Thứ bảy, 27/07/2024,


Hoàng Huệ Thụ với “Lời bàn về truyện vụ án” (26/01/2010) 

Tác giả Hoàng Huệ Thụ (tức Đại tá Nguyễn Thụ, ĐT: 0903423414 - Tác giả của hàng chục tập văn xuôi, trong đó có nhiều bài viết thuộc thể loại giới thiệu sách và phê bình văn học) vừa cho ra mắt cuốn “Lời bàn về truyện vụ án” do NXB CAND ấn hành. Cuốn sách dày 336 trang, gồm hơn 40 bài viết xung quanh thể loại Truyện vụ án trong những năm gần đây.

'Lời bàn của truyện vụ án' vừa được trình làng, đã nhận được cảm tình của đông đảo bạn đọc. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn về tác phẩm này.

 

Bản chất của thể tài “truyện vụ án” là sự khám phá, truy tìm sự thật, truy tìm hung thủ và những kẻ lạ mặt ẩn nấp sau “bức màn thần bí”, sau bề nổi những sự kiện, hiện tượng, vụ việc ngỡ như không có lời giải. Thu hút vào địa hạt “truyện vụ án” có khi là những chuyện từ ngàn xưa, từ thủa Nữ Oa, từ hồng hoang văn minh Ai Cập, từ thời Hy La, đời Hán - Đường, đời Napôlêông, Stalin; gần cận hơn là việc giải mã những bí mật trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, một cuộc giải thoát con tin, một lần khám phá vụ án mạng; và đồng hành với cuộc sống hôm nay là vẻ đẹp của lực lượng Công an “Người giữ gìn sự bình yên” đang hiện diện trên khắp mọi miền của Tổ quốc...

Dung lượng hiện thực của thể tài “truyện vụ án” có thể bao quát nhiều phạm vi khác nhau, đi từ những vấn đề quốc tế “xuyên lục địa” đến các sự kiện lịch sử của một dân tộc; từ việc đặt lại giả thiết, khám phá trở lại những bí ẩn trong quá khứ đến việc công bố hồ sơ tư liệu của một thể chế xã hội; từ việc phanh phui sự thật những “liên minh ma quỷ” đến khả năng truy tìm danh tính một con người, liên kết những chứng cứ, chi tiết dù mỏng manh nhất để xác minh phần chìm của tảng băng nổi. Gắn với nội dung hiện thực và cảm hứng sáng tác, “truyện vụ án” có thể được viết với mục đích tôn vinh một con người quả cảm, một điệp viên mưu trí, một thám tử tài ba, một chiến sĩ công an tận tụy; đồng thời có thể đi sâu khám phá những sự kiện kinh hoàng liên quan tới những mưu mô thủ đoạn, hành vi tội ác; mở rộng hơn là cuộc đấu tranh “thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà”, có ý nghĩa khuyến thiện trừng ác, giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Với Lời bàn về truyện vụ án, có thể thấy người viết đã tóm tắt, giới thiệu một cách sáng rõ những nội dung cơ bản thuộc về thế giới nhân vật, cốt truyện và hình thức nghệ thuật thể hiện, mỗi bài mỗi vẻ, khá hấp dẫn đối với người viết văn - là những gợi ý để dựng đề cương... Tùy theo từng tác phẩm, nhân vật chính có thể là người chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch vì lý tưởng cao cả (Tơ-rép-pe trong Dàn nhạc đỏ, Việt Cường trong Đấu trí của Duy Hiếu...), có thể là người truy tìm thủ phạm (nhân vật Hercule Poirot, Marle trong hầu hết các tác phẩm của nữ hoàng truyện vụ án Agatha Christie, luật sư Mason trong tiểu thuyết trinh thám Lá thư buộc tội của S. Gardner...), có khi lại chính là thủ phạm cùng con đường dẫn đến tội lỗi và tâm trạng hoang mang, lo sợ, hãi hùng của chúng (Duroy trong Anh bạn quý của nhà văn Pháp Guy de Maupassant, Yourtalane trong Người đi tự thú của nhà văn Bungarie G. Karaslavov...). Việc đi sâu khai thác, phân tích mối liên hệ giữa nhân vật - cốt truyện trong những hình thức nghệ thuật cụ thể là hướng đi đúng với loại bài giới thiệu, “truyện vụ án”, giúp người đọc dễ dàng theo dõi, nắm bắt, hình dung đầy đủ mọi vấn đề.

 

Bìa cuốn sách 'Lời bàn về truyện vụ án' vừa được NXB CAND ấn hành.

 

Xác định “truyện vụ án” như một thể tài văn học, cây bút phê bình Hoàng Huệ Thụ luôn lưu ý tới mối quan hệ giữa chủ đề, đề tài với đặc trưng thể loại. Tuy cùng có đối tượng chung là “truyện vụ án” nhưng các tác giả lại khai thác, thể hiện bằng nhiều thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện, truyện ngắn, truyện tư liệu, ghi chép, phóng sự, hồi ký... ở đây có những truyện theo sát nội dung, sự kiện từng vụ án nhưng có khi bản thân vụ án chỉ là cái cớ để nhà văn chuyển tải quan niệm thẩm mỹ, tư tưởng và triết lý về cuộc đời. Khi đó sự kiện vụ án, câu chuyện hình sự hay cuộc đời điệp viên đều đã được tiểu thuyết hóa, khác xa với cốt truyện ban đầu. Vai trò hư cấu càng thể hiện rõ hơn khi nhà văn xây dựng, tưởng tượng ra những nhân vật, hoàn cảnh, tình tiết, sự kiện theo khuynh hướng sáng tạo riêng, làm nên một phong cách riêng. Điều này thể hiện rõ khi nhà văn gia tăng câu chuyện tình yêu giữa người nữ cảnh sát trưởng Muriel với chàng sinh viên y khoa Putrirz kém mình ba tuổi trong tiểu thuyết trinh thám Ba vụ án mạng của J. Sadoue; thậm chí gia tăng nghệ thuật khai thác tâm lý, đẩy mối tình “thánh thiện một cách phi lý” giữa cô Missi với tên tử tù Frank lên thành tiểu thuyết tâm lý xã hội trong tác phẩm Kẻ thủ phạm của G. Simenon; có khi lại mở rộng hình thức thể loại thành tiểu thuyết trinh thám kinh dị, mô tả hiện trường của nhiều vụ án kinh dị ở một không gian kinh dị, thu nạp cả những truyền thuyết thuộc về thời gian cổ xưa quái đản, đậm đặc sắc màu truyền kỳ như trong Trại Hoa Đỏ của Di Li...

Với Lời bàn về truyện vụ án, Hoàng Huệ Thụ đã bước đầu phân tích, giúp chúng ta hiểu sâu hơn các tác phẩm. Đọc “Lời bàn về truyện vụ án”, mỗi người có thể chiêm nghiệm, nắm bắt không chỉ nội dung những vụ án li kỳ, những khúc quanh của thời thế và lòng người thuộc mọi thời kim cổ Đông - Tây mà còn được làm quen với những trang phê bình sinh động về một thể tài văn học độc đáo, còn nhiều hứa hẹn ở phía trước...

 

Hà Nội, mùa xuân năm 2010

PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: