Tôi sinh ra trên miền quê nghèo Yên Định, Thanh Hóa. Tuổi thơ chúng tôi lớn lên trong nghèo khổ. Bố lái xe bị lật một thời ngã bệnh, mình mẹ sớm hôm gồng gánh nuôi sáu đứa con nên người.
Các anh chị tôi lần lượt phải bỏ học giữa chừng, chỉ tạm biết đọc biết viết. Riêng tôi là con út lại bị khuyết tật - chân trái phát triển không được bằng chân phải - nên được ưu tiên theo học.
Bươn chải nhiều, vất vả, mẹ tôi chóng lao lực nhưng thương các con vẫn không nghỉ, không chạy chữa. Khi đuối sức quá mới lấy tạm thuốc bắc uống cho đỡ bệnh chứ không chịu đi khám vì 'sợ tìm ra bệnh lại khổ bố con chạy chữa'.
Năm đầu (2003) thi hai nguyện vọng vào Quy Nhơn đều thiếu nửa điểm, cả nhà tiếc ngẩn ngơ vì không đậu, tương lai tôi sẽ mù mịt.
Mẹ tôi rất buồn khi nguyện vọng ba vào khoa ngữ văn Đại học Đà Nẵng đáng đậu nhưng tôi không gửi, vì sợ nhà tôi không lo nổi chi phí.
Hai năm làm ruộng đủ mùi gian khổ. Tôi gắng chịu đựng với hi vọng mẹ tôi chịu lấy thuốc dưỡng bệnh, hai ba năm sau anh chị đủ tiền chạy chữa cho mẹ tôi, kinh tế gia đình khá hơn, tôi sẽ thi tiếp. Mẹ như luôn hiểu ý tôi lại động viên: 'Con thương mẹ thì gắng thi, học để có nghề nghiệp tử tế rồi cùng anh chị lo cho bố mẹ. Mẹ còn đủ sức chịu đựng tới khi con ra trường. Chứ con cứ ở nhà thì mẹ con chỉ đỡ nhau lay lắt trong cái khổ mà thôi'. Mẹ nói quá chí lý, nhưng mãi khi chị kế tôi lấy chồng, bỏ lại cho bố con tôi hơn một mẫu ruộng, tôi mới thật sự run sợ cảnh đời làm ruộng dài đằng đẵng. Tôi quyết định học, hy vọng bốn năm qua nhanh đi làm có tiền về chữa bệnh cho mẹ. Mẹ lại gắng làm nhiều việc nhà có thể để tôi có nhiều thời gian học.
Năm 2005, tôi đậu Đại học Khoa học Huế, khoa báo chí. Tôi học chập chờn trong lo âu, nhiều lúc nghĩ tới gia đình muốn bỏ học đi làm nhưng người đầu tiên phản đối là mẹ.
Hy vọng của tôi sớm tan vỡ. Mẹ ốm nặng, cả nhà giấu. Tôi sốt ruột ra quán chát thì may gặp người cháu bảo 'ngày 30- 4 chú về đi', nhưng hỏi việc gì thì nhất quyết không nói. Tôi nghĩ ngay nhà có chuyện và trở về liền hôm đó.
Mẹ tôi lúc này chân tay teo tóp, người chỉ còn da bọc xương, hai mắt trũng sâu. Tôi òa khóc khi biết mẹ đã bệnh quá nặng, bác sĩ bảo về bồi bổ mới đủ sức chữa, nhưng anh tôi hỏi khéo mới biết không chữa nổi. Từ khi tôi đi học, mẹ quyết không cho anh chị lấy thuốc, dành tiền tập trung lo cho tôi học, để bệnh đã quá lâu. Muốn xem giấy tờ bệnh án của mẹ nhưng cả nhà không để cho tôi tìm ra nổi.
Đêm bóp chân tay cho mẹ, mẹ nói thật rằng: 'Nếu con không đi học, ở nhà kiếm tiền cho mẹ uống thuốc thì họa may mẹ chỉ sống được năm bảy năm nữa, nhưng con lại khổ cả đời. Nay con được đi học, gánh nặng tinh thần cũng qua đi, mẹ có đi trước mà thấy con có tương lai cũng yên lòng'. Tôi chỉ biết khóc theo lời mẹ nói. Được ba hôm các anh chị động viên tôi vào trường, riêng mẹ thì đuổi thẳng.
Từ đấy mẹ cấm con cháu không được ai để cho tôi biết thêm việc gì nữa. Ngay cả khi mẹ mất, tôi cũng không được báo. Khi tôi biết được điện về thì bố chỉ buồn mà nói: 'Nhà không thông báo vì biết con đang học quân sự và thi học kỳ. Cho con biết thì việc học lỡ dở hết. Bây giờ việc của mẹ đã ổn rồi. con có về cũng sớm hơn tết mấy chục ngày thôi. Gắng học đi, đừng để phải thi lại'. Trước lúc mẹ mất, các anh chị làm ở Sài Gòn, Đắc Lắc đều về, riêng tôi thì không. Tôi buồn và trách các anh chị nhưng nghĩ lại các anh chị chẳng vui gì khi giấu tin mẹ mất. Mãi khi ấy tôi mới biết mẹ bị vôi hóa cột sống cổ, hậu quả của một đời gánh đội, và suy tim giai đoạn cuối.
Bây giờ, đường gian nan của tôi đã qua một nửa. Nhưng mỗi lúc nghĩ về tương lai tôi lại không khỏi xao lòng. Tôi đi học trên nỗi khổ của cả nhà có phải không? Tôi học báo chí có nhầm đường không? Cái chân khuyết tật sau này xin việc cơ quan nào dám nhận tôi, dẫu tôi có thích nghề đi chăng nữa.
Những lúc ấy tôi lại nhớ lời mẹ động viên khi nhập học: 'Người nhà quê ta chưa học đã nghĩ đến đầu ra rồi sợ không học nữa. Con cứ học đi, có bằng đại học, không việc này thì việc khác rồi cũng tìm được. Không học có muốn tìm việc cũng không thể'. Câu nói ấy là liều thuốc trợ lực, tôi gắng học để không phụ lòng chăm lo của gia đình, học bởi vì mẹ tôi đã chết cho tôi có tương lai.
LÊ HUY (Thanh Hóa)
Theo: Tuoitre Online