Thứ bảy, 27/07/2024,


Lê Bá Dương: Bài thơ tạc vào bia đá bên sông Thạch Hãn (23/12/2009) 

Nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, cựu chiến binh Lê Bá Dương trong hơn 20 năm qua, năm nào cũng về bên dòng Thạch Hãn thả hoa tưởng nhớ đồng đội. Từ hành động của Lê Bá Dương, tỉnh Quảng Trị đã phát động trở thành một nét văn hóa của địa phương: thả hoa trên dòng Thạch Hãn tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh. Lê Bá Dương cũng là tác giả của bài thơ tứ tuyệt bất hủ: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm (Lời người bên sông).

 

Bờ Nam sông Thạch Hãn đã có một bến thả hoa để tưởng nhớ vong linh các liệt sĩ đã ngã xuống cho sự toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc chiến tranh vừa qua. Bờ Bắc dòng sông này cũng chuẩn bị có một bến thả hoa tương tự. Cả hai bến thả hoa đều có bia đá khắc bài Lời người bên sông của Lê Bá Dương. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN, TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà thơ Lê Bá Dương khi ông chuẩn bị về Quảng Trị tham gia lễ khởi công xây dựng bến thả hoa bờ Bắc Thạch Hãn.

Thơ của nhân dân?

* Thưa nhà thơ, bài tứ tuyệt bất hủ Lời người bên sông được chọn khắc trên bia đá ở hai bến thả hoa cùng một dòng Thạch Hãn. Hẳn đó là một niềm vui rất lớn đối với ông?

- Trước hết, xin được đính chính, tôi chưa phải là nhà thơ, nên đừng gọi tôi là nhà thơ. Bến thả hoa ở bờ Bắc Thạch Hãn do Ngân hàng Phát triển VN xây dựng với khoảng 10 tỷ đồng. Không phải là số tiền xây dựng nhiều hay ít mà tôi quý tấm lòng thành của những người làm việc này. Tất nhiên là tôi rất vui khi bài thơ của mình được tạc vào bia đá. Chỉ tiếc là hồi xây dựng bến thả hoa bờ Nam, bài thơ là thơ tứ tuyệt, nhưng lại được tạc lên bia đá theo bố cục so le của thơ... lục bát. Và câu thơ cuối cùng Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm đã “được” đổi thành Vỗ yên bờ, bãi mãi ngàn năm. Việc thay từ “mãi” bằng “bãi” này đã làm hỏng ý tứ bài thơ. Bởi nếu đọc và ngẫm kỹ câu thơ trước: Có tuổi hai mươi thành sóng nước, thì ở câu sau, dòng sông đã không còn là dòng sông hiện hữu nữa, nên cái bờ ở đây cũng không còn là cái bờ cụ thể, vì vậy việc đưa vào dùng tiếp từ “bờ bãi” đã làm khuôn hẹp ý tứ của bài thơ...

* Vâng, ông chưa vào Hội Nhà văn, nghĩa là ông không có cái thẻ hội viên, nhưng không có thẻ, không có nghĩa là không phải nhà thơ. Trở lại câu chuyện về bài thơ, tôi và nhiều người đã xem bài thơ tạc trên tấm bia đó, ngoài việc sai từ, bản tạc trên bia đá còn không ghi tên tác giả. Tại sao vậy?
 
- Về chuyện không ghi tên tác giả, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại cả nước gọi hỏi, bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí bày tỏ sự bức xúc về tác quyền. Thực tế chuyện này tôi cũng đã có lần được một lãnh đạo địa phương “hỏi” rằng: Thơ anh đã thành thơ của nhân dân nên không đề tên tác giả có được không?  Cũng chẳng biết nói sao với câu hỏi như khẳng định này, tôi trả lời như thế này: Thứ nhất, thơ tôi được người dân nhớ, chứ không thể gọi là thơ của nhân dân được. Còn việc nên hay không nên đề tên tác giả, theo tôi các anh thử nghĩ xem, nếu đề tên tôi dưới bài thơ của tôi mà thêm một người yêu Quảng Trị thì nên để, còn nếu vì để tên tôi mà làm giảm bớt một hay nhiều người yêu Quảng Trị thì dĩ nhiên không nên để làm gì...

Hai câu thơ “tuyên ngôn” trên tập vở học trò

     Nhà thơ Lê Bá Dương quê ở Nghệ An. Năm 15 tuổi, ông đã khai tăng tuổi để nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường B5 - Bắc Quảng Trị. Năm 15 tuổi 49 ngày, ông được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong... lúc đó viết về Lê Bá Dương như một điển hình.

     Ông còn hai câu thơ khác mà nghệ sĩ nhiếp ảnh quân đội Đoàn Công Tính đánh giá rằng “đó là tuyên ngôn hay nhất về Quân giải phóng Bắc Quảng Trị”. Hai câu này Lê Bá Dương viết trên tờ giấy học trò để trả lời một em bé trên  đường hành quân. Em bé hỏi: Tại sao gọi Quân giải phóng Bắc Quảng Trị là “cơm Bắc, giặc Nam”?. Lê Bá Dương ghi lên tập vở học trò của cô bé, trả lời: Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc/ Một dấu chân in màu đất hai miền. Hơn 30 năm sau, cô bé ngày xưa đã tặng lại tờ giấy có ghi câu tuyên ngôn này cho tác giả.

     Hiện Lê Bá Dương đang là phóng viên thường trú báo Văn Hóa tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên (trụ sở ở Nha Trang, Khánh Hòa). Ông xuất ngũ vừa chẵn 20 năm, là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Bài thơ có cả chục dị bản

* Nói chính xác, bài thơ của ông đã đi vào lòng người chứ không thể nói là thơ của nhân dân. Nhưng Lời người bên sông có nhiều “dị bản” do truyền miệng, có thể xem những kiểu dị bản đó là thơ “của nhân dân” rồi. Ông đã thống kê có bao nhiêu “dị bản” chưa?

- Theo cách hiểu đơn giản về dị bản, thì bài thơ có cả chục dị bản... nhưng thực ra mỗi dị bản chỉ khác nhau vài chữ ở câu này hay câu kia. Ví dụ như câu thơ đầu, thường khác nhau ở từ “đò lên” thành “đò xuôi” từ “xin chèo nhẹ” thành “ơi chèo nhẹ”... Những khác nhau đó tuy không hợp với ngữ cảnh khi làm bài thơ, nhưng xét cho cùng nó không làm sai lệch ý tứ bài thơ nhiều. Và như đã nói trên, chỉ riêng từ “mãi” thay thành “bãi” trong câu cuối là không thể chấp nhận.


* Và lần này, Lời người bên sông ở bến thả hoa bờ Bắc sẽ không quên ghi tên tác giả?
 
- Như đã nói, ghi tên tôi hay không ghi, có “ảnh hưởng” đến tình yêu Quảng Trị của nhiều người hay không? Tôi quý tấm lòng thành của những cán bộ nhân viên hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam, họ góp tiền lương xây dựng bến thả hoa bờ Bắc. Hôm động thổ vào ngày 27/ 7 vừa rồi, nếu báo chí không tự biết để tìm đến thì cũng không có dòng thông tin nào. Nói thế để thấy, những người đầu tư xây dựng bến thả hoa bờ Bắc đã lặng lẽ làm việc, vì đây là chuyện tâm linh cần tấm lòng thành chứ không cần quảng bá ầm ĩ rằng: “lòng thành của tôi đây”.

* Hai câu cuối trong bài “nguyên gốc” không phải thế, được biết là nhà văn Đỗ Kim Cuông đã gợi ý để ông sửa lại?

- Không phải là gợi ý. Bài này tôi viết năm 1987 với hai câu cuối: Tan chợ chiều xuôi đò có vội/ Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong. Năm 1989, tôi cùng nhà văn Thế Vũ đi dự Đại hội Văn học Nghệ thuật ở Huế về. Trên tàu tôi đọc cho Thế Vũ nghe bài thơ này. Về Nha Trang, Vũ nói với nhà văn Đỗ Kim Cuông (hiện làm Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương): Lê Bá Dương không chỉ là nhiếp ảnh gia, mà viết ký, viết thơ “được” lắm. Tôi chép tặng Cuông bài thơ, nhưng Cuông bảo, cứ “xin xin” thế này nghe nó não quá. Vậy là tôi viết lại hai câu sau thành: Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.

 


Một cảnh thả hoa trên sông Thạch Hãn

 

Không in thơ mình để dành tiền in thơ đồng đội

* Hình như ông chưa in tập thơ nào, và Lời người bên sông là một trong những bài thơ hiếm hoi của ông?

- Mấy năm rồi, bạn bè và cả một vài doanh nghiệp cho tôi tiền để in thơ, nhưng tôi dùng tiền đó tập hợp và in thơ của những đồng đội đã hy sinh mà mình cùng đồng đội gom nhặt được. Đó là cuốn Nhật ký Trung đoàn viết bằng văn vần, mới đây tôi dốc sức cùng bạn bè tập hợp, biên tập, in cuốn Thép từ ngàn độ lửa... Cũng định vài năm tới, sau khi tổ chức bổ sung, chỉnh biên và tái bản cuốn Nhật ký Trung đoàn viết bằng văn vần xong, tôi sẽ in một vài tập thơ và truyện ký cho mình.

* Ông có thể “so sánh” Lê Bá Dương bây giờ với thời “tuổi hai mươi”?

- Mình sống trung thực, thẳng thắn... nên không chấp nhận những thứ lươn lẹo, ti tiện, vị kỷ. Thời trẻ, đó là sự háo hức ra trận chiến đấu chống kẻ xâm lược... nôm na là trả thù nhà, đền nợ nước. Những cái thù mà mình chứng kiến qua chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Thực ra, nếu có sự lựa chọn, mình và chắc chắn cả dân tộc này không ai chọn chiến tranh, nhưng vì chiến tranh nó chọn mình và mọi người, nên mình và những người như mình chấp nhận sự lựa chọn đó một cách tự nguyện. Bây giờ mình vẫn là người lính bình thường - tuy khác “trận địa”. Vì cái điều cụ thể nhất: Biết bao đồng đội mình hy sinh cho độc lập tự do, và cả cho những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, nếu anh em còn sống, họ sẽ chiến đấu không khoan nhượng với những thứ xấu xa, trái đạo. Nay mình được sống thay cho anh em đồng đội, đương nhiên mình sẽ tiếp tục những việc mà đồng đội mình nếu còn sống sẽ làm. Đơn giản vậy thôi.

* Xin cảm ơn ông!

 

 

Trần Hoàng Nhân (thực hiện)

(Nguồn: TT&VH)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Ngọc Lam - nguyen_ngoc_lam_07@yahoo.com.vn - 0984 867 217 -   (Ngày 28/12/2009 06:31:24 AM)
Thưa ông Lê Bá Dương. Tôi cũng có đọc được 1 dị bản (nhưng không nhớ nguồn) và cũng rất hay: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm Có tuổi hai mươi thành sóng nước Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm. Ông có biết đến dị bản này không ? Ai đã sửa ? Và ông nghĩ sao ? Cảm ơn ông. Bốn câu thơ đi vào lòng người thật nhẹ nhàng. Nguyễn Ngọc Lam.
  Trần Vân Hạc - vanhac.yenbai@gmail.com - 0917331683 - F201, B4/ 189 Thanh Nhàn, Hà Nội  (Ngày 26/12/2009 11:46:27 PM)

Năm 1972 tôi cũng ở Quảng Trị, tuy được không tham gia trận đánh lịch sử ở thành cổ, sau bao năm mới có điều kiện trở lại thăm chiến trường xưa, không sao kìm được nỗi xúc động. Khi nghe những câu thơ của Lê Bá Dương do cô hướng dẫn viên đọc khi thăm thành cổ Q.T, trong lòng cứ cuộn lên niềm thương nhớ các đồng đội đã hy sinh anh dũng.

Cảm ơn Lê Bá Dương đã nói hộ chúng tôi những tình cảm cao đẹp khó nói thành lời!

Bên dòng Thạch Hãn

Tưởng nhớ các đồng đội của tôi

Thấp thoáng trong dòng nước biếc

Những cánh mũ tai bèo

Những khuôn mặt trẻ trung khát vọng

Một ngày mai tươi sáng tin yêu

 

Như có lửa trong dòng xanh vô tư

Những vệt máu hòa trong thớ đất

Bao xương thịt hòa trong phù sa

Muôn trái tim kết trái nở hoa

 

Các anh nằm đây chung nấm mộ

Tất cả có tên chung: “Liệt sỹ”

Thạch Hãn dang tay ôm vào lòng

Vòng tay mẹ hiền Tổ Quốc yêu thương

 

Trong tiếng sóng âm vang lời hát

Khúc quân hành, tiếng thét xung phong

Những tiếng thét mang lửa trái tim

Những tiếng hát vang từ khối óc

 

Lời cầu siêu lặn vào sóng nước

Con thuyền Bát nhã lặng trôi

Những ngọn đèn trái tim bất diệt

Các anh sống với muôn đời Thạch Hãn

28.11.09

  Trần Trọng Tâm - Lapphuongte@yahoo.com - 0973676756 - Thị trấn Liễu đề,Nghĩa Hưng,NamĐịnh  (Ngày 24/12/2009 07:17:29 PM)

Trở lại chiến trường xưa, chầm chậm theo dòng người vào thành cổ thăp hương đặt vòng hoa, ai cũng xuc động,và trăm lần đều như vậy.. Hình ảnh đọng lại đã đành , cái không hình ấy lại văng vẳng trong tim mỗi người- đó là 4 câu thơ được bật ra từ trái tim người hương dẫn viên ấy

" Đò lên Thạch hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn có bạn tôi nằm
Có tuổi 20 thành dũng si
Giữ yên bờ mãi mãi ngàn năm".

Tuyệt lăm, đầy đủ lắm,đau thương lắm,biết ơn lắm...Xin cảm ơn Lê Bá Dương tac giả bài thơ ấy. Tôi nghe một lần là thuộc luôn. bai thơ 4 câu là 4 phuong 8 hướng ,từ Quảng trị mà bay đi khăp moi nơi... Bốn câu thơ gan ruột đã đi vao long nguoi . Lê Bá Dương xung đang la môt nha tho cua dan toc. Anh đã gop phan lam đep thêm Quảng trị anh hung ,va yêu thuong..

Các bài khác: