Thứ bảy, 27/07/2024,


Con phải bỏ học thôi mẹ à! (23/12/2009) 

Khi con chào đời cũng là lúc mẹ rời khỏi thế gian này, mẹ đã trao cho con sự sống của mẹ bằng tất cả tình yêu...Bà ngoại kể lại, con được sinh ra tại một bệnh viện nghèo của một làng chài ven biển, chỉ có vài chiếc giường cũ kỹ, với những chiếc drap trải giường ngả vàng. Tấm chăn quấn con khi chào đời cũng úa màu, nhưng ấm áp mùi hương của mẹ vì đó cũng chính là chiếc chăn mẹ đã từng được bà ngoại ẵm bồng nhiều năm về trước. 

 

Con lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của bà, trong căn nhà nhỏ cứ run lên bần bật trước những cơn gió biển đổ về mỗi mùa mưa lũ. Mỗi lần bị lũ trẻ nhỏ trong xóm chọc ghẹo không mẹ, vắng cha… con chỉ biết lao về nhà, lục tìm chiếc chăn cũ , úp mặt vào đó,  tìm lại mùi hương còn sót lại của mẹ, để biết rằng con đã từng có mẹ và đã từng được mẹ yêu…

 

Ngày con vào lớp 1, con bé nhỏ liêu xiêu trong chiếc áo trắng đã ngả vàng rộng thùng thình,  trong vòng tay già nua, còm cõi của bà ngoại. Bạn bè ai cũng được ba mẹ dắt tay đến trường trong những ngày đầu tiên đi học. Con thèm được một lần gọi mẹ, thèm một lần được mẹ dắt tay đến trường, một lần được mẹ hôn lên má và nói “Học giỏi nhé, con yêu!”.

 

Khi con vào lớp 6 thì bà ngoại cũng đã già yếu nhiều.  Sau giờ học, con phải phụ bà làm công việc nhà, rồi ra ngã 3 quốc lộ bán khoai lang để kiếm thêm chi tiêu cho hai bà cháu… Nhưng rồi khoai lang cũng không giúp con được nữa.

 

Ông Ba nói: “Thời buổi này ai mà ăn khoai lang nữa bây, người đi xe đò thích ăn bánh mì hơn”.  Thế là con chuyển qua bán bánh mì, đậu phộng, trứng cút, mía ghim… Con bán tất cả  những gì có thể bán được cho những hành khách đi xe đò ngang ngã 3 nhà. Tiền lời kiếm được cộng thêm tiền công vá lưới của bà ngoại cũng chỉ đủ để hai bà cháu sống qua ngày.

 

Cứ như thế, con vừa học, vừa làm cho đến hết cấp 2. Ở lớp, con chỉ là học sinh trung bình. Con buồn lắm! Bạn bè đi học có sách vở đầy đủ, chiều về lại đi học thêm, phụ đạo với thầy cô. Năm cuối cấp 2, lũ bạn cứ xôn xao bàn tán về trường mới cấp 3. Sân trường có một tán phượng vỹ đỏ rực vào cuối hạ, có những cây sứ thấp lè tè đủ để cá đám leo lên đó tám chuyện mỗi giờ ra chơi.

 

Những câu chuyện về việc mặc áo dài trắng, mang giày dép, đi xe gì luôn được lũ bạn bàn tán mỗi giờ ra chơi. Con ngồi nghe mà chỉ biết im thin thít và nhẩm tính trong đầu coi mình phải bán hết bao nhiêu ổ bánh mì, bao nhiêu rổ mía ghim và đậu phộng, bà ngoại phải vá hết bao nhiêu tấm lưới mới đủ tiền cho con mua chiếc áo dài trắng, đôi xăng-đan nâu, chiếc nón rộng vành có đính kèm chùm hoa nhỏ li ti…

 

Rồi những ngày đầu tiên của cấp 3 cũng đã đến. Không áo dài trắng tinh khôi, cũng chẳng nón rộng vành có chùm hoa bé xíu. Con đạp xe cùng lũ bạn đến trường trong chiếc áo dài ngả vàng, cũ kỹ của mẹ. Bà ngoại nhìn con mà mắt rưng rưng, chắc có lẽ là vì con giống mẹ quá. 

 

Đạp xe đi học mỗi ngày mà đầu con bộn bề chuyện tiền bạc: tiền học đầu năm, tiền thuốc cho bà ngoại chữa bệnh đau khớp, tiền lợp lại mái nhà bị dột lỗ chỗ khắp nơi. Nhiều lúc trong lớp học, đầu óc miên man nghĩ đến số nợ ngày càng phình to, con bị cô giáo phạt vì không tập trung. Con ngày càng không theo kịp bạn bè trong lớp.

 

Đến ngày hôm qua, tự nhiên con cảm thấy như vậy đã đủ! Con không thể đi học bình thường như một đứa con ngoan, trò giỏi luôn ngồi yên nghe cô giảng, luôn làm bài tập và học thuộc bài đầy đủ, để mỗi sáng đến trường trong tà áo dài trắng tinh. Con sinh ra đã thiếu mẹ, cuộc sống của con úa màu như những chiếc áo con mặc đến trường, như chiếc chăn con quấn khi chào đời…

 

Con sẽ rời bỏ trường học, quay lại với cuộc mưu sinh hàng ngày trên quốc lộ bụi bặm, với những chuyến xe đò dọc ngang, với rổ trứng cút, mía ghim, với tiếng rao mỗi ngày thêm khàn đục. Bỏ học, nhưng con sẽ vẫn mơ những giấc mơ con mặc áo dài trắng tung bay trong nắng sớm, đầu đội chiếc nón rộng vành có chùm hoa bé li ti, đạp chiếc xe trắng với giỏ xe toàn hoa phượng đó cùng lũ bạn…

 

H.S

------------------

Nguồn: Vietnamnet

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: