Thứ tư, 17/04/2024,


Có một tình yêu như thế (27/08/2008) 

 

Thời kháng chiến, ông từng là Chính trị viên Tỉnh đội Yên Bái. Còn bà là một nhà giáo, từng là học viên Lớp Sư phạm 7K, được đào tạo tại Trung Quốc năm 1952. Mối tình của họ thật đẹp,  trải qua bao khó khăn, vất vả, đã qua hơn nửa thể kỷ, mà vẫn nồng nàn đằm thắm như thuở mới yêu...

 

Ông Nguyễn Thái có tên khai sinh là Nguyễn Tuyền, sinh ngày 05 tháng 6 năm 1923 tại xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; là con thứ 6 trong một gia đình có bố là Nguyễn Văn Kiệm mất sớm, mẹ là Đoàn Thị Cúc phải tự thân tần tảo nuôi dạy 9 người con.

Mới ngoài 20 tuổi, Nguyễn Thái đã hăng hái dồn hết tâm sức cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Thị xã Thái Bình. Tháng 2 năm 1946, Nguyễn Thái được Xứ ủy điều động tham gia Đoàn cán bộ của Khu uỷ khu 10 tăng cường cho tỉnh Yên Bái. Tháng 10 năm 1946, chính các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Chấn và Thường vụ Tỉnh uỷ Nguyễn Duy Văn của tỉnh Yên Bái đã trực tiếp giới thiệu và kết nạp Nguyễn Thái vào đội ngũ vẻ vang của Đảng.

Trong hơn 5 năm công tác tại Yên Bái, đồng chí Nguyễn Thái đã được cấp trên tin cậy giao đảm đương các chức vụ chính như: Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Yên Bái, Chính trị viên Tỉnh đội Yên Bái…

Và cũng chính Yên Bái là nơi khởi nguồn cho một tình yêu, là nơi se bện nên sợi tình lóng lánh đan kết đôi uyên ương Nguyễn Thái- Đặng Thị Bích Dung đến đầu bạc răng long, vẫn âu yếm trao nhau nụ hôn tinh khôi của thời xuân sắc. Người chắp bút cho thiên tình sử này, không dám chắc, có hoàn thành tốt được sứ mạng trót mang?!

Nhớ lại, tháng 2 năm 1948, trong lúc đang làm Bí thư Huyện uỷ Trấn Yên, ông Nguyễn Thái được cấp trên giao nhiệm vụ chuyển sang làm Chính trị viên Tỉnh đội Yên Bái. Trên đường từ Yên Bái đi công tác sang vùng khác, ông Thái và đồng đội thường phải qua bến sông Thao thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ. Ở đó, có một gia đình tương đối khá giả. Người chồng tên là Đặng Hữu Đức, mất sớm. Người vợ tên là Nguyễn Thị Bạch Tuyết- chồng chết khi vừa 27 tuổi, vẫn ở vậy quyết chí thờ chồng nuôi dạy nên người cả 5 đứa con. Bà còn là người hết lòng tham gia phục vụ kháng chiến: Mở hàng cơm miễn phí cho cán bộ và chiến sĩ của ta; góp tiền cho bộ đội mua sắm trang thiết bị để đánh giặc; là Hội trưởng Hội Mẹ Chiến sĩ của xã Hiền Lương huyện Hạ Hoà tỉnh Phú Thọ…

Tác giả lời tình ca say đắm mượt mà trên là người trong cuộc - chàng trai Nguyễn Thái. Vốn học rộng hiểu nhiều, lại là người có bản lĩnh chí cốt khác thường, nên không chỉ luôn hoàn thành nhiều việc lớn khác, sau này, ông Nguyễn Thái còn là tác giả của cả những tập thơ tình. Và người tình lộng lẫy luôn đằm thắm dịu dàng trong những bài thơ ấy, không ai khác ngoài người đẹp Bích Dung.

Xin cho suy tư được tung tẩy. Có nhiều lý do thúc đẩy, khiến người ta phải ngỡ ngàng khi đột nhiên ngộ ra mình cũng là Thi sĩ. Còn nhiều bằng chứng khác sẽ trình cáo sau, nhưng lý do riêng thúc đẩy để có những bài thơ hay của tác giả Nguyễn Thái chính là may mắn của đời ông, khi đã gặp và được đón nhận bởi người đẹp Bích Dung?!

Hơn thế, người đẹp đó còn gắn bó máu thịt với ông đến đầu bạc răng long? Phần thưởng này, may mắn này của Nguyễn Thái có phải là quá lớn không? Đến thế, mà vẫn không làm được thơ mới là chuyện lạ! Món quà Tạo hoá trao cho ông Nguyễn Thái lớn quá, khiến bao tao nhân mặc khách khác phải khát thèm.

Anh bộ đội Nguyễn Thái gửi cho người đẹp Bích Dung nhiều lắm, hầu như tuần nào cũng có thư. Giấy thủa đó đâu sẵn như bây giờ. Trong hoàn cảnh công tác chiến đấu nước sôi lửa bỏng, tâm trí và thời gian dành cho chuyện yêu đương lại càng không sẵn. Nhưng người đẹp Bích Dung vẫn nhận thư của Nguyễn Thái đều đặn. Nếu Bích Dung không đẹp, không hiền thục nết na; nếu tình cảm dành cho cô của Nguyễn Thái không sâu nặng và say đắm thiết tha; ắt chẳng có số lượng thư tình làm kỷ vật nhiều đến nỗi phải dùng đến bao vải để lưu giữ đến bây giờ.

Chỉ tiếc lá thư tình đầu tiên ấy, người đẹp Bích Dung không thể nào giữ được. Và biết bao lá thư của Nguyễn Thái gửi cho cô tiếp đó cũng chẳng biết cất giấu vào đâu. Bởi tình cảm của hai người dù chỉ mới bắt đầu, dù thậm thà thậm thụt cũng chẳng giấu được lâu. Mắt nọ truyền tai kia và chỉ thời gian ngắn sau, anh bộ đội Nguyễn Thái đã bị mẹ Nguyễn Thị Bạch Tuyết của Bích Dung cảnh giác. Xin hãy thử hình dung: giới tuyến đã định nay bỗng đầy đạn lửa, cạm bẫy vô hình lại giăng mắc khắp nơi, thư đến tận tay là may mắn lắm rồi, không xé hoặc đốt ngay để gọi mời roi vọt à?! Biết vậy, nhưng không phải bao giờ cũng trót lọt. Cô con gái rượu mặt hoa da phấn vẫn còn nhỏ quá; anh chàng bộ đội thoắt ẩn thoắt hiện chẳng biết tính tình gốc gác ra sao… Đây là mối lo của bất cứ bà mẹ nào. Xin đừng trách riêng bà Tuyết mà phải tội! Bích Dung không nhớ đã bao lần bị mẹ tra hỏi. Và, biết bao mảnh giấy… không hề có nét chữ của Nguyễn Thái, cũng bị vạ lây.

Nhưng, tình yêu... Đã thực sự là tình yêu, ắt chẳng thiếu đắm say. Mà đã đắm say, không thể không kéo theo vô số chuyện phiêu lưu đến thót tim, nhưng cũng vô cùng kỳ thú. Càng kỳ thú hơn nữa khi họ say đắm trong yêu đương, nhưng một người phải nghiêm cẩn thực thi tốt chức phận cán bộ chỉ huy của quân đội cách mạng, còn người kia không thể lãng quên bổn phận làm con - lại là con gái phải lấy chữ công dung ngôn hạnh làm đầu. Nguyễn Thái và Đặng Thị Bích Dung đã làm được điều đó. Tình yêu, với sức mạnh và vẻ đẹp vốn có của nó, đã làm được điều đó? Có lẽ cả hai.

Từ chỗ tuyệt đối cấm cản con gái mình không được tiếp tục gần gũi quan hệ với người bộ đội đáng tuổi chú của nó kia, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã phải dần dần thoái lui, rồi đi đến chỗ không những chỉ chấp thuận mà còn đặc biệt thương yêu nể trọng người con rể Nguyễn Thái của mình.

Còn người đẹp Bích Dung vẫn không quên thuở ban đầu đã hỏi người yêu: “Anh có vợ rồi, nhưng chị ấy chết phải không?”. Đến ngày dẫn vợ về thăm quê mình, anh bộ đội Nguyễn Thái chợt nhớ câu hỏi xưa cười bảo: “Bích Dung ơi! Chúng mình đi thăm mộ chị cả đi?!”. Cô vợ trẻ Bích Dung chỉ còn biết giấu khuôn mặt đỏ lựng vào ngực chồng và vung tay đấm người yêu của mình bùm bụp.

Để có được những tình cảm rất mực trìu mến thân thương đó, anh bộ đội Nguyễn Thái đã phải bao phen - vừa đĩnh đạc vừa liều mình - để nhen nhúm và bảo vệ tình yêu với Đặng Thị Bích Dung. Nàng càng lớn càng đẹp, càng mơn mởn đẫm sắc nồng hương. Đàn đàn lũ lũ ong bướm luôn vây vo với mũi mắt tỏ tường. Riêng “ong” Nguyễn Thái tự biết mình bụi trần nặng cánh. Nhưng ở anh có một thứ luôn dư thừa là bản lĩnh: Bản lĩnh của một người biết học hỏi và rèn giũa để tự hoàn thiện mình trước cuộc sống đầy thử thách cam go; bản lĩnh của một chàng trai chỉ vừa 24 tuổi xuân đã can đảm sáng tạo chớp bắt thời cơ lãnh đạo thành công cuộc nổi dậy giành chính quyền cho cách mạng ở Tỉnh lỵ Thái Bình; bản lĩnh của một Đảng viên, một quân nhân cách mạng luôn giữ chữ Tâm, chữ Tín như con ngươi của mắt mình, nên sẵn lòng thương yêu và hết mình vì người khác… Chính bằng cốt cách giản dị, mực thước và chân tình, Nguyễn Thái đã làm mềm lòng bà mẹ vợ tương lai. Lại thêm tình yêu như lửa cháy và vẻ ngoài rất mực mẫn tiệp đẹp trai, anh cũng dần dà hút hồn người đẹp Bích Dung lúc nào không biết.

Một trong những thời điểm gay cấn nhất của tình yêu hai người là thời gian ba năm (1951- 1953) Đặng Thị Bích Dung được đi học Lớp 7K Trường Sư phạm Trung ương thuộc Khu Học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Cũng trùng với thời điểm đó, anh Nguyễn Thái cũng được cấp trên cử đi học khoá đào tạo cán bộ trung cao cấp tại Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam tại Vân Nam Trung Quốc. Điều gay cấn ở đây là sự thử thách do cách trở không gian và thời gian, sự trống vắng nỗi lòng và biết bao khó khăn, cám dỗ trước mặt. Lửa tình mới vừa nhen nhúm, sao mà bấy bớt mảnh mai, gió mưa ngày cũ chưa kịp nguôi ngoai, đã rình rập vây quanh là giá buốt đêm dài. Tình yêu của hai người không khác gì giọt sương, chiếc lá đầu cành- se thắt.

Sau 3 năm tu nghiệp Sư phạm (1951- 1953) tại Tâm Hư, Nam Ninh, Trung Quốc, cuối năm 1953, cô giáo trẻ Đặng Thị Bích Dung cùng hai đồng môn nữa tình nguyện về công tác giảng dạy tại Cao Bằng. Cô giáo Đặng Thị Bích Dung về công tác tại Lũng Pảng thuộc huyện Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng. Không cần phải nói thì ai cũng biết cơ sở vật chất của trường lớp và hoàn cảnh ăn ở sinh hoạt giảng dạy học tập của thầy lẫn trò thời ấy rồi. Giữa thiếu thốn trăm bề, may mắn sao khi cô Bích Dung luôn có thừa nhiệt huyết tuổi trẻ và kiến thức sư phạm vừa được trang bị. Cô cùng ăn, cùng ở, cùng dầu dãi sương gió nắng mưa, cùng tránh đỡ đạn bom, cùng sẻ chia từng trang giấy cây bút… với học trò và gia đình của các em. Hơn thế, cô còn có tình yêu của Nguyễn Thái luôn nồng nàn như lửa và sẵn sàng sẻ chia giúp đỡ.

Sau khi tốt nghiệp khoá đào tạo cán bộ trung cao cấp tại Trường Sĩ quan Lục quân tại Vân Nam, Trung Quốc, ông Nguyễn Thái về nước và công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Chính trong thời gian này (1954), khi chiến thắng Điện Biên Phủ đang vang dội năm Châu, khi Miền Bắc bước vào giai đoạn cải cách và dựng xây mới, được sự đồng thuận của cấp trên, lễ Thành hôn của cặp uyên ương Nguyễn Thái và Đặng Thị Bích Dung được tổ chức tại Lũng Pảng, Quảng Uyên, Cao Bằng…

Đến năm học 1976- 1977, cô giáo Đặng Thị Bích Dung mới được chuyển về nhận chức vụ Hiệu trưởng Trường Cấp I- II Hương Sơn, thuộc Khu Gang thép Thái Nguyên. Và cô đã liên tục công tác phấn đấu hết mình tại đây hơn 20 năm cho đến ngày về hưu vào tháng 10 năm 1984.

Trong thời gian công tác tại Khu Gang Thép Thái Nguyên, cũng là quãng thời gian ông Nguyễn Thái gặp không ít khó khăn ngang trái. Ví dụ: Vẫn là con người cũ, vẫn nhiệt tình công tác và tâm huyết của một đảng viên mẫu mực, nhưng ông đã gặp phải nhiều kẻ- vô tình hay cố ý(?)- luôn tìm cách cản trở bước tiến của mình; ông khốn khổ vì hàng chục lần phải thuyên chuyển công tác qua các đơn vị nhỏ lẻ của Tổng Công ty; không hề phạm sai lầm khuyết điểm, vậy mà có thời kỳ suốt 15 năm miệt mài công tác vẫn không được tăng lương; có kẻ còn cố tình tìm cách cho về hưu khi ông chỉ vừa 46 tuổi… Rốt cuộc, sau 40 mươi năm liên tục nỗ lực cống hiến, Người từng trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cho cách mạng tại thị xã Thái Bình năm 1945, Người nguyên là Chính trị viên Tỉnh đội Yên Bái thời kỳ 1948- 1951, Người Cán bộ Lão thành Cách mạng duy nhất còn lại của Khu Gang thép Thái Nguyên, Người đảng viên luôn gương mẫu tận tuỵ với sự nghiệp của Đảng… Nguyễn Thái đã về hưu

Bà Bích Dung cho biết: Trong dịp tổ chức Lễ Mừng thọ tám mươi, trước đông đủ con cháu và khách mời, chính tôi từng sảng khoái tự hào khẳng định: “Ông Thái của tôi là người chồng, người cha, người ông thật tuyệt vời!” Giữa những tràng pháo tay râm ran hưởng ứng, tôi nhìn nhiều khoé mắt lấp loá xúc động của cháu con…

Ông bà Thái- Dung có 4 người con gái từng tốt nghiệp đại học, đã vững vàng gia thất và có thể nói đều đang công thành danh toại:

1. Con gái Nguyễn Thị Nguyệt Bích sinh 11 năm 1957, đương chức Phó Giám đốc Xí nghiệp Cơ Điện Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Chồng chị Nguyệt Bích là Đại tá quân đội Phạm Lê Văn, hiện đang công tác tại Quân khu I.

2. Con gái Nguyễn Thị Bích Hoà sinh năm 1958, hiện nối nghiệp mẹ, là giáo viên dạy Toán của một trường Phổ thông Trung học.

Chồng chị Bích Hoà là Thượng tá quân đội Lê Thành Dư đang công tác tại Quân khu I.

3. Con gái Nguyễn Thị Bình Minh và chồng là Vũ Bá Phượng đều từng đi lao động ở nước ngoài, hiện là công nhân luyện cán thép.

4. Con gái Nguyễn Thị Minh Phương sinh năm 1970, hiện là Trưởng phòng kinh doanh Ngân hàng Công Thương Lưu Xá Thành phố Thái Nguyên.

Chồng chị Minh Phương là anh Trần Duy Cường, đương chức Phó Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí.

Ngoài chuyện suốt đời cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp chung và lo miếng cơm manh áo cho cháu cho con, ông bà Nguyễn Thái và Đặng Thị Bích Dung còn là những người luôn nêu gương sáng về đạo hiếu đối với ông bà tiên tổ và không bao giờ nề hà khi cần phải giúp đỡ hỗ trợ những người sa cơ lỡ vận gặp trên đường đời.

Giữa thời buổi nhiều giá trị đạo đức được cân đong đo đếm bằng tiền, giữa thời buổi nhiều người chỉ biết có tình yêu đích thực trong chuyện cổ tích… thì đây- Hai Người Tình vẫn không ngừng ấp ưu xoắn xuýt trên ngưỡng đời đã tám chín mươi xuân!

Khi cho xem chiếc khăn tay do chính Người đẹp Đặng Thị Bích Dung thêu tặng từ năm 1950, ông Nguyễn Thái xúc động nói: “Vợ chồng tôi đã nguyện rồi, nếu mai sau không cùng lúc về trời, người đi sau sẽ dùng chiếc khăn tay này đậy mặt cho người kia. Và, tóc của người này cũng sẽ được cắt để ủ vào ngực người kia…”.  

                                                                              Tháng 8 năm 2008  

                                                                            NGUYỄN THỐNG NHẤT

 

Ảnh trong bài:

- Cựu chiến binh Nguyễn Thái thời còn trẻ.

- Nhà giáo Đặng Thị Bích Dung khi còn trẻ.

- Ông bà NguyễnThái - Bích Dung hạnh phúc bên con cháu.

_________________ 

   LBT: Nếu Quý bạn đọc cao tuổi muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

                                                                              

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: