Thứ bảy, 04/05/2024,


Có một "Vầng Nhật khuyết" (11/02/2010) 

Chưa bao giờ tôi lại thấy nản lòng như lúc này, muốn quên đi tất cả, ngay cả cái chết cũng ngự lại trong ý nghĩ của tôi, thì tình cờ khi đọc cuốn sách của Nguyễn Ngọc Sơn. Một con người đầy nghị lực giúp tôi hiểu ra một phần quan trọng của cuộc sống này.

Tôi không phải là nhà báo hay nhà văn... để có thể viết ra hết cảm xúc và sự đồng cảm của mình sau khi đọc hết cuốn sách ấy. Con người sống ở kiếp này có sinh, có tử là chuyện bình thường trong cuộc sống, đó là một quy luật rất tự nhiên giống như nước mắt thì chảy xuôi, đó là quy luật 'Muối nào chẳng mặn, gừng nào chẳng cay'.

 

           

 

Tôi còn nhớ mãi bài thơ của Nguyễn Ngọc Sơn, chỉ đọc một lần là đã không thể nào quên:

Con người ai cũng như nhau

Biệt ly là chuyện trước sau thôi mà...

 

Với mỗi con người, mỗi đời người qua đi trong kiếp này giống như một chiếc lá vàng rơi, cứ như đã hẹn trước nên cứ độ thu về cây chút đi những chiếc lá một thời còn xanh nay vàng úa rụng rơi, nhưng đôi lúc gió vô tình làm chiếc lá xanh không phải mùa thu cũng rời cành rụng xuống, như Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Hồng Công, anh rể tôi...

Có phải chăng kiếp con người chết đi là hết “Cọp chết để da - người ta chết để tiếng”. Quan trọng là tiếng đó có thơm hay không.

Mấy khi nến trước gió mà không tắt giống như con người khi mang trọng bệnh mấy ai có đủ nghị lực để chống trả với thần chết đang đợi sẵn, như nhà thơ Đặng Vương Hưng nói: (Xin lưu ý, sống nhiều chứ không phải là sống lâu, vì trong thực tế có những người sống cả trăm tuổi, nhưng ý nghĩa cuộc sống lại không có gì đáng để viết đủ một trang giấy).  Đúng vậy con người ta sống không phải để sống lâu mà là sống nhiều, sống có ích câu nói này cứ ám ảnh tôi mãi cho đến giờ phút tôi ngồi viết lên những dòng chữ này, ai sẽ hiểu tôi, ai hiểu được những tinh thần đang bị giằng xé bởi những cơn đau do bệnh tật mang lại, ai sẽ hiểu được thế giới này khi ta mãi ra đi.

Trong những nỗi buồn đau tôi luôn nhớ đến gia đình đầu tiên, nhớ mẹ, lòng khẽ run lên khi nghĩ mẹ sẽ khóc nhiều lắm nếu như bỗng một ngày tôi là một chiếc lá xanh chưa kịp chín đã rời cành, cả đời mẹ đã vất vả về tôi, về những đứa con, rồi tôi lại nhớ tới anh trai, anh đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, với nghị lực và cách sống lạc quan mà trời vẫn ban cho anh sức khoẻ, rồi lại nhớ đến cu Kiên cháu tôi, mới bảy tuổi đã mồ côi cha, anh rể tôi đã mất được gần hai năm trước. Có lần gọi điện thoại về nghe cháu Kiên hỏi: “Bố con sẽ về phải không dì?”.

Xin trích một đoạn thoại khi nói chuyện với cháu Kiên, sau ngày bố mất khoảng sáu tháng: 

... “Dì ơi! Con được điểm 10 dì mua màu vẽ cho con dì nhé! Con muốn học vẽ để vẽ được đẹp như dì vẽ!” - “Ừ, để dì mua và gửi về cho con”.  Đang cười nói bỗng nó im lặng một lúc rồi nói nhỏ qua điện thoại, nói nhỏ như chỉ đủ một mình tôi nghe thấy: “Dì ơi! Đêm nào mẹ cũng khóc, nhiều lúc thấy mẹ thức, con hỏi mẹ: Sao mẹ không vào ngủ với con? Mẹ bảo: Mẹ đợi bố về!”. Rồi nó nói lớn hơn một chút hỏi tôi: 'Bố con sẽ về phải không dì?”.  Tôi giật mình sau câu hỏi của nó, một câu hỏi thật khó trả lời, nhất là của một đứa trẻ 7 tuổi...

Còn tôi, tôi không biết sẽ còn ở laị kiếp này bao lâu nữa, một tháng, một năm, hai năm, 10 năm hay nhiều hơn những con số ấy, nhưng tôi đã nản lòng bao nhiêu trong cuộc sống này, không có ai là người động viên chia sẻ, ngoài những viên thuốc giảm đau, không có một động lực nào thúc đẩy tôi mạnh mẽ vượt qua những nỗi đau mất mát trong gia đình, những nỗi buồn, với những sự cô đơn, nhất là với những cơn đau thể xác bởi căn bệnh quái ác đang ngày đêm dày vò tinh thần lẫn tấm thân gầy trong những ngày tháng lạnh giá nơi xứ người của tôi. Tôi đành gửi gắm tâm hồn, gửi gắm lòng mình vào những bài viết, vào những câu chuyện, những bài thơ để tự động viên an ủi chính mình. Bao nhiêu đêm nhớ nhà, thương mẹ là bấy nhiêu đêm tôi thức trắng và khóc, những lúc đó tôi chỉ ước có một phép nhiệm màu như trong truyện cổ tích ngày xưa, có một ông tiên hiện lên rồi ban cho tôi điều ước, chắc tôi chỉ ước mình khỏe mạnh như bao người. (Khi còn khỏe mạnh con người ta có nhiều ước mơ và hoài bão lắm, còn khi ốm đau bệnh tật con người ta chỉ cầu duy nhất một điều đó là sức khỏe). Bây giờ nếu có ai hỏi tôi: Tài sản lớn nhất của bạn là gì? Tôi sẽ trả lời: Tài sản lớn nhất của tôi lúc này là sức khoẻ. Con người ta không hơn nhau ở chỗ sống còn hay một manh áo mới... mà con người ta hơn nhau ở lòng nghị lực, ở tâm, ở đức... Còn tôi không biết có làm được gì cho thế giới này không, khi mà biết rằng những ngày phải xa nó ngày một gần hơn, ngày một nặng nề hơn với những cơn đau, và những viên thuốc, liệu tôi còn kịp viết được gì trong lúc tỉnh táo, còn nhớ ra nổi rằng mình là ai, còn nhận thức được điều hay lẽ phải ở đời. Ai nói 29 năm sống là nhiều, mà ai dám nói 29 năm sống là ít so với một kiếp con người. Không có gì là mãi mãi phải không? Không có gì là vĩnh hằng, vĩnh cửu, phải có những vui buồn, hạnh phúc, lẫn mất mát đớn đau... như thế mới có thể gọi là cuộc sống. 'Nếu cuộc sống này cứ trở nên dễ dàng và bình yên phẳng lặng, êm đềm trôi thì cuộc sống này sẽ không thể gọi là cuộc sống ''.

Tôi rất yêu gia đình vĩ đại của mình, thương yêu các anh chị thành viên trong gia đình. Tôi sợ một ngày nào đó tôi đi xa, không biết cú sốc ấy có làm mẹ đứng dậy được nữa hay không? Không biết các anh chị tôi có thể chịu đựng được nỗi đau thương mất mát. Bao vết thương lòng chưa kịp lành vết sẹo lại cộng thêm một nỗi đau mới. Liệu ai có thể trong cùng lúc chịu đựng được nhiều nỗi đau về thể xác và tinh thần...

Mọi nguồn động viên đối với tôi lúc này rất quan trọng, nó giúp tôi mạnh mẽ có thêm nhiều nghị lực hơn trong cuộc đấu tranh sống còn này. Tôi phải nói đến cuộc đấu tranh bởi vì tôi đã phải tự mình an ủi và vượt qua rất nhiều những khó khăn, những cơn đau thể xác lẫn tinh thần... 'Ai bảo con người ta thành đạt, đủ đầy vật chất là hạnh phúc, rằng đó mới là niềm vui, là điều quý giá nhất của con người, thì họ đã nhầm. Theo tôi con người ta chỉ có tình cảm trao nhau, niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe thì đó mới là thứ tài sản lớn nhất của đời người'. Giờ đây tôi có thể nói tôi yêu cuộc sống này, yêu một thuở mùa đông lạnh đầy có bàn tay ám áp của mẹ, yêu tuổi thơ có tiếng cười trong trẻo của mấy anh chị em trong nhà, yêu quê hương biết nhường nào khi ở xứ lạnh xa xôi chưa thể trở về đúng dịp xuân ăn tết cùng mẹ. Giờ này chắc mẹ đang trông tôi lắm…

Chưa bao giờ tôi ghét đối diện với sự thật, mặc dù tôi đã từng nói với mọi người rằng: Nếu bây giờ ai hỏi tôi ghét gì nhất tôi sẽ nói ghét sự gian dối, và thích sự thật. Ôi phũ phàng làm sao!... Tôi ghét lây cả thời gian. Bởi thời gian cho tôi nhiều thứ mà cũng lấy đi của tôi nhiều thứ... Tôi ghét hay nói đúng hơn là sợ, đúng rồi tôi sợ một ngày nào đó mẹ tôi phải chứng kiến khi đối diện với sự thật phũ phàng, rồi... mẹ sẽ khóc nhiều lắm khi biết căn bệnh của tôi đang mang, mà tôi chưa có thời gian hay nói đúng hơn là chưa dám nói cho mẹ biết. 'Còn nước còn tát '. Mẹ ơi! Con phải xin lỗi mẹ nếu như cuộc đời con không thể bước tiếp, không thể chăm sóc cho mẹ lúc tuổi mẹ về già. Đôi lúc không phải mùa thu lá cũng rụng mẹ ạ! Biết làm sao kể cho mẹ nghe rằng U não đang ở trong con. Con chỉ biết thốt lên một câu rằng: Mẹ ơi! U não trong con! Trong hai bài thơ gửi nỗi lòng đang giấu kín bấy lâu nay gửi Mẹ và Cha, tôi đã viết:


MẸ ƠI!


Mẹ ơi! 'u não' trong con

Ngày đêm rằng xé héo hon thân gầy
Giờ này con vẫn còn đây
Nửa hồn rữa mất theo mây ngút ngàn.
 
Bao nhiêu mơ ước chưa chan
Tan cùng hoa lệ theo đàn cò bay
Rồi mai bỏ lại phương này
Mẹ già đơn chiếc tháng ngày héo con.
 
Sang xuân hai chín tuổi tròn
Đò ngang chưa đỗ vẫn còn... một thân...
Tiếng yêu tim vọng vang ngân
Nhưng nào đâu giám dù cần thương yêu.
 
Dáng son mất bóng yêu kiều ! 
Vì dau mơ ước thành điều... mơ hoang.
Kiếp này con chót đa mang
Căn bệnh 'u não'... tâm cang khóc đời !...
 
Chỉ mai thôi.... đã xa rời...!
Lạy mẹ... con phải về nơi thiên đàng.
Con đi cung nhịp bẽ bàng
Lệ lòng tuôn mãi dạ càng cuộn đau.
 
Mẹ ơi! Tóc mẹ bạc mầu
Thời gian xương khói... giờ sầu bởi con
Lỡ mãi con mất không còn
Mẹ đừng cú sốc mỏi mòn... mẹ ơi...!
 
Hôm nay khoé lệ con rơi
Thành dòng thác chảy góc đời mù khơi!

 

 

KÍNH TẶNG CHA

 

Bao năm con sống xa quê

Vẫn chưa có thể tìm về thăm cha

Tuổi thơ con đã đi qua

Giờ thành khôn lớn thế mà tha hương

Lòng con vọng giữa đêm trường

Để hồn hoang vắng kết vương xứ người

Cha ơi! Cha hãy mỉm cười

Để con năm tháng trong đời lớn hơn

Đêm đông gợi nhớ cô đơn

Thủa xưa nhỏ bé con hờn bên cha

Thời gian như nước chảy qua

Thoi đưa song cửa cũng vừa mười năm

Lòng cha ví ánh trăng rằm

Gian nan cơ cực vẹn chăm mẹ già

 

Bởi con còn ở xứ xa

Nào bằng săn sóc ' như bà chăm ông '

Mùa mưa lũ trắng xóa đồng

Bắt tôm, bắt tép cha không ngại ngần

Trưa trời phơi lúa ngoài sân

Bàn tay thô giáp, bàn chân lấm phèn

Giờ con khôn lớn nào quên

Cha thời gian khổ... con bên xa vời

Lênh đênh phiêu bạt mọi nơi

Không quên cha đã cả đời vì con

 

Hôm nay viễn xứ cô đơn

Rưng rưng giọt lệ... thân mòn yêu cha.


      Tôi đã khóc rất nhiều khi đọc cuốn sách “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi!” của Nguyễn Ngọc Sơn. Một cuốn sách mang lại cho tôi cảm xúc và sức mạnh, như một nguồn động viên giúp tôi hiểu ra một điều, sống không phải là cho riêng mình mà ta còn sống cho bao người, cho người thân cho cả xã hội, có nhiều người muốn sống mà không được vậy tại sao mình lại không cố gắng khi ta vẫn còn có thể sống, biết đâu đấy ta có thể giúp gì đó cho đời, cho bao số phận còn đáng thương hơn ta rất nhiều. 

Hàng đêm tôi vẫn khóc thương mẹ, tôi xa mẹ rất lâu cũng như xa nhà, xa quê hương Việt Nam, đã gần 10 năm nay, tôi không biết hay hình dung Tết quê nhà có mẹ có bao người thân như thế nào, hơn bao giờ hết tôi thèm nghe tiếng mẹ nói trực tiếp, tôi thèm cái cảm giác ấm cúng dưới một mái ấm gia đình có cha, có mẹ, có anh em đón một năm mới về như lúc này, tôi tha hương viễn xứ đã lâu, cảm giác quê hương chưa bao giờ mờ dần theo năm tháng. Có lần gọi điện thoại về nghe thấy tôi ho, mẹ đã khóc, chính vì thế khi đọc được câu nói của Nguyễn Ngọc Sơn: “Xin đừng khóc  nữa mẹ ơi!” Tôi lại nhớ lại câu mình đã nói với mẹ: 'Mẹ khóc phải không? Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc nữa!' Chỉ một tiếng mẹ mà cứ in mãi vào lòng tôi, như ru thật khẽ nỗi nhớ nhà đang gào thét trong tim hòa lẫn với từng cơn đau bệnh. Mẹ ơi! Xuân này con lại không về được rồi mẹ ạ, lại hẹn mẹ xuân sau, mà không biết có thể đợi đến xuân sau nữa không, mẹ cho con xin lỗi vì bài thơ đã viết'. Hẹn mẹ xuân này con về' bài thơ còn đó mà con thì cứ mãi nơi đất người, không biết có còn cơ hội để hẹn mẹ xuân nào nữa hay không!

Mẹ ơi! Mátxcơva. Đất khách lạnh lắm, âm 20 đến 25 độ C mẹ ạ, ở quê nhà mẹ có lạnh với nỗi nhớ xa con không mẹ? Mùa xuân sắp về quê mình rồi, mùa xuân quê hương thì nơi đây mùa đông đang là lúc lạnh nhất mẹ ạ! Con biết mẹ rất mong con gái của mẹ trở về nhà cùng ăn tết với gia đình nhưng con không thể về tết này mẹ ơi, con không thể, ngạn vạn lời nói không thể, tết này mẹ đừng đứng trông con mẹ nhé kẻo lòng con đau con xót lắm mẹ ơi!   
 

Saint Petersburg, cuối năm Kỷ Sửu

PHONG LINH cg

Điện Thoại: 007.89112345596.

Email: chuonggio_1981@yahoo.com

 

 _________________

 

Lời BT: Tác giả Phong Linh (chân dung in kèm bài) tên thật Lê Thị Như Hằng sinh ngày 15.11.1981 tại An Khang - Yên Sơn -Tuyên Quang. Hiện sống và làm việc tại Saint Petersburg (Nga). Là một tác giả trẻ, nhưng cô đã kịp gửi tới bạn đọc nhiều tác phẩm thơ lục bát khá ấn tượng. Được biết gần đây cô mắc phải một chứng bệnh hiểm nghèo: U não! và cô đã phải trải qua một lần phẫu thuật. Qua đây độc giả gần xa có thể chia sẻ cùng với tác giả trẻ này.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Bá Phiếu - nbphieu@gmail.com - 0919090618 - THPT Long Kiến-AG  (Ngày 11/02/2010 09:28:20 PM)
Bài viết rất chân thành và xúc động. Xin được chia sẻ nỗi niềm với bạn. Chúng ta không thể quyết định được số phận của mình. Mong bạn tìm được niềm tin để sống. Hãy sống như ta có thể. Hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng với cuộc đời, ta sẽ biết cách dùng thời gian còn lại vào việc hữu ích. Gặm nhắm nỗi đau sẽ càng đau thêm. Tìm một việc làm để quên nỗi đau sẽ tốt hơn nhiều. Rất nhiều người nằm trên giường bệnh đã để lại cho đời những tác phẩm quí giá cho người ở lại. Mong bạn cũng có thể làm được như thế hoặc một việc tương tự như thế. Vài lời chia sẻ thật lòng, mong bạn không hiểu lầm. Chúc bạn một mùa xuân mới đầy nụ cười. Cười lên nào bạn !
Các bài khác: