Thứ năm, 02/01/2025,


Chuyện kể của tôi (14/01/2010) 

Tôi sinh ra và lớn lên tại một tỉnh ven biển miền trung, ở một thị xã nghèo cổ kính với mái ngói rêu phong thâm trầm, huyền mặc trông có vẻ như một cụ già an phận, thiếu hẳn cái không khí náo nhiệt, năng động như các đô thị khác. Chính vì thế ngày ấy người ta gọi là “Thành phố dưỡng già”. Thì các cụ cứ gọi thế, thấy có phố có phường thì gọi, gọi cho oai với người ta chứ làm gì đủ chuẩn để được cái “tầm” ấy. Vả lại các vị có phân biệt được “phố với phường”, “thành với thị ” là gì đâu.

 

Trong số bạn học cũ, Nguyễn Hồng Ngự là bạn thân nhất của tôi từ khi học trung học đệ nhất cấp (bậc học trước năm 1975, bây giờ là cấp 2). Nửa năm lớp 9 bỗng dưng Ngự nghỉ học, xin chuyển vào Sài Gòn, bẵng luôn từ ấy đến sau ngày quê hương giải phóng cả gần hai chục năm, khi lấy vợ rồi mới có dịp về thăm quê. Lũ bạn xưa cùng lớp còn lại bản quán không mấy người, đứa nào cũng trầm trồ về cái sự đẹp trai, trắng trẻo và nói rặt giọng “Xì Gòn” ra bề căn thành phố của hắn.

Vợ Ngự, Trinh một cô gái chính gốc thành phố Hòn ngọc viễn đông. Đẹp nết, đẹp người, có hẳn một Shop hàng tạp hóa với biển hiệu Mai Trinh tại nhà trên đường Huỳnh văn Bánh -quận Phú Nhuận, đồng thời làm đại lý bỏ hàng cho các nơi khác. Ngự như chuột sa hũ nếp, hàng ngày hắn chỉ phải làm mỗi công việc là đi lấy hàng, bỏ hàng cho khách, xong rồi lên phòng- ngủ!.. Nhà mẹ vợ Ngự chỉ có mỗi Trinh là gái nên được ở chung với mẹ, các anh trai đã lấy vợ có cơ ngơi, ở riêng cả nên khi cưới Trinh, “bà nhạc” bắt rể luôn. Ăn, ở, ngay tại nhà vợ, tiền tiêu hàng ngày, chiều chiều nhậu với bạn là do Trinh “phát lương”.

Nghe Ngự kể về cuộc sống trôi nổi từ khi chân ướt chân ráo vào nam đến khi gặp Trinh và cuộc sống hiện tại. Lũ chúng tôi, đứa nào cũng cho hắn là thằng diễm phúc nhất trần đời.

Sau cái lần đầu tiên ấy, khoảng bốn, năm năm sau hắn lại về thăm quê, có dạo hai năm liên tiếp hắn về và ở lại quê rất lâu. Những lần này hắn đều dắt theo thằng cu bé bỏng con trai hắn, chừng 3-4 tuổi. Hắn trở nên trầm tư, ít nói, ra chiều không bằng lòng với hiện tại. Tôi hỏi  thì hắn cho biết vợ chồng hắn đã ly thân. Hỏi lý do, hắn chỉ ậm ừ cho qua và đánh trống lảng sang chuyện khác. Đám bạn cũng buồn lây nhưng lực bất tòng tâm, không thể làm gì để cứu vãn tình thế. Rồi Ngự lại trở vào Sài Gòn, chúng tôi cũng tạm quên đi chuyện tình rạn vỡ của bạn nhưng vẫn thường liên lạc nhau qua điện thoại. Hồi đó phương tiện phổ biến nhất chỉ là điện thoại bàn. Qua đó, chúng tôi được biết là tuy ly thân, nhưng vợ chồng hắn vẫn ở chung một nhà, Ngự bấy giờ đã đi làm ngoài để kiếm tiền đi học đại học và góp gạo nấu ăn chung.

Năm 1999 tôi được cơ quan cử đi công tác ở thành phố, tôi bỏ bụng mừng. Một trong những việc nằm trong danh mục của tôi là phải ghé lại nhà vợ chồng hắn để tìm hiểu tình hình. Hơn nữa, để “tận mục sở thị” nàng dâu xứ Quảng mà chỉ được “Văn kỳ thanh” qua lời kể của Ngự mà thôi. Tôi điện trước cho Ngự về kế hoạch làm việc của mình và hắn đón tôi về nhà ngay khi vừa dặt chân đến thành phố. Thật bất ngờ, khi nghe Ngự giới thiệu, Trinh tỏ ra vồn vã với bạn của chồng, Trinh còn cho biết là trước đây, Ngự hay nói về đám bạn ở quê, đặc biệt là tôi, cái thằng giỏi văn nhất lớp và bây giờ, thỉnh thoảng đọc báo vẫn thấy có đăng thơ, mà nghe nói còn làm kịch, viết nhạc chi chi đó, thậm chí những chuyện “thâm cung bí sử” đời tư của tôi Trinh cũng kể ra vanh vách. Nói chung chân dung của tôi được vẽ ra là “lắm tật, nhiều tài…vặt”. Nhưng hắn (Ngự) nhận xét chung là “có cái tâm trong sáng”. Trinh kể lể với niềm vui sướng tự hào và ánh mắt hoan hỉ thực thà khi chồng mình có được những người bạn tốt. Tôi thầm nghĩ, quả thật Trinh đẹp nết, đẹp người! Càng nghĩ, lòng càng bâng khuâng tự hỏi sao cặp uyên ương này thương yêu nhau thế, xứng đôi vừa lứa thế mà lại phải đi đến tình cảnh thế kia ? Tôi quyết định hỏi cho ra lẽ.

Buổi tối, tôi điện thoại hẹn Ngự đi “làm xị” để khai thác. Hai đứa ngồi bên bờ kênh Nhiêu Lộc, tâm sự chảy tràn theo men và bao nhiêu ẩn khúc được hé lộ. Qua câu chuyện tôi được biết nguyên nhân mâu thuẫn là từ mẹ của Trinh không muốn thấy cảnh thằng rể quý cứ ăn không ngồi rồi không trực tiếp làm ra tiền mà chỉ ngửa tay lấy tiền của vợ. Mà nào hắn đâu muốn thế, con trai miền trung gian khó quen rồi, nắng mưa, cực khổ mấy cũng chịu được; hơn nữa hắn có lòng tự trọng rất cao. Trong những lần về quê, hắn đều bày tỏ với tôi cái chí hướng của hắn rằng làm trai phải có sự nghiệp, ăn bám gia đình vợ hoài nhục nhã lắm, chỉ khi mình làm ra tiền thì mới được tự do tiêu đồng tiền theo ý muốn, nó sướng hơn nhiều.

Mẹ vợ càng ngày càng khó chịu ra mặt, mà xét cho cùng, không trách bà ta được, ai chẳng thế, phải đâu nó là gái ể ẩm xấu xí cho cam, đường đường cũng là “cành vàng lá ngọc”, bao nhiêu công tử nhà giàu tán tỉnh vẫn không “xi nhê”, vậy mà…

Thương con gái chừng nào lại càng thấy cám cảnh, xót xa…

Trước tình cảnh ấy, Ngự bị chạm tự ái mãnh liệt, làm đơn ly dị, nhưng Trinh lại rất yêu chồng. Để thuận lòng mẹ, cô chỉ chấp nhận ly thân. Ngự ra ngoài thuê nhà trọ, Trinh tìm về. Ngự ăn riêng, Trinh biểu nấu chung, lấy cớ là cho con nó đỡ buồn. Tình yêu của Trinh đã làm động lực lớn cho Ngự quyết tâm làm nên sự nghiệp. Như tôi đã nói ở trên, hắn tranh thủ mọi thời gian vừa đi làm, vừa theo học hai trường đại học cùng lúc: Maketting Kinh tế Du Lịch và Luật. Trinh lén mẹ chi viện tiền ăn học hắn cương quyết không nhận, chỉ tiêu đồng tiền mình làm ra.

Một điều lạ nữa, suốt ngần ấy năm, hai kẻ yêu nhau, ly thân, ở chung một nhà mà vẫn sống riêng biệt, phòng ai nấy ở nhưng cả hai vẫn cùng chung trách nhiệm với con và… quả nhiên, không có thêm đứa con nào.! “Ly- thân” đúng nghĩa.

Biết được ẩn tình của vợ chồng bạn, tôi thầm mong ơn trên phù hộ cho họ mãi mãi không chia lìa.

Hết hạn công tác, đêm trước ngày lên đường ra Trung, tôi đến giã từ, Trinh lưu tôi lại uống rượu với Ngự. Cô bước vào quày hàng, đem ra chai Cognac, thứ rượu Bordeaux của Pháp, rót mời nhiệt tình, còn mình ngồi bên bàn phục vụ những món ăn do cô tự chế biến... Trong bữa ăn, Trinh bảo: - Anh Phù Sa tặng thơ đâu đâu không, có gì tặng em không đây? Tôi cười bảo: - Hãy đợi đấy, sẽ có quà cho em, cho cả hai đứa. Anh hứa.

Và như có một sức mạnh vô hình thôi thúc, tuệ nhãn dẫn đường, từng con chữ hiện ra trên mặt giấy. Tôi làm tốc ký - Một bài thơ... Tôi chép lại sạch sẽ và ký tặng những gia chủ. Bản thảo thơ tôi cất làm kỷ niệm. Chính tôi cũng không ngờ bài thơ làm nhanh đến thế, mà đọc cũng chẳng đến nỗi nào. Quan trọng là gởi gắm được nỗi lòng mình với bạn. Bản thảo ấy tôi đã giữ ngót mười năm, bài thơ viết bằng mực bút bi đã hơi nhòe đôi chỗ đầy lẫn những gạch xóa, chỉnh sửa, những đề tặng, ghi chú…

 

GIỌT TÌNH TẶNG BẠN

 

(Thân mến tặng hai bạn NGỰ -TRINH

những giọt tình được chắt lọc từ trái tim mình)

 

 

Hạnh phúc nào không trải bao đắng cay

Đại dương nào không sóng gió giăng đầy

Dòng sông nào không lắm khi gềnh thác

Và tình yêu, đâu phải chuyện trả - vay!

 

Không sang sông sao biết được nông, sâu

Vắng chuyến đò ngang càng khao khát nhịp cầu

Dù cuộc sống có thăng trầm, nghiệt ngã

Nhưng tình yêu là phép lạ nhiệm mầu

 

Cuộc đời này rồi cũng sẽ qua mau

Bờ trần gian vốn khổ lụy muộn sầu

Ngày sẽ hết và bình minh sẽ tắt

Tội tình chi ta nỡ đọa đày nhau?

 

Hãy yêu nhau và hướng tới mai sau

Cho đường hoa thắm mãi ước mơ đầu

Để con tim cùng hòa chung nhịp đập

Bạn đời ơi, chớ để lạc đời nhau!..

 

TP.HCM-10/8/ 1999

Phạm Phù Sa

 

Nhận bài thơ, Trinh ngạc nhiên: - Ôi, em cám ơn anh quá.

Trinh bắt đầu đọc, và… không nhìn tôi, mắt đăm đăm ra cửa, thở dài, trao bài thơ cho Ngự.

- Chắc anh Ngự đã nói hết với anh. Lẽ ra anh ở ngoài Trung vào chơi, phải để cho anh vui mới phải, em đã cố gắng tạo không khí bình thường, nhưng… Em buồn lắm!

Cầm bài thơ, Ngự dầm trong thác chữ, nghe Trinh nói, hắn ngẩng lên, nhìn Trinh như thấu hiểu:

- Em nói không sai, nhưng nếu như em cho rằng anh tâm sự với bạn anh là sai thì cứ xem như bài thơ này nó tặng cho riêng anh thôi.

         Dứt lời, hắn gấp vội tờ giấy cho vào túi. Trinh đang ngồi phía đối diện, vội chồm người qua giật lấy, giằng co không được, bài thơ đã nằm gọn trong túi ngực áo Ngự, Trinh bỏ ghế, chạy đến bên chồng, ôm lấy, vật ngửa Ngự ra để giành lại, vẫn không xong. Trinh nhìn tôi cầu cứu:

         - Thôi, hãy để anh Phù Sa phân xử đi, anh tặng cho em hay cho ảnh vậy?

        Tôi rót ba ly rượu. Cười giả lả: - Thì tôi đã đề tặng cả hai rồi mà. Ai giữ mà chả được! Đám cưới của các bạn mình không dự được thì bây giờ vậy. Nào, cứ xem hôm nay là ngày cưới của các bạn. Mời nâng ly chúc mừng hạnh phúc, và bài thơ kia là món quà mừng. Vui lên, cấm có ai được buồn, mai tôi về rồi! Trăm phần trăm nhé! Nào!

Đêm ấy, ba người: Hai chủ, một khách uống đến chai thứ hai. Bài thơ không ai giữ cả, để trên bàn, đôi vợ chồng vừa uống vừa chụm đầu tung hứng đọc thơ như để học thuộc lòng.

Và, các bạn có biết không, “hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Điều cầu mong gởi gắm của tôi đã ứng nghiệm. Năm 2006, tôi lại có dịp vào công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngự- Trinh ra đón tôi vào thăm nhà mới. Một khách sạn sáu tầng khang trang phía bên kia đường, sản phẩm do Ngự tự tay thiết kế, cách nhà cũ chừng năm phút chạy xe. Đó là thành quả học tập, lao động của Ngự sau những mạch ngầm rạn nứt hôn nhân.

Và, ngạc nhiên hơn khi tôi nhắc lại bài thơ, họ vẫn đoán chắc rằng món quà năm ấy vẫn nằm yên trong ngăn tủ… Tôi nhẩm đọc và họ vui vẻ hòa theo:

 

Cuộc đời này rồi cũng sẽ qua mau

Bờ trần gian vốn khổ lụy muộn sầu

Ngày sẽ hết và bình minh sẽ tắt

Tội tình chi ta nỡ đọa đày nhau?

 

Hãy yêu nhau và hướng tới mai sau

Cho đường hoa thắm mãi ước mơ đầu

Để con tim cùng hòa chung nhịp đập

Bạn đời ơi, chớ để lạc đời nhau!..

 

LỜI KẾT: Đây là câu chuyện hoàn toàn thật, tôi chỉ thêm thắt chút ít về tình tiết văn chương cho thêm đậm đà hương vị. Vì tôi quan niệm phải tôn trọng sự thật đối với một kỷ niệm trong đời. Từ diễn biến câu chuyện, bài thơ, tên nhân vật đều không có chút nào hư cấu. Chuyện thế nào, tôi kể như thế ấy cho nên, tôi băn khoăn mãi mà không chọn nỗi một cái tựa đề. Bài thơ chỉ như một yếu tố góp phần trong sự hàn gắn mối tình bên bờ vực chứ không hề là tác nhân chính yếu. Và còn bao nhiêu chi tiết xung quanh… Thôi thì đã thật thì cho nó thật luôn. Chuyện tôi kể là CHUYỆN KỂ CỦA TÔI vậy.

Biết đâu một ngày nào đó nếu có cơ duyên, các nhân vật, những người bạn trong câu chuyện của tôi đọc được những lời này. Và biết đâu, bài viết cũng có cơ duyên như bài thơ tôi tặng bạn nếu một mai trong cuộc sống đời thường có ai vướng vào trường hợp tương tự… Và mong rằng nhiều những biết đâu…

 

Hội An - Tháng 12-2009

 

Phạm Phù Sa

(Phạm Phú Sương)

Điện thoại: 0905749019

Email: phamphusuong@gmail.com

 

-----------------------------

Nguồn: nnyvn.net

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: