Thứ sáu, 27/12/2024,


Một ông mà có... ba bà (phần cuối) (27/08/2008) 

    “Tôi đâu có “lừa tình” và gian dối họ! Chỉ bởi cái “số” của tôi nó đào hoa quá, nên các bà ấy đành phải chấp nhận công khai sống “đoàn kết thương yêu nhau”. Nói vậy, nhiều người chẳng tin đâu, nhưng anh cứ trực tiếp hỏi chuyện các bà ấy thì rõ...

      Tất nhiên, như thế là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình! Nhưng cái thời của tôi lạc hậu rồi, xin quý bạn đọc lucbat.com thứ lỗi cho.

      Còn các bạn trẻ bây giờ tiến bộ hơn, đừng ai dại gì theo chúng tôi mà khổ một đời”!

 

      Quá Khổ vì... lắm vợ và đông con
       Cũng thời gian ấy, Sao Mai đã làm được một việc “vĩ đại”: Chuyển 7 nhân khẩu từ vùng quê Nam Định nhập về thủ đô Hà Nội. Để làm việc đó, ông đã đánh liều xin gặp trực tiếp đồng chí Giám đốc Sở Công an Hà Nội, trình bày hoàn cảnh. Vốn là người của “Tổ công tác đặc biệt”, nên nguyện vọng của Sao Mai đã được đáp ứng ngay.
        Vì “làm tắt” từ trên, cho nên Công an phụ trách địa bàn không hề biết, vẫn tin là gia đình Sao Mai có bẩy người “tạm trú dài hạn” mà không khai báo. Họ bực lắm, quyết phải “làm cho ra nhẽ”. Một đêm nọ đã khuya, đợi cho cả gia đình Sao Mai ngủ say, đội kiểm tra mới gõ cửa và làm rất căng... Sao Mai điềm tĩnh trình sổ hộ khẩu, có ghi rõ ràng hai cột “vợ cả” và “vợ hai” cộng đủ... mười người. Anh đội trưởng đội kiểm tra chưng hửng và ngạc nhiên hết sức. Còn nhà văn Sao Mai thì cười: “Thông cảm nhé, tớ bận quá, với lại cũng chủ quan là toàn... vợ con mình cả mà”!
        Giữa năm 1964, có tin Mỹ sắp gây chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Thủ đô Hà Nội và một số thành phố lớn có chủ trương sơ tán cho nhân dân và phát động phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới. Nhà văn Sao Mai đã quyết định xin đưa cả nhà đi đợt đầu tiên ở vùng núi phía Bắc.
        Hồi ấy, Văn Luông là xã vùng cao, toàn dân tộc Mường, hoang vu nhất của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Chính quyền địa phương nghe tin có gia đình một nhà văn từ thủ đô về định cư thì mừng lắm, lấy đó làm vinh dự và tự hào cho quê hương. Huyện đã chỉ thị cho xã, còn xã thì hô hào các thôn bản cử người đến giúp công, dựng nhà cho gia đình nhà văn...
        Một đội thợ lành nghề quê Thạch Thất (Hà Tây), đông tới mấy chục người được giới thiệu đến làm suốt mấy tháng trời. Họ đi khắp vùng, lùng mua tới một trăm năm mươi cây xoan to, hì hục đục đẽo suốt ngày đêm...
        Hôm được mời đến nhận căn nhà mới, Sao Mai kinh ngạc vì nó giống một cái... cung điện thu nhỏ, với năm gian to, ba hàng hiên, được làm theo kiểu đại khoa, chạm trổ, kẻ truyền khá cầu kỳ. Chả là, đội thợ cứ nghĩ rằng gia đình ông nhà văn này từ Hà Nội lên thì hẳn giàu có và nhiều tiền lắm, nên đã quyết định “đầu tư” ứng trước. Nào ngờ, Sao Mai phải bán sạch đồ đạc, bán luôn cả chiếc xe đạp quý giá mang theo mà mới chỉ đủ... một phần ba kinh phí làm nhà. Số còn lại ông bí quá, nên mới nói liều rằng “Tôi còn gửi một số tiền lớn ở chỗ... Hội Nhà văn Việt Nam, hôm nào về sẽ lấy lên trả hết”.
        Nhưng đợi mãi, vẫn chẳng thấy Sao Mai đi lấy tiền, ông phó cả đành cử mấy người cơm đùm cơm nắm về Hà Nội hỏi thăm, tìm gặp bằng được Nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam để... đòi nợ!
        Nhưng, Hội Nhà văn lấy đâu ra tiền chi trả khoản làm nhà vô lý ấy! Bực quá, toán thợ lại về Văn Luông tìm Sao Mai... Nghe kể, Sau nhiều lần “trốn nợ” tiền nhà không được, nhà văn đành phải dở cười dở khóc, xin được “trả góp” mỗi năm một ít...
        Sau vụ làm nhà ấy, kinh tế gia đình Sao Mai gần như kiệt quệ. Nhà đông miệng ăn, lại không có lương thực dự trữ, sắn khoai trồng chưa được bao nhiêu, nên cả nhà phải chịu cảnh thiếu đói triền miên...
        Và lúc này, hai người vợ của Sao Mai đã phải gồng mình để nuôi đại gia đình. Hằng ngày, họ chỉ ăn mỗi người đôi củ khoai luộc, củ sắn nướng, uống nước suối rồi lên rừng kiếm cái ăn cho cả nhà. Nhiều hôm khoai sắn cũng không còn, những người đàn bà ấy đã uống nước lã để đi làm...

 

         May là các bà ấy đã “thương yêu nhau”
         Ngồi kể lại chuyện đời mình, đến đoạn hai người vợ ông nhịn đói đi làm, Sao Mai nghẹn ngào không nói được: “Anh biết không? Họ đã không từ một việc gì, dù vật vả đến đâu, thậm chí là quá nguy hiểm. Ví dụ, các bà ấy đều không hề biết bơi, vậy mà đã có một thời gian dài họ làm nghề... chống bè mảng theo sông từ Phú Thọ xuôi về Hà Nội. Không ít lần hai bà phải vượt qua vực sâu, nước xoáy, bè lật úp, uống đầy bụng nước, sặc sụa, ngạt thở... Ngoi lên được, lại chống chèo đi tiếp, may mà chẳng ai chết đuối”!
        Những năm tháng khó khăn ấy, Sao Mai chẳng biết làm gì giúp vợ con ngoài việc viết văn!
        Mùa đông về, trời lạnh thấu xương, ông thường trùm chiếc chăn bông cũ nát, rách tả tơi, ngồi bên bếp lửa bập bùng, vừa viết tiểu thuyết, vừa quờ tay bốc một ít cháo cám bỏ vào mồm nhai, rồi chiêu một ngụm nước chè xanh... Đó là khẩu phần ăn quý nhất cả nhà dành để “bồi dưỡng” cho Sao Mai lấy sức viết văn.
        Khổ sở là vậy mà bà cả và bà hai đều coi ông như “thần tượng” của đời mình. Nhiều đêm, các bà đã thay phiên nhau đốt đuốc cho thêm ánh sáng để chồng viết văn. Bà cả vốn hay chữ, còn làm hàng ngàn câu thơ tặng Sao Mai... Cả hai bà đều sống rất tình cảm, họ đã sinh cho nhà văn tổng cộng tới mười một người con vừa trai vừa gái, (tất nhiên bây giờ còn thêm mười một dâu và rể nữa). Điều hạnh phúc là hầu hết vợ chồng còn cái họ đều sống ở khu vực Văn Luông, huyện Thanh Ba của tỉnh Phú Thọ. Trong vùng này, hiện có tới 12 trang trại sinh thái và vườn rừng là của con cháu nhà văn Sao Mai. Mọi người vẫn đùa: Nếu tập trung lại, thì chỉ riêng gia tộc, con cháu của ông đã đủ thành làng, thành xóm...
        Năm 2008 này, nhà văn Sao Mai đã lên chức “cụ”, với hơn bốn mươi cháu chắt nội ngoại. Nói chuyện với bạn bè về hai bà vợ, ông vẫn tự hào khoe: “Bà cả thương tớ lắm, bà hai cũng yêu tớ lắm. Làm sao tớ có thể thờ ơ được với các bà ấy chứ!”

             Vợ cả, vợ ba - Cả ba vợ đều là... vợ cả'


        Thế còn người vợ thứ ba của Sao Mai?
         Chị còn khá trẻ, kém lão nhà văn gần ba mươi tuổi, có tên là Lê Thị Hải Lý. Sinh năm 1952 tại Thanh Hóa, nguyên là chiến sĩ quân y Trường Sơn thời đánh Mỹ. Chị Lý từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng người chồng đã bội bạc bỏ lại hai đứa con để đi theo một người đàn bà khác.
         Gần 20 năm trước, hồi Sao Mai được bầu làm Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Vĩnh Phú, phải rời Văn Luông về Việt Trì công tác. Một lần tình cờ quen biết chị Lý, ông ghé lại thăm. Sự thăm viếng nhiều lên cho tới lúc ông có thể... nghỉ lại ban đêm trong nhà chị và trở thành người một nhà lúc nào chẳng hay.
         “Những năm gần đây, mỗi lần tớ từ trang trại ra thành phố, lại có tay bà ấy chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, sức khỏe tốt lên rất nhiều – Sao Mai nói về người vợ thứ ba của mình một cách đầy cảm mến - Bây giờ thì ba bà của vợ của tớ đều là chị em thân thiết một nhà. Các bà ấy rất hay gọi điện thoại cho nhau. Tớ thường phải đóng vai “giao liên”, mang quà của bà nọ chuyển cho ba kia... Tuy có hơi mệt, nhưng mà cũng vui lắm!”.
         Và lão nhà văn cất tiếng cười thật sảng khoái.
          Hai năm trước, Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ tổ chức tại thành phố Việt Trì một cuộc Hội thảo khoa học mang tên “Nhà văn Sao Mai – Văn chương và cuộc đời”. Có tới 12 tham luận, do các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình như Đỗ Kim Cuông, Vân Long, Dương Huy Thiện, Nguyễn Văn Toại, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Thiện Kế, Văn Chinh... được đọc rất cảm động. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong lời tổng kết cuộc hội thảo đã nói một câu đầy ý nghĩa: “Cánh diều Sao Mai chưa bao giờ đứt dây với cuộc sống”.
        Vâng, sống một cuộc đời từng nếm trải những “tận cùng khổ đau, tận cùng hạnh  phúc” như nhà văn Sao Mai, quả là không phải người nào cũng có được.

                                                                               ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: