Sinh năm 1956, quê Quảng Nam, Phạm Sỹ Sáu (ảnh) là nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ chiến tranh biên giới Tây
Hơn 10 năm quân ngũ là hiện thực đầy ắp để tạo nên nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nồng nàn, hào sảng, thủy chung. “Anh đã từng đi qua thương đau/Găm nỗi nhớ vào gốc cây nằm phục/Trước giờ G lại nghĩ về hạnh phúc/”, “Giữa rừng mùa khô biên giới/ Cỏ cây trụi trần chờ đợi/ Cơn mưa mang áo mới về/ Rừng xanh-xanh như tên gọi”… “Hỡi bạn bè đã sống chẳng thể quên/ Người ngã xuống để bọn mình còn lại/”, “Doanh trại đỏ, gió đỏ, đỏ tay chân/ Và màu đỏ lên đường ra biên giới”…
Có thể xem thơ chiến tranh biên giới Tây
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nói: “Chúng tôi rất tự hào về bộ đội thời chống Pháp, bộ đội thời chống Mỹ. Là anh bội Cụ Hồ thời chiến tranh biên giới, chúng tôi trụ lại với quyết tâm hơn, có nhiều thách thức hơn. Em gái ở quê nhà, thành phố ở sau lưng… thậm chí chỉ vài cây số là cuộc sống bình yên khác. Chúng tôi phải cứng rắn hơn, vững vàng hơn… trải qua nhiều thách thức, quyết liệt hơn chăng?”. Điều đó cần ghi nhận.
"Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” là bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ, nhưng từng thời kỳ có những yêu cầu, thách thức khác nhau. Phạm Sỹ Sáu đã viết những vần thơ nhẹ như không, nhưng trong đó nặng trĩu tâm tư: “Nơi các bạn đi qua/ Tôi đã và chưa đi tới/ Những núi những rừng, những phum sóc, suối sông/ Các bạn ngã xuống ở đâu mà bia mộ chỉ một dòng/ Hy sinh… ngày… tháng… năm”.
Thơ Phạm Sỹ Sáu bộc trực, ngay thẳng, không trau chuốt, đi thẳng vào lòng người. Đó là chất thơ bộ đội nói chung và trong chiến tranh biên giới nói riêng. Phạm Sỹ Sáu là người lính-có lúc tự nhận là tráng sĩ: “Tráng sĩ lội sông, tráng sĩ làm cầu/ Tráng sĩ gặt lúa đồng bằng, mót lúa rừng sâu/ Tráng sĩ đi là đi tình nguyện”…
Bình thường, khi trò chuyện với dân xứ Quảng, chúng tôi phải cảnh giác và chuẩn bị… để cãi lại. Gặp Phạm Sỹ Sáu chuyện đó… biến mất. Anh bình tĩnh lắng nghe và có điều gì đó, anh bằng lòng.
Được hỏi: “Anh thích thơ ai?” - “Thơ cổ điển thì Nguyễn Du, thơ hiện đại thì Chế Lan Viên, Quang Dũng, Trần Dần, Phùng Quán. Thơ đương đại thì Nguyễn Nhật Ánh, Cao Vũ Huy Miên, Lê Minh Quốc, Nguyễn Quang Thiều, Văn Lê…”. “Còn thơ nước ngoài?”, “Thích Maiacopski, P. Nêruđa, W.Uytman…”… Không chờ chúng tôi ngạc nhiên và thắc mắc, Sáu nói ngay: “Thích nhiều quá, phải không? Ờ mà không hiểu sao tôi thích nhiều, thật lòng”. Thích nhiều, đa dạng, sẽ dung nạp được bạn bè và kiến thức.
Từ nhỏ Phạm Sỹ Sáu đã ở nhờ, ở trọ đi học. Bạn bè thân thiết của Sáu có nhiều khắp nước. Đi bộ đội, làm cán bộ văn hóa thông tin quận Gò Vấp nơi có dân nhiều quê cư ngụ; làm Chánh Văn phòng Hội Nhà văn TPHCM, nơi tập trung đội ngũ nhà văn trăm quê; làm ở NXB Trẻ cũng liên hệ với người tứ xứ… Sáu ít đàn đúm đồng hương như nhiều anh em khác, nhưng anh vẫn được nhiều người yêu mến, tin cậy.
Nhà thơ, ngoài sáng tác thường được chú ý bởi có tính cách riêng. Là người xứ Quảng, Sáu vẫn là người… có máu tự trào và hay cãi, dù sắc màu có khác. Chúng tôi nhớ, hôm sơ kết và phát hành tập thơ qua cuộc thi Thơ-nhạc “1.000 năm Thăng Long –Hà Nội” tại Nhà văn hóa Thanh niên, khi MC giới thiệu và mời thành viên ban giám khảo, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu lên sân khấu giao lưu. MC hỏi: “Thưa nhà thơ Phạm Sỹ Sáu. Xin anh cho biết qua cuộc thi, giai đoạn 1, thi thơ, anh thích bài thơ nào nhất?”. Phạm Sỹ Sáu, vui vẻ trả lời ngay: “Bài thơ hay nhất về Thăng Long-Hà Nội là bài thơ chưa sáng tác”…
Có cá tính và tạo niềm tin yêu là chất nhà thơ-chiến sĩ Phạm Sỹ Sáu. Phạm Sỹ Sáu đang chuẩn bị cho một tuyển tập văn xuôi đầu năm 2010. Anh vẫn mở lòng mình: “Chúng tôi thở không khí của núi rừng biên giới/ Những đêm qua, ngày tới/ Giây phút chiến tranh trong năm tháng hòa bình/ Hòm thư chúng tôi-Thành phố Hồ Chí Minh!”
VŨ ÂN THY
(Nguồn: Báo SGGP)