Thứ tư, 30/10/2024,


Không đủ can đảm để nói thật (19/01/2010) 

Hầu như chat room nào tôi cũng đăng kí thành viên. Một người bạn đã khuyên tôi đừng dại mà đưa tên tuổi thật của mình. Tôi tự gọi mình là Vân, 19 tuổi, sinh viên của trường đại học K. Đằng nào thì nói dối một chút cũng chẳng chết ai. Tôi dự định sẽ kể thật về mình với những người bạn thật sự.

 

Những lần chát chít đầu tiên, tôi có thể nói chuyện với bất kì người nào đến bắt chuyện với mình. Sau vài tuần, tôi đã ngán việc lặp đi lặp lại những câu giới thiệu cũ mèn như tôi tên gì, bao nhiêu tuổi, đang học ở đâu, sở thích là gì… Tôi chỉ chat với một nhóm gần 10 người thường online mỗi ngày. Chúng tôi khá thân thiết và tôi tưởng chúng tôi đã thật sự trở thành bạn bè. Nhưng tôi vẫn không nói cho họ biết tên tuổi thật của mình như dự tính. Thay vào đó, tôi dựng lên nhiều câu chuyện tưởng tượng về nhà trường, cuộc sống, gia đình mình. Khi những người bạn online muốn xem hình, tôi lục trên mạng và đưa ra một tấm hình của một cô gái trạc tuổi tôi bịa ra và nói rằng đó chính là tôi.

 

Có một lần, có một bạn nữ trong chat room bắt đầu kể về những bất hạnh của mình. Cô ấy kể mình đã từng bị anh họ quấy rối tình dục. Toàn bộ sự chú ý của cả nhóm dồn về cho cô ấy. Tôi chẳng thích điều này chút nào. Tôi chưa từng được ai chú ý tại trường. Tôi học chỉ tầm tầm, và gương mặt cũng chẳng có gì nổi trội. Tôi cũng bị “ra rìa” trong gia đình: Tôi vừa có em, là em trai nên nó được cả nhà quan tâm chăm sóc.

 

Tôi quyết định phải “cạnh tranh” sự chú ý của mọi người bằng cách bịa ra những câu chuyện thương tâm về mình. Tôi kể với họ tôi đã tự cắt cổ tay vì những áp lực từ một ông bố say xỉn và một bà mẹ chỉ biết ăn diện và đi chơi thâu đêm suốt sáng. Tôi còn nói mình đã bị bạn bè bắt nạt thế nào, thầy cô trù dập ra sao… Những người bạn online rất bất ngờ và như một phản xạ tự nhiên, họ đồng loạt an ủi tôi. Khi tôi dựng nên những lời nói dối đó, một phần trong con người tôi rất hả hê vì mình lại là tâm điểm của sự chú ý. Nhưng phần còn lại nhắc tôi rằng có điều gì đó chẳng lành ở đây!

 

Nỗi đau thật sự:

 

Một buổi tối, mẹ tôi quyết định kiểm tra máy tính của tôi xem vì sao tôi dính chặt với cái máy ngày này qua ngày khác. Bà hết hồn trước những câu chuyện phiếm mà tôi nói với những người bạn online của mình. Mẹ tôi quyết định trừng phạt tôi bằng cách cài đặt password cho máy tính. Tôi gào lên: “Mẹ làm gì vậy” rồi van vỉ mẹ tôi đừng cách ly tôi khỏi chiếc máy tính và những người bạn online của mình. Những người bạn online gần như là những người bạn duy nhất của tôi vì từ lâu tôi chẳng còn quan hệ gì với những người bạn cùng trường. Nhưng mẹ tôi vẫn rất cứng rắn. Lập luận của mẹ là “Con còn không biết họ là ai thì làm sao họ là bạn của con được”.

 

Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện cắt tay, cắt thật sự chứ không phải chỉ những câu chuyện bịa đặt như tôi đã nói. Tôi khóc mỗi ngày và cảm thấy đây là lúc để thử chúng. Tôi dùng một con dao nhỏ trong nhà bếp và cắt những vết đầu tiên. Máu chảy xuống nhưng tôi không cảm thấy đau bằng những thiếu thốn tinh thần mà tôi đang phải chịu đựng. Tôi quyết định dùng một chiếc vòng đeo tay có nhiều vòng nhỏ sít nhau hoặc mặc áo dài tay để che những vết cắt trước mắt bố mẹ. Vài ngày sau, tôi nói với bố mình phải dùng máy tính để làm bài tập. Tôi lén nhìn trộm password của bố và lên mạng khi mọi người đều vắng nhà. Tôi định nói thật với những người bạn online của mình nhưng tôi sợ họ sẽ nổi giận và “đá” tôi khỏi nhóm.

 

Bài học khó khăn:

 

Hai tháng sau, tôi vẫn tiếp tục cắt tay để làm dịu cơn stress trong đầu. Nếu tôi phải cãi nhau với mẹ mình, tôi đã nghĩ mình sẽ cho mẹ thấy những vết cắt này để làm cho mẹ cảm thấy có lỗi với tôi. Trận cãi nhau đó cũng đến. Trong cơn tức giận, tôi gào lên rằng nếu mẹ không quan tâm đến tôi thì chẳng thà tôi tự tử còn hơn. Mẹ tôi trả lời: “Thế thì con cứ cắt cổ tay đi”. Để chứng minh với mẹ rằng tôi rất nghiêm túc về chuyện này, tôi nói rằng mình đã làm như vậy và cởi bỏ những chiếc vòng tay để lộ ra những vết cắt. Mặt mẹ tôi biến sắc. Mẹ tôi lôi tôi xềnh xệch ra phòng khách và kể hết mọi chuyện cho bố tôi nghe.

 

Bố tôi rất giận dữ nhưng rồi lại khóc khi nhìn thấy những vết cắt trên cổ tay tôi. Bố tôi nói rằng cả nhà đã đánh mất tôi. “Con không còn là Minh Vy của bố mẹ nữa rồi” - bố đã nói với tôi như vậy. Và lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra rằng nói dối và tự hành hạ mình là tôi không những làm tổn thương bản thân mà còn làm tổn thương bố mẹ của mình.

 

Bố mẹ muốn tôi gặp tư vấn viên tâm lý. Nhưng tôi quá xấu hổ đến nỗi chẳng muốn nhắc đến chuyện này thêm một lần nào nữa. Từ đó, tôi cũng không vào chat room nữa. Tôi không muốn nói dối nhưng lại không đủ can đảm để nói thật. Có thể trong số những người bạn online, có người đã thật sự tin và quan tâm đến tôi. Và những lời nói dối của tôi chẳng khác nào ăn mày lòng thương hại của mọi người cả. Tôi đã không ngờ những lời nói dối của mình lại có thể ảnh hưởng đến nhiều người như vậy.

 

Nguồn: dantri.com.vn

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: