Chủ nhật, 08/09/2024,


Thiệp Tết của danh họa Bùi Xuân Phái (12/02/2010) 

Mỗi dịp xuân về, họa sĩ Bùi Xuân Phái thường khai bút bằng những bức tranh mang nhiều chủ đề khác nhau: Ông đồ, Lão say, Thiếu nữ ôm hoa..., nhưng nhiều nhất vẫn là tranh Ông đồ. Không rõ chính xác họa sĩ vẽ tranh Tết từ năm nào, chỉ biết bức Ông đồ đầu tiên được vẽ từ Tết năm 1957.

                 

Thiệp chúc mừng năm mới Bính Dần 1986 của Bùi Xuân Phái.

 

Qua loạt tranh Tết Ông đồ của Bùi Xuân Phái, người xem thấy hoạ sĩ thể hiện tinh thần của bức tranh theo tâm trạng mỗi năm. Có lẽ do vậy nên người ta xếp loại, đặt tên cho từng bức: Ông đồ đắt khách, Ông đồ ế hàng, Ông đồ say... Ở mỗi bức tranh Ông đồ, vui nhất và cũng quí nhất là có những dòng chữ của họa sĩ đề tặng bạn.

Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu được Bùi Xuân Phái ưu ái và chiều hơn những người bạn khác. Mỗi năm, ông Lưu được họa sĩ vẽ cho hẳn một tấm tranh khổ lớn. Bộ tranh Tết vẽ cho nhà nhiếp ảnh này mang chất hoạt kê, vui nhộn: nếu là năm Ngọ, họa sĩ vẽ ông Lưu dắt ngựa, năm Sửu thì vẽ ông Lưu cưỡi trâu, năm Mùi vẽ ông Lưu ôm con dê... Riêng năm Dần, vì ông Lưu đã mất, nên tôi bỏ lỡ dịp hỏi hình ông được vẽ thế nào bên cạnh con Hổ.

 

Thời Bùi Xuân Phái, mỗi năm Tết đến, người ta có thói quen mua những tấm thiếp in sẵn, có dòng chữ 'Năm mới, thắng lợi mới' chứ không dùng tranh vẽ rồi tự viết chữ “Chúc mừng năm mới” để gửi tặng nhau (sẽ bị xem là hà tiện). Việc tặng thiếp vẽ tay thường chỉ có ở mấy ông già văn nghệ, tâm đắc và hiểu nghệ thuật của nhau. Vài lần họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cũng có tặng Bùi Xuân Phái bộ tranh Tết vẽ 12 con giáp rất đẹp. Nhớ lại thì dòng tranh Tết thời đó các ông vẽ cho vui và dùng để tặng nhau, còn các nhà sưu tập chỉ quan tâm tới những tác phẩm hội họa tầm cỡ, không thấy ai hỏi mua hay đặt các họa sĩ vẽ tranh Tết. Mà họa sĩ vẽ ra, nếu có ai hỏi mua cũng không muốn bán, chỉ để tặng thôi. Chỉ đến khi thống nhất đất nước, năm 1975, một số người bạn Bùi Xuân Phái chuyển vào TP Hồ Chí Minh, thiếp chúc tết vẽ tay của Bùi Xuân Phái mới bắt đầu xuất hiện. Ông gửi thư kèm theo chiếc thiếp vẽ tay có hàng chữ “Chúc mừng năm mới” cho những người bạn: Lưu Công Nhân, Trần Trung Tín, Thái Tuấn... Dần dần, những người bạn ở Hà Nội cũng rất thích, và theo thói quen hằng năm, trước Tết, họ thường tạt qua phố Thuốc Bắc để biếu ông gói trà, chai rượu và xin ông một tấm thiếp vẽ tay mừng năm mới.

Ngày nay, những tấm thiếp “Chúc mừng năm mới” của Bùi Xuân Phái có giá trị rất lớn. Năm vừa qua, nhà đấu giá Sotheby's đưa một tấm thiếp vẽ con mèo của ông lên kệ đấu giá, và nó được bán với giá 6.000 USD.

Nhớ chuyện, có lần Bùi Xuân Phái đang vẽ, chợt nhà thơ Trần Lê Văn đến gặp và than vãn:

- Thế là Lão say mất rồi. Tết này tôi không có Lão say thì còn vui thú gì!

Bùi Xuân Phái sửng sốt hỏi:

- Ai mất vậy ông? Lão say nào?

Nhà thơ Trần Lê Văn kể:

- Hôm qua, ông vẽ tặng tôi bức họa Lão say. Tôi đem về, lúc đi qua Hồ Tây, có cơn gió thổi mạnh quá, cuốn Lão say bay xuống hồ rồi ông ạ.

Bùi Xuân Phái hiểu ra, cười:

- Vậy để tôi vẽ đền cho ông. Lão say vẫn ở trong tôi, làm sao mất được, vảy bút là hiện ra, khó gì.


(Theo lời kể của Bùi Thanh Phương, con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái)

Lê Thoa ghi

(Nguồn: Báo Đất Việt)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: