Chủ nhật, 22/12/2024,


Hương vị Tết quê (25/02/2010) 

Đi xa nhớ Tết quê nhà

Gió thơm hương khói thắm hoa trước thềm

…….

Bánh chưng xanh, bánh xu xê

Lá dong gói bánh thơm về cõi xa

Nén nhang thắp viếng ông bà

Lời quê đậm mãi chén trà đón xuân

( Tết quê nhà – Bùi Văn Bồng)

 

Vốn dĩ không phải là tín đồ của bánh chưng, nhưng với những người hoài cổ như tôi thì cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về vẫn háo hức chờ được ăn bánh chưng quê mà phải đúng là món bánh chưng quê lúa Thái Bình. Chỉ cần có chiếc bánh chưng mộc mạc ấy đặt trên bàn thờ ngày Tết đã thấy đầy đủ hương vị quê nhà.

 

Những năm tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi còn khỏe, Tết nào hai cụ cũng nhất thiết phải gói bánh chưng ăn Tết. Cứ đến ngày 27-28 là mẹ tôi chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu để gói bánh, gạo nếp ngon gửi từ quê lên, đỗ xanh mua ngoài chợ phải chọn loại đỗ bở và tươi, thịt thì phải là loại ba chỉ dày và đều thớ của con lợn không to không nhỏ, vì lợn to quá sẽ nhiều mỡ, lợn nhỏ quá thì thịt nhão lại không ngon. Lá dong cũng phải là loại lá xanh mướt, vừa đủ độ bánh tẻ. Rồi lạt buộc các cụ cũng phải chọn mua cây cật tươi về tự chẻ lấy....

 

 

Tối 28, mẹ ngâm gạo nếp, đỗ xanh và ướp thịt.... tôi lăng xăng giúp mẹ rửa lá dong chuẩn bị gói bánh. Sớm 29 cả nhà bắt đầu tất bật. Gạo nếp đã được đãi sạch, để ráo nước  trộn thêm một chút muối, nước gừng và thảo quả rồi xóc đều cho ngấm. Đỗ xanh cũng đãi sạch, đồ chín kỹ, đổ ra một chiếc nồi to và đánh thật tơi, sau đó nắm đỗ thành từng nắm tròn to bằng nắm tay người lớn. Thịt ba chỉ thái từng miếng to bản dày chừng 2cm, đã ướp kỹ với hành khô, nước mắm và hạt tiêu, giờ đem ra xào cho thơm phưng phức. Lá dong rửa sạch sẽ, để khô, mang ra lau lại cho thật sạch và khô hẳn.

 

 

Khâu chuẩn bị đã xong xuôi, lúc này bố tôi mới bắt đầu trổ tay nghề gói bánh, không cần khuôn nhưng chiếc bánh nào bố gói cũng vuông và đều chằn chặn. Mỗi chiếc bánh bố đong đúng 2 miệng bát gạo, 1 nắm đỗ và 2 miếng thịt. Bánh chưng quê tôi không dày như bánh ch ưng thành phố, mỗi chiếc chỉ mỏng chừng 5- 6cm nhưng khi cắt ra, chiếc nào cũng đủ từng lớp gạo, đỗ, thịt rất đều đặn từng lớp mỏng, đẹp mắt, nhìn chỉ muốn ăn ngay. Lớp lá gói bên ngoài cũng mỏng và khô ráo, khi bóc ra rất dễ, không bị ướt dính. Bố xếp cuống lá dong lót vào chiếc nồi lớn mỗi năm chỉ dùng một lần, xếp bánh từng tầng cho đều và đổ nước ngập mặt bánh. Chừng 4-5 giờ chiều bắt đầu đỏ lửa luộc bánh. Trước đó vài ngày bố đã kiếm ở đâu về những khúc củi gộc rất lớn, kê gạch ngoài sân rồi nhóm lửa, bố bảo bánh chưng luộc bằng bếp củi, phải canh cho đều lửa mới ngon. Tôi đoán rằng bánh chưng được quyện mùi khói bếp củi mới có mùi thơm đặc biệt như vậy. Đêm luộc bánh, tôi gà gật ngồi cạnh bố bên bếp lửa, ngong ngóng chờ đến lúc vớt bánh để xí phần một cái bánh chưng nhỏ mà bố làm riêng cho con gái rượu, nhưng chẳng năm nào thức nổi đến lúc bánh chín, cứ mở được mắt ra đã thấy đang nằm trong chăn, còn bánh chưng thì đang được ép trên tấm cửa gỗ cho ráo nước. Thông thường người ta luộc bánh chưng chừng 8-10 tiếng, nhưng bánh chưng Thái Bình quê tôi phải luộc đủ 12 tiếng, bánh luộc kỹ rất rền, có thể để lâu tới 10 ngày mà không sợ bị chua, bị mốc hay lại gạo.

           

Tết bây giờ không còn được như ngày xưa, bố mẹ tôi đã già yếu rồi, tôi cũng không còn nhỏ. Bánh chưng không gói nữa nhưng năm nào nhà tôi cũng chỉ đặt lên bàn thờ tổ tiên đúng loại bánh chưng quê Thái Bình. Hương vị Tết quê nhà vẫn nồng đượm trong miếng bánh chưng thơm rền mùi thảo quả và ngọt ngào vị nếp quê. Thân thương lắm hương vị Tết quê!

 

 

---------------------

Theo Blog Có gì đâu

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: