Thứ sáu, 18/10/2024,


Cụ già hơn 90 tuổi vẫn say mê với chiếu chèo (10/01/2010) 

Vào tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Nguyễn Đức Sào (Yên Kiện, Đoan Hùng, Phú Thọ) vẫn say mê với điệu chèo cổ, tuần một buổi lại ra sân chùa để “chỉ đạo diễn xuất” và hướng dẫn từng điệu hát cho các diễn viên không chuyên trong làng. 

Gặp cụ Nguyễn Đức Sào, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), có lẽ không ai nghĩ cụ năm nay bước sang tuổi 94. Dù mái tóc đã bạc trắng nhưng dáng vẻ và phong thái của cụ vẫn nhanh nhẹn và linh hoạt. Nhất là cụ có cách nói chuyện dí dỏm, hài hước, rất cuốn hút người đối diện.

 

Trẻ lâu nhờ hát chèo

Ở tuổi 94 cụ vẫn có cuộc sống rất lạc quan. Có lẽ (theo lời cụ) cũng vì cái “máu văn nghệ” ngấm vào con người nên cụ vẫn giữ được sự trẻ trung bất chấp tuổi già.

Khi hỏi về “nghiệp hát”, cụ Sào hào hứng kể, những năm 70 của thế kỷ trước, xã Yên Kiện (Đoan Hùng, Phú Thọ) có một đội văn nghệ với đội ngũ diễn viên mấy chục người hoạt động dưới hình thức vừa sản xuất vừa ca hát. Đội được xã giao cho mấy quả đồi để trồng cây công nghiệp và trồng sắn. Sản phẩm thu được sau khi nộp "thuế" cho Hợp tác xã và chia đều cho các đội viên sẽ để lại một phần làm quỹ mua trang phục biểu diễn. Ngày lên nương đồi sản xuất, đến tối các đội viên lại hóa thân vào những vai chèo cũng “ngọt” không kém các diễn viên chuyên nghiệp. Cụ Sào ngày đó vừa là trưởng đoàn vừa là đạo diễn, người biên kịch và cũng kiêm cả diễn viên. Vai "ông xã trưởng" với những lời trêu ghẹo dí dỏm mà cụ đóng thời đó đến tận bây giờ bà con trong xã vẫn còn nhớ.

 

       

 

Sau những đêm miệt mài luyện tập, đội lại tổ chức biểu diễn để phục vụ bà con trong xã. Đêm diễn nào khán giả cũng đến xem chật cả sân ủy ban. Các vở chèo cổ như Quan Âm Thị Kính, Tống Chân Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ... mà đội biểu diễn thời đó luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. 

Đội còn đi biểu diễn phục vụ bà con các xã khác trong huyện có bán vé để lấy kinh phí hoạt động. Năm 1976, đội văn nghệ được Đài tiếng nói Việt Nam mời về Hà Nội để thu thanh vở chèo Đường lên đồi phản ánh về phong trào trồng cây gây rừng, được phát trên sóng phát thanh toàn quốc.

 

Những năm chống Pháp, cụ tham gia và làm đội trưởng đội dân công hỏa tuyến, cùng với những chiếc xe thồ cụ đã cùng đội dân công ngày ngày vượt dốc, trèo đèo thồ lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ cụ trở về địa phương tham gia công tác ở Hợp tác xã với cương vị Chủ nhiệm. Vừa là người sáng lập vừa là đội trưởng đội văn nghệ của xã, cụ thường viết các vở kịch, soạn lại các tích chèo cổ cho đội tập luyện. Đến tận bây giờ cụ vẫn giữ thói quen viết lách đó. Cụ đưa cho tôi xem tập bản thảo vừa viết xong. Đó là kịch bản vở chèo đặt lời mới “Chống tham nhũng” mà cụ định gửi về Sở Văn hóa thông tin tỉnh Phú Thọ để dự thi.

Tuổi cao chí càng cao

Cụ Sào đang phụ trách câu lạc bộ đàn và hát dân ca của xã. Câu lạc bộ thành lập từ năm 2004, do cụ khởi xướng gồm các ông bà, các cụ yêu văn nghệ, phần lớn là những “diễn viên” của đội văn nghệ ngày trước. Các cô diễn viên trẻ trung xinh đẹp ngày nào nay đã lên chức bà, chức cụ nhưng vẫn đầy nhiệt huyết và tình yêu với chèo. Các cụ trong câu lạc bộ đang cố gắng khôi phục lại tiếng tăm của đội chèo Yên Kiện một thời “nổi đình đám”.

 

Mỗi tuần một buổi, cụ Sào lại ra sân chùa để “chỉ đạo diễn xuất” và hướng dẫn từng điệu hát cho các “diễn viên”. Trên chiếc chiếu trải giữa sân chùa, cụ ngồi khoanh chân với chiếc đàn nhị trên tay, những làn điệu chèo réo rắt phát ra theo nhịp tay kéo rất dẻo của cụ. Thỉnh thoảng, diễn viên nào hát sai nhịp cụ lại hát mẫu cho tập lại. Giọng hát của cụ vẫn khỏe, làn hơi vẫn đầy đặn với từng khúc luyến láy của câu hát. Chả thế mà cụ được bà con trong xã yêu mến gọi là “nghệ nhân chèo cổ”. Cụ Sào cho biết, cụ có thể hát khoảng 40 làn điệu chèo cổ như: Luyện năm cung, lới lơ, sắp chênh, chinh phụ, chức cẩm hồi văn, quạt màn, làn thảm, quân tử vu dịch, vỡ nước, đò đưa, đường trường thủy ca...

Các vở diễn của câu lạc bộ hiện đều do cụ Sào viết kịch bản, soạn lời. Bên cạnh những tích chèo cổ, cụ viết một số vở chèo đặt lời mới với chủ đề về đời sống xã hội hiện đại hay mang ý nghĩ giáo dục cho thế hệ trẻ như: Tình mẫu tử, Mục Kiều Liên, Nông thôn ngày nay, Vệ sinh phòng bệnh... Cụ Sào cho biết, vừa qua trong liên hoan văn nghệ quần chúng của huyện Đoan Hùng, vở diễn Vệ sinh phòng bệnh của câu lạc bộ đàn và hát dân ca xã Yên Kiện đã đoạt giải đặc biệt.

 

Không chỉ hát chèo cụ Sào còn biết hát cải lương, tuồng, xẩm.... Và đặc biệt là hát Xoan Ghẹo, một thể loại dân ca cổ truyền của quê hương đất Tổ. Cụ Sào chia sẻ: “Tôi giờ tuổi đã cao nhưng còn làm được việc gì có ích cho con cháu, cho làng, cho xã và bà con thì tôi sẽ cố gắng làm, cũng là để cho tuổi già của mình sống có ý nghĩa”.

 

Theo Ngọc Hân (Báo Đất Việt)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: