Thứ sáu, 27/12/2024,


Một ông mà có... ba bà (26/08/2008) 

 

        Người khổ nhất là tôi và sướng nhất cũng là tôi – Lão nhà văn Sao Mai tâm sự thật lòng – Cái số tôi nó đào hoa, nhưng truân chuyên “ba chìm bảy nổi”. Thuở hàn vi, nhà tôi nghèo lắm, nhiều bữa hết gạo, phải ăn cả cháo cám mà viết văn. Bây giờ thì tôi thanh thản và an nhàn rồi. Con cái đều đã trưởng thành và sung túc. Họ tộc nhà tôi ở Văn Luông, Thanh Ba, Phú Thọ có tới 12 trang trại vườn rừng và sinh thái. Riêng tôi còn có cả “Vọng ngư lâu” để viết văn...

 

           

            Nhà văn Sao Mai và nhà thơ Vân Long - 2008 (ảnh của Vân Đình Hùng)

 

         Nhờ thất tình nên trở thành... nhà văn
         Hơn tám mươi năm trước, vào ngày 15 tháng 2 năm 1924, ở xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, có một cậu bé cất tiếng khóc chào đời. Cậu được đăng ký họ tên khai sinh rất lạ: Tân Khải Minh.
         Thực ra, cha của Tân Khai Minh là người Việt, gốc họ Nguyễn, nhưng mới ba tháng tuổi đã đi làm con nuôi cho một gia đình người Tàu phiêu dạt sang Việt Nam sinh sống. Cậu bé Minh (tức nhà văn Sao Mai sau này) sinh ra phải mang họ và đệm “Tân Khải” là vì vậy. Cha nuôi cậu làm thuỷ thủ cho hãng tàu nổi tiếng của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi, nên tuổi thơ của cậu nay đây mai đó, học hành cũng lỡ dở ở mỗi nơi một ít.
         Trước khi trở thành nhà văn, Sao Mai từng qua khá nhiều nghề: Dạy học, làm báo, cày ruộng, khai hoang... Thậm chí có thời gian (1951 - 1953) ông còn tham gia “Tổ công tác đặc biệt” của Sở Công an Hà Nội, từng bị địch bắt giam...
         - Tôi biết yêu từ hồi còn rất trẻ – Lão nhà văn kể - Sau Cách mạng tháng Tám, tôi làm Trưởng ty Bình dân học vụ Nam Định, rồi Báo Nam Định kháng chiến (sau đổi tên là Báo Công dân), do nhà thơ Trúc Đường làm chủ bút... Tại đây, tôi đã có một mối tình đầu thật lãng mạn. Nàng đẹp mê hồn. Tôi tin rằng mình là chàng trai may mắn và hạnh phúc nhất thế gian! Tôi đã định xin gia đình làm đám cưới thì thật bất ngờ, nàng đã bỏ tôi để đi theo một họa sĩ nổi tiếng... Nhưng chẳng bao lâu, ông họa sĩ kia lao vào con đường nghiện ngập và ruồng bỏ nàng. Thất vọng quá, nên nàng đã treo cổ tự vẫn... Trời đất quanh tôi như muốn sụp đổ theo. Và tôi đã “ôm hận” mối tình bi thương ấy cho tới mãi sau này...
         Vĩnh biệt mối tình đầu, Sao Mai đã thề với trời đất rằng: “Nếu không trở thành Văn nhân thì sẽ không làm người!”.

         Lấy vợ như đùa, để... 'trả thù đời'

         Vợ ông, bà Hoàng Thị Tiếng hồi ấy là một thiếu nữ mới mười sáu tuổi, thuỳ mị, nết na, con một gia đình giàu có trong vùng. Bà đẻ cho ông liền mấy đứa con, bé như “trứng gà trứng vịt”. Hy vọng sẽ thay đổi cuộc đời, Sao Mai tìm cách đưa cả vợ con lên Hà Nội sinh sống...
         Sau kháng chiến chống Pháp, Sao Mai cùng một số nhà văn từ chiến khu Việt Bắc trở về hăng hái vận động thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được bạn bè tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành khóa đầu tiên của Hội. Tuy nhiên, vốn tính lãng tử, thích giang hồ từ bé nên Sao Mai không có khả năng làm “quan”, cho dù chỉ là “quan văn nghệ”.
         Sao Mai thường xuyên bỏ nhiệm sở, đi ngao du, chơi bời khắp nơi... để rồi cuối cùng si mê “nàng tiên nâu” tới mức không ngóc đầu lên được. Sau nhiều đêm mất ngủ, Sao Mai quyết định bán sạch cả nhà cửa, đồ đạc và dắt díu vợ con trở về Nam Định, tìm cách cai nghiện...
         Đó là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời Sao Mai. Ông vật vã, khổ sở như muốn điên loạn. Cuộc đời trước mắt ông tối đen, mờ mịt, không có tương lai.
          Đã nhiều lần Sao Mai nghĩ tới cái chết để tự giải thoát cho mình. Nhưng ông chết rồi thì vợ ông sẽ ra sao? Ai sẽ nuôi những đứa con của ông? Muốn trở thành một “Văn nhân” mà chết như thế thì hèn hạ quá!  Phải cố mà sống! Không thể chết được!...
         Cuối cùng thì Sao Mai đã thắng. Ông đã cai được thuốc phiện! Từ vũng bùn đen ông gắng gượng đứng dậy để làm lại từ đầu.
         Để xa lánh nơi thị thành ồn ào, đầy những cám rỗ chết người, Sao Mai quyết định cùng gia đình học nghề... làm ruộng! May là hồi ấy đúng dịp cải cách ruộng đất, gia đình ông thuộc diện bần cố nông, nghèo quá nên được chia một thửa ruộng. Sao Mai hăng hái xin làm tổ đổi công, rồi vào hợp tác xã. Ông cũng xắn quần, lội ruộng, cày cấy như ai...
        Nhưng hình như Sao Mai sinh ra không phải để làm việc đó, nên làm ruộng mãi mà vợ con vẫn cứ nghèo và đói. Ông lại bỏ làng lên Hà Nội, vừa tìm mối dạy học tư, vừa viết văn, làm báo... Kiếm được tiền, thì dăm bữa, nửa tháng lại về quê thăm vợ con.

 

       'Vợ cả, vợ hai - Cả hai vợ đều là... vợ cả'

Trong một lần về quê để giúp làng Nhộng xây dựng đội văn nghệ, tình cờ Sao Mai gặp cô thôn nữ Phạm Thị Loan (tức Hoặc), vừa hát hay, vừa xinh nhất làng. Ngay lập tức, hai người mê nhau cứ như hẹn hò từ kiếp trước. Mê muội tới mức cô gái đã bỏ nhà theo Sao Mai ra Hà Nội sống như vợ chồng. Cho tới khi họ đã có với nhau hai đứa con thì sự việc mới bị vỡ lở...
        Một lần Sao Mai về quê, trong khi giặt áo cho chồng, bà Tiếng phát hiện ra giấy khai sinh của bé Hương (con gái của Sao Mai và bà Loan). Giây phút bàng hoàng qua đi, người phụ nữ nhạy cảm ấy đã nhận ra tất cả. Bà bình tĩnh nói với chồng:
        - Ông cho tôi gặp con Hương đi!
        - “Hương” nào nhỉ?
        - ô hay, Hương con gái ông chữ còn Hương nào nữa.
        Đến nước ấy thì đúng là không giấu diếm được nữa. Sao Mai thở dài:
        - Chuyện đã thế rồi, bà tính sao?
        - Còn tính sao nữa. Tuần sau ông đưa cả nhà lên Hà Nội đi. Mẹ con tôi không ở quê nữa.
        - Trời ơi, bà đùa đấy à? Làm sao tôi đưa được cả bảy người lên Hà Nội? Biết ở đâu? Lấy gì mà ăn?
        Lại còn chuyện hộ khâu, sổ gạo nữa chứ!
        - Tôi không biết. Đấy là việc của ông. Ông phải làm được!
        Trở về Hà Nội, Sao Mai đành phải nói thật với bà Loan:
        - “Chị cả” của em đã biết hết chuyện rồi. Bà ấy đang đòi lên Hà Nội đấy. Em liệu mà cư xử sao cho khéo để “êm” chuyện.
        - Có gì mà lo. Em sẽ đánh “bài ngửa”. Cùng phận đàn bà con gái, chắc chị ấy cũng chẳng nỡ lòng nào.
        Sao Mai chợt nhớ tới vế đối hài hước của nhà thơ Thanh Tịnh “Vợ cả, vợ hai – cả hai vợ đều là... vợ cả”. Ông tặc lưỡi: “Thôi cũng đành vậy, chứ biết làm sao”!
        Hồi đó, gia đình Sao Mai có một ngôi nhà nhỏ ở gần chùa Hương Ký, thuộc địa phận xã Hoàng Hoàng Văn Thụ (nay là phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng). Bà Loan sốt sắng đi mua thêm một chiếc giường cùng chăn màn đầy đủ...
        Rồi cái ngày cả gia đình hội ngộ cũng đến, bà Loan nhiệt tình ra tận ga tàu để đón gia đình “chị cả”. Đợi khi cả nhà đã ổn định, bà Loan mới nói:
        - Thưa chị, em làm bạn với anh ấy cũng là cái số. Bây giờ đã trót có hai con... Nếu chị thương cho ở cùng thì tốt; em xin coi chị như chị gái, các con của chị cũng như con em. Còn nếu không, mẹ con em sẽ dọn đi nơi khác...
        Bà Tiếng rơm rớm nước mắt:
        - Em đừng nói như thế. Con của em cũng như con của chị. Mẹ con em đừng bỏ đi đâu mà chị mang tiếng...
        - Nếu vậy, xin chị cứ ở nhà giúp em trông coi các cháu. Em sẽ đi làm... Sức em thế này, chịu khó một chút, cả nhà lo gì đói...
        Hồi ấy, bà Loan làm công nhân gánh cát ở Phà Đen, được tiểu chuẩn gạo hai mươi bốn kilôgam mỗi tháng. Vốn là người có sức khoẻ, lại cắt cỏ giỏi, ngoài làm công nhân bốc vác ở bến phà, bà Loan thường hợp đồng cắt cỏ cho khách có xe bò, rồi đi đẽo vỏ cây ở bến sông mang về phơi bán... Ngày nghỉ, bà còn một mình nhảy tàu lên Lạng Sơn, về Hải Phòng buôn chuyến...
        Chịu thương, chịu khó, đảm đang, không nề hà một việc gì, miễn là kiếm được tiền; bà Loan đã có công một mình làm lụng nuôi cả gia đình Sao Mai trong mấy năm trời...

 

        (Còn tiếp)

Đặng Vương Hưng

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: