Tôi đã đọc những bài trong tập sách này khi chúng còn là những phỏng vấn lẻ công bố rải rác trên một số trang web vài năm trước đây. Nhưng lần này đọc cả tập, ấn tượng chụm hơn. Những gì trước đây chỉ là dự cảm manh nha, thì bây giờ rõ nét hơn. Xin ghi lại đôi điều cảm nhận.
1. Một cách làm sách
Ở thời hiện đại, loại sách mà ruột là một tập hợp những bài phỏng vấn không phải là hoàn toàn mới lạ. Nói riêng ở Việt Nam, có thể kể đến những cuốn được người trong giới biết đến nhiều như Hỏi chuyện các nhà văn của Nguyễn Công Hoan, Nhà văn nói về tác phẩm của Hà Minh Đức… và cả cuốn đang hình thành của cây bút trẻ Trần Thiện Khanh - phỏng vấn nhiều người xung quanh các vấn đề nổi cộm của đời sống văn học đương thời - cũng thuộc dạng này. Những cuốn sách ấy giống như công trình của cả một tập thể nhưng được kết nối bởi một tác giả. Tác giả làm cái việc của một nhà tổ chức, một người dẫn chuyện, một tay hầu chuyện, một chân thư kí. Từng người được hỏi cứ phát biểu búa xua, mạnh ai nấy nói, mạnh gì nói nấy, nói gì ghi nấy, có vẻ vô chừng, nhưng kì thực đã có một khung chung. Bởi thế, sách tự do mà có tổ chức, “dân chủ” mà vẫn rất “tập trung”. Có thể là một tư liệu đáng tin cậy cho người quan tâm.
Trong dạng sách này, cuốn Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng có một dáng vẻ riêng. Thứ nhất, chủ đề của 22 cuộc phỏng vấn trong tập sách rất tập trung. Xoay quanh một thể loại là thơ, xoáy vào một câu hỏi trung tâm là “thơ đến từ đâu?”. Thứ hai, đối tượng được phỏng vấn tuyệt đại đa số là người làm thơ Việt không phân biệt tuổi tác, vị thế, nơi cư trú, chính kiến. Thứ ba, người hỏi không chỉ đơn thuần là kẻ đi phỏng vấn, mà xuất hiện trong nhiều vai, vừa như một nhà báo, một nhà thơ, một nhà phê bình, vừa như một người đi trưng cầu ý kiến… mà bao trùm lên cả vẫn là vai một người bạn tâm giao. Bởi thế, mỗi cuộc phỏng vấn là một cuộc trò chuyện. Bởi thế, tập sách là một liên khúc chuyện trò, một tập tư liệu sống, một biên bản dày dặn các quan niệm sáng tác, các chính kiến, đồng thời cũng là một tập chân dung văn học tự họa, trong đó các nhân vật được hỏi đều hiện lên theo lối tự phô, tự vẽ khuôn mặt chính mình. Thứ tư, đây là một cuốn sách thuộc về một chuyên môn, nhưng không bó hẹp trong giới hạn chuyên môn. Ở đây, thơ là một điểm hẹn để tập hợp những chính kiến, thơ cũng là một cánh cửa để nhìn vào nhân sinh, thơ cũng là một con đường để hòa giải nhân tâm, thơ cũng là sự cứu rỗi nào đó đối với những mảnh thân phận tan tác, chia lìa, ly tán trên mặt đất đầy đói khát và giặc giã này.
Tôi cho đây là một cách làm sách thú vị. Cách làm sách này giúp tác giả vừa tập hợp được các quan niệm, các chính kiến, vừa kín đáo bày tỏ được chủ kiến, vừa là chuyện chuyên môn vừa là chuyện thế sự nhân sinh. Người làm sách đương nhiên phải có một năng lực chuyên môn, trong trường hợp này là một kiến văn sâu rộng về thơ, phải có một năng lực tổ chức “hội luận”, và trên hết, phải có một tâm huyết thực sự với sáng tạo văn hóa, một niềm thao thức nào đó với thời cuộc thì mới có thể thực hiện được. Thiếu năng lực và tấm lòng như thế, khó mà đem lại được hơi thở, sức sống cho loại sách thế này. Bằng cách ấy, nó đã có được hộ chiếu của tấm lòng và cả visa của sự khéo léo để đi qua nhiều cửa khẩu mà thủ tục nhập cảnh có khi rẩt khó khăn. Những người làm sách thời nay có thể tham khảo Thơ đến từ đâu như một cách làm hiệu quả.
2. Một bận lòng về thơ
Tất nhiên, cái mà người đọc nhận thấy trước hết chính là một bận tâm của Nguyễn Đức Tùng đối với thơ. Qua cuốn sách thấy chàng “đốc tờ” (bác sĩ) này là một người say thơ hiếm có. Không say thì không thuộc được thơ nhiều đến thế, mà những bài thơ anh thuộc của các vị anh phỏng vấn có phải bài nào cũng dễ thuộc đâu. Lắm bài cách tân, cũng khối bài cách rách lắm. Nhưng việc thuộc nhiều ít có lẽ cũng chỉ là chuyện vặt đối với một tay ghiền thơ. Điều đáng nói hơn là Nguyễn Đức Tùng có một kiến thức về thi pháp đông tây kim cổ, nhất là kim và tây, thật sự thâm hậu. Bất cứ người nghiên cứu giảng dạy thơ chuyên nghiệp nào ắt cũng phải thèm muốn vốn liếng này của anh. Tôi đọc thơ Nguyễn Đức Tùng không nhiều, ấn tượng về thơ anh cũng không thật đậm. Nhưng phần thi học của anh, tức là sở học về thơ, qua các cuộc chuyện trò với mỗi người anh phỏng vấn đã thực sự khiến tôi kính nể. Vốn liếng ấy, cùng với sự lịch lãm đã khiến cho cuộc chuyện trò có thể thành cuộc bình thơ, thành cuộc thi thoại.
Có lẽ thế, xem mỗi cuộc phỏng vấn là một thi thoại của Nguyễn Đức Tùng thì phải lẽ hơn. Những cuộc phỏng vấn về thơ tôi được biết, ngay cả đối với những đại gia của làng thơ với nhau, thì hình như người hỏi thường ở vai thụ động. Chủ yếu họ hỏi để tạo cơ hội cho người được hỏi bộc lộ mình là chính. Còn trong Thơ đến từ đâu, Nguyễn Đức Tùng không sắm vai thụ động. Bắt đầu bằng hỏi, nhưng khi vào cuộc rồi, thì anh quên cái vai hỏi của mình mà nhập vai trao qua đổi lại, cuốn vào mạch trao đổi tư tưởng về vấn đề cả hai cùng quan tâm. Nguyễn Đức Tùng như mở một diễn đàn phê bình thơ tại chỗ ở mỗi cuộc phỏng vấn. Hình thức thi thoại vừa giúp anh xóa bỏ khoảng cách thân sơ đối với người tiếp xúc, vừa là dịp để anh hiện diện như một tri kỉ đối với người đối thoại, vừa là cơ hội hé lộ cái phần trữ kim của mình để có thể ngang ngửa tranh luận với các ý kiến của người được phỏng vấn. Có thể nói mỗi cuộc như thế là một sinh hoạt tao đàn thú vị mà Nguyễn Đức Tùng vừa là đạo diễn vừa là diễn viên vừa là MC. Chính vì thế mà tôi xem Thơ đến từ đâu như một dạng Nguyễn Đức Tùng thi thoại, chứ không còn là cuộc phỏng vấn thông thường.
Đọc cuốn sách này, tôi cũng chia sẻ với Nguyễn Đức Tùng về nhiều vấn đề khác như thơ chân thơ ngụy, thơ rộng thơ hẹp, thơ mới thơ cũ…, đặc biệt là khát khao về một nền thơ Việt hòa hợp thống nhất, một nền thơ lớn. Có lẽ người làm thơ, người trí thức, người Việt chân chính nào cũng có cùng một khao khát như vậy. Chúng ta đều dễ dàng nhất trí rằng: một nền thơ lớn, một nền văn học lớn phải được làm bởi những tác giả lớn. Mà tác giả lớn phải được tạo bởi tác phẩm lớn. Trong một bài tiểu luận chưa lâu lắm, khi nêu vấn đề “Tác phẩm lớn, tại sao chưa?”, tôi cũng ít nhiều đề cập đến chuyện này. Theo quan sát của tôi, ta chưa có tác phẩm thật lớn, vì rất nhiều lý do, trong đó có một lí do khá cốt yếu: sáng tác của ta quẩn quanh với những bức xúc chính trị về đời sống thì nhiều mà băn khoăn triết học về con người và thực tại thì ít. Thiếu niềm băn khoăn này, không được nuôi dưỡng bằng niềm băn khoăn này, rất khó nói đến chuyện có tác phẩm lớn, văn học lớn. Thi ca ta cả trong nước lẫn ngoài nước đều chung tình trạng như thế thì phải? Là một người thiết tha với thơ, hẳn Nguyễn Đức Tùng cũng từng nghĩ đến lý do này?
Điều nổi lên trong mối bận tâm của anh đối với thơ có lẽ là niềm thiết tha với đổi mới thơ. Quan niệm về thơ Việt, về đổi mới thơ Việt của anh có thể có người đồng tình có người không, có người chia sẻ nhiều có người chia sẻ ít. Nhưng, cái nhiệt tình của anh đối với việc làm mới thơ là điều bất cứ ai cũng không thể làm ngơ khi đọc Thơ đến từ đâu. Không phải đến thời được gọi là toàn cầu hóa, thời được gọi là hội nhập, mới có mong ước thơ Việt thay đổi để có thể vượt xa ra ngoài biên giới. Thực ra, việc này là ao ước nằm ngay trong bản chất của sáng tạo và văn hóa. Đặc biệt là thơ. Thơ bao giờ cũng mong được đồng cảm. Sự đồng cảm càng sâu rộng, thì càng gia tăng, càng mở rộng sự sống của thơ. Nguyễn Đức Tùng am tường thơ phương Tây và rất mong muốn thơ Việt có thể được tiếp nhận, hòa nhập nhiều hơn ở nền văn hóa ấy. Mong muốn này thật chính đáng. Đọc Thơ đến từ đâu, tôi rất chia sẻ tâm nguyện sâu kín và mãnh liệt này. Thơ phương Tây rất mạnh về chất duy lý. Duy lý vừa chi phối quan niệm về chất thơ, vừa chi phối cả hệ thống thi pháp cùng thị hiếu tiếp nhận của nền thơ ấy. Nó làm nên sở trường của thơ phương Tây cùng sở đoản của nó. Còn thơ Việt, cũng xuyên qua những bình diện ấy, lại rất mạnh về duy cảm. Duy cảm là sở trường của thơ Việt. Để làm giàu mình, làm mới mình, thơ Việt có thể duy lí hơn. Và trên thực tế, so với thơ Việt truyền thống, thơ Việt hiện đại đã giàu chất nghĩ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu chỉ vì dễ hội nhập, hay dễ dịch, mà lại giảm thiểu duy cảm đi, thì e rằng không nên và không thể. Làm thế nào để cho thế giới tiếp nhận được vẻ đẹp duy cảm của thơ Việt, như một thành tựu độc đáo của tư duy thơ nhân loại, đó mới là sứ mệnh của những người thiết tha với thơ Việt. Bởi, khác với văn minh nghiêng về cái phổ quát, văn hóa bao giờ cũng nghiêng về cái độc đáo. Thơ là vẻ đẹp độc đáo của tâm hồn một dân tộc. Nếu duy lí là cái độc đáo của thơ phương tây, thì duy cảm là cái độc đáo của thơ Việt. Những độc đáo ấy bình đẳng nhau. Những độc đáo ấy cần nhau và bổ sung nhau. Làm sáng lên vẻ đẹp độc đáo này phải được xem là bổn phận thiêng liêng của người yêu thơ Việt. Hình như những người thiết tha với tiếng mẹ đẻ, thiết tha với thơ Việt chưa làm được điều này bao nhiêu. Trong quan niệm thơ, ta thường bận tâm cải mình cho giống với người mà chưa xem trọng chiều ngược lại là cần nỗ lực làm cho người hiểu ta, thấy được tầm cỡ của ta, mê ta. Phải chăng ý thức tự cường về văn hóa chưa đủ mạnh để vượt lên những mặc cảm văn hóa ? Đây chẳng phải là một nỗi đau, một món nợ chưa giải được của những người thiết tha với nền thơ Việt, văn hóa Việt sao ?
3. Một tấm lòng với dân tộc và con người
Đối với một công trình về thơ, nhất là công trình xoáy vào chuyện “thơ đến từ đâu?”, mà trước sau chỉ bó hẹp, chỉ dậm chân trong mỗi cái sân thơ thì có có lẽ nó đã thiếu đi một bộ rễ cần thiết. Và nó chưa đáng để được quan tâm đến thế. Tôi thấy câu chuyện về thơ Việt chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Phần chìm chính là mối trăn trở về nước Việt và người Việt. Có thể nói Thơ đến từ đâu là một thông điệp của niềm khát khao hòa giải và hòa hợp được nói bằng thơ, nói qua thơ, hay mượn chữ của Trịnh Công Sơn, là tấc lòng ái quốc của một con dân nước Việt ở trọ trong thơ. Nó là khắc khoải, là đau đáu sau mỗi câu chuyện, mỗi cuộc tiếp xúc, mỗi tình ý. Ở đây ta thấy rõ: hơn ai hết, những người thơ (không riêng cánh thi sĩ chuyên nghiệp) là những người mang nỗi đau chia lìa, li tán sâu đậm hơn ai hết. Và những người thơ là những người khát khao mãnh liệt bền bỉ về sự hòa hợp hòa giải hơn ai hết. Thơ đã từng đến từ vết thương lòng của cả dân tộc. Thơ có thể rịt được vết thương không? Thơ có thể đem yêu thương để xóa bỏ hận thù không? Thơ có thể khai minh cho những u mê mù quáng không? Thơ có thể cứu rỗi cho những lầm lạc không? Thơ có thể thực hiện được những sứ mạng nặng nề mà cao cả ấy. Tất nhiên, đó phải là và chỉ có thể là Thơ viết hoa. Vâng, chỉ có thứ thơ như thế mới có thể là nơi gửi gắm trọn niềm tin và mong cầu đó mà thôi.
Tôi cho rằng Thơ đến từ đâu xứng đáng được những tấm lòng Việt chào đón.
Hà Nội, những ngày đầu năm mới 2010
(Nguồn: Website Hội nhà văn)
Ngô Vĩnh Bình - vinhbinhyeulucbat@gmail.com - 0986986458 - Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội
(Ngày 21/02/2010 08:41:11 PM)
Tôi thấy lời nhận xét của Nhà thơ - Nhà Lý luận, phê bình văn học Nguyễn Tiến Bình cuối bài viết này là đọc ngay vì lời nhận xét luôn chuẩn mực, trong sáng, có tính xây dựng cao! Bài viết quả thực đúng như nhận xét, rất hay, chân thực, và sâu sắc!
Nguyễn Tiến Bình - tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - 01686711077 - 102A,Phố Chợ Khâm Thiên ,Hà Nội
(Ngày 21/02/2010 04:56:59 PM)
Tôi thấy bài của Nhà giáo - Nhà văn Chu Văn Sơn ,là đọc ngay,bởi văn gọn , chắc , từ ngữ chắt lọc , tìm tòi , ý sâu sắc ...
|