Thứ năm, 02/01/2025,


"Mùa xuân đầu tiên" của Văn Cao (14/02/2010) 

Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến là những lời ca “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về” lại vang lên. Không ồn ào rộn rã, Mùa xuân đầu tiên ấy đã nhẹ nhàng, êm đềm thấm sâu vào lòng người một cách rất tình người.

 

Hầu như tất cả những ca khúc viết về mùa xuân đều có chung một giai điệu tưng bừng, rộn ràng... Bởi mùa xuân là mùa của những mơ ước hạnh phúc, vui tươi. Thế nhưng đã có một bài hát về mùa xuân đã không hề đi theo cái “khuôn” đúc sẵn này nhưng khi hát lên vẫn nghe yêu đời, yêu người, yêu Tổ quốc một cách thật đằm thắm, nồng nàn. Ca khúc này đã được viết bởi những rung cảm của một bậc thầy trong làng âm nhạc VN: Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao.

 

Những mùa xuân gần đây, chúng ta thường được nghe Tam ca Áo Trắng hoặc ca sĩ Thanh Thúy hát Mùa xuân đầu tiên với điệu valse dìu dặt: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một tia nắng vui cho bao tâm hồn...”.  Lời ca thật giản dị, mộc mạc với những hình ảnh thật sinh động nhưng cũng hết sức gần gũi, thân thiết. Giai điệu lại sâu lắng, mượt mà. Giai điệu và ca từ như quyện lấy nhau hòa thành những cảm xúc khôn nguôi cho người hát lẫn người nghe...

 

Theo như con trai của nhạc sĩ Văn Cao kể lại thì Văn Cao đã sáng tác ca khúc này trên căn gác số 108 phố Yết Kiêu (Hà Nội) vào một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976). Đó là cái Tết thanh bình đầu tiên trên quê hương VN sau  hàng chục năm chiến tranh, bom đạn. Riêng với Văn Cao, mùa xuân thanh bình đầu tiên ấy đã như một chất men làm  bừng thức niềm cảm hứng sáng tác đã ẩn khuất trong ông từ 20 năm trước...

 

Năm 1976, khi Văn Cao viết bài Mùa xuân đầu tiên là đúng 20 năm ông mới sáng tác trở lại sau nhiều biến cố của cuộc sống. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén của một thời gian dài đã bùng lên trong tâm thức của người nhạc sĩ già. Là người Việt Nam, ai mà không vui mừng trước sự kiện lịch sử: Chiến thắng mùa xuân 1975. Bao nhiêu năm rồi người dân Việt Nam đã phải đón từng cái Tết trong khói lửa đạn bom, chỉ từ cái Tết năm Bính Thìn (1976), Mùa xuân đầu tiên của những mùa xuân thanh bình ấy mới có những giọt nước mắt của buổi đoàn tụ: nước mắt của những bà mẹ có những người con là những chiến sĩ, những tử tù ngỡ chẳng có ngày về, nước mắt của lần gặp mặt đầu tiên của những người thân sau hơn 20 năm dù chỉ cách nhau một con sông Bến Hải... “Rồi dìu dặt mùa xuân theo én về. Người mẹ nhìn đàn con nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh. Niềm vui giây phút như đang long lanh...”. Hòa trong niềm vui vỡ òa của đất nước, Văn Cao như thầm nhủ với riêng mình những cảm xúc rất thật, giản dị nhưng nghe sao thật thiêng liêng, tinh tế: “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người...”.

 

Đã có nhiều ca sĩ, nhóm nhạc biểu diễn ca khúc này rất thành công, tuy nhiên tôi vẫn thật xúc động khi nghe lão nhạc sĩ Hồ Bông hát ca khúc này. Giọng ông khàn khàn, không hay nhưng ông đã hát Mùa xuân đầu tiên nhiều lần với một niềm cảm xúc vô bờ. Nhớ có lần ông hứa sẽ hát Mùa xuân đầu tiên trong tiệc cưới của ca sĩ - nhạc sĩ Thế Hiển (con nuôi của ông bà), thế nhưng đến ngày ấy ông lại bị tắt tiếng. Phải hơn một năm sau ông mới thực hiện được lời hứa khi hát ở tư gia của người viết (có cả vợ chồng Thế Hiển tham dự) nhưng lần này là hát tặng cho má tôi. Khi đó cả người hát lẫn người được hát tặng đều đã ở tuổi... 80 (sinh năm Canh Ngọ 1930). Mùa xuân đầu tiên hiện diện giữa hai mái đầu trắng như tuyết của buổi tối hôm ấy có lẽ chẳng bao giờ phai trong ký ức tôi...

 

Hà Đình Nguyên

(Nguồn: Thanh Niên Online)

Nhấn vào đây để nghe nhạc phẩm "Mùa xuân đầu tiên".

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: