Thứ sáu, 26/04/2024,


Người mẹ thứ hai của tôi (25/08/2008) 

 

LBT: Nhà báo Nguyễn Đắc Hoa, Trưởng phòng Chuyên đề và Văn nghệ Đài Phát thanh tỉnh Phú Yên. (ĐT : 0985017072 – 057256059. Email: dachoapy@gmail.com. Blog: dachoa.blogtiengviet.net) vừa gửi cho lucbat.com bài viết cảm động dưới đây.

 

                               Trông về quê mẹ...

 

Tôi sinh ngày 15 tháng 7 nĂm 1957. Mẹ tôi mất ngày 21 tháng 7 nĂm 1957. Như vậy tôi chỉ được gần mẹ vẻn vẹn đúng một tuần. Mẹ tôi mất do bệnh sản hậu, nhưng vì quê tôi thời đó vừa nghèo, vừa nặng tệ mê tín dị đoan, nên mẹ bệnh nhưng gia đình, chòm xóm chẳng chịu đưa mẹ đến thầy thuốc chữa bệnh, mà để ở nhà cúng bái, xông hơi. Thế là mẹ kiệt sức dần và mãi mãi đi xa.

Cha tôi lúc đó là Bí thư Đảng lao động xã Hoà Đồng, huyện Tuy Hòa được tổ chức phân công ở lại địa phương (không tập kết miền Bắc) để công tác ở hành lang 240 giữa Khánh Hoà – Phú Yên, nên khi mẹ tôi mất, cha tôi có ở nhà và nghe lời trăn trối cuối cùng của mẹ: ”Em chỉ sinh được một mình nó, giờ để lại cho anh anh. Anh ráng nuôi, dạy nó nên người “. Ba tôi cũng chỉ gần gũi, chăm sóc tôi được mấy ngày thì bị địch bắt bỏ tù. Đời tôi kể từ đó nhờ vào bàn tay chăm sóc của người mẹ thứ hai là: Bà nội của tôi. Nội tôi lúc đó đã gần 70 tuổi, miệng móm, lưng còng nên cũng chẳng còn sữa để tôi bú thép. Còn tôi thì còn đỏ hỏn, liên tục oe, oe đòi dòng sữa mẹ. Những lúc như vậy, nội ôm tôi vào lòng và nhỏ những giọt nước mắt, đau thắt tận đáy lòng. Hàng xóm đến thăm, nhiều người thấy hoàn cảnh gia đình tôi, mẹ mất, cha ở tù, chỉ còn một cụ già tóc đã bạc phơ cùng đứa cháu nội mới lọt lòng mẹ ở trong mái nhà tranh, vách đất. Trong nhà nhìn trước, thấy sau, chẳng có tài sản gì đáng gia, nên họ cám cảnh rủ lòng thương và hết người này, đến người khác, thay phiên nhau đến cho tôi những giọt sữa quí giá trong những ngày mẹ tôi mới mất. Khi được một hai tháng, lúc tôi đã bắt đầu cứng cáp. Những lúc tôi khác sữa khóc la inh ỏi, nội tôi ruột đau như cắt, nên không thể ngồi nhà than vắn, thở dài mà lộm cộm bồng tôi đến những gia đình hàng xóm có những bà mẹ đang kì cho con bú để xin cho tôi bú ké qua ngày.

Quê tôi là làng Vinh Ba nơi xuất xứ của câu ca dao:

“Vinh Ba đan cót, đan gàu.

Phú Diễn chằm nón, xóm Bầu vớt rong”.

Vì vậy người dân quê tôi lúc đó ngoài việc ruộng đồng, họ còn tranh thủ thời gian lao động ngành nghề truyền thống đan cót, đan gàu quên cả ngày, đêm. Để cho tôi có được những giọt sữa từ những bà mẹ có tấm lòng nhân hậu, thương đứa trẻ côi cút không cha, không mẹ, nội tôi phải làm thay những việc họ đang làm như chằm nón, đan bồ, vớt rong, giã gạo, xay lúa… để họ rảnh tay cho tôi bú. Thế nhưng, người mẹ nào có tốt mấy đi nữa, họ vẫn phải dành phần nhiều sữa mẹ cho con mình, nên thường là tôi còn đòi bú, nhưng người ta không cho bú nữa, nội đành bế tôi về, trên đường đi cả tôi và nội cùng khóc. Và có biết bao điều phiền lòng khi ngày ngày nội bế tôi đi xin sữa từ nhà này, đến nhà khác, từ làng trện, đến xóm dưới, nhưng nội im lặng chịu đựng, chỉ mong sao tôi được nhiều người rủ lòng thương để họ cho bú ngày được đôi lần. Cũng cần nói thêm, cách nay 51 năm, ở làng tôi không có sữa bò, sữa hộp như bây giờ. Khi tôi được bốn, năm tháng, nội tập tôi ăn cơm sú. Bởi vì nội đã rụng hết răng và toàn bộ thời gian nội dành để bế bồng, chăm sóc tôi, nên chỉ tranh thủ nấu được om cơm(cơm nấu trong nồi om bằng đất nung). Nội tập tôi ăn cơm bằng cách, lấy một vài thìa cơm bỏ vào cối giã trầu của nội để nghiền thành bột, rồi nội ngậm sú vào miệng tôi, giống hệt như chim mẹ sú mồi cho con. Vì nội ăn trầu, nên miếng cơm nội ngậm trong miệng để sú cho tôi lúc bấy giờ có màu đỏ tươi giống như những giọt máu của nội san sẻ cho đứa cháu bất hạnh. Khi tôi ăn được, ngủ được , ngày càng khôn lớn, nội vui mừng lộ rõ trên mặt và thường ca cẩm: ”Cái thằng đúng là trời nuôi, khi nhỏ ai đưa vú cũng nút, chẳng chê người nào. Khi lớn cơm sú trộn lẫn vôi, trầu cay xé họng nhưng vẫn ăn ngon lành”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, quê tôi là vùng tranh tối, tranh sáng nên thường bị mưa bom, bão đạn, trường học chẳng có. Vì vậy để biết đọc, biết viết, nội gửi tôi học mấy ông thầy dạy tư trong làng. Khi tôi học cấp 1 phải đi xa nhà trên 5km và học cấp 2-3 xa nhà trên 10km. Đi học trong thời gian này quả là vô cùng khó khăn. Nhà nghèo nên thiếu thốn đủ thứ. Thậm chí có ngày cơm ăn không đủ no, nhưng phải đạp xe đi về trên hai chục cây số trong mưa phùn, gió bấc, rét run. Nội tôi thì một chữ bẻ đội không biết, nhưng khi thấy tôi chểnh mảng việc học hành thì nội thường dạy: ”Cố gắng học kiếm cái chữ để sau này không khổ như nội nghen con,” Thú thật trong 12 năm học phổ thông vì khó khăn, gian khổ quá nên nhiều lần tôi đã bỏ học, nhưng mỗi lần như vậy, nội lại động viên năn nỉ. Vì thương nội quá nên tôi đi học trở lại chứ chẳng nghĩ đến bản thân sau này sướng khổ thế nào.

Ngày 26 tháng 7 nĂm 1977 Nội tôi mất. Lúc đó tôi đã tham gia cách mạng và đi học xa nên không được nghe lời trăn trối cuối cùng của nội. Sau này tôi về bà con kể lại, trước lúc đi xa Nội thường lẩm bẩm: “Cháu sống được đến ngày hôm nay là nhờ tình thương của bà con, chòm xóm. Không được quên ơn của họ nghe cháu.”. Nghe vậy tôi khóc và ngước mặt nhìn về hướng tây:

Xa xa én liệng vu vơ.

Mây mù che phủ bao giờ hở mây!

Biển kia nước có vơi đầy,

Non kia đá có đổi thay theo thời,

Cháu xin tạc dạ nhớ lời,

Nội trăn trối lại ở nơi quê nghèo.

                                                  Phú Yên, năm 2008

                                                             N.Đ.H

 

 

 _____________________

   LBT: Nếu Quý bạn đọc cao tuổi muốn tham gia chuyên mục "Chuyện đời tôi"? Nếu các bạn trẻ muốn dành món dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: