Thứ bảy, 27/07/2024,


Không có chuyện phải đổi bút danh vì bị kỳ thị (31/01/2010) 

Vừa rồi, trong bài viết 'Uống rượu với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm' (được đăng tải trên Tiền phong Online ngày 6/12/2009), nhà văn Hoàng Minh Tường  nhân nhắc tới sự 'rầy rà' xung quanh cái tên khai sinh của nhà thơ Nguyễn Hoa (ảnh) - một đồng nghiệp hiện cùng công tác với anh ở Hội Nhà văn Việt Nam - đã cung cấp cho bạn đọc một đôi tình tiết như sau:

'Công tác với Nguyễn Hoa không ít năm, nhưng mãi gần đây tôi mới biết tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hoa Kỳ. Cái tên làm ông khổ một thời. Địa phương không cho ông đi đại học. Ở nhà làm ruộng, chăn dê, hoặc cùng lắm là đi chiến trường, mấy ông cán bộ xã quyết thế. Nguyễn Hoa Kỳ xung phong đi bộ đội. Khoác áo lính, nhưng vẫn sợ tổ chức dị nghị, không tin dùng, bèn vứt béng chữ Kỳ đi, từ đó tên mềm như con gái'.

 

Tôi không có may mắn được 'công tác với Nguyễn Hoa' như nhà văn Hoàng Minh Tường, song cũng đã một số lần được trò chuyện cùng anh, thậm chí còn được anh cởi mở tâm tình kể cho nghe những dích dắc mà anh gặp phải khi còn viết báo, làm thơ dưới tên thật là Nguyễn Hoa Kỳ. Và, đối chiếu với những điều nhà văn Hoàng Minh Tường vừa nhắc ở trên, tôi thấy sự thực không đến mức 'nghiệt ngã' như vậy.

Trước hết phải nói về cái xuất xứ của tên gọi Nguyễn Hoa Kỳ. Bạn bè trong văn giới đều biết, nhà thơ Nguyễn Hoa sinh năm 1947, nghĩa là, ở vào thời điểm ấy, khi bố mẹ anh đặt cho anh cái tên Nguyễn Hoa Kỳ, trong tâm trí họ không hề có chút liên tưởng, gợi nhớ nào tới cái đất nước Hoa Kỳ 'to vật vã', nằm mãi tít tận bờ bên kia của Thái Bình Dương.

Đơn giản vì khi ấy, quan hệ Việt - Mỹ chưa hề hấn gì khiến dân tình phải lo lắng, bận tâm. Về việc này, tôi từng được nghe Nguyễn Hoa bộc bạch: 'Muốn hiểu đúng lý do các cụ đặt cho mình cái tên này, thì phải biết cách các cụ đặt cho mấy người con. Chẳng hạn, mình là Kỳ thì cậu em kế mình là... Dị. Nguyễn Trung Dị. Nghĩa là những cái tên nghe có vẻ... kỳ dị một chút, thế thôi. Các cụ không có ý gì khác đâu'.

Như vậy, với cái tên Nguyễn Hoa Kỳ, nhà thơ tương lai của chúng ta mặc nhiên lớn lên, đi học rồi nhập ngũ, rồi cầm bút viết báo, làm thơ. Theo Nguyễn Hoa cho biết, tới đầu năm 1968, anh đã có dăm bảy bài báo và một bài ca dao được đăng, tất cả đều xuất hiện dưới tên thật Nguyễn Hoa Kỳ.

Và sự việc chỉ 'chuyển hướng' khi liên tiếp trong hai ngày 23 và 24 tháng 4 năm 1968, báo Nhân Dân - cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho đăng hai bài thơ của anh dưới cái tên chỉ còn 'cộc' hai chữ: Nguyễn Hoa.

Bấy giờ quân nhân Nguyễn Hoa Kỳ đang học Trường trung cấp Quân giới ở Mỹ Hào, Hưng Yên. Đọc hai bài thơ trên báo, anh thấy đó đúng là thơ mình rồi, nhưng cái tên tác giả thì... Băn khoăn, anh tìm lên tòa soạn hỏi.

Tại đây, anh được nhà thơ Gia Ninh - biên tập viên mảng thơ của báo hồ hởi mời xuống lấy nhuận bút và giải thích, đại ý: Trong tình hình đất nước đang sục sôi khí thế đánh Mỹ như thế, mà ở tờ báo chính trị lớn nhất nước lại cho đăng thơ của tác giả có cái tên... Nguyễn Hoa Kỳ thì xem ra... không tiện. Đó là lý do để anh em biên tập quyết định rút tên tác giả xuống còn... Nguyễn Hoa.

Vì mới khởi nghiệp, bài vở in ấn chưa được bao nhiêu, 'thiệt hại không đáng kể' nên cây bút trẻ đã vui vẻ chấp thuận phương án đổi tên này. Và thế là, Nguyễn Hoa đã trở thành bút danh chính của anh cho tới hôm nay.

Điều ấy có nghĩa là, việc cây bút Nguyễn Hoa Kỳ bị đổi bút danh thành Nguyễn Hoa là do yếu tố khách quan (và cũng không có gì 'nghiêm trọng' cả), chứ không phải do tác giả 'sợ tổ chức dị nghị, không tin dùng, bèn vứt béng chữ Kỳ đi' như nhà văn Hoàng Minh Tường cho biết. Chứng cớ là: Trước đó, Nguyễn Hoa đã có một số bài báo và ca dao được in dưới cái tên Nguyễn Hoa Kỳ mà nào ai có ý kiến gì đâu?

Như vậy, câu chuyện mà nhà văn Hoàng Minh Tường đưa ra có thể chỉ là cách 'nói vui' của anh, chứ trong thực tế, không có chuyện vì cái tên Nguyễn Hoa Kỳ mà 'địa phương không cho ông đi đại học'. Bởi nếu cứ theo 'lôgíc' ấy thì các nhà trí thức tên tuổi như Ngụy Như Kon Tum, Trần Thanh Địch - người mang họ Ngụy, người mang tên Địch - hẳn đều phải bị chính quyền gây khó dễ vì cái tên của mình chứ? Ấy là chưa kể còn ông Nguyễn Mỹ nữa.

Nếu có thật chuyện người ta kì thị với tên Nguyễn Hoa Kỳ thì sao người ta không kì thị luôn thể với tác giả thi phẩm 'Cuộc chia ly màu đỏ'? Bởi về lý thuyết, cái tên của ông với cái tên Nguyễn Hoa Kỳ nào có khác gì nhau lắm đâu?

 

Tường Duy

(Nguồn: Văn Nghệ Công An)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: