Thứ sáu, 19/04/2024,


Thơ trẻ và việc cách tân... lục bát? (25/08/2008) 

 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Người trẻ hiện nay thường bỏ qua thơ lục bát, bởi thấy hình thức đơn điệu quá(?) Nếu như họ có con chữ khác để ném vào lục bát thì vẫn là lục bát đấy, nhưng đọc bằng một giọng khác, nhịp khác. Lục bát Bùi Giáng khác, Bút Tre khác chứ không phải tất cả lục bát đều giống nhau. Mỗi người lại có cái chữ của lòng mình.

Ngay trong thơ trẻ đã phân ra những lớp khác nhau, có lớp trưởng thành cách đây 10 năm, họ vẫn trẻ thôi, nhưng là đang bình tĩnh để nhìn nhận lại nên thơ của họ có vẻ trầm tĩnh hơn. Còn thơ của những người thực sự trẻ, nói chung là năng nổ, có cả sự bất cần.

Nhưng cái bất cần này phải hiểu trong phạm trù nghệ thuật, họ bất cần những gì là khuôn phép, bất cần cả đề tài… Đó không phải là một dấu hiệu xấu”.

Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa tác giả Khánh Nguyên và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về vấn đề trên.

 

- Là một người bấy lâu nay vẫn luôn dành sự quan tâm đối với các cây bút trẻ, nhà thơ có thể cho biết thơ trẻ hiện nay có gì đáng chú ý?

- Thời nào thì các nhà thơ trẻ cũng được chú ý, bởi quan trọng là họ trẻ, nên họ có nhiều khát vọng, nhiều sáng tạo. Sáng tạo lớn nhất của mỗi người thường ở khoảng trước tuổi 30, sau đó thì tiếp tục triển khai. Thơ trẻ cũng vậy, ở tuổi 20, 30, họ thường mở ra nhiều chiều kích khác nhau, có thể chưa tạo tới tỉnh nhưng là những sáng tạo cơ bản. Những quan niệm, tài năng, xu hướng nói chung đã xuất hiện từ trẻ. Phải nói rằng nó rất quan trọng. Chính những người trẻ làm thơ đã làm cho thơ ca thời ấy chuyển động, giống như một cánh rừng bên cạnh những cây cổ thụ, đại thụ luôn có những cây non, mà bao giờ cây non cũng tạo ra một màu xanh khác lạ, thu hút người ta.

- Cách tân là lẽ sống của thơ, nhưng có vẻ như thơ trẻ hiện nay có phần “bấn loạn”, lúng túng trên đường cách tân. Họ bị sa đà vào cái cách tân hình thức, vào những đề tài mà văn hóa truyền thống á đông vốn “kiêng kị”?

- Tuổi trẻ bao giờ cũng thế. Những người khôn thì đi theo con đường đã được mở, và nếu họ trẻ thì họ chạy trước một tí, chạy lên một chút, tất nhiên cũng được. Nhưng những người thực sự làm nghệ thuật thì bao giờ cũng phá mở một con đường, muốn đi một con đường riêng. Con đường đó họ phải khai sáng, có khi nó đang đất đá lổn nhổn nhưng là con đường của họ, một con đường khác. Họ có thể đi ngang, đi tắt rồi đến một thời đoạn nào đó, họ biết định hình và lựa chọn nhiều hơn. Tất cả những cái đó cũng tạo nên sự lúng túng, có người đi rồi loanh quanh chui vào rừng rậm không lối thoát, nhưng những người thực tài thì bao giờ cũng tìm được con đường của mình.

Còn chuyện người trẻ phá mở về hình thức, cũng hợp lí thôi bởi họ không an bài với những gì người trước có và cả mình có. Tuổi trẻ thích thay đổi, thích nhìn cuộc đời dưới góc độ của họ. Còn cái lựa chọn mà họ quan tâm cũng tùy người, có người quan tâm về những nỗi đau đớn của làng quê, của tuổi thơ, người lại quan tâm về thế giới, nói chung những gì thuộc về tâm hồn của con người thì họ có quyền lựa chọn.

Lớp trẻ thì nói mạnh bạo hơn mà có người cho rằng thiếu tế nhị, quá trớn, thậm chí có người cho rằng trơ trẽn. Tất cả rồi đến một lúc nào đó họ sẽ tự thanh lọc và có sự lựa chọn để nó văn học hơn, nói về cái xấu mà người ta đọc vẫn thấy bằng một trái tim yêu thương, bằng một con mắt nhìn rất đẹp. Anh yêu cái đẹp bao nhiêu thì càng ghét cái xấu bấy nhiêu. Tất cả đều do sự lựa chọn của trái tim, anh có nhân văn hay không, điều đó quan trọng nhất. Văn hóa dần được nâng lên, người trẻ chưa học nhiều nhưng họ sẽ học nhiều và luôn luôn muốn học, càng học thì càng tiếp xúc với cuộc sống, càng lăn lóc vào đời và họ sẽ tiếp nhận một văn hóa sống càng ngày càng đầy đặn hơn, ứng xử của họ sẽ được điều chỉnh.

- Lâu nay, nhà thơ chú ý đến gương mặt trẻ nào?

- Cách đây 10 năm, tôi chú ý và ủng hộ những tác giả người ta thấy khó chịu như Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly… Họ có những sự mấp mô chứ không phẳng bẹp như người khác. Họ đã bị phản ứng, bị các nhà tuyên huấn, những nhà phê bình kiểu tuyên huấn giơ roi liên tục. Nhưng qua 10 năm, họ đã trở thành những tên tuổi, được cả nước biết đến, chứng tỏ họ có tài năng thực sự. Họ có tài và cũng có tật, nhưng cái tật ở đây là họ khác người khác.

- Khác tới mức độ gây sốc?

- Nghệ thuật mới thì thường gây sốc. Trong sáng tạo, những gì khó chịu, có thể gây sốc với tôi, tôi rất bình tĩnh, thậm chí thích thú vì nhìn thấy khả năng nó sẽ có triển vọng. Chính sự gây sốc lại làm cho nó có ấn tượng. Những con sóng phản ứng rồi dần dần sẽ trở thành vuốt ve.

- Vậy là ông khuyến khích những tài năng trẻ gây sốc để gây sự chú ý?

- Chủ trương gây sốc khác với việc tự bản thân nó gây sốc. Nếu chủ trương thì chỉ cần một cái mẹo sẽ gây sốc. Cũng có trường hợp họ muốn tạo ra những nhóm, những trường phái, nhưng thành công hay không lại là câu chuyện chờ đời.

- Nhưng có vẻ như thực tế hiện nay, không mấy người đọc thơ. Thế mới có chuyện, nhiều nhà thơ trẻ mang đứa con tinh thần của mình tham dự các giải thưởng mà băn khoăn lớn nhất vẫn là, liệu tác phẩm đoạt giải, được in ra rồi nhưng có đến được với độc giả hay không?

- Người đọc thơ bây giờ không phải ít, nhưng số đông vẫn đọc theo một lối thơ quen thuộc, mà ta gọi là thơ cũ, thơ truyền thống. Họ cảm nhận được những gì nhẹ nhàng hơn, thậm chí tinh tế đó nhưng không phải phức tạp. Bởi vậy, những người đi làm cái mới không dễ được đám đông chấp nhận. Thế nên, tập thơ có xếp xó hay không thì cũng đừng buồn. Đối với nghệ thuật, cái mới luôn có nhiều cay đắng nhưng cũng phải tự tin. Nghệ thuật là phải có thời gian, còn công chúng ở đây là những công chúng cao, nói như Trần Dần là những công chúng bằng vai. Và phải hi vọng vào những công chúng như thế.

- Hiện nay các nhà phê bình không để tâm đến thơ, phải chăng chưa có thơ hay để cuốn họ, hay nhà phê bình chưa có được “con mắt xanh” phát hiện ra những gương mặt triển vọng?

- Các nhà phê bình hiện nay không chỉ thờ ơ với riêng thơ trẻ mà với cả nền thơ ca. Thẩm thấu thơ ca không phải dễ, có thể đọc cảm nhận thấy nó hay nhưng nói ra là rất khó. Nhà phê bình khôn thì đi vào văn xuôi, chỉ có người đam mê thì mới đi bình thơ. Phải nói rằng, phê bình thơ hiện nay thiếu và rất cần những “con mắt xanh”. Nhưng cái đó thì không ép được, để tạo ra những “con mắt xanh” thì vấn đề là dân trí, văn hóa phải được nâng cao, khi đó, nhà thơ này sẽ đẻ ra nhà phê bình nọ.

Mỗi người đọc thơ đã là một nhà phê bình, nhưng những nhà phê bình bằng vai không phải là nhiều. Nhìn trong xã hội này, đội ngũ phê bình thưa vắng quá, nhiều lúc giật mình. Đó là thiệt thòi không chỉ với riêng nhà thơ trẻ. Thơ trẻ họ cần những bước thử, quả thực có những người không có ai nói gì nên họ bỏ đi làm công ty này, công ty nọ, lương tháng nghìn đô. Làm thơ chẳng được gì lại còn bị chửi. Nhưng tôi nghĩ, những người thực tài rồi họ sẽ quay lại với thơ.

- Vậy theo nhà thơ, cách tân trong thơ nên bắt đầu từ đâu?

- Sự cách tân là khởi từ tư duy, trong đó đã có quan niệm. Phải quan niệm khác đi thì mới cách tân được, quan niệm đó phải là tự anh, chứ không thể vay mượn. Chính cái riêng biệt mới tạo ra cách tân. Nói đến cách tân thì người ta hay nói trước tiên là hình thức. Hình thức tự thân nó đã mang ngôn ngữ. Trần Dần có nói đến chuyện làm con chữ, tức coi con chữ hoạt động như một động vật. Khi anh tạo ra những con chữ sống động thì hình thức thơ của anh cũng lạ. Không thể lấy ngữ pháp phổ thông để truy bức nhà thơ được. Nhà thơ tạo ra ngữ pháp của họ, họ muốn gieo vào ta một ấn tượng, lúc đầu có thể cho phản cảm nhưng ta vẫn phải mang theo ấn tượng đó, rồi dần dần sẽ nhớ, khi ngẫm ra mới thấy hay. Còn nội dung nằm trong quan niệm tư duy của anh về thơ ca. Nhưng cái khởi đầu của hình thức rất quan trọng, anh viết một câu thơ với hình thức khác đi, thậm chí chưa mang một nội dung gì, nhưng chính hình thức câu thơ đã là một nội dung rồi.

Có một cái khó hơn chính là anh cách tân được thơ truyền thống, cách tân hình thức thơ kinh điển. Người trẻ hiện nay bỏ qua thơ lục bát bởi thấy hình thức đơn điệu quá. Nếu như họ có con chữ khác để ném vào lục bát thì vẫn là lục bát đấy nhưng đọc bằng một giọng khác, nhịp khác. Lục bát Bùi Giáng khác, Bút Tre khác chứ không phải tất cả lục bát đều giống nhau. Mỗi người lại có cái chữ của lòng mình.

                                               Theo tác giả Khánh Nguyên

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: