Chủ nhật, 22/12/2024,


Từ con số đến nốt nhạc (30/01/2010) 

Nổi tiếng trong giới khoa học với những nghiên cứu và giải thưởng quốc tế về công nghệ cao, GS.TS Nguyễn Đăng Hưng còn được biết đến với tư cách nhà giáo dục có 40 năm giảng dạy trong nhiều ĐH ở Bỉ.

 

     


Nhưng đề tài ông có thể nói suốt ngày là âm nhạc. Ông vừa có đêm giới thiệu CD những bài hát nước ngoài do ông dịch và tham gia thể hiện: Sẽ cuốn theo gió bay. 

 

Sau 40 năm đứng trên bục giảng, năm 2006, ông bắt đầu cuộc sống hưu trí. Theo ông, hưu trí là mỗi sáng sớm thức dậy không phải vào giảng đường, mà là tập thể dục, ngắm hoa cỏ quanh nhà, cầm đàn guitar tấu lên những bài mình thích. Nhưng ông vẫn làm tư vấn cho các trường đại học, và điều hành bán thời gian một công ty công nghệ cao… Ông bảo mình không hối hận về quãng đời đã qua, với lý thuyết vật lý cơ bản, khái niệm “vận hành vật thể”… dù hồi bé đam mê văn học nghệ thuật. 

 

“Nếu ngày ấy gia đình tôi sung túc, nếu tôi được chọn lựa cuộc đời mình, tôi đã chọn văn học và nghệ thuật. Vì nhà nghèo nên ba tôi không muốn tôi đi theo con đường “đói” đó. Ông lấy đàn guitar của tôi giấu đi”, GS.TS Nguyễn Đăng Hưng kể. 15 tuổi, ông bắt đầu làm thơ. Số bài thơ của ông hiện lên đến hàng trăm, trong đó có 20 bài đã được phổ nhạc. Nhưng ông đã phải rẽ đường khác. Vì học đều cả hai môn văn và toán nên ông không khó khăn gì khi theo đuổi những con số. Rồi ông nhận học bổng của Bỉ.

 

Bây giờ, ở tuổi 69, ông có thể cầm đàn guitar mỗi ngày. Ông tìm lại niềm đam mê xưa cũ bằng việc dịch những bài hát nước ngoài mình yêu thích. Nếu như khi nghiên cứu khoa học, ông quên ăn quên ngủ thế nào thì giờ ông cũng say mê âm nhạc như thế. Nhiều đêm ông ôm đàn, ghi ghi chép chép đến 2 giờ sáng. Ông có hai nguyên tắc bất di bất dịch trong việc chuyển ngữ bài hát. Đó là tôn trọng tinh thần của tác giả và phải thể hiện được chất thơ của ca từ. Nhiều bài hát vốn là thơ phổ nhạc, như bài Que serais-je sans toi vốn dịch từ thơ của Louis Aragon, nên việc chuyển ngữ theo đúng hai nguyên tắc đó là một điều cực kỳ khó. Nhưng đến giờ, ông đã chuyển ngữ được 25 bài hát. Dịch xong một bài, ông thấy khoan khoái không kém gì khi đạt được thành tựu trong khoa học.

 

“Tôi không dừng lại ở đây đâu”, ông khẳng định. Album nhạc nước ngoài chuyển ngữ Việt tiếp theo đang được thực hiện, và sau đó là album về những bài hát phổ nhạc từ thơ của ông. “Và biết đâu tôi sẽ tự phổ nhạc thơ mình”. Ông đã xuất bản được 3 tập thơ, trong đó có một cuốn xuất bản tại Việt Nam.

 

Nhìn ông ôm đàn say sưa hát trong buổi chiều tà, bên khu vườn nhỏ đầy hoa trong ngôi biệt thự của mình, không ai nghĩ đây lại là nhà khoa học với những số liệu, nghiên cứu khô cứng. Ông như một gã lãng du đang lang thang trên thiên đường âm nhạc.

 

 

Bài, ảnh: Võ Hà

(Nguồn: Báo Đất Việt)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: