Thứ sáu, 18/10/2024,


Cô gái Nga viết sách về văn hóa- du lịch Việt Nam: Được ăn Tết Việt là một hạnh phúc lớn! (06/02/2010) 

Có một cô gái trẻ người Nga là nhà Việt Nam học thế hệ thứ ba, cô đã là Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Vladivostok, là người sáng lập website Trung tâm Văn hóa Việt Nam với bốn thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, Việt. Cô có một tấm lòng và tình cảm sâu đậm với Việt Nam. Cuốn sách “Đi thăm đất nước con Rồng cháu Tiên” của cô là một cẩm nang du lịch Việt Nam dành cho người Nga. Cô là Darya Mishukova. Phóng viên báo ĐS&PL đã tìm gặp cô để giúp bạn đọc hiểu thêm về tác giả cuốn sách đặc biệt trên, đồng thời chia sẻ với bạn đọc những cảm nhận về người Việt mình trong mắt bạn bè quốc tế.

 

PV: Được biết, bạn đã đi 'xuyên Việt' và quan sát, cảm nhận rất kỹ, bạn có thể cho biết cảm nhận về Hà Nội- thành phố Vì hòa bình của chúng tôi. Bạn có thấy Hà Nội bình yên không?

 

Darya Mishukova: Trong tôi có những Hà Nội rất thú vị. Có Hà Nội với những dãy phố cổ đó là Hà Nội 1000 tuổi, những món ăn ngon với những buổi sáng thanh bình, và có hương hoa vào một thời điểm nào đó tỏa hương thơm thật tuyệt vời. Nhưng tôi cũng thấy một Hà Nội quá đông đúc, náo nhiệt. Đặc biệt là vào những giờ cao điểm. Nạn kẹt xe chẳng hạn. Nước chúng tôi cũng có những khi tắc đường kẹt xe hàng tiếng đồng hồ nhưng phương tiện chủ yếu là xe ô tô nối nhau. Còn Hà Nội khi kẹt xe thì gối chạm gối, tay chạm tay, người chạm người vì các bạn chủ yếu sử dụng xe máy. Vì thế khói bụi và những nét rất riêng (cười).

 

PV: Tại sao bạn lại cho rằng những món ăn của Hà Nội là ngon nhất?

 

Darya Mishukova: Vì chỉ những món ăn Hà Nội mới thuần Việt. Các món ăn tại TP. Hồ Chí Minh cũng như một vài nơi khác thì đã bị ảnh hưởng của các món ăn Trung Hoa, Thái Lan... nên có sử dụng các gia vị cay và ngọt quá! Tôi và nhiều người nước ngoài đến Việt Nam đều rất thích phở của Hà Nội. Và tôi biết rằng phở có từ năm 1925.

 

PV: Theo bạn đâu là 'lợi thế' của người nước ngoài khi cảm nhận và đánh giá văn hóa của một dân tộc, một quốc gia khác?

 

Darya Mishukova: Đó là vì nếu là người nước ngoài thì thời gian cảm nhận rất có hạn. Họ sẽ tìm mọi cách để tiếp xúc với những gì đặc sắc nhất. Nếu là người dân đang sống trên mảnh đất quê hương thì có thể trì hoãn hôm nay chưa thưởng thức thì mai cũng được. Nơi này chưa đến được thì dịp khác sẽ đến. Ngoài ra, trong thế so sánh thì người đến từ quốc gia khác sẽ có cái nhìn khách quan và háo hức khám phá hơn người trong nước.

 

PV: Bên cạnh những điểm tốt như bạn viết trong cuốn sách của mình thì đâu là nhược điểm của người Việt Nam mà bạn đã nhận thấy?

 

Darya Mishukova: Tôi thấy rằng, đôi khi người Việt Nam chưa giữ lời hứa, hoặc không đúng hẹn là bình thường. Họ hẹn tôi đến vào một giờ nhưng 2 giờ sau mới xuất hiện. Chị gọi đó là “giờ cao su” phải không? Vâng, đúng vậy. Với những người như vừa nêu thì quan hệ của tôi thường rất ngắn và họ không trở thành bạn bè cũng như đối tác làm ăn của tôi. Tuy nhiên tôi thấy có rất nhiều người Việt Nam thật đặc biệt. Điều này cũng làm nên nét đáng quý riêng. Đó là có những người Việt Nam đúng hẹn tuyệt vời và với chúng tôi họ đã nhanh chóng được tin cậy và trở thành những người bạn yêu quý. Và còn có những người Việt Nam tốt và nhiệt tình đến mức họ chỉ hứa làm thế này nhưng thực tế họ đã làm, đã giúp nhiều hơn lời hứa rất là nhiều.

 

PV: Còn đàn ông Việt Nam, chị có nhận xét gì không?

 

Darya Mishukova: Đàn ông Việt Nam mang nhiều ưu điểm chung của các bậc mày râu trên thế giới nhưng thực lòng tôi rất lấy làm tiếc vì giá như đàn ông nước các bạn có những cử chỉ tôn trọng và thân thiết hơn với phụ nữ thì tốt quá. Nhưng tôi biết đó là thói quen văn hóa lâu đời của các bạn. Đó là đàn ông Việt Nam ít ân cần kéo ghế cho phụ nữ ngồi. Rất nhiều người không mở cửa, không nhường đường lên cầu thang, không lùi lại nhường bước khi đi cạnh phụ nữ. Và đặc biệt không bao giờ giúp cởi áo khoác và giúp treo áo cho phụ nữ như một cử chỉ giao thiệp.

 

PV: Mong Darya thông cảm vì với người đàn ông Việt mà có ai đó cởi áo cho vợ họ thì đủ nổi một cơn ghen đấy.

 

Darya Mishukova: Ồ, không. Đó chỉ là giúp đỡ thôi, và thường là cầm áo treo lên cái móc nào đó chẳng hạn. (Cười)

 

               

Darya Mishukova đang trả lời phỏng vấn của PV

 

PV: Bạn có thể nói lên suy nghĩ về tình yêu được không?

 

Darya Mishukova: Đừng hỏi tôi về tình yêu. Tôi nghĩ rằng phải như ông bà tôi sống với nhau được 50 năm thì mới có quyền nói về tình yêu. Những người còn trẻ mới yêu hoặc vừa vào hôn nhân vài năm thì chưa đủ quyền nói về tình yêu với những người khác. Lỡ người đang yêu chia tay, lỡ cặp vợ chồng trẻ ly hôn ngay sau khi nói về tình yêu thì những điều họ nói liệu có giá trị?

PV: Những người bạn Việt Nam có giúp cho bạn điều gì từ trong tâm lý và nhận thức không?

Darya Mishukova: Gần đây, ông ngoại tôi vừa qua đời, tôi đã rất đau buồn nhưng những người bạn Việt Nam đã cho tôi biết một cách nghĩ rất tích cực để tôi vượt qua nỗi đau. Họ cho tôi suy nghĩ rằng hành trình cuộc sống là mãi mãi chứ không chấm dứt. ông của tôi đã được từ cuộc sống này từ khi sinh ra và những tháng năm sống để đến với chặng đường còn tiếp theo. Đó là quy luật. Tôi đã được an ủi và nguôi ngoai nỗi đau vì ông mất mà tôi không ở gần gia đình mình.

 

PV: Bạn đã từng ăn Tết ở Việt Nam?

 

Darya Mishukova: Tôi đã ăn một cái Tết Việt cách đây khá lâu khi tôi là sinh viên khoa Tiếng Việt. ấn tượng của tôi về ngày Tết của các bạn rất đặc biệt. Tuy nhiên tôi đang rất muốn cảm nhận lại từ đầu Tết Việt qua dịp xuân Canh Dần này. Và sau đó tôi sẽ nói chính xác hơn. Cảm nhận cũ của tôi nên dẹp lại để có thể đón Tết năm nay thật mới mẻ. Đối với tôi được ăn Tết Việt là một hạnh phúc lớn!

 

PV: Tuy hơi ngại nhưng xin nói thật rằng người Việt Nam chúng tôi quan tâm đến nhau thì bao giờ cũng hỏi về gia đình và hôn nhân. Vậy nhập gia tuỳ tục bạn có thể cho biết về đời sống tình cảm riêng của bạn. Nếu bạn đang tự do thì bạn có nhận lời tỏ tình của một người đàn ông Việt Nam?

 

Darya Mishukova: Tôi chưa kết hôn và hiện chưa có người yêu. Nếu được nhận tình yêu của một người đàn ông Việt Nam ư? Tôi không dám nói gì vì nếu có vậy còn xem tình cảm đó trong mỗi bên thế nào và nếu được sự chấp nhận từ hai gia đình cũng như những thủ tục hợp pháp của hai nước thì tôi sẽ đón nhận thôi. Nhưng chị ơi, người Việt bảo là do ông Trời mà. Tôi thì nghĩ rằng cái gì cũng có quá trình của nó rồi sẽ tiến tới, chứ không thể trả lời sớm trong dự đoán được. (Cười)

 

PV: Cũng biết rằng người phương Tây thường không hỏi tuổi phụ nữ, nhưng chúng tôi rất muốn biết độ tuổi của người yêu Việt Nam như bạn, yêu đến mức có thể viết một cuốn sách hay như thế về Việt Nam. Ta có thể tính theo thập niên như bạn thuộc thế hệ 7X, 8X hay thậm chí 9X chẳng hạn?

 

Darya Mishukova: (Cười)Tôi nghĩ thế này, nếu sinh ra cuối một thập niên thì ta cứ coi đó là thuộc thập niên sau đó nhỉ? Tôi thuộc thế hệ 8X.

 

PV: Một 8X yêu Việt Nam? Nên cô đã viết cẩm nang 'Đi thăm đất nước con Rồng cháu Tiên' và đã nhận được sự khen ngợi của nhiều độc giả?

 

Darya Mishukova: Vâng! Cuốn sách đã nhận được sự khen ngợi của nhiều độc giả Nga, thậm chí có người Nga nói với Darya rằng đây là “bách khoa toàn thư về đời sống Việt Nam”. Ngay trong năm phát hành, sách đã được chính quyền thành phố Vladivostok tặng bằng khen. Cuốn sách đã được nhiều tổ chức khác như Thư viện quốc gia Liên bang Nga tại Viễn Đông, khoa Việt Nam học Trường đại học Harvard (Mỹ) khen ngợi.

 

PV: Xin cảm ơn bạn! Chúc bạn có một cái Tết Canh Dần như mong đợi!

 

 

Kim Anh - Hương Lan

(Nguồn: Báo Đời Sống & Pháp Luật)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thị Việt Hà - Viethamhb@gmail.com.vn - 02106567068 - Việt Trì - phú thọ  (Ngày 8/02/2010 05:20:34 PM)

     Tôi rất tâm đắc với nhận xét của bạn gái Nga về đàn ông VN " ... ít ân cần kéo ghế cho phụ nữ ngồi. Rất nhiều người không mở cửa, không nhường đường lên cầu thang, không lùi lại nhường bước khi đi cạnh phụ nữ. Và đặc biệt không bao giờ giúp cởi áo khoác và giúp treo áo cho phụ nữ như một cử chỉ giao thiệp." Thật đáng buồn phải ko bạn ?

     Đấy là bạn chưa nghe nói về đàn ông VN còn chửi bậy trước mặt phụ nữ, ko bao giờ xách đồ nặng khi đi cùng đoàn du lịch với phái nữ (chứ chưa nói gì giúp đỡ người phụ nữ lạ), rất nhiều ông chồng ko bao giờ giúp vợ việc nhà kể cả những việc nặng nhọc lẽ ra là nhiệm vụ của họ như gánh nước, bổ củi, sửa điện, trèo thang quét trần, lắp rèm .... Thật tủi phận cho Phụ nữ Việt Nam !

Các bài khác: