Chủ nhật, 22/12/2024,


Cây Đa Làng Việt (19/02/2010) 

Có thể nói sau cây tre, không biết từ bao giờ, cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành một biểu tượng cho các làng quê Việt Nam, thành một niềm ký ức cho bất kỳ một ai khi nhớ về quê hương nơi mình đã sinh ra. Không gần gũi như cây tre, gắn liền với cuộc sống của người nông dân từng ngày, từng giờ từ lúc mới chào đời, cây đa trang nghiêm hơn, thiêng liêng hơn…

Vốn là loài cây nhiệt đới, cũng có rễ phụ như si, nhưng rễ phụ của đa ít hơn, không loè xoè rậm rì, âm u, ma quái như si, mà cứng rắn, đoan chính, cương kiện hơn nhiều. Bởi vậy đa là nơi thần ở, những loài ma quỷ không dám ở cây đa, 'Thần cây đa, ma cây gạo' mà. Thế nên không biết người ta trồng cây đa ở bên đình đền miếu mạo, hay xây những nơi linh thiêng ấy ở bên cạnh gốc đa? Như đền thờ An Dương Vương nơi kinh thành Cổ Loa xưa, trước đây có một cây đa rất lớn, các nhà nghiên cứu đều cho rằng cây đa này phải có hàng ngàn năm tuổi, có lẽ là bằng tuổi với kinh thành cổ này. Sau đó, tưởng nhớ đến vị vua xây thành, người ta đã dựng đền thờ ông nơi thành cũ, bên gốc đa xưa. Trên cổng tam quan đền thờ Thục Phán - An Dương Vương có đôi câu đối đầy cảm khái mà có lẽ ít người để ý:


'Trắc giáng cửu thiên linh, nhập kỳ môn giả do tưởng thần cung bảo kiếm;
Hưng vong thiên tải hận, quá kỳ địa giả duy kiến cổ mộc hàn nha'


Nghĩa là: Vận thăng trầm bởi chín từng trời linh thiêng, những người vào cửa này còn như thấy cung vua, gươm báu; Lẽ hưng vong ngàn năm vẫn hận, những người qua nơi này chỉ còn thấy cổ thụ, quạ bay về. Hẳn là đã có thời cây đa cổ thụ chiều chiều lại tụ tập từng đàn quạ bay về trú ngụ, nên mới khiến người xưa tức cảnh sinh tình, ngẫm lại sự hưng vong của quốc gia Âu Lạc mà viết nên câu 'cổ mộc hàn nha'? Bây giờ cây đa ấy không còn. Không rõ cây đã chết vì bị sét đánh hay bị mối xông rỗng ruột? Hay là cây đã sống hết tuổi thọ của cây? May thay người ta cũng đã kịp lấy một nhánh đa để giâm thành một cây thay thế, cây ấy bây giờ cũng đã lớn, nhưng còn lâu mới khiến cho khách hành hương về thăm thành ốc nỏ rùa, thăm câu chuyện tình bi tráng Mị Châu - Trọng Thuỷ hiểu hết được câu 'cổ mộc hàn nha' nơi cổng tam quan kia.

Nhưng đa không chỉ ở nơi miếu điện thiêng liêng, cũng có khi đa đứng lẻ loi ngoài làng, hay đơn độc giữa đồng, giữa bãi. Đó là nơi những người nông dân một nắng hai sương cấy cày lam lũ. Những lúc tạm nghỉ ngơi giữa một buổi cày, buổi cấy, gốc đa giữa đồng lại là nơi họ cùng ngồi hóng mát, chia sẻ cho nhau bát nước chè xanh, miếng trầu miếng vỏ hay mồi lửa bùi nhùi với tiếng điếu cày vang giòn canh cách. Đa như bóng mẹ vươn cánh tay ra chở che mưa nắng cho đàn con vất vả. Tiếng lá rì rào trong gió như muốn chia sẻ với những câu chuyện muôn đời không bao giờ cũ của những người nông dân chất phác mà hóm hỉnh đa tình hơn ai hết. Biết bao chuyện cổ tích, thần tiên, và cũng biết bao chuyện bi, chuyện hài, chuyện làng, chuyện nước được kể từ đời này qua đời khác dưới gốc đa làng.

Gốc đa đầu làng cũng trở thành nơi họp chợ của dân trong làng, một vài làng, và đôi chỗ là cả một vùng. Có lẽ cây đa chợ Dốc là được nhiều người biết đến nhất. Chưa biết chợ Dốc ở đâu, cây đa chợ Dốc thế nào, nhưng ai cũng biết câu hát: 'Trèo lên quán Dốc, ngồi gốc cây đa…' Nhưng quán Dốc chắc gì đã là quán chợ? Biết đâu lại là quán thờ, quán đạo thì sao? Ai hỏi như vậy chắc hẳn không phải là người mê chèo rồi. Còn nếu bạn hay nghe hát chèo hẳn sẽ biết điệu Lới lơ: 'Em đi chợ Dốc, ngồi gốc cây đa, thấy cô bán rượu …' Vậy là rõ nhé. Chỉ tiếc không biết chợ Dốc với cây đa có cả trong quan họ lẫn trong chèo này ở đâu để ta được một lần đến tận nơi chiêm ngưỡng.

Rồi những tối trăng tròn, gốc đa lại là nơi cho trai gái trong làng hẹn hò, vui chơi ca hát, trong câu hát đó cũng có cả hình bóng của đa. Chàng trai nào thật đa tình, đằm thắm khi cất lên câu hát:


'Đầu làng có con chim xanh,
Ăn no tắm mát đậu cành cây đa
Mình về bên ấy bao xa
Nhờ mình làm mối cho ta một người
Một người mười tám đôi mươi,
Một người vừa đẹp vừa tươi như mình'


Ấy vậy mà cô gái dường như vẫn chưa xiêu lòng:

'Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình …'

 

Đa đã chứng kiến biết bao đêm trăng như thế, biết bao câu hát đã được cất lên dưới gốc đa, biết bao cuộc tình đã nảy sinh dưới gốc đa, và cũng biết bao người đến bên đa để thở than, trách duyên trách phận: 'Còn duyên buôn nụ bán hoa; Hết duyên ngồi gốc cây đa một mình'. Hoá ra đa linh thiêng, uy nghiêm như vậy nhưng cũng thật chan hoà, thật gần gũi, gần gũi đến mức người ta có thể dốc cả tâm tình mà thổ lộ với đa. Hẳn đã có người nhìn ngắm đa kĩ lắm nên mới có thể ngẫm cảnh đời khốn quẫn không lối thoát dưới bao tầng áp bức thực dân phong kiến của mình mà thốt nên câu: 'Con kiến mà leo cành đa, Leo phải cành cụt leo ra leo vào' Rồi thậm chí quá phẫn uất về 'cái sự đời' chăng mà con người ấy phải cay đắng nghiến răng: 'Sự đời như cái lá đa; Đen như mõm chó chém cha cái sự đời'. Lá đa vốn chẳng phải là loại lá nhỏ bé xấu xí nhất, sao người ấy lại nói vậy? Có nguyên nhân nào ngoài nguyên nhân người ta quen hơn, gần hơn với lá đa mà thôi.

 

Gốc đa trong thơ Đặng Vương Hưng, đôi khi còn là nơi các nghệ nhân hát xẩm mượn làm 'sân khấu' biểu diễn:

 

Dạ thưa, đành tự thương mình

Chiếu thơ rải dưới mái đình, gốc đa

Mấy câu Lục Bát ư a

Ai yêu thì ghé, ai qua thì mời...

 

 

Người Trung Quốc nói rằng trên mặt trăng có cung Quảng Hàn quanh năm lạnh lẽo mà Hằng Nga ở đó, lại có cây quế với con thỏ ngọc. Còn tôi từ nhỏ chỉ nghe ông nội chỉ mặt trăng bảo trên ấy có cây đa, với chú Cuội đang ngồi, bên cạnh là con trâu đang nằm thong dong nhai cỏ. Lại nhớ đến lời mẹ ru từ tấm bé: 'Chú Cuội ngồi gốc cây đa; Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời; Cha còn cắt cỏ trên trời; Mẹ còn cỡi ngựa đi mời quan viên'. Hoá ra trên mặt trăng cũng có cây đa, có con trâu như ở làng mình thôi. Đúng rồi, đúng là cây đa với cái gốc xù xì vồng lên từng khúc rễ, và tán lá xoè rộng, dễ trùm hết cả mặt trăng chứ chẳng chơi. Bây giờ lớn lên mỗi lần nhìn trăng, nhớ lại chuyện xưa vẫn thấy như mình chỉ là cậu bé con nằm chõng nghe ông kể chuyện ngày nào.

 

Trên những con phố Hà Nội, lác đác vẫn bắt gặp những gốc đa còn xót lại của một góc làng cổ xưa trên đất Thăng Long: Cây đa làng Cổ Vũ trên đường Hàng Gai, Cây đa bên đền Bà Kiệu, Cây đa thành tên gọi một bệnh viện - Bệnh viện cây đa nhà bò… Lại có cả cây đa rất đẹp của ông nghè Tự Tháp - Vũ Tông Phan trồng bên bờ hồ Hoàn Kiếm xưa mà nay đã nằm trong khuôn viên của báo Nhân Dân. Biết bao vật đổi sao dời, từ làng nên phố nhiều di tích không còn, đến đất chùa cũng còn bị lấn chiếm, thế mà những cây đa vẫn còn. Có lẽ người ta không dám phá đi những gốc cây linh thiêng ấy.

 

Lại nói đến việc trồng đa, từ ngày xưa người ta đã rất thích trồng đa. Bởi trồng đa là để cho thần linh có nơi trú ngụ, mọi người có chỗ ngồi nghỉ ngơi, nên việc trồng đa được coi là một việc làm công đức như dựng cầu xây quán. Sách vở còn ghi lại cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không những dựng quán Trung Tân, mà còn trồng rất nhiều đa quanh làng xã. Không biết những cây đa cổ thụ quanh đất Trung Am bây giờ cây đa nào là cây đa cụ trồng, mà học trò của cụ - Đinh Thì Trung nhắc đến trong văn tế khi cụ mất: 'Cây đa tiên sinh trồng, nhớ tiên sinh muốn ngắm cảnh xưa, thì cành lá tiêu điều, tuyết phủ đầu cây, hình cổ thụ'. Trồng đa là làm phúc, là để tích thiện, thế nên mới có tục ai hiếm muộn con cái thì hay trồng đa để cầu tự. Những năm gần đây, người ta hay trồng cây lưu niệm. Một công trình lớn được hoàn thành, một nhà máy mới dựng lên … đều có việc trồng cây lưu niệm. Là loài cây dễ trồng, sống lâu, lại có dáng vẻ đẹp đẽ, hùng vĩ, đa là loài cây được trồng làm lưu niệm nhiều nhất. Thế mà dễ sống như đa cũng không hiếm trường hợp không mọc lên nổi, bởi người ta chỉ làm cho phải phép, sấp ngửa đặt xuống hố, rồi lấp đất tưới dăm gáo nước, quan trọng là gắn cái biển lên: 'Ngài… Chức vụ … trồng cây đa này'. Nhớ lại chuyện Bác Hồ xưa từng trồng cây đa trong vườn phủ chủ tịch bằng một đoạn rễ đa cuốn lại thành một vòng tròn. Có người không hiểu, hỏi Bác sao lại trồng như vậy. Bác chỉ đáp: Rồi chú sẽ hiểu. Được Bác ngày ngày chăm tưới, quả nhiên, từ chiếc rễ, những nhánh đa mọc lên thành một vòng tròn và khi các cháu bé đến thăm Bác, được Bác dẫn ra chơi vườn thì đều thích thú chạy chơi quanh những cây đa mọc thành vòng tròn ấy. Vậy đó, Bác chẳng những là người yêu thương trẻ nhỏ mà còn thật hiểu biết về đa, về cách trồng đa.

Ở mỗi làng quê, đa lại như một cây cột mốc, cột tiêu để những người đi xa về gần nhận biết đâu là làng xóm quê mình, lẽ đơn giản bởi nó là cây cao nhất, lớn nhất làng. Cây đa quê tôi cũng vậy, không biết cây có từ khi nào, chỉ nghe ông tôi kể từ khi còn nhỏ ông tôi đã từng chơi dưới gốc đa. Tán đa trùm kín cả mái đình, vươn rợp cả khuôn hồ bán nguyệt. Thời Pháp thuộc, dưới gốc đa này nhiều người con của quê tôi đã ngã xuống dưới làn đạn của thực dân nhưng nhiều người khác lại đứng lên, để rồi cũng chính trên tán đa này lá cờ đỏ sao vàng đã phần phật tung bay trong những ngày mùa thu tháng 8 năm 45 lịch sử. Bà tôi thường căn dặn lũ trẻ chúng tôi: 'Các cháu đi đâu thì đi, nhưng cứ trông ngọn đa đầu làng mà về'. Lâu lắm mới cùng người bạn thân trở lại thăm quê, vừa vào đến sân đã tíu tít họ hàng hỏi thăm, có ai đó hỏi: Lâu không về quê, liệu có bị lạc đường không? Lại có ai đó đáp thay: Lạc làm sao được, cứ nhìn cây đa đầu làng mà về chứ. Bạn tôi đùa: Quê mình còn nghèo quá, chưa có cái gì cao hơn ngọn đa. Tôi chợt cúi đầu cay xè nơi sống mũi, không biết đáp lời bạn ra sao. Nhưng tôi biết người quê tôi nhìn ngọn đa để về làng không phải chỉ vì nó là cây cao nhất. Một cây đa Tân Trào của Việt Nam, một cây đa vô danh quê tôi, và bao nhiêu cây đa vô danh ở các làng quê khác: Cây đa làng Việt.

 

Châu Hải Đường

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: