Trong sân vườn Cà phê Thứ Bảy, dưới bóng mát của tàu lá chuối xanh hiếm hoi giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối cùng của năm 2009, nhạc sĩ kiệm lời và kỹ tính Dương Thụ đã trải lòng về công việc, tình yêu, và cuộc sống.
PV: Lúc chờ nhạc sĩ đến, tôi được một nữ nhân viên dặn nên cẩn trọng vì anh rất khó tính?
Dương Thụ (cười mỉm): Tôi từng phải rút kinh nghiệm tiếp xúc vì bị một số nhà báo ca tụng vô lối. Tưởng mát tai nhưng đọc vào thấy rất xấu hổ. Có nhà báo phỏng vấn xong gọi anh ơi, báo ra rồi mời anh đọc. Cô ấy gán cho tôi những câu trả lời rất văn chương hoa mỹ, nào làm nhạc hiến dâng cho đời, nào viết cho tuổi trẻ! Trời ơi, ai cần mình viết cho họ đâu. Kinh khủng quá. Sao lại đại ngôn như vậy chứ.
* Anh thích gặp gỡ với kiểu nhà báo nào?
- Chưa bao giờ tôi thích gặp nhà báo cả, nhất là gặp vì cá nhân tôi. Báo chí quan trọng với những ai cần phải luôn luôn có mặt trên báo, hoặc có điều cần được nói lên mặt báo. Tôi không thuộc cả hai nhóm đó. Trước hết vì mình chả là cái gì. Còn tên tuổi ư ? Cái sự nổi tiếng từng làm cho tôi rất khổ sở. Tôi không muốn.
* Đến nông nỗi đó thật sao?
- Hiện nay cái sự nổi tiếng ở ta nó hão huyền lắm. Nhiều khi nổi tiếng chỉ nhờ dư luận lặp đi lặp lại ba cái chuyện giật gân phù phiếm, chứ chẳng phải tài năng hay cống hiến đặc biệt gì. Có người thấy tôi trên ti vi hay trả lời một vài bài báo, bèn nghĩ chắc ông này hay lắm, bèn kéo thêm nhiều người khác đòi phỏng vấn. Nếu tôi từ chối sẽ bị cho là tự kiêu tự đại. Nhưng phần lớn người ta có hiểu đúng mình đâu. Thậm chí có người ái mộ, gọi điện thoại rối rít nhưng rốt cục té ra họ nhầm tôi với những bậc tài danh khác, chẳng hạn như Phú Quang hay Thanh Tùng. Thực chất tôi không phải là người của công chúng, mà chỉ là một người rất bình thường. Tôi không có nhiều điều để chia sẻ với số đông...
Thích những việc không ra tiền lại còn bị chửi
... Một con người đúng nghĩa luôn sống rộng hơn phạm vi nghề nghiệp của họ. Nhạc sĩ hoàn toàn có thể quan tâm đến nhiều vấn đề khác ngoài nhạc, ví dụ quan tâm tới người nghèo, bóng đá hay chính trị. Tôi không phải là chuyên gia chỉ biết đến cái nghề của mình. Trong mỗi cá nhân luôn có nhiều tư cách người. Phần người rất quan trọng trong tôi là người chồng, người cha vì gia đình, trách nhiệm che chở giữ gìn gia đình chứ không phải chỉ biết có sáng tác. Sau đó mới đến phần người làm nghề sản xuất âm nhạc, làm chương trình, băng đĩa, tổ chức sự kiện cho chỗ này chỗ nọ, vân vân. Nếu không làm những việc đó thì sao tôi đủ sống? Liệu bán thơ nhạc đi có đủ tiền đổ xăng xe và trả cước điện thoại không?
* Anh luôn nặng gánh chèo chống gia đình vậy ư?
- Còn có một phần người nữa quan trọng hơn, phần hoạt động xã hội. Nếu chỉ sống cho mình, vì mình, thì quá nhỏ nhoi. Đức Phật nói người tốt là người sống cho bên ngoài mình. Có người sống chỉ thu vén cho họ. Cũng có người luôn chia sẻ với những người xung quanh. Tôi không cao cả như những nhà sư, linh mục, nhà hoạt động xã hội. Nhưng tôi cũng có những ưu tư bẩm sinh và nhu cầu làm điều gì đó cho người khác. Tôi từng giúp những ca sĩ trẻ, nhạc sĩ trẻ từ lúc họ vô danh, đâu có lấy tiền. Nhiều việc tôi làm chẳng đem lại lợi ích vật chất gì, như chương trình Nửa thế kỷ bài hát, hay Bài hát Việt. Đã không có tiền lại còn bị chửi. Tuy nhiên nó khiến tôi vui, cho tôi thêm động lực sống khi thấy mình đem lại được chút gì cho ai đó.
Hạnh phúc là khi...
* Điều gì khiến anh rung động, khi nghe ca sĩ trình bày những ca khúc gan ruột của mình?
- Đó là khi phát hiện mình không nói gì mà sao họ hiểu mình đến thế. Như Mỹ Linh, có những bài cô ấy vào phòng thu hát khó khăn như đánh vật, phải thu rất nhiều lần. Nhưng rồi cô ấy hát cũng ra chất và hát rất hay những ca khúc như Mong về Hà Nội, Hát cho anh nghe, tôi không nhớ đã viết năm nào. Vấn đề không phải là kỹ thuật. Ví dụ lẽ ra phải hát nhẹ thì lại chệch thành hát nhỏ, hoặc giọng hát chưa đủ độ nẩy. Kỹ thuật chỉ có thể khiến mình hài lòng hay không hài lòng chứ chưa đủ để khơi gợi cảm xúc. Cái thuộc về thần thái, cảm xúc thường rất trừu tượng. Cô ấy đã đụng chạm đến chỗ nào đó rất sâu, có lẽ là dây thần kinh của mình. Tôi mong về Hà Nội để nghe gió sông Hồng thổi, để thương áo len cài vội, một chiều đông rét mướt… Cũng lời ấy có người hát dở ẹc à.
* Ngoài Mỹ Linh, còn những ai đạt tới điều đó?
- Ví dụ khi được nghe Thanh Lam hát “Gọi anh”, Hồng Nhung “Vẫn hát lời tình yêu”, Nguyên Thảo hát “Nghe mưa”, Khánh Linh hát “Tháng tư về”, Lệ Quyên cũ chứ không phải Lệ Quyên nhạc thị trường với “Họa mi hót trong mưa”. Vân vân.
* Đó có phải là cảm giác hạnh phúc về nghề nghiệp?
- Tôi không bao giờ băn khoăn hỏi mình có hạnh phúc hay không. Hạnh phúc là khi mình được nói, được bộc lộ, sống với tất cả các giác quan giữa những gì thân thiết. Như khi mở cửa thấy nắng trong vườn, thấy hoa cỏ, được chăm chú theo dõi nắng tắt trên từng chiếc lá. Hay nghe nhạc không còn là nhạc nữa mà chỉ ngập tràn cảm xúc đưa mình về cõi nào. Thậm chí khi cầm cái máy hút bụi, quét dọn, cắm hoa, dọn dẹp lại căn nhà bẩn thỉu sau một chuyến đi xa về.
Đôi khi mù quáng vì yêu
* Trong những việc anh đã làm, phần việc nào giúp anh sống mạnh mẽ nhất với mọi cảm quan của mình?
- Âm nhạc. Nghệ thuật là tiếng nói đi tìm bạn. Vì tìm bạn nên mới hát cho người ta nghe, không thì hát làm gì. Con người ai cũng khao khát thương yêu, chia sẻ. Khi viết, khi sáng tác, là lúc mình được sống sâu nhất trong niềm xúc động nội tâm. Âm nhạc tôi là nội tâm tôi, là những gì tôi quan sát chiêm nghiệm.
* Anh tâm đắc tác phẩm nào nhất trong số đã viết?
- Tôi chẳng có ca khúc nào gọi là tâm đắc. Hỏi thế có khác nào hỏi Anh yêu tay, chân hay tóc của anh? Yêu hay không thì nó vẫn là một bộ phận của con người mình đấy chứ.
* Tôi chưa từng được nghe ca khúc nào của anh mang tính tuyên truyền cổ vũ. Anh không phù hợp, không thích hay không sáng tác nổi dòng nhạc ấy?
- Quả thực trong âm nhạc, tôi không khuyên ai sống thế nào, chỉ nói tại sao mình yêu, tại sao mình đau khổ, tức là mình quan sát chính mình thôi. Do cái tạng của tôi nó thế! Tôi rất kính trọng Hoàng Vân với Bài ca xây dựng: “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”. Toàn khẩu hiệu! Hay Tôi là người thợ lò, mặc dù ông ấy có là thợ lò bao giờ đâu. Các ca khúc ấy đều dạt dào cảm xúc rất thật, cả phần nhạc và ca từ đều hay. Hoặc như Đỗ Nhuận, hầu hết ca khúc của ông cũng đều vì cái chung, cho cái chung. Những nhạc sĩ tài hoa đó đã từ bỏ cái riêng của mình, hoặc hòa cái riêng vào cái chung một cách nhuần nhuyễn. Tôi không làm được như vậy.
* Điều đó có phải bắt nguồn từ chỗ do quá yêu bản thân mình không?
- Con người ta biết yêu mình sẽ biết yêu người khác. Yêu cho đúng nghĩa bao giờ cũng tốt đẹp. Tuy nhiên đôi khi cũng vì yêu mà mù quáng. Nhất là trong tình yêu giới tính, vì nó có yếu tố sex.
Vào vai giám đốc dự án
* Ít nhiều đã đủ đầy mọi thứ, anh vẫn không ngồi yên sáng tác, lại chịu mất nhiều thời gian ra đây vun vén cho một dự án cà phê?
- À, đấy lại là cả một câu chuyện dài. Cà phê Thứ Bảy là một dự án văn hóa mà tôi hợp tác với Trung Nguyên. Tôi làm việc này không nhằm để người ta biết tôi như một người nổi tiếng. Tôi muốn có một không gian văn hóa cho bạn bè gặp gỡ, gây cảm hứng cho nhau. Và vì tôi thích Vũ (Đặng Lê Nguyên Vũ - TGĐ Cty CP Trung Nguyên - PV), muốn làm cho Vũ điều gì đó, dù tôi chẳng là gì cả. Vũ là người có tầm, có tâm, có thể hiểu được những việc mình muốn làm, có cái nhìn sâu sắc về văn hóa. Vũ luôn phải lo nghĩ về hiệu quả kinh doanh vì anh ấy là doanh nhân, cuộc sống anh ấy gắn liền với thương hiệu Trung Nguyên. Còn tôi thì không. Tôi không đến đây ngồi chờ người ta hóng chuyện, hay tào tao. Tôi muốn điều gì đó thuần khiết hơn.
* Liệu một nhạc sĩ mang tâm hồn thơ mộng, lãng mạn như anh có thích hợp gắn bó với chức danh rất ngoại đạo, giám đốc điều hành dự án?
- Không phải tôi gắn bó mà chính tôi đẻ ra, nghĩ ra dự án này và đem nó đến cho Vũ. Năm ngoái Vũ mời tôi, Nguyễn Cường, Nguyễn Xuân, Khánh Lưu, Trọng Ninh và nhiều người khác nữa lên thiên đường cà phê của anh ấy để viết nhạc, viết tiểu thuyết, để làm phim về cà phê. Tôi nói thẳng đừng tốn tiền cho tôi vì mục đích này. Tôi chỉ viết từ tôi, cho tôi, vì những điều tôi hiểu chứ không viết cho những điều không hiểu hoặc chưa cảm được. Nhưng tôi có cái này đã nghiền ngẫm để đưa cho Vũ. Đó là dự án Cà phê Thứ Bảy với nhiều mảng hoạt động văn hóa tinh túy. Vũ xem, đồng ý đầu tư tài chính. Tôi cùng mọi người chuẩn bị từ việc tìm địa điểm vốn là quán cà phê Niết Bàn cũ, cải tạo nó cho phù hợp hơn và chuẩn bị nội dung giao lưu định kỳ hàng tuần cho nó.
* Dường như tổng thể còn dang dở, kén người?
- Tôi không làm thuê cho doanh nghiệp, không ký hợp đồng mà chỉ ký thỏa thuận hợp tác. Linh hồn của quán là Bùi Văn Nam Sơn. Nguyên Ngọc thì giúp mảng Cà phê Sách. Mảng Cà phê Văn học có Ý Nhi và nhà phê bình Thanh Sơn. Cà phê Điện ảnh có Lê Hoàng, Bá Vũ; Cà phê Đối thoại có Lê Ngọc Trà, Đặng Lê Nguyên Vũ; Cà phê Hội họa có Nguyễn Quân, v.v... Trên đời chẳng có gì từ trong đầu bước ra mà suôn sẻ dễ dàng hết được. Sắp tới sẽ khai trương thêm một số hạng mục mới, và bổ sung nhiều bộ sưu tập không thể thiếu. Mọi thứ còn dở dang, nhưng sẽ hoàn chỉnh dần.
* Anh thích gặp gỡ với kiểu nhà báo nào?
- Chưa bao giờ tôi thích gặp nhà báo cả, nhất là gặp vì cá nhân tôi. Báo chí quan trọng với những ai cần phải luôn luôn có mặt trên báo, hoặc có điều cần được nói lên mặt báo. Tôi không thuộc cả hai nhóm đó. Trước hết vì mình chả là cái gì. Còn tên tuổi ư? Cái sự nổi tiếng từng làm cho tôi rất khổ sở. Tôi không muốn.
Hoàng Thiên Nga Thực hiện
(Nguồn: Tiền Phong Online)