Chủ nhật, 08/09/2024,


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Vui buồn nghề nói chuyện thơ (26/12/2009) 

Nếu có ai đó tìm gặp nhà thơ Vũ Quần Phương vào những ngày lễ thì sẽ thấy một điều quen thuộc: Ông thường xuyên vắng nhà. Gần 30 năm nay, vào những ngày lễ như 19-5, 2-9, 20-10, 20-11, 22-12... ông thường được mời đi nói chuyện thơ ở các cơ quan, công sở. Ông vẫn quan niệm thơ là kinh nghiệm sống, được thu nhận từ cảm xúc và cũng được gửi đi bằng cảm xúc.

 

Chính vì thế trong 30 năm qua ông đã gửi đi những cảm xúc của mình, của bạn bè mình bằng việc đến với độc giả, gần gũi họ để hiểu những cách nghĩ, cách cảm khác nhau về thơ. Lâu dần thành quen, ngoài chức danh nhà thơ - bác sĩ, Vũ Quần Phương còn có thêm một "nghề phụ" mà ông cũng đã được nếm trải những buồn vui không kém những "nghề chính" của ông: nghề nói chuyện thơ.

 

- Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, tính đến nay, có thể nói ông là một trong số những người đi nói chuyện thơ nhiều nhất ở Việt Nam với con số kỷ lục: Hơn 2.000 cuộc. Ông có thể cho biết, ban đầu ông đã đến với việc đi nói chuyện thơ thế nào không?

 

+ Tôi không nhớ cụ thể ngày tháng, nhưng quãng đầu những năm 70, Thư viện Hà Nội có mời tôi đến nói chuyện thơ chiến trường. Tôi nói thơ Phạm Tiến Duật, tập "Vầng trăng quầng lửa". Thơ anh Duật mang nhiều thông tin về chiến trường, giọng vui và có cái nhìn lạc quan nên được độc giả tiếp nhận. Cuộc nói chuyện thành công đã mang cho tôi nhiều hào hứng. Đến năm 1973, tôi và nhà thơ Định Hải có một cuộc đi chơi lên Việt Trì, rồi từ Việt Trì chúng tôi rủ nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đi Lào Cai. Trên đường đạp xe từ Việt Trì lên Phú Thọ, khi qua huyện Phù Ninh thì trời tối. Ba anh em rẽ vào một trường cấp III để xin nghỉ nhờ. Khi xưng tên thì được các thầy cô giáo mời ở lại với đề nghị buổi tối nói chuyện thơ. Mấy anh em "buồn ngủ gặp chiếu manh". Tối đó tôi là người cầm trịch và thấy người nghe rất say mê. Tan cuộc, về nghỉ, anh Vợi sang kéo tôi đi dạo, qua các phòng thấy các cô giáo đang giở sách giáo khoa đối chiếu lại bài nói chuyện của chúng tôi. Ở Lào Cai tôi đã nhận lời nói chuyện với Trường trung cấp Y tế. Xe lửa tới ga muộn, chúng tôi tới được trường đã gần chín giờ tối. Thời chiến, hạn chế đèn đóm, học viên đi ngủ sớm, ông hiệu trưởng phải đánh thức từng phòng dậy, năn nỉ... đi nghe thơ (!) Tôi phát hoảng. Ấy vậy mà cuộc nói lại thành công. Thanh niên họ sôi nổi với thơ, nhất là thơ tình yêu. Hôm sau, Tỉnh ủy nghe tin lại mời sang nói, và kết thúc, mỗi nhà thơ được tặng 2 hộp sữa đặc có đường, lại được một chuyến Commăngca chở lên Sa Pa. Đó là lần đầu tiên tôi được đi Sa Pa. Chuyến đi đó, tôi làm được bài thơ "Dựng nhà trên dãy Hoàng Liên". Từ đó tôi nghĩ, đi nói chuyện thơ cũng "được" nhiều thứ: Được "ăn", được "nói" lại được "gói thơ" mang về!

 

- Đi nói chuyện thơ ở nhiều vùng miền như vậy, chắc ông có nhiều kỷ niệm sâu sắc?

 

+ Nhiều lắm, đi đến đâu cũng có chuyện để nhớ. Có lần Giám đốc Thư viện Yên Bái của tỉnh Hoàng Liên Sơn và một cán bộ thư viện mời tôi đi nói thơ dọc sông Hồng: Yên Bái - Lào Cai. Đến huyện Bắc Quang, Bí thư huyện ủy, vốn là một giáo viên văn cấp 3, cho cả cơ quan nghỉ đến nghe nói chuyện thơ. Tất nhiên, trong buổi nói chuyện đó, có những người đi công cán xuống xã nên không được nghe. Buổi tối, tôi nghe ở buồng bên, một anh hỏi: “Chiều nay nghe thơ, thấy thế nào?”. Anh kia không giải thích thế nào, chỉ bảo: "Ông ấy nói nghe sướng, mấy lần tao định ra đi đái mà "đếch" đi được!". Tôi nằm bên này vách liếp nghe được câu "khen" cũng sướng lắm. Coi như huân chương của mình. Lần khác, tôi đi nói chuyện ở Trường Sư phạm Hưng Yên cùng bác Nguyễn Tuân. Xe commăngca "đít vuông" của trường đến đón cụ Nguyễn Tuân đầu tiên ở Dã Tượng. Thầy giáo đi đón trân trọng nhà văn lớn nên mới thỉnh cụ trước. Sau đó lần lượt đến đón tôi, nghệ sĩ Trần Thị Tuyết, nghệ sĩ Kim Dung, nghệ sĩ đàn đáy Đinh Khắc Ban. Mỗi khi có người lên hay xuống ở cái xe "đít vuông" này thì cụ Nguyễn Tuân ngồi ở cái ghế cạnh lái xe lại phải bước xuống để lấy chỗ đi. Ông cụ xuống lên dễ đến chục lượt vì chị Dung chị Tuyết qua phố còn xuống mua ô mai, mua gương... Muốn cuộc đi thêm bạn, tôi đã mời thêm anh Bằng Việt từ hôm trước. Xe qua nhà Bằng Việt ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ thì Bằng Việt, chắc chờ lâu quá đã lại đến cơ quan ở 65 Nguyễn Du. Khi xe vừa đỗ ở cổng NXB Hội Nhà văn thì cụ Nguyễn Tuân lại bước xuống cho tôi lấy lối ra gọi anh Bằng Việt, nhưng lần xuống này cụ cầm theo cả cái làn cói hành lý của cụ và nói giọng tỉnh queo: "Thôi các anh chị cho tôi về, đây cũng gần nhà tôi rồi!". Lúc đó, mọi người mới rối rít xin lỗi, vì đã bắt cụ đi vòng vèo cả tiếng đồng hồ. Chúng tôi đành đi ngay, không đón anh Bằng Việt nữa. May có chị Tuyết, chị Dung đều khéo chuyện trên xe nên qua cầu Long Biên thì không khí cũng bớt căng thẳng.

 

- Nghe nói, hồi đó, khi phong trào nói chuyện thơ lên cao, các nhà thơ thậm chí đã được "thầu trọn gói" mà không phải nhọc công tìm địa chỉ để đến phải không, thưa ông?

 

+ Có đấy, vì nhiều nơi mời quá, nên các "nhà thầu" thường làm cả một "vệt". Ví dụ, ở Thư viện Hải Phòng, Thư viện Hoàng Liên Sơn, ngành giao thông… mời tôi đi cả một tuần và họ "đạo diễn" nói ở đâu, nói cái gì. Đi thế mình chỉ phải lo sao nói cho hợp đối tượng. Có ngày phải nói tới 3 cuộc, sáng, chiều, tối. Tôi đùa với người mời là "đi như ốc" (đi bằng miệng). Nói vậy chứ, nói nhiều rất mệt. Tôi lại có nhược điểm là nói hơi nhanh, hay liên hệ dây cà, dây muống, nên mất sức. Có những diễn giả như bác Hoài Thanh, bác Hoàng Thiếu Sơn thì nói chậm rãi, từ tốn, kiệm lời lắm. Thậm chí, bác Hoài Thanh, chỗ nào ho cũng ho rất đúng lúc. Còn bác Hoàng Thiếu Sơn là một nhà từ điển Bách khoa nên rất kiệm lời. Thậm chí đi trên xe ôtô, cụ cũng im lặng. Chứ như tôi là người hay chuyện, có khi nói bông lơn ở trên xe ôtô, đã mệt lả ra rồi.

 

               

 

- Với kinh nghiệm của một người đã có thâm niên hơn 30 năm trong "nghề", theo ông, cái được của việc nói chuyện thơ là gì?

 

+ Thuận lợi của việc đi nói chuyện thơ, thứ nhất là mình biết độc giả thích thơ ở những khía cạnh nào, đề tài nào, cũng như cách giúp độc giả đọc thơ để hiểu việc đời. Tôi trộm nghĩ tôi hiểu độc giả hơn nhiều bạn làm thơ của tôi. Hai nữa, là trong những chuyến đi như thế tôi tranh thủ thu lượm thực tế và viết, bởi vì có rất nhiều vùng đất mình chưa đến, nhân dịp đi nói chuyện mà có cơ hội hiểu biết. Có nhiều bài phê bình xuất phát những ý tưởng trong khi nói chuyện. Trước đây mình khám phá ít thôi nhưng lâu dần cái nọ móc vào cái kia nó trở thành hệ thống. Nghề này, xét cho cùng, cũng có nhiều điều thú vị lắm. Có lần tôi đi nói chuyện thơ về Bác Hồ trước các cụ cao niên ở một tỉnh nọ. Để cho buổi nói chuyện được hấp dẫn, tôi kể những câu chuyện đời thường của Bác. Khi kết thúc buổi nói, nhiều cụ đến gần, xuýt xoa sờ tay, sờ áo tôi, cứ như tôi là người được gần Bác Hồ nhiều lắm. Chưa hết, mới đây, có một Bộ mời tôi đến nói chuyện thơ mà ở trong, ngoài Hội trường đều giăng biểu ngữ rất trân trọng: "Chào mừng buổi nói chuyện của nhà thơ Vũ Quần Phương" khiến tôi rất xúc động.

 

- Dường như việc nói chuyện thơ lâu dần thành quen nên cũng không khó đối với một người như nhà thơ Vũ Quần Phương, tuy nhiên, nếu nói thật lòng, thì có cuộc nào ông bị thất bại?

 

+ Có chứ, thậm chí không phải một lần. Năm 1977, chúng tôi đi nói chuyện ở một mỏ đá ở Phủ Lý, Hà Nam. Ban đầu họ nhầm là có đoàn văn công về diễn thơ nên rất đông người đi, mà đông nhất là trẻ con. Mà có trẻ con thì chỉ độ 5 phút là sẽ hỏng ngay cuộc nói chuyện. Chúng tôi phải nói nhỏ với Ban Tổ chức là phải dồn trẻ con vào một chỗ thì mới nói được. May mà cạnh đó có một cái tivi để cho trẻ con xem. Tuy thế cũng mất khá nhiều thời gian để dẹp trật tự. Gần đây, nhân ngày phụ nữ, có một đơn vị may mặc ở Hà Nội mời tôi đến nói chuyện cho chị em. Đến nơi, tôi được mời vào trong phân xưởng sản xuất. Ở đó, chị em vừa nghe chuyện thơ lại vừa phải may để không hụt năng suất. Tôi cũng không được đứng giữa phòng, mà đứng dúm dó ở một góc nơi có âm ly, nói bằng một cái loa điều khiển sản xuất rất tậm tịt, trong khi mấy chục chiếc máy khâu thì vẫn hoạt động hết năng suất, nên nói nghe câu được câu không. Trong hoàn cảnh đó, tôi đành phải xin khất, chứ cứ cố mà nói, nói lại không được nhìn mặt người nghe, chị em thì phải làm 2 việc một lúc thì đúng là kính chẳng bõ phiền.

 

- Có bao giờ ông nghĩ mình sẽ dừng lại để viết những điều đã nói bao năm nay thành sách?

 

+ Điều này thì tôi xin học theo lời khuyên của Chế Lan Viên với Xuân Diệu, ông nói: "Anh Diệu cuối đời đáng lẽ nên bỏ vài cuộc nói chuyện thơ để viết thành cuốn thi thoại thì hay biết mấy!". Thực ra nói chuyện thơ tốn sức và tốn thời gian. Đi nói chuyện thơ một tuần, kiến thức thu hoạch không bằng đi thực tế một ngày. Kể ra làm thơ, viết phê bình, nói chuyện nó là một sự liên hoàn. Nhưng nhiều khi tôi thấy mình hơi sa đà về việc nói chuyện thơ, bạn bè vẫn hay đùa là nhiều khi mở tivi ra đã thấy ông ngồi sẵn ở trong đó rồi. Như thế là người ta thấy mình hơi quá rồi đấy. Tôi cũng đã biết cách từ chối để dành riêng cho mình nhiều hơn những khoảng thời gian đọc và viết sách.

 

- Vâng, xin cảm ơn nhà thơ Vũ Quần Phương!

 

Trần Hoàng Thiên Kim thực hiện

(Nguồn: Văn Nghệ Công An)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: