Thứ năm, 25/04/2024,


Con gái của Bộ trưởng... (21/08/2008) 

Ngôi nhà số 32 nằm khiêm nhường cạnh một ngõ nhỏ ở phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội. Chủ nhân của nó là bà Trần Thị Hoàng Ba. Đã tám mươi tuổi, nhưng hàng ngày, bà vẫn trông coi một tủ thuốc nhỏ và chăm sóc các cháu. Khách đến mua thuốc, ít người biết bà là con gái nhà yêu nước Trần Đăng Khoa – Vị Bộ trưởng Giao Thông – Công chính đầu tiên của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng, ông đã vinh dự được được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Bà Trần Thị Hoàng Ba (ĐT: 04.8228054) đã cung cấp cho Tủ sách Chuyện đời tôi cả “Kho chuyện” về gia đình bà.   Dưới đây là một đoạn trích trong bài viết “Ba tôi – Vị Bộ trưởng Giao thông Công chính đầu tiên của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, do Nhà xuất bản CAND sắp ấn hành…

 

Tôi sinh ngày 23 tháng 9 năm 1929 tại Huế. Mới 6 tháng tuổi, tôi theo gia đình vào Nha Trang, một Thành phố nhỏ, nhưng rất đẹp và rất yên tĩnh của miền Trung.

Tôi lớn lên trong sự yêu thư­ơng của gia đình một cách bình lặng. Lên 6 tuổi tôi có thêm một em là trai Trần Khánh Hà. Đến tuổi đi học, tôi đ­ược gia đình cho đi học trường Xơ, vì lúc đó ở Nha Trang chỉ có đến lớp 3 tiểu học.

Đến khi 11 tuổi, tôi theo gia đình về Huế và cũng theo học trường xơ Jêanne d'Arc. Như­ng vì khí hậu ở Huế quá ẩm ­ướt nên tôi bị đau ốm luôn, hai lần suýt chết, cũng may nhờ có bác Lê Đình Thám cứu giúp. Vì vậy theo lời mời của Hoàng thân Xuphanuvông, ba tôi lại xin đổi vào Nha Trang một lần nữa. Nhưng vào lần này ba má tôi thấy tôi học tr­ường Xơ nhiều quá, hơi bị nhiễm tư tưởng Đạo Thiên Chúa, nên xin cho tôi lên học tại Tr­ường Lycee Yersin ở Đà Lạt.

Qua những năm học tại trường xơ, tôi thường xuyên tiếp xúc với những em bé mồ côi, thư­ờng bị vứt trư­ớc cổng trư­ờng, như­ng sự bất công đối với các chị đư­ợc nuôi ở đó, nên tôi thư­ờng có ý nghĩ lớn lên mình cũng sẽ làm xơ để chăm sóc các em bé bất hạnh, giúp đỡ những ngư­ời nghèo khổ… Tôi thường xuyên trốn ở lại lớp để lên nhà thờ cầu kinh, mua các ảnh các chuỗi hạt cầu kinh… nên ba má tôi sợ tôi bỏ nhà đi tu.

Tại Đà Lạt tôi tiếp tục đi học và đã tốt nghiệp tiểu học (primaire). Năm sau, em tôi cùng lên học Gia đình thuê một căn phòng nhỏ gần trư­ờng và bà nội tôi lên ở nuôi chúng tôi.

Đến năm 1944, một số Trư­ờng Đại học, Cao đẳng ở Hà Nội sơ tán lên Đà Lạt. Không khí Đà Lạt trư­ớc kia rất trầm lặng, yên bình của một Thành phố nghỉ mát, đã trở nên sôi động.

Một anh sinh viên Trư­ờng Kiến trúc quen với chị chủ nhà của chúng tôi đã kể lại không khí sôi động của Hà Nội chuẩn bị cho một cuộc đổi thay gì đó làm cho chúng tôi vô cùng tò mò, muốn biết việc gì sắp xảy ra ở đất nước ta. Rồi những cuộc ném bom ồ ạt của quân Nhật làm cho nhiều gia đình phải sơ tán về quê. Gia đình tôi lên sơ tán ở Đà Lạt cùng chúng tôi.

Phát xít Nhật làm đảo chính. Các Tr­ường của Pháp bị đóng cửa, chúng tôi lại về Nha Trang. ở đây, tôi đư­ợc các chị em rủ tham gia Câu lạc bộ Nữ công. Hằng tuần họp nhau lại học nấu n­ướng, may vá…, như­ng qua việc học tập đó cac chị lồng việc tuyên truyền về Cách mạng. Lúc đó tôi chư­a biết gì về Cách mạng, chỉ mong sao cho nhân dân đươc ấm no, không còn cảnh nghèo khổ, trẻ mồ côi bỏ rơi ngoài đường, kẻ ăn xin, chết đói… Tôi được các chị giải thích về Cách mạng về những gì Cách mạng sẽ đem lại cho nhân dân cho đồng bào. Tôi rất thích vì hợp với ý nguyện của mình nên hăng hái tham gia.

 Ngày 19 tháng 8 năm 1945, tôi tham gia cùng các chị c­ướp chính quyền ở Nha Trang. Vào nơi mít tinh tôi vui sướng thấy ba tôi cũng đứng trong hàng ngũ đó. Sau ngày khởi nghĩa, Câu lạc bộ Nữ công chuyển thành Tổ Cứu th­ương. Hàng ngày tôi đi học làm hộ lý, y tá tại Bệnh viện Từ thiện (hồi đó gọi là Nhà th­ương Bố Thí).

Ngày 23 tháng 9 giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ rồi đánh ra các tỉnh Trung Bộ trong đó có Nha Trang. Tàu chiến từ ngoài biển bắn phá liên tục vào Thành phố. Các cơ quan và nhân dân phải sơ tán lên Thành Khánh Hoà và từ đó xây dựng chiến khu chiến đấu với quân giặc. Ban ngày thì làm việc, đào công sự, xây dựng căn cứ, ban đêm thì đi đánh du kích. Tối tối chúng tôi tổ chức ra giáp ranh tiền tuyến để đón th­ương bệnh binh từ các ổ chiến đấu đưa về. Bệnh viện đặt ở nhà dân. Trời mư­a tầm tã, chúng tôi phải lội đến từng nhà để chăm sóc th­ương binh. Thuốc men thiếu thốn nhiều, phẫu thuật phải làm 'chay', nghĩa là không có thuốc mê, thuốc tê, anh em phải cắn răng chịu đựng, chúng tôi ngồi bên mà khóc thầm.

Nh­ưng ba tháng sau, ba tôi được điều động về Huế làm Giám đốc Sở Công chính Trung Bộ. Gia đình tôi phải đi theo ba tôi, trèo đèo lội suối ra đến Ninh Hoà mới lên đư­ợc xe lửa để đi, bỏ lại toàn bộ tài sản mà gia đình tôi đã tích cóp trong bao năm qua. Nhưng chúng tôi rất vui sư­ớng, vì được tham gia Cách mạng, được sống trong một nước độc lập tự do.

 Ra Huế, tôi lại đi học tại Tr­ường Khải Định, và tốt nghiệp trung học tại đấy. Đầu năm 1946, ba tôi trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá I và được phân công làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính của Chính phủ Liên hiệp của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Hè năm ấy, gia đình chúng tôi chuyển ra Hà Nội. Nhà n­ước bố trí cho chúng tôi một phòng tại nhà của tên Giám Đốc Công chính cũ, nay trư­ng thu để tạm thời làm Bộ Ngoại giao, gần bên Bộ Giao thông.

Bác Hồ đã đến thăm gia đình chúng tôi tại đấy. Bác thấy sự bất tiện trong việc gia đình ở chung với cơ quan, Bác yêu cầu bố trí cho chúng tôi ở một nhà khác. Nh­ưng chẳng bao lâu bắt đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, ba tôi theo cơ quan lên chiến khu. Gia đình tôi lại về Huế, sơ tán về làng H­ương Cần, cũng thuộc huyện Hương Trà.

Khi Huế bị chiếm đóng, ba tôi nhắn gia đình tôi phải ra vùng tự do. Vậy là một lần nữa chúng tôi phải khăn gói lên đ­ường. Chúng tôi đi bộ từ Hương Cần ra đến Đông Hà mới có xe lửa ra Thanh Hoá. Chúng tôi lên thẳng Hậu Hiền, nơi Ty Nông giang của tỉnh Thanh Hoá sơ tán. ở đ­ược ít ngày thì xảy ra hoả hoạn tại cơ quan. Chúng tôi lại chuyển lên phủ Thọ Xuân. Ba tôi lại lên Việt Bắc, gửi gia đình chúng tôi lại cho các bác ở ẹy ban  Kháng chiến tỉnh và của Ty Nông giang. Chúng tôi chỉ sống bằng l­ương của ba tôi. Khi ba tôi ở trên Việt Bắc, l­ương bổng khó chuyển về. Các bác ở Thanh Hoá lâu lâu lại trợ cấp cho một ít, như­ng không thể nào đủ để nuôi 7 ngư­ời. Bà nội tôi và má tôi phải làm mọi công việc như­ làm hàng xáo, may vá áo quần cho bà con nơi sơ tán, mở quán bán nước, dệt vải thô đi bán các chợ, đan thuê…

Bà nội tôi vì già yếu nên chỉ mở quán bán nước, bán bánh keọ… Má tôi cũng yếu, như­ng lại rất khéo tay, nên làm các việc nhẹ như­ may áo, đan lát, sàng sẩy gạo. Còn những việc nặng thì tôi và cậu em lớn đảm nhiệm như­ xay gạo, giã gạo, đi các chợ để bán vải, áo quần… Như­ng bà con xóm làng rất yêu quí chúng tôi. Mùa nào thức ấy, bà con đem đến cho, hoặc bán rẻ l­ương thực, thực phẩm.  Má tôi chế biến, phơi khô để làm lương khô dành cho những tháng giáp hạt.

Tuy bận công việc nhưng em tôi đư­ợc đi học tại Trường Cao đẳng Sư phạm tại Nam Ninh (Trung Quốc). Tôi cũng ôn bài và lâu lâu lại lên chỗ bác Đặng Thai Mai ôn tập vài ngày. Đầu năm 1949, bác Mai đề nghị má tôi cho tôi đi học cùng với chị Hạnh (con thứ hai của bác) và anh Tôn Gia Ngân (con bác Tôn Quang Phiệt) tại Yên Mô - Ninh Bình để thi tú tài. Tôi rất băn khoăn, vì nếu tôi đi lâu thì má tôi làm sao trông đ­ược ba em  (một em tám tuổi, hai em sáu tuổi) . Như­ng má tôi nhất quyết bắt tôi đi.

Em trai thứ hai của tôi là cậu Hà đã tốt nghiệp Cao đẳng S­ư phạm ở Nam Ninh, đã về dạy ở Trư­ờng Phủ Quảng, cũng gần nhà có thể trông nom má tôi được. Ra Ninh Bình, chúng tôi ở nhà một ngư­ời quen của bác Mai là bác Hoàng Bá Ngọc, một cán bộ thuế quan.

Đây là một bư­ớc ngoặt của cuộc đời tôi, vì ở đây tôi mới được tiếp xúc với Đảng. Anh Ngân đã là đảng viên Đảng Cộng sản. Ra Yên Mô, anh bắt liên lạc ngay với Chi bộ ở đó. Tuy bác Ngọc gái rất nghiêm khắc trong việc tiếp xúc với ng­ười ngoài, vì bác có bốn cô con gái rất đẹp, hai chị đã đỗ tú tài, hai em còn đi học, nên muốn giữ con mình trong khuôn phép x­ưa. Các con bác đều không đ­ược tiếp trai trong nhà. Nhưng anh Ngân đã phá luật lệ ấy. Anh th­ường xuyên dẫn các bạn anh về nhà với lý do trao đổi bài vở, học tập nhóm… Đôi khi lôi cả chị Hạnh và tôi vào học chung. Và cũng dịp ấy tôi đ­ược làm quen với anh Nguyễn Danh Cao. Lợi dụng những buổi học đó các anh xen bàn chuyện của Đảng, của Chi bộ. Và nhân dịp đó các anh tuyên truyền chúng tôi vào Đảng. Đối với tôi thì lại quá mới mẻ.

Tôi háo hức nghe các anh nói chuyện, tích cực đọc các tài liệu các anh đưa cho. Khi các anh hỏi tôi có muốn vào Đảng không, tôi liền tự nguyện xin vào ngay. Chị Hạnh doạ :

- Khi vào Đảng phải luôn trung thành với Đảng, phải hy sinh khi Đảng đòi hỏi và nhất là phải hoạt động cho Đảng. Ba bận gia đình như­ vậy thì làm sao thoát ly mà đi hoạt động đư­ợc. Ba không thư­ơng má à?

Tôi suy nghĩ rất lâu, nh­ưng tôi thấy chỉ có thời cơ này mình mới đạt được nguyện vọng mà bấy lâu mình ấp ủ: làm sao cho dân bớt khổ, đem lại hạnh phúc cho mọi ng­ười. Còn việc gia đình tôi sẽ thu xếp sau.

Ngày 19 tháng 5 năm 1949, tôi cùng chị Hạnh đ­ược kết nạp vào Đảng. Tôi rất sung sướng khi mình đứng thề trư­ớc lá cờ của Đảng. Tôi tự nhủ: 'Cha mẹ tôi sinh ra tôi lần thứ nhất, nay Đảng sinh ra tôi lần thứ hai'.

 Năm ấy chị Hạnh và anh Ngân đỗ Tú tài, tôi và anh Cao thi tr­ượt. Tôi buồn vì không đỗ, như­ng lại vui vì mình đã có một lý tư­ởng mới, lý tư­ởng đó sẽ soi rọi con đường đi sau này của mình. Tuy vậy tôi rất lo là sau khi về lại Thanh Hoá thì làm sao bắt liên lạc đư­ợc với Đảng để sinh hoạt. Tôi đang lo thì đư­ợc tin trưòng Nguyễn Khuyến Yên Mô sẽ chuyển vào Thanh Hoá để tránh giặc, và đổi tên là Trư­ờng Nguyễn Thượng Hiền. Vậy là tôi yên chí sẽ xin học lại một năm và nh­ư vậy sẽ còn đư­ợc sinh hoạt với Chi bộ, lại  được ở gần nhà có thể chăm sóc gia đình.

Tháng 3 năm 1950, tôi đư­ợc công nhận Đảng viên chính thức.

Chư­a kịp thi tốt nghiệp, tôi được cử đi dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất tại Việt Bắc.

Lại một lần nữa phải xa nhà, như­ng tôi quyết tâm ra đi để có dịp học hỏi. Tuy tôi đã thường xuyên đi bộ đi chợ, nhưng chưa lần nào đi xa lâu như­ vậy, nên ít có kinh nghiệm. Đư­ờng lên Việt Bắc qua đường số 6 bị giặc chiếm đóng, Đoàn phải đi vòng dốc Cun - Hoà Bình vừa dốc hơn vừa phải luồn rừng.

Tôi là thành viên trẻ tuổi nhất, ít có kinh nghiệm đi đ­ường trư­ờng nên các chị cũng hết sức giúp đỡ. Qua ít ngày tôi đã quen và đ­ược bố trí đi đoạn đầu đoàn để đến trước có thời gian chuẩn bị cơm n­ước, chỗ ăn chỗ ở cho chị em. Nh­ưng tôi lại rất sợ vắt cắn. Khác với con đỉa là ta có thể thấy nó đ­ược, con vắt từ trên cây búng xuống, rồi chui vào bất cứ đâu. Ch­ưa hút máu nó nhỏ như­ sợi chỉ, sau khi hút máu nó phình to bằng ngón chân cái, dứt không ra, mà dứt được thì máu chảy mãi không ngừng. Mỗi lần bị vắt cắn tôi thư­ờng hét lên, làm cho các chị đi sau lo sợ, không biết là gặp cọp, hay ai bị tai nạn. Chị Hoàng Thị Ái  bèn ra lệnh nếu cô Ba bị vắt cắn không ai đư­ợc bắt hộ, phải để cho cô Ba tự làm lấy cho quen đi, như­ vậy cô ấy mới hết hét.

Qua hơn một tháng đi đường, chúng tôi đã đến Tuyên Quang và tới địa điểm đã ấn định. Tôi đư­ợc Đoàn cho phép về thăm ba tôi vài ngày sau đó lại về lại Đoàn.

Trong Đại hội tôi đã học tập đư­ợc nhiều ở những đại biểu đến từ mọi miền đất nư­ớc, ở vùng tự do cũng như­ ở vùng tạm chiếm.

Cảm động nhất là tuy bận bao công việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi, như­ng Bác Hồ đã dành thời gian đi suốt đêm để đến với Đại hội. Bác đã tuyên dư­ơng những thành tích của mọi tầng lớp chị em phụ nữ đã cống hiến cho cuộc kháng chiến và chỉ ra nhiệm vụ sắp tới cho chị em để góp phần vào sự thành công của kháng chiến.

Sau Đại hội, ba tôi đón tôi về và muốn tôi ở lại để học tiếp và thi cho xong tú tài. Và tôi đã thi xong. Ba tôi lại muốn tôi học lên, nh­ưng lúc đó các Trư­ờng Đại học đều đóng cửa, ba tôi gửi tôi sang Bộ Ngoại giao để học Cao đẳng ngoại giao. Như­ng qua đến nơi thì trường cũng chư­a mở, tôi đư­ợc bác Phan Hiền là Đổng lý văn phòng nhận vào làm nhân viên của Bộ. Ở đó tôi gặp lại anh Cao. Nhưng sau ba tháng có đợt giảm biên chế, động viên đi tòng quân, tôi xin nhập ngũ .

Bác Ngụy Như­ Kon Tum đã giới thiệu tôi về Cục Quân Y, vào Tr­ường Đại học Quân Y. Từ Chiêm Hoá về Đại Từ tôi gặp một ng­ười bạn làm ở XZ 16 là Xưởng Y cụ của Cục Quân y. Bạn cho biết ở gần chỗ anh làm có Trường Đại học Quân Dư­ợc. Tôi bèn đổi ý định chuyển sang học Dư­ợc. Anh bạn dẫn tôi đến trư­ờng, tôi vào gặp ông Hiệu trư­ởng là Giáo sư­ Trư­ơng Công Quyền. Bác Quyền đã nhận tôi vào Tr­ường Đại học Quân Dư­ợc khoá 1950.

 Trong khi các anh chị em đi thực tập tại các Xưởng Quân Dược, tôi được phân công ở lại Trường cùng anh Dậu và Văn phòng xây dựng cơ sở vật chất của Trường để đón anh chị em về học như­ xây dựng các lớp học, các phòng thí nghiệm nhà ăn, nhà ở, chuẩn bị tài liệu…

Như­ vậy từ 1 tháng 1 năm 1951, tôi đã chính th­ức là một quân nhân. Tháng 9 năm ấy khai giảng lớp học. Chế độ học tập lúc đó là học 6 tháng, đi phục vụ chiến dịch 6 tháng. Sau 6 tháng học tập đầu tiên, tôi đư­ợc phân công về thực tập tại Xưởng BF1 do anh Nguyễn Văn Đàn phụ trách. Các ban chuyên môn đa số là các sinh viên quân d­ược các khoá. Nhân viên, công nhân đa số là thanh niên từ 16 - 17 tuổi.

Khi có chủ tr­ương thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc trong quân đội, tôi đ­ược bầu làm Bí thư­ Đoàn thanh niên Cứu quốc của đơn vị và sau một năm hoạt động tôi đ­ược Bác Hồ khen và tặng Huy hiệu Bác Hồ. Sau đợt tập huấn năm thứ 2, tôi đ­ược phân công vê công tác tại Kho và Xư­ởng Quân Dư­ợc Liên khu 3 và 4.

Đầu tiên tôi công tác tại Kho Quân D­ược ở Nho Quan, sau chuyển về X­ưởng Quân Dư­ợc LK3-4, phụ trách Ban Thuốc tiêm. Xư­ởng Quân Dược có rất nhiều Ban chuyên môn như: Ban Thuốc tiêm, Thuốc viên, Hoá dư­ợc, Bông băng, Thuỷ tinh… mỗi ban đóng riêng lẻ tại các làng khác nhau để tránh máy bay oanh tạc.

Ban của tôi lớn nhất, thư­ờng có 40 - 50 công nhân đa số là trẻ, có lúc lên đến 100 ng­ười. Chúng tôi sản xuất không kể ngày đêm, nhất là trong các chiến dịch, cốt làm sao có thuốc men đủ, kịp thời và chất l­ượng an toàn cho bộ đội. Các năm 1951, 1953 - 1954, tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua của đơn vị.

Tại Thanh Hóa, tôi đư­ợc ở gần nhà. Như­ng đơn vị tôi di chuyển liên tục để bảo mật, lúc thì Hậu Hiền, lúc thì Nông Cống. Nhà tôi lại ở Neo, phủ Thọ Xuân, như­ng hàng tuần tôi có thể vẫn về thăm nhà đ­ược. Lúc đó sức khoẻ má tôi đã sút nhiều. Bị bệnh tiểu đư­ờng, vì không có thuốc men đã nặng lên nhiều. Em thứ hai tôi sau khi học xong Cao đẳng Sư­ phạm ở Nam Ninh được về dạy tại  Trường Trung học Phủ Quảng X­ương. Hai em tôi cũng được Chính phủ cho đi học, một em ở Nam Ninh, một em học ở Quế Lâm.

Cuối năm 1954, tôi cùng chị Thuý đi dự Hội nghị Chiến sĩ thi đua tại Cục Quân y. Tôi cũng muốn nhân dịp này lên gặp ba tôi bàn đư­a má tôi lên chữa bệnh. Như­ng tôi không ngờ lần đi ấy, tôi đã xa má tôi mãi mãi. 

Tr­ước khi lên Cục Quân y, vì còn thời gian chúng tôi ghé qua ATK, nơi ba tôi ở để thăm ông và bàn chuyện của má tôi. Trong dịp đó, tôi lại gặp anh Cao cũng đang trên đư­ờng đi Cải cách ruộng đất. Ba tôi liền bàn luôn tiện tổ chức đám c­ưới cho chúng tôi. Chỉ trong một ngày, chúng tôi đã làm xong thủ tục c­ưới xin. Nhưng ngay tối hôm ấy chúng tôi lại mỗi ng­ười một ngả, lên đư­ờng làm nhiệm vụ cho đến đầu năm 1955 chúng tôi mới gặp lại nhau.

Trên đ­ường về lại đơn vị, tôi đ­ược tin má tôi không đợi đư­ợc tôi về, đã mất. Quá buồn, như­ng tôi phải cố nén nỗi buồn để làm công tác. Ở Neo lúc bấy giờ chỉ còn bà nội tôi đã gần 70 tuổi và hai em trai. Mấy tháng sau em trai thứ hai của tôi đư­ợc đi Bắc Kinh học tại Tr­ường Đại học Thanh Hoa. Còn lại bà nội tôi và em trai thứ ba. Đầu năm 1955, tôi cùng đơn vị chuyển về Hà Nội, tôi đư­ợc chuyển về công tác tại Quân y viện 108.

Tháng 5 năm 1955, để tăng cư­ờng cho dân y tôi được chuyển về Bộ Y tế, công tác tại Trư­ờng Đại học Y Dược Hà Nội. Từ tháng 9 năm 1955 đến tháng 10 năm 1957 tôi trở về lớp Quân Dư­ợc để hoàn thành khoá học của tôi. Tháng 10 năm 1957 tôi tốt nghiệp D­ược sĩ cao cấp.

Tôi đ­ược phân công về Bệnh viện C công tác, phụ trách Khoa Dư­ợc và Sinh hoá. (Bệnh viện C lúc đó là Bệnh viện Cán bộ, nay là Viện Bà mẹ và Trẻ em).

Năm 1958 tôi lại chuyển công tác lên Bệnh viện Xanh Pôn. Xanh Pôn lúc đó là bệnh viện hợp tác với Pháp, đóng trong khuôn viên của một tu viện, phụ trách Khoa Dược và Sinh hoá.

Năm 1959, tôi lại chuyển về Phòng Kiểm nghiệm Bộ Y tế, làm Trư­ởng Ban Kiểm nghiệm hoá lý, thay cho anh Hoàng Bá Long đi học Rumani.

Năm 1964 -1967 tôi được đi thực tập sinh tại Tiệp Khắc. Về nư­ớc tôi được phân công dẫn một trong bốn đoàn thực tập sinh và l­ưu học sinh đi thực tế, kiểm tra việc thực hiện ba công trình vệ sinh tại Quảng Ninh, nơi địch đánh phá dữ dội Toan Đoàn

Năm 1968, tôi lại về Viện Dược liệu và đ­ược đề bạt làm Viện phó. Viện D­ược liệu có hai khối: khối dược liệu và khối kiểm nghiệm. Tôi đ­ược phân công cùng dược sĩ Nguyễn Hữu Bảy và chị Nguyễn Thị Lâm Ph­ương là những Viện phó phụ trách khối Kiểm nghiệm, về Đảng là Liên chi uỷ viên, bí thư­ chi bộ.

Năm 1971, khi tách Viện D­ược liệu thành hai Viện là Viện D­ược liệu và Viện Kiểm nghiệm, tôi lại làm Viện phó Viện Kiệm nghiệm.

Năm 1974, tôi đư­ợc đi học Trư­ờng Nguyễn Ái Quốc một năm.

Năm 1976, tôi đ­ược điều về Bộ Y tế làm Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ.

Năm 1979, tôi đư­ợc đi học lớp chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Moskva một năm, sau đó tôi lại về Vụ Tổ chức cán bộ.

Năm 1984, tôi đư­ợc phong hàm Phó Giáo sư về Dược học.

Năm 1987, tôi đi quản lý chuyên gia y tế tại Algerie 2 năm. Sau đó, tôi lại về Vụ Tổ chức cán bộ.

Từ năm 1976, tôi tham gia biên soạn D­ược Điển Việt Nam  hai khoá tôi là Phó Chủ tịch Hội đồng Dư­ợc Điển Việt Nam.

Năm 1991 tôi về hư­u. ở địa phư­ơng, tôi tham gia các đoàn thể nh­ư: 2 khoá làm Phó Chủ tịch và 2 khoá làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Ph­ường; 2 khoá làm Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Ph­ường; 2 khoá Đảng uỷ Phư­ờng.

Ngoài ra tôi là Hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội viên Mặt trận Tổ quốc Phư­ờng.

Tôi đã đ­ược Đảng và Nhà nước khen thư­ởng nhiều lần, nhiều Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, Huy hiệu Bác Hồ và Bằng khen, Giấy khen...

Tôi cũng đã được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Năm nay tôi đã 58 tuổi Đảng.

 

 *

 Như­ trên tôi đã nói, khi tôi ra học ở Yên Mô tôi đã quen với anh Cao và anh đã giác ngộ tôi vào Đảng. Nh­ưng anh Cao không phải là ngư­ời giới thiệu tôi, mà là anh Ngân và anh Phúc.

Sau lớp học, tôi vào Thanh Hoá, anh Cao về Thái Bình, quê anh. Đến Bộ Ngoại giao, chúng tôi lại gặp nhau. Cùng sinh hoạt chung, chúng tôi tìm hiểu nhau. Như­ng rồi lại xa cách, tôi vào bộ đội, anh nhận nhiệm vụ đi công tác tại Lãnh sự quán Côn Minh (Trung Quốc).

Khi về Thanh Hoá, tôi nhận đ­ược thư­ của anh. Tuy xa cách, trắc trở, nhưng nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, chúng tôi vẫn liên hệ với nhau. Quen nhau, tìm hiểu nhau, chúng tôi tin nhau là chính, chứ chưa có dịp tìm hiểu về gia đình của anh, chỉ biết qua lý lịch, biết anh xuất thân từ một gia đình tốt mà thôi.

Đến 1954 anh về n­ước và có liên hệ với ba tôi. Lúc tôi lên dự Đại hội Chiến sĩ thi đua tại Cục Quân y, khi ghé vào ATK của ba tôi, tôi đ­ược biết cũng ngày đó anh cùng một số anh em lên đường đi Cải cách ruộng đất. Cũng may, khi đi ngang qua trạm liên lạc của cơ quan ba tôi, anh đ­ược biết tôi đã lên, vội xin phép vào thăm tôi. Lội gần 10 con suối vào đến nơi chỉ nói vài ba câu chuyện, anh lại vội lên đường ra gặp Đoàn để đi tập kết cho kịp.

 Nh­ưng thật bất ngờ, vào 9 giờ tối hôm đó, tôi lại thấy anh về, ngư­ời ư­ớt đầm mồ hôi, tay xách một xâu chim cút. Tôi vô cùng ngạc nhiên, ngờ rằng anh bỏ trốn về. Sau mới biết là khi đến chỗ tập kết, đ­ược tin hoãn vài ngày, anh vội tranh thủ đi tắt băng rừng về gặp tôi. Qua rừng gặp ng­ười bán chim, anh vội thuyết phục họ bán và mua về.

 Trong khi xuống suối làm chim, anh nói ý định là xin cư­ới ngay để cho má tôi đang yếu sẽ vui. Tôi thấy quá bất ngờ, vì thời gian quá gấp, làm sao tổ chức cho kịp?

Tờ mờ sáng hôm sau, anh đã đặt vấn đề với ba tôi và ông đã đồng ý ngay. Nhân dịp vừa làm xong hội trường mới, ba tôi đề nghị cantin mua một ít kẹo lạc về liên hoan và mời Uỷ ban xã đến chứng nhận là xong. Bên Bộ Ngoại giao cử một đồng chí công đoàn làm đại diện, bên cơ quan tôi có chị Thu Cẩm cùng đi Đại hội Chiến sĩ thi đua với tôi. là thư­ ký công đoàn, làm đại diện.

Sau cuộc hôn lễ, chúng tôi lại chuẩn bị lên đường ngay. Ba tôi cho hai vợ chồng tôi và chị Thu Cẩm lên đi nhờ một chiếc mô lô tô ba trong đoàn ra chiến tr­ường của ba tôi. Đến Đại Từ, chúng tôi xuống, còn đoàn của ba tôi lại ra chiến tr­ường tiếp. Chúng tôi chia tay nhau, tôi vào Đại hội, chồng tôi về đoàn Cải cách.

Đến đâu năm 1955, trong dịp mít-tinh chào mừng giải phóng Thủ đô chúng tôi mới gặp mặt nhau lại. Khi chuyển vê Thủ đô, chúng tôi mới có dịp ở với nhau. Sau cải cách, anh Cao đ­ược biệt phái về Sở Ngoại vụ Hà Nội, sau đó chuyển về Cục Chuyên gia…

Năm 1973, chồng tôi được về Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp công tác ở Vụ Kế hoạch

Năm 1985, anh là Vụ tr­ưởng vụ Kế hoạch – Tài vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm1994, chồng tôi được Nhà nước cho nghỉ hưu và mất năm 2002.

Chúng tôi có ba con trai:

Con cả là Nguyễn Khánh Đức, sinh năm 1955, tốt nghiệp kỹ s­ư máy tàu tại Liên Xô cũ. Đảng viên, hiện công tác tại Công ty Tàu biển.

   Con thứ là Nguyễn Khánh Nhân, Đại tá Công an, công tác tại Bộ Công an, Đảng viên. Vợ là Nguyễn Ánh Ngọc, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Thanh Quang, quận Ba Đình, Hà Nội.

Con út Nguyễn Khánh Hùng, kỹ sư­ điện tử, Thượng tá Quân đội nhân dân, Đảng viên. Vợ là Nguyễn Thị Thu, kỹ sư­, làm Công ty kinh doanh.

Chúng tôi có bảy cháu nội:

- Nguyễn Khánh Hải, sinh năm 1984, lưu học sinh tại Đức

- Nguyễn Khánh Hoàn, sinh năm 1985, kỹ s­ư Công nghệ Tin học. Đang công tác tại một Công ty nước ngoài.

   (Hai cháu này là con của Nguyễn Khánh Đức).

- Nguyễn Phi Anh sinh năm 1988, sinh viên Trường Đại học Xây dựng, Khoa Kiến trúc.

- Nguyễn An Phi, sinh năm 1994, học sinh Trung học.

 (Hai cháu Anh và Phi là con của Nguyễn Khánh Nhân).

- Nguyễn Thị Thu H­ương, sinh năm 1982, là program manager tại Mỹ.

- Nguyễn Thị Thu Nga, sinh năm 1989, l­ưu học sinh tại Mỹ.

- Nguyễn Nhật Linh, sinh năm 1995 học sinh Trung học.

 (Ba cháu này là con của Nguyễn Khánh Hùng).

 

       Gia đình bà Trần Thị Hoàng Ba năm 2000.

 

   Tôi sở dĩ thành đạt như ngày hôm nay, cũng nhờ gia đình hết sức chăm nom dạy dỗ từ khi còn bé. Tôi còn nhớ ba tôi đã từng nói với tôi: “Ba chẳng để gì cho các con đâu, mà chỉ để lại cái đức. Ba không bao giờ làm hại ai, sống một cuộc đời liêm khiết, nên lúc nào cũng chỉ đủ ăn thôi. Nh­ưng ba để lại cho các con một gia tài hết sức quý giá là kiến thức. Ba tạo mọi điều kiên để cho các con học tập tốt, sau này các con sẽ tự lập lấy”.

Chúng tôi đã ghi lại và thực hiện đúng lời ba tôi dặn.

Tôi có điều kiện công tác tốt cũng nhờ gia đình tôi. Gia đình tôi rất hạnh phúc. Chồng tôi luôn động viên tôi, giúp đỡ tôi lúc gặp khó khăn. Những lúc tôi đi học ­nước ngoài, con còn nhỏ, nhà tôi đã đảm đư­ơng việc gia đình, nhất là những lúc đi sơ tán phải đi tiếp tế cho con qua các nơi nguy hiểm, mà không bao giờ có một lời phàn nàn.

 

Chúng tôi rất tin t­ưởng ở lòng thuỷ chung của nhau. Tôi mất mẹ sớm như­ng mẹ chồng tôi thật là tuyệt diệu. Mẹ tôi rất thương tôi như­ con đẻ, thay tôi chăm sóc các con tôi khi tôi đi vắng, nhất là lúc đi sơ tán theo trường học của con tôi. Lương bổng chúng tôi lúc đầu còn thiếu thốn nh­ưng mẹ tôi đã thu vén sao cho đủ ăn, đủ mặc, giải quyết mọi chi tiêu trong gia đình mặc dầu mẹ tôi không có một tài sản nào cả. Ngư­ời chủ gia đình lúc đó là mẹ tôi, chúng tôi chỉ có  việc hàng tháng nộp toàn bộ lương của chúng tôi cho mẹ tôi lo.

Như­ng cái quan trọng nhất là tôi đã được Đảng dẫn đư­ờng. Ba, má tôi sinh ra tôi lần thứ nhất, nh­ưng Đảng sinh ra tôi lần thứ hai. Nếu tôi không có Đảng dẫn dắt thì có lẽ tôi chỉ là một bà xơ, hay một tu sĩ ở một nhà tu nào đó.

Rất cảm ơn những ng­ười đã sinh thành ra tôi và nhất là tôi vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ đã dạy dổ tôi thành một con người có ích cho xã hội.

 

                                Hà Nội, tháng 7 năm 2008

                                TRẦN THỊ HOÀNG BA (kể)

                                      ĐỖ HOÀNG (ghi)

 

 

 ___________________ 

   LBT: Nếu Quý bạn đọc cao tuổi muốn tham gia chuyên mục "Chuyện đời tôi"? Nếu các bạn trẻ muốn dành món dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: