Thứ năm, 02/01/2025,


Lòng mẹ (24/01/2010) 

Quê tôi ở một vùng chiêm trũng của tỉnh Nghệ An. Những năm tôi còn nhỏ làng quê chìm trong cảnh đói, nhiều nhà xong mùa gặt, treo hái là treo niêu. Để chống đói, hợp tác xã thường tổ chức đi mua sắn (khoai mì) ở các huyện miền núi Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp về chia cho các gia đình xã viên.

Nhận sắn về chúng tôi lột vỏ, rửa sạch, sau đó hái nắm lá khế bỏ dưới đáy nồi rồi đem luộc lên ăn. Đã cẩn thận vậy mà nhiều phen cả làng vẫn bị say chỏng chơ. Ký ức về những trận say sắn mà dân làng tôi trải qua thật ảm đạm: từ đầu thôn tới cuối xóm, nhà nào nhà ấy cứ như có đám, mở cửa bước vào đều thấy người nằm liệt, nặng thì ói mửa, nhẹ thì đầu óc lơ mơ...

Chính một cơn say sắn như thế đã cướp đi của tôi một lúc hai người anh trưởng và thứ, anh Du, anh Giá. Nếu còn sống bây giờ các anh đều đã là những ông lão, vì tôi - đứa em thứ sáu - cũng sắp tuổi hưu. Nhưng các anh chết khi còn quá trẻ, anh Du 12 tuổi, anh Giá 10 tuổi nên tôi chẳng nhớ gì nhiều.

Ngoài sắn, khoai dong, khoai riềng cùng các loài rau quen thuộc, với dân quê tôi là những thứ cây chống đói chiến lược. Nhà tôi cũng vậy, vườn trồng rất nhiều rau củ cho mục đích này, nhất là rau cải. Cả vườn cải mênh mông được tỉa ăn dần, cây nào còn lại đến khi lên ngồng cũng cành nhánh sum suê trông như một “cây đa cổ thụ”, lúc ấy chúng được nhổ để muối dưa. Dù rau củ bạt ngàn vậy mà nhiều năm do vụ giáp hạt kéo dài, mẹ tôi phải đào gộc chuối, chặt thân cây đu đủ để làm nộm, muối dưa gọi là đổi món.

Ăn mãi rau dưa anh em tôi đứa nào đứa ấy trông xanh như tàu lá, một bữa cơm trắng đối với chúng tôi là cả một niềm mơ ước thiêng liêng. Nhìn đàn con đói khát của mình, mẹ tôi xót cả ruột mà chẳng biết làm sao. Một hôm mẹ nhổ một gánh cải ngồng, bảo tôi gánh ra biếu bà ngoại ở xóm Yên Thượng. Tôi ngạc nhiên:

- Nhà ngoại thiếu gì rau mà mẹ phải biếu?

- Nhà ngoại chỉ có cải thìa, không có cải xanh như nhà mình - mẹ tôi giải thích.

Tin lời mẹ, tôi gánh rau đi. Vừa tới ngõ nhà ngoại thì ôi chao trước mắt tôi vườn nhà ngoại là cả một trời cải xanh, cây nào cây ấy sum suê không kém gì cây trong vườn nhà tôi. Ngoại tưởng tôi gánh rau đi chợ Vinh bán tiện đường ghé ngoại chơi. Tôi giải thích: “Mẹ bảo con mang ra biếu ngoại“, ngoại ngạc nhiên nhưng phút ngạc nhiên ấy qua thật nhanh. Ngoại kéo tôi vào nhà, khen tôi ngoan, mới tí tuổi đầu đã biết gánh gồng, sau đó ngoại lật đật đi vo gạo thổi cơm.

Tôi xin phép ra về, ngoại nhất định không cho, bắt tôi ở lại ăn với ngoại bữa cơm vì cơm ngoại nấu rồi. Chẳng đợi ngoại nói lần thứ hai tôi ở lại ngay. Tiếng là ăn với ngoại bữa cơm nhưng chỉ có một mình tôi ăn, ngoại chỉ ngồi bên hỏi chuyện, đợi tôi ăn hết bát này thì đơm ngay bát khác.

Trở về, tôi kể với mẹ chuyện được ăn cơm ở nhà bà ngoại. Mẹ tôi không nói gì, chỉ thấy mắt mẹ ngân ngấn nước.

Mẹ tôi mất đã lâu, nhưng càng ngày tôi càng hay nghĩ đến mẹ, thấy bà gần gũi với tôi hơn. Nhiều chuyện mẹ làm từ mấy chục năm trước (chẳng hạn câu chuyện về gánh rau cải biếu bà ngoại mà tôi vừa kể) mãi sau này tôi mới hiểu.

Là con của ngoại, mẹ thừa biết nhà ngoại cũng trồng nhiều rau như nhà mình, nhưng để kiếm cho con mình một bữa cơm trắng mẹ vẫn bảo con gánh rau đi. Còn ngoại cũng hiểu con gái mình nên đã làm đúng những gì mẹ mong đợi. Chỉ có tôi ngây thơ chẳng biết gì, cứ thế hồn nhiên hưởng lợi.

 

NGÔ XUÂN HỘI (TP.HCM)

 

-------------------

Nguồn: Tuổi Trẻ

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Mạnh Tuân - tuan_hwru@fulbrightmail.org - 091 353 0266 - Hà Nội  (Ngày 27/01/2010 09:25:18 AM)

     Đọc câu chuyện của bạn Ngô Xuân Hội về người mẹ và bà của mình, bất giác tôi được quay về với những tháng ngày vất vả thiếu thốn của chính nhà mình. Khi đó tôi đã học đến lớp 6, lớp 7 rồi nên những cảnh nghèo đói ấy đã in sâu vào tâm trí mình. Nhiều người chỉ đọc, chỉ nghe chứ không phải ai biết tường tận cảnh bữa cơm, bữa cháo...

     Bố tôi công tác trên tuyến đường Trường Sơn 3 năm trời không về, không gửi giúp gì được mẹ con ở nhà. Ông làm thợ sửa máy làm đường Trường Sơn. Với đồng lương 37 đồng, có 3 con nên đứa thứ 3 được phụ cấp 5 đồng là 42 đồng 1 tháng, chi cho cả nhà. Ai sống thời chiên tranh phá hoại ở miền Bắc mới hiểu. Mà đấy là công nhân nhà nước! Còn ở nông thôn thì còn nghèo khó hơn nhiều. Tất cả cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam mà.

     Cám ơn bạn đã làm cho nhiều người nhớ lại một thời xa xưa. Đọc chuyện của bạn mà lòng rưng rưng, nhớ về những người mẹ tảo tần, thương con đến vậy mà không thể làm gì hơn. Cám ơn cuộc đời này với những đoạn đời vất vả mà còn đọng lại trong tâm trí những kỉ niệm thật đáng nhớ và ý nghĩa.

     Bây giờ làm sao cho con cháu hiểu được và có được một chút cảm xúc như vậy?

Các bài khác: