Chủ nhật, 22/12/2024,


Nhà văn Băng Sơn: Có một Hà Nội ngoài văn chương (17/02/2010) 

Không ít lần ông phải cất tiếng thở dài về những con đường chật chội, xe cộ lèn đường, về những cô tú cậu tú diện quần áo đẹp mà văn hóa cạn nông. Nhưng tất cả những thứ đó không làm cho thói quen đi phố của ông thay đổi...

Tôi đến thăm nhà văn Băng Sơn vào những ngày cuối năm, khi không khí đón Tết của người dân Hà Nội đang tấp nập. Ngôi nhà của ông giản dị nằm ở ngõ số 7 đường Ngô Thì Nhậm.

Ở tuổi xấp xỉ bát tuần cộng với căn bệnh suy tim và những di chứng của tai biến mạch máu não, nhà văn đã yếu đi nhiều. Ông lên tiếng khi thấy có khách đến nhà nhưng vẫn ngồi yên ở ghế salon. Thay chồng đón khách, cụ bà mời tôi một ly trà nóng. Sau khi sắp xếp chỗ ngồi cho chồng, cho khách ổn thỏa, bà nhẹ nhàng nói nhỏ với tôi: 'Ông đang ốm mệt, phải uống kháng sinh nhiều nên muốn hỏi gì cô nói to lên nhé”, rồi lui vào phòng trong.

Từng đọc nhiều tác phẩm của nhà văn Hà Nội này, những sinh viên từ tỉnh lẻ lên thủ đô như chúng tôi dễ dàng cảm mến với một vùng đất mới qua những trang tản văn nhẹ nhàng của ông. Hà Nội hiện hữu qua từng ngõ nhỏ, phố nhỏ, từng rặng cây, từng loài hoa mà ông miêu tả. Chất người Tràng An trong văn của Băng Sơn nay đã mai một đi nhiều nếu chỉ nhìn vào dòng người hối hả ngược xuôi mỗi sớm mai trên phố. Nhưng bước vào ngôi nhà này, cái ồn ào, xô bồ của nhịp sống đang nhiều đổi thay ngoài kia dường như được tạm quên đi. Hai vợ chồng già, một căn nhà cũ nhưng vẫn hiển hiện vẹn nguyên những nét thanh tao, lịch lãm trong sự giản dị mà ấm áp tình người.

 

Trong câu chuyện của nhà văn, tôi được biết ông bà có hai người con đều đã xây dựng gia đình. Con trai của ông hiện giữ chức phó tổng biên tập của một tờ báo, con gái là nhân viên một nhà máy nhưng vào mỗi cuối tuần họ đều tề tựu về trong ngôi nhà nhỏ của ông bà, cùng ăn một bữa cơm, cùng uống những tách trà, cùng vui những câu chuyện. Ông bảo, các con ông không ai quá giàu, nhưng điều ông hài lòng nhất đó là họ không để ông phải đau đáu một niềm đau về sự rạn nứt những nếp sống xưa giản dị. “Có lẽ chúng đều biết tôi rất buồn khi chứng kiến sự đổi thay quá nhanh ..., chúng biết tôi rất buồn sau mỗi ngày đạp xe xuống phố nên muốn bù đắp lại phần nào”.

Ông bảo cái gọi là nếp nhà kỳ lạ lắm, chỉ cần người lớn làm theo là tức khắc bọn trẻ học được. Bởi thế từ thời các con ông cho đến các cháu và giờ đã lên chức cụ, gia đình ông vẫn giữ được “lề thói” cũ. Các con ông không để con mình bị “cớm nắng” trước sự chiều chuộng thái quá của cha mẹ, vì thế chúng vừa là những đứa trẻ tự lập nhưng cũng rất hiếu đễ với ông bà. Sự phát triển về kinh tế nhanh đã mang đến cho hầu hết người dân một đời sống đủ đầy hơn, nhưng kèm theo đó, thói a dua, a tòng cũng trỗi dậy, nhiều đứa trẻ chỉ sống bằng sự đòi hỏi, thậm chí muốn sở hữu những thứ quá sức của cha mẹ có thể lo lắng. Nhưng ông vui vì những người cháu của mình không đua đòi, ăn chơi theo chúng bạn, không đau khổ với những thứ mình không có.

Từng có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc nhiều nhưng nhà văn Băng Sơn không thích những thứ lai căng. Ông không thích pizza, đồ nguội mà chỉ thích những món ăn dân dã như món hành tây ngâm dấm. Thứ nước ông dùng cả đời vẫn chỉ là nước hoa hòe.

 

     

                  Vợ chồng nhà văn Băng Sơn

 

Trong câu chuyện về cuộc sống, không ít lần ông phải cất tiếng thở dài về những con đường chật chội, xe cộ lèn đường, về những cô tú cậu tú diện quần áo đẹp mà văn hóa cạn nông. Nhưng tất cả những thứ đó không làm cho thói quen đi phố của ông thay đổi. Dường như ông nghe được, cảm thấy hay hy vọng ở một điều, sau sự xô bồ này vẫn còn một Hà Nội khác, ông dường như không tin mảnh đất của chốn kinh kỳ chỉ một phen bão giông mà khuất dạng. Và vì thế dù không còn giữ được thói quen ra phố vào mỗi buổi sáng tinh sương, vào những chiều mờ sương lạnh của Hà Nội mùa đông ông vẫn ngắm nhìn Hà Nội mình từng yêu theo một cách khác. Ông đọc báo, xem tivi để cảm nhận về cuộc sống.

 

Ông không dành tặng lời khen cho người phụ nữ cặm cụi cả đời đi bên cạnh mình, nhưng nhìn vào nét mặt hài lòng mỗi khi bà nở nụ cười tươi, tôi biết ông đang hạnh phúc. Người con gái Hà thành ông chọn từ thời tuổi trẻ nay đã cùng ông tóc bạc hoa râm, nhưng tình yêu giữa họ thì vẫn thế. Trong suốt buổi trò chuyện kéo dài cùng ông nhiều tiếng, bà thỉnh thoảng xuất hiện nhẹ nhàng khi thì mang theo ly nước, lúc mang cho ông chiếc khăn để thấm mồ hôi trong tay. Nhưng tất cả những lần xuất hiện bà đều không làm cho cuộc gián đoạn giữa chúng tôi ngắt quãng.

 

Nhà  văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn sinh năm 1932, quê cha ở Hà Nam; quê mẹ ở Thanh Trì (Hà Nội). Ông sinh ra và lớn lên ở đất Cẩm Giàng (Hải Dương) nhưng khởi nghiệp văn ở Hà Nội. Ông làm thơ và viết văn từ năm 1949 và đã có nhiều bài viết được đăng báo khi ông còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhà văn Băng Sơn nổi tiếng là nhà văn chuyên viết về Hà Nội. Các tác phẩm nổi tiếng được xuất bản như: Thú ăn chơi người Hà Nội (4 tập); Đường vào Hà Nội; Dòng  sông Hà Nội; Phập phồng Hà Nội; Hà Nội 36 phố phường....Ông đạt được nhiều giải thưởng lớn trong sự nghiệp văn chương: Giải Hội Nhà văn Việt Nam về thiếu nhi, giải báo Nhi Đồng, giải viết về “Hà Nội nghìn năm” của báo Hà Nội Mới, giải kịch bản văn học của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam,… Huy chương vì sự nghiệp văn hoá, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục thanh thiếu nhi, và cuối năm 2009 ông được chọn là một trong ba đề cử của giải thưởng “Giải thưởng lớn- vì tình yêu Hà Nội” trong giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”.

Trong câu chuyện sau đó với bà (vợ của nhà văn Băng Sơn – PV) tôi hiểu được lý do tại sao nhà văn này lại có những trang văn về Hà Nội hay đến thế cho dù ông không sinh ra từ mảnh đất này. Chính bà đã thổi hồn cho những nét văn hóa tinh hoa của Hà Nội xưa trong mỗi món ăn bà nấu, trong mỗi thái độ bà cư xử, trong cả cách trọng chồng mình.

Cũng qua bà, tôi biết được trong những trăn trở thường nhật của nhà văn Hà Nội vẫn luôn hiện hữu. Những đổi thay dù nhỏ nhất của mảnh đất này là điều dễ nhất khiến ông vui, khiến ông buồn hay trào nước mắt.

Tôi chào ông ra về khi trời giăng giăng mưa lạnh. Xe cộ vẫn ngược xuôi, từng đoàn người vẫn chất chứa cái tham vọng làm sao nhanh nhất để thoát khỏi những con đường chen chúc. Họ về đâu sau những ngả rẽ... nhưng  sau cuộc trò chuyện với nhà văn, tôi cứ tự nghĩ rằng, rồi cái xô bồ kia một ngày cũng phải thoái lui. Hà Nội thanh lịch và hào hoa vẫn sẽ ở đó sau những cuộc chuyển mình. Bởi vẫn có rất nhiều người từng nặng lòng, sẽ nặng lòng với mảnh đất kinh kỳ ngàn năm ấy.

 

Nguyễn Huệ

(Nguồn: Đất Việt Online)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: