết kịch đã nhen lên trong suy nghĩ của cậu bé nhà nghèo.

18 tuổi thì ước mơ dần trở thành sự thực khi chàng chiến sỹ mới toanh của Trung đoàn Sông Lô có vở kịch đầu tay đăng trên tạp chí Thái Nguyên. 18 tuổi cũng đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời: trở thành đạo diễn kiêm diễn viên chính, kiêm biên kịch đi biểu diễn toàn Trung đoàn, phụ trách đội kịch của Đoàn văn công Sông Lô mà sau này là Đoàn văn công Chiến Thắng nổi tiếng lúc bấy giờ. 19 tuổi thì có thơ đăng trên nhiều báo. Vài năm sau đó thì được xếp cùng chiếu với Nguyễn Duy, Phạm Đức, Lý Phương Liên, có mặt trong danh sách Giải thưởng Thơ hay Hà Nội năm 70 ở vị trí Giải Nhất. Như thế là “ghê gớm” đấy chứ. Ấy vậy mà số phận không cho Phạm Văn Quý được tiến sâu và liền mạch trên con đường nghệ thuật của mình.

Chỉ vì phải phụ trách một nhóm đồng chí vào tuyến lửa Quảng Bình để sản xuất nhưng mới đến Thanh Hoá thì chẳng giữ được ai, Phạm Văn Quý bị xí nghiệp nơi ông công tác liệt vào danh sách “đảo ngũ”. Tin đến Hội Văn nghệ Hà Nội, nhà văn Tô Hoài lập tức chỉ đạo cắt giải nhất của Phạm Văn Quý, cắt bỏ 5 bài thơ của Phạm Văn Quý chuẩn bị in ở NXB Lao động. Một người bạn ngậm ngùi chia sẻ: “coi như Phạm Văn Quý đã chết!”

Cái thời gian dài “coi như đã chết” ấy, Phạm Văn Quý kịp trải qua mối tình trong sáng ngắn ngủi với diễn viên Như Quỳnh khi làm trang âm ở Đoàn cải lương Chuông Vàng. Kịp trở nên giàu có nhờ nghề làm nhựa. Kịp mua mấy miếng đất khang trang nằm bên bờ hồ Trúc Bạch. Kịp mất hết tiền bạc vì cháy chợ Đông Xuân do đã dồn vốn cho vợ đi bán hàng ở đây. Và kịp trở về với kịch, với niềm đam mê và khát khao từ thời thơ ấu trong cơn khốn khó.

Phạm Văn Quý kể, lúc trong tay có nhiều tiền nhất, sắm nhà, “tậu” vợ ông vẫn thấy thiếu thốn một cái gì đó, thấy mình như một thứ tạm bợ. Sau này, ông mới nhận ra cái thiếu thốn ấy chính là sân khấu. Làm sao người ta có thể hạnh phúc khi không được sống với cái người ta đam mê hơn cả người đàn bà.

 

“Không, tôi là thợ”

 

Phạm Văn Quý không học hết cấp 3, cũng chưa qua bất cứ một trường lớp đào tạo nào. Nhưng hiện tại, ông là người Bắc duy nhất chiếm lĩnh thị trường kịch bản sân khấu phía Nam. Là người có số tác phẩm được dàn dựng đều đặn nhất trong số các cây bút chuyên nghiệp, người viết nhiều và viết hay nhất mảng đề tài lịch sử, người viết nhiều thể loại nhất từ kịch nói, kịch truyền hình đến bày chòi, chèo, cải lương. Nhưng trớ trêu ở chỗ: cái mà Phạm Văn Quý tâm huyết nhất là chính kịch lại không giúp ông nổi tiếng, không mang lại cả danh lẫn tiền như hài kịch.

Hai vở kịch dài “Phương thuốc thần kỳ” và “Cưới chạy” được viết cấp tốc để dự giải cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu TP.HCM của ông trở thành bảo bối của nhiều đoàn nghệ thuật trong Nam, trong đó “Phương thuốc thần kỳ” gắn liền với tên tuổi của Hồng Vân và Lê Vũ Cầu đỏ đèn suốt 2 năm trời ở 5B Võ Văn Tần. Cái tên Phạm Văn Quý ăn khách đến nỗi trong vòng 6 năm (1997 - 2003), Đài truyền hình TP.HCM dựng tới 30 vở hài kịch ngắn của ông. Còn Đài truyền hình Việt Nam tín nhiệm nhờ ông viết Táo quân liền mấy năm cho đến khi những tiểu phầm hài tràn ngập tiếng cười trào phúng “động chạm” nhiều quá mới cho dừng lại.

 

        

'Tả quân Lê Văn Duyệt' của nhà viết kịch Phạm Văn Quý

 là vở kịch lịch sử hoành tráng với kinh phí dàn dựng khoảng 1 tỷ đồng

 

‘Nhà viết Táo’ nhiều lúc ngẫm nghĩ: “Nghệ thuật thật kỳ cục. Táo viết tầm phơ vậy, 3 ngày là xong thì được người ta biết đến, cái tên mình cũng được ăn theo. Còn nhiều vở đau đáu thao thức với nó thì…”.

Nói vậy nhưng Phạm Văn Quý chưa bao giờ viết vội, viết ẩu, dù chỉ là cái tiểu phẩm. Gọi “tầm phơ” là vì không phải sôi nước mắt với nó, không mất quá nhiều tâm lực với nó, chứ vẫn phải đổ mồ hôi thậm chí cả máu ra mà viết. Còn nhớ năm ông bị tai nạn, khâu nhiều mũi trên đầu mà vẫn phải viết Táo vì đã nhận lời đặt hàng. Viết xong, mang ra ngoài hiệu đánh máy, cô đánh máy quen thuộc vô ý đập tay nhẹ vào đầu ông làm máu lẫn mũ bắn ra. “Sợ. Nhớ ra cô y tá thuê thay băng không chăm sóc kỹ làm nhiễm trùng vết mổ. Còn mình thì mải viết Táo mà quên bẵng chuyện vệ sinh”- ông tâm sự.

Song Phạm Văn Quý cũng thừa nhận, viết hài kịch ban đầu là do cuộc sống khốn khó, sau là do nhu cầu thị trường. Nhiều lúc cũng muốn dứt ra nhưng toàn bạn bè thân cận đặt hàng thì khó mà từ chối. Người ghen ghét thì bảo ông toàn làm ‘hàng chợ’, không tài cán gì. Người yêu quý thì nhắc nhở: “viết kịch truyền hình nhiều thế hỏng tay bút đấy Quý ạ”.

Nhưng với sự ra đời của “Tả quân Lê Văn Duyệt”, “Người thi hành án tử”, “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, “Chiến trường không tiếng súng”… - những vở diễn đồ sộ hoặc là đoạt giải hoặc là làm nên tên tuổi của đoàn nghệ thuật, của đạo diễn hay mang lại số doanh thu phòng vé kỷ lục đã chứng minh rằng: Phạm Văn Quý không phải chỉ làm ‘hàng chợ’, chưa hỏng bút và không thể “không có tài cán gì”.

Thế nên, người chê thì cứ chế hết lời. Người khen thì khen lên tận mây xanh. Trước những tung hô “số 1” “đại tài”, Phạm Văn Quý chỉ một mực cười trừ: “Không, tôi là thợ”. Thực thế. Ông là ‘thợ kịch’, thợ lành nghề và chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp từ cái hẹn trả hàng, từ hợp đồng giá cả đến cách ứng xử với kịch bản sau khi đã trao vào tay đạo diễn – không bắt bẻ, không đòi giữ đoạn này đoạn kia, không “cấm sửa chữa”, cấm “sáng tạo”. Ông bảo: “Dù mình có viết hay đến mấy thì cũng không bằng anh diễn viên đứng trên sân khấu. Họ biết chỗ nào nên cười, chỗ nào không nên cười, chỗ nào nên chốt lại để làm khán giả nổ tung. Còn kịch của mình chỉ là tiếng cười tưởng tượng. Không khéo lại bắt khán giả hoặc chẳng buồn cười, hoặc cười nhiều quá đến méo mặt. Cho nên phải để cho đạo diễn và diễn viên được sáng tạo, thay đổi trên chính kịch bản của mình”.

Với gia tài là hơn 10 đầu phim, hơn 100 vở kịch được dàn dựng trên sân khấu chuyên nghiệp, trong đó có 10 vở đồ sộ về đề tài Thăng Long – Hà Nội, liệu Phạm Văn Quý có thể gọi được là số 1 hiện nay trong làng kịch được không? Đã có người thừa nhận, và sẽ có người không. Nhưng không thể từ chối sự thật rằng: Nhà viết kịch Phạm Văn Quý là người được đặt hàng nhiều nhất hiện nay, là cái tên đảm bảo cho những vở hài kịch không hời hợt và những vở chính kịch không ế ẩm. Cũng là cái tên đáng được tôn vinh nhất trong giới cầm bút chuyên nghiệp vì những cống hiến cho Hà Nội nhân dịp tròn 1000 tuổi.

Với 10 vở kịch về đất Thăng Long ngàn năm đang và sẽ được dàn dựng trong năm 2010 này, người ta sẽ còn phải nhắc đến cái tên Phạm Văn Quý nhiều lần nữa./.

 

Tùng Mai

(Nguồn: Báo Điện Tử Tổ Quốc)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: