Thứ sáu, 29/03/2024,


Tranh Đông Hồ và thơ Lục bát (25/08/2008) 

     Làng quê Việt Nam xưa, nhất là ở miền Bắc, cứ vào dịp Xuân về, Tết đến, ta thường thấy một loại tranh vẽ trên giấy bản khổ nhỏ cỡ 20 x 26 cm bầy bán la liệt nơi các tiệm tạp hóa, các phiên chợ quê bên cạnh món mứt gừng, mứt bí, kẹo bột, trà tầu, thuốc lào, pháo chuột...

 

     Nét vẽ những loại tranh này thường thô sơ, giản dị, được in ra hàng loạt từ những bản khắc bằng gỗ theo lối thủ công, mầu sắc tươi sáng, lòe loẹt, nguyên thủy, gồm đủ xanh, đỏ, vàng, đen, tím…không pha trộn cầu kỳ. Đề tài phần lớn hết sức bình dân: Con gà cất cao cổ gáy lúc mặt trời mọc; Mụ lợn sề nằm ưỡn cho đàn con bú sữa, đám cưới chuột, trai gái hái dừa, đánh đu…

 

     Người ta mua tranh để phát cho trẻ con chơi, may thêm cho mỗi đứa một bộ quần áo mới, mấy đồng tiền kẽm lỳ xì… tất cả những cử chỉ đó đã nói lên lòng thương mến của ông bà cha mẹ đặc biệt thổ lộ với con cháu nhân lúc Xuân sang.

 

     Người ta cũng mua tranh dán đó đây trên vách, trang hoàng cho nhà cửa thêm rực rỡ trong mấy ngày tết, sau đó dẹp bỏ chẳng có lưu giữ làm gì vì loại giấy vẽ không bền, vì tranh còn sẽ tiếp tục  “tái bản”  hàng loạt theo nhu cầu.... Chắc chắn năm sau nếu muốn cứ ra chợ mua dễ dàng, giá cả cũng rẻ thôi! Rồi treo lên… để cho mùa Xuân mới, nhà cửa lại tràn đầy hình ảnh tưng bừng với những giống vật gần gụi:

 

Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi,

Con chó khóc đứng, khóc ngồi,

Bà ơi đi chợ mua tôi đồng giềng!

 

     Theo Toan Anh trong “Các Thú Tiêu Khiển Việt Nam”, chơi tranh Tết là một tập quán của người xưa, tranh Tết cũng cần cho ngày tết như pháo, như câu đối, như cây nêu…

 

     Tranh Tết là một loại tranh bình dân đặc biệt Việt Nam, không kỳ lạ như tranh tây phương, cũng không trau chuốt nhu tranh Tầu. Nó dản dị, hồn nhiên đượm đầy dân tộc tính và đề tài tranh tết thường là những cảnh, những việc, những tình… hàng ngày ăn nhập với đời sống con người…

 

     Bức tranh hứng dừa vẽ cậu con trai bám chót vót trên ngọn cây cao bẻ dừa thả xuống cho cô con gái đứng dưới, dáng điệu tích cực,hợp tác, với phục sức thật dản dị dễ thương. Phần trên thân thể che mỗi tấm yếm đào, hồn nhiên hai tay cầm gấu váy để hứng…thực là một cảnh tượng độc đáo rất đáng ghi lại làm kỷ niệm những ngày vui Xuân của đám thanh niên nam nữ làng quê.

Khen ai khéo vẽ nên dừa,

Đấy chèo đây hứng cho vừa một đôi.

     Hình ảnh lợn mẹ nằm thoải mái, vô tư lự đang cho con bú đã nói lên được cả một sức sống mãnh liệt tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà tình mẫu tử ở đây cũng coi bộ “rạt rào”, bao la như biển Thái Bình đấy chứ!

 

 

     Tuy nhiên một cách khách quan, chúng ta phải khiêm tốn chấp nhận rằng, ngoại trừ tranh Đông Hồ, nền hội họa cổ của Việt Nam chẳng có gì đáng kể và cũng tiếc thay, không những thế, hiện tại thì những bức tranh Xuân này đã ngày càng hiếm hoi.

 

     Nào ai có lòng hoài cổ, khi nhìn lại cành mai chớm nở mấy bông vàng, chợt nghĩ tới, muốn có vài bức treo lên, ngắm nghía, tưởng nhớ đến những kỷ niệm, khoảng thời gian xưa trong bầu không khí đầm ấm rực rỡ hương hoa của ngày Xuân thanh bình nơi thôn dã chắc cũng phải thất vọng vì khó kiếm đâu ra!

 

     Nói thế chẳng có nghĩa là hình ảnh những bức tranh này đã chết hẳn. Thực ra nó chỉ không có mặt rầm rộ phổ thông như trước, nguyên nhân cũng dễ hiểu, nó không còn được ưa chuộng, hoan nghênh như trước nữa!

     Lý do là xã hội và xã hội Việt Nam nói riêng đã theo đà tiến bộ, văn minh nên mọi sự đã thay đổi rất nhiều.

     Nhiều vùng quê đã sử dụng máy cầy thay trâu kéo, rải rác trong lũy tre xanh ban đêm đã có nhiều nơi dùng máy phát điện do bà con chòm xóm chung đụng, ”ra tỉnh” mua về sài cho thêm tiện nghi. Bây giờ, người ta đã không còn ngạc nhiên khi thấy bên cạnh năm ba con trâu gặm cỏ, gần chiếc xe Honda hai bánh, dựa vào cột đèn, cô thôn nữ đang vừa cười vừa nói điện thoại cầm tay…

 

     Nếu ai mục kích những hình ảnh đó và nhiều hình ảnh văn minh tiến bộ khác nữa như TV, tủ lạnh… chắc sẽ hiểu lý do tranh Đông Hồ dù có gía trị đến đâu ngày nay cũng phải từ từ rút lui vào một vị trí khiêm nhường hơn trước, âm thầm lặng lẽ hơn trước, và nó chỉ “tay bắt mặt mừng” với ai là “tri kỷ tri bỉ”, “biết của biết người”.

 

     Nhưng cũng nhờ ở cái vị trí thu gọn hiện nay mà tranh Đông Hồ đã có thời gian nhẩn nha trau chuốt thêm, rút tỉa tinh tế thêm để dần dần trở thành một nghệ phẩm thực sự, hy vọng rồi đây sẽ xứng đáng được nói đến như  những phần văn hóa của tiền nhân theo dòng lịch sử.

     Cũng theo Toan Anh thì nghề vẽ tranh này gốc ở Trung-Hoa, mới nhập vào Việt Namtừ thế kỷ XV. Người đem nghề này vào nước ta là ông Lương Như Học, đậu tiến sỹ đời Lê, năm Đại Bảo thứ III (1442) hiện ông được dân làng Đông Hồ thờ làm Thành Hoàng.

 

     Bức tranh lợn, gà…ngày nay vẫn giữ những đường nét, hình thức, bố cục y như cũ thôi. Vẫn làm theo lối in mộc bản, nhưng vật liệu thì không còn dùng loại giấy thô sơ nhu trước, thay vào đó là giấy gió lụa mịn màng, thớ dai, thường được quệt lên một lớp điệp, hay một lớp vang đỏ, hoè vàng…Mầu sắc những nét vẽ trong tranh thì dùng mấy thỏi son, than lá tre, lá chàm, hoa hòe, gỗ vang…tất cả những vật liệu này đã được một số người làng Đông Hồ dùng khả năng, kỹ thuật hiểu biết gia truyền để o bế tạo nên những tác phẩm càng ngày càng có nhiều tính chất nghệ thuật  dân tộc, nên bây giờ, thay vì người ta gọi là tranh lợn gà như trước kia, nó đã được trân trọng mang tên Tranh Nhân Gian Đông Hồ (Dongho’s Folk Paintings) và có lẽ cũng chỉ còn tìm thấy loại tranh này nơi làng Đông Hồ huyện Thuận Thành, tỉnh Hà-Bắc mà thôi.

 

     Ngày trước, riêng làng Đông Hồ có tới gần hai chục họ tộc tham gia trong việc sản xuất loại tranh này, hiện nay chỉ còn một vài gia đình theo đuổi nghề nghiệp cũ của ông cha để cố gắng bảo tồn, và để cung cấp cho khách sành điệu cũng như một số người ngoại quốc muốn tìm hiểu nét vẽ đặc thù của dân tộc Việt Nam ta.

Hỡi anh đi đường cái quan,

Dừng chân ngắm cảnh cho tan mối sầu,

Mua tờ tranh điệp tươi mầu,

Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều!

     Như đoạn trên vừa đề cập, thế là bây giờ cả người ngoại quốc khi có dịp ghé Việt Nam cũng ưa tìm mua loại tranh này. Tưởng tượng thấy họ cầm bức tranh, tâng tiu, ngắm nghía, cười hồn nhiên, vui mừng…Ta tự hỏi thầm, ngoài một số ít có căn bản hội họa, không biết phần đông họ có hiểu gì qua những hình thể đơn sơ bề ngoài của hầu hết những bức tranh Đông Hồ. Hay chỉ vì túng đề tài làm quà cho mấy người thân ở nhà nên cứ mua đại xách lên phi cơ… cũng kể như chiếc nón bài thơ, cây  đàn cò ngồ ngộ…

 

     Hội họa cũng như âm nhạc là những thứ ngôn ngữ quốc tế mà người Au-Mỹ khá rành. Cho nên nghi ngờ họ không thưởng thức, khám phá ra cái hay cái đẹp thì hơi chủ quan. Mặt khác để cho vô tư công bằng có lẽ cũng phải thêm: Sự thực là biết đâu cái nhìn của họ và cái nhìn của ta khác nhau, ngay như giữa chúng ta sự thưởng ngoạn của mỗi người cũng nhiều khi khác nhau chẳng làm sao nêu ra những lý lẽ để tiến tới đồng lòng được.

 

     Hơn nữa, tiếng là tranh Đông Hồ giản dị, nhưng cũng có những bức ẩn dụ nhiều ý nghĩa thâm trầm, sâu sắc thấm đượm văn hóa đông phương mà chúng ta có thể cùng nhau tìm hiểu để cùng nhau chấp nhận được. Về điểm này, xin đơn cử bức tranh Trung Nam Bản Xã để làm thí dụ.

 

     Bức Trung Nam Bản Xã trình bầy trong một hình chữ nhật, mô tả một đoàn thanh niên đang diễn hành biểu dương sự vui tươi lành mạnh vào dịp hội mùa Xuân với cờ, quạt, trống, bảng hiệu, lọng che…

     Tranh vẽ dùng ba mầu: đen, đỏ xậm và hồng tươi trên nền giấy quệt một lớp điệp xám nhạt, toàn diện nhìn rất hòa hợp với nhau. Tấm bảng dẫn đầu với bốn chữ Trung Nam Bản Xã giới thiệu cùng mọi người: bọn họ thuộc lớp trai tráng trong làng.

 

     Chữ xã ở đây mượn của Tầu. Người Việt Nam xưa tụ tập sống từng nhóm có những tên như: Chiêng (Chiêng Yên Kênh quê hương mẹ Trịnh Kiểm), Bản (Ban MêThuột), Kẻ (Kẻ Noi), Làng...

 

     Chữ Trung xác dịnh dám thanh niên không còn trẻ (thiếu), nhưng cũng chưa già (lão). Bảng tên dùng chữ Nho vì ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Ngày ấy, có thể nước ta chưa có chữ viết, lại bị người Tầu đô hộ nên dù muốn dù không bắt buộc phải dùng chữ Hán. Cũng nhờ chữ Hán nên Việt Nam có nhiều danh từ đã được “Hán tự Hóa” từ chỗ thô sơ tới hoa mỹ như O Soan trở thành Suyên Nương…đó là bước thứ nhất.

 

     Tiếp theo do nhu cầu phát sinh ta đã sáng kiến tạo dựng ra chữ Nôm căn bản là dựa vào chữ Hán… Tuy dựa vào chữ Hán nhưng đó là chữ của nước ta, người Trung Hoa nhìn vào chữ Nôm không đọc được. Hơn thế nũa, đôi khi ngay như cùng là người Việt Nam, cùng biết chữ  Nôm cũng không hiểu được nhau qua chữ Nôm lý do là mỗi người viết và hiểu một cách, chưa thống nhất.

 

     Trên tranh Đông Hồ nhiều bức tô điểm thêm chữ Nôm cho thêm rõ nghĩa, thêm hoa lá cành như bức tranh Hứng Dừa chẳng hạn. Hai câu lục bát viết bằng chữ Nôm của bức tranh trình bầy hơi ít rõ ràng vì hàng thứ nhất bên phải ngoài câu lục (sáu chữ) lại viết thêm hai chữ của câu bát (tám chữ ) của hàng thứ nhì…Tuy nhiên hai câu thơ rất ý nghĩa, tuyệt vời…

Khen ai khéo vẽ nên dừa,

Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi.

 

 

     Hai câu thơ này của ai? Không thấy ghi tên tác giả. Tất cả những bức tranh Đông Hồ cũng vậy. Nó chẳng giống như tranh cổ Trung Hoa, Họa sĩ Tầu khi vẽ xong bức tranh thường cũng hay tự mình viết thêm hoặc mời một danh sĩ khác đề thơ, “Nhất thi nhất họa.” Bè bạn ai họa ai thơ đều ghi tên họ đàng  hoàng, ai không đề thơ có quyền đóng triện son (cũng là hình thức ký tên) để làm kỷ niệm như ta thấy trên bức “Mã dữ mã phu độ giang” của Tào Mộng Phủ (1254 – 1322) trưng bầy tại Freer Gallery of Art, Washington.

 

     Trở lại bức tranh Trung Niên Bản Xã, ta thấy nét vẽ không chồng lên nhau, người này không che lấp người khác. Đó cũng kể như một sự kiện đặc thù, giống như loại tranh thủy mạc của Trung Hoa có cái độc đáo là chẳng cần theo luật “Đường chân trời” xa gần của thị giác mà trông vẫn…”có lý”, thơ mộng.

 

     Bố cục bức tranh rất vững vàng, có khung vuông (bảng tên), có hình tròn (cái trống) gợi ta nghĩ tới sự uyển chuyển hòa hợp vuông tròn của trời đất, gợi nghĩ tới sự tích bánh trưng bánh dầy…

 

     Hình tròn của trống Lưỡng Nghi ở trung tâm bức tranh nhìn thật nổi, thật bắt mắt với đám “trung niên” hai bên nào cờ, nào quạt đang rầm rộ tiến bước theo sau kẻ dẫn đầu câm bảng hiệu hãnh diện giới thiệu họ là đám trung niên  trong làng.

 

     Trong hầu hết tranh Đông Hồ bức nào cũng nhắc nhở với dấu hiệu Âm Dương. Âm Dưong là nguyên thủy của vạn vật, như con người có nam có nữ mà cái nguyên thủy của nam nữ là một đề tài muôn thuở, vô tận…

 

     Đoàn diễn hành mỗi người chỉ bận cái khố đơn giản, giống như cái khố mawashi của các võ sỹ đô vật Nhật Bản. Nhưng có điều đáng nói là ngắm tranh ta tuyệt nhiên không thấy thô tục, không thấy lòng mảy may gợi dục. Mà tại sao chẳng để cho họ mặc quần áo nhỉ? Phải chăng mục đích muốn biểu dương sự cường tráng, khỏe mạnh tự nhiên trong lành, và phải chăng người họa sỹ nhà quê muốn trổ tài ra cái điều cũng ngang ngửa với các đồng nghiệp xuất thân từ các trường cao đẳng chuyên môn với những bức khỏa thân tuyệt đẹp!

 

     Những điều phải chăng trên đây kể cho vui vậy thôi, nói cho ngay, đóng khố là đúng sự thực! Vì công qũy làng thôn hồi xưa lấy đâu tiền để may đồng phục cho mọi người, còn nếu bắt mọi người tự túc thì nhiều thành viên lo không nổi. Một bộ đồng phục để mặc vài lần trong năm là phí phạm chẳng thể sẩy ra cho vùng quê nước ta hồi bấy giờ.

 

     Hồi bấy giờ nước ta nghèo lắm, đôi khi khố cũng chẳng đủ mà mang như chuyện hai bố con Chử Đồng Tử gia tài chỉ có một cái khố thôi mọi người hẳn còn nhớ chứ!

 

     Bây giờ nhìn bức tranh thấy cái lọng che chiếc trống. Có người nói giữa trống vẽ dấu hiệu âm dương, mà âm dương là một triết lý, đạo nguyên thủy, “nhất âm nhất dương chi vi đạo” nên phải có lọng che cho uy nghi, trịnh trọng. Người khác không đồng ý nói nếu bàn như vậy thì hơi mông lung, sự thực trống cần có lọng che dản dị là để tránh mưa nắng, bảo vệ cho tang trống khỏi hư hao lúc nắng mưa thôi, vì tiếng trống giữa đám đông là rất cần thiết. Tế lễ, ra trận, múa sư tử chỗ nào cũng cần có trống, nếu để tang trống ướt vì mưa, hoặc rách, lủng lỗ thì hiệu lệnh của trống ban ra không còn trung thực, hào hứng và ý nghĩa nữa.

 

     Một điểm khác, ta lại thấy người nào trong tranh cũng búi ló củ hành! Điều này làm ta nghĩ đến một quan điểm xưa, người Việt Nam giống người Trung hoa là thân thể do cha mẹ sinh ra rất quý, không nên cắt bỏ, dù là sợi tóc. Tại đây cũng có quan niệm cũ ta và Tầu khác nhau: Trung Hoa thi kết tóc đuôi sam còn người Việt Nam thì không làm như vậy mà lại búi gọn lên như một củ hành ỏ sau gáy cho…hách!

 

      “Hồi xưa trẻ con bất kể nam hay nữ đều được cao trọc đầu hoặc chỉ để ba chòm tóc ngắn ở phía thóp và hai bên mang tai trông giống như những trái đào, cũng đẹp. Lớn lên, chừng 12 hoặc 13 tuổi khi tự mình giữ được sạch sẽ, lúc đó con trai mới bắt đầu búi tó, con gái mới kẹp tóc vấn khăn, làm dáng, để tóc mai, đuôi gà. Kiểu tóc vừa trình bầy theo ông H.Maspero thấy ở xã hội nước ta từ thời thượng cổ, duy có nhà sư hay người làm ăn lam lũ thì mới cạo trọc đầu.” (Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Đào Duy Anh.). Về sau toàn quốc phát động phong trào Duy Tân, mọi người nhận thấy để búi tó củ hành không hợp vệ sinh, mất thì giờ chăm sóc nên đã hưởng ứng cắt tóc ngắn. Trong số những người cắt tóc ngắn đầu tiên có cả vua Thành Thái: “Húi hề! Húi hề! Bỏ cái ngu này! Bỏ cái dại này!” (Theo GS. Hứa Hoành, Sau Bức Cấm Thành Nhà Nguyễn.)

 

     Nay nhìn vào tấm bảng dẫn đầu ta thấy bốn chữ “Trung Nam Bản Xã.” rất cân đối. Hai thực thể Trung Nam và Bản Xã ràng buộc quấn quýt nhau như Am và Dương vậy. Trung Nam cần Bản Xã để có địa bàn khai triển, hoạt động, hành sử việc đời. Tuổi của trung niên là tuổi hành động, thực hiện trách nhiệm, bổn phận…”Tam thập nhi lập!”. Ngược lại Bản Xã không có đám trung niên rường cột thì cũng khó đứng vững.

 

     Về phương diện cụ thể điều hành, trung nam là thành phần chủ chốt lo toan gánh vác mọi công việc của làng xã. Lớp thiếu niên là những kẻ chưa vào đời, còn các vị bô lão thực sự chỉ giữ nhiệm vụ cố vấn.

 

     Lại nữa, xã hội Việt Nam thời bấy giờ còn chưa chấp nhận người phụ nữ tham gia gánh vác việc làng việc nước cho nên trai tráng (trung niên) là một nỗ lực quan trọng. Ong lý trưởng phải luôn nắm vững, và luôn cập nhật hóa danh sách trung niên trong làng. Ong ta phải biết rõ có bao nhiêu “xuất đinh” để điều hành sử dụng khi hữu sự vào những việc như đê điều, canh gác, sửa chữa đường xá…ngõ hầu tạo dựng được một tập thể thanh bình, phồn thịnh, tôn trọng luật lệ trong lũy tre xanh.

 

     Nhưng chuyện này cũng cần được giữ kín bên trong lũy tre xanh, nó là “Bí mật quốc phòng” không nên để các làng lân cận biết rõ, và nhất là không nên để quan huyện tỏ tường. Mặt khác, quan huyện sở tại cũng muốn và cũng cần biết rõ mỗi làng có bao nhiêu xuất đinh, nghĩa là quân số thực sự dưới tay được bao nhiêu để khi cần cũng hành sử như lý trưởng nhưng ở một quy mô rộng hơn. Theo Hoàng Văn Chí, phủ huyện thường gọi lý trưởng tới cật vấn việc này, quan lớn thì quát tháo bắt ông lý phải tăng thêm nhân số, lý trưởng thì gãi đầu, gãi tai, kể khổ, kỳ kèo bớt một thêm hai…cố tình khai bớt càng ít càng có lợi!

 

     Như vậy, từ một bức tranh Đông Hồ, ta có thể suy ra nhiều điều lý thú, đôi khi lan man gần như lạc đề, nhưng nhân dịp này, người viết mạo muội trình bầy ít dòng thô thiển, lập lại mấy điều nghe thấy, đọc được nơi báo chí, sách vở của các bậc học giả bốn phương, gọi là nhắc nhớ đến một vài hình ảnh lịch sử, quê hương giữa cuộc đời trôi nổi lạc lõng ở nơi đất khách xa vời.

 

Xa quê bao nỗi nhớ mong

Dăm ba câu chuyện lòng vòng cầm chơi.

(Theo tác giả Nguyễn Phú Long)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: