Thứ bảy, 27/07/2024,


Đề dẫn về tác giả - tác phẩm “Chúng tôi và MiG-17” (19/12/2009) 

LB.c: Sáng ngày 19-12-2009, tại Bảo tàng Phòng không – Không Quân (Hà Nội) Buổi lễ giới thiệu cuốn sách “Chúng tôi và MiG-17” do Website lucbat.com phối hợp với một số cơ quan đơn vị tổ chức đã diễn ra thành công trên cả sự mong đợi. Hàng trăm đại biểu, phóng viên, báo chí của các hãng thông tấn, phát thanh truyền hình trong nước và quốc tế đã tới dự.

Ngay sau phần “tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu” của MC- Thạc sĩ, nhà báo Trần Ngọc Hà - Nhà thơ ĐẶNG VƯƠNG HƯNG đã có bài phát biểu mở đầu, đề dẫn về tác giả và tác phẩm nêu trên…

 

 

   Anh hùng LLVTND cựu phi công  MiG-17 Lưu Huy Chao (đeo Huân, Huy

chương, đứng giữa), chụp ảnh cùng đồng đội và khách quý, tại buổi

họp mặt và giới thiệu cuốn sách 'Chúng tôi và MiG-17', 19-12-2009.

     

 Kính thưa quý vị và các bạn!

 Hơn một năm trước, nhà văn Nguyễn Trọng Đắc có liên hệ qua điện thoại với chúng tôi và đề nghị Tủ sách “Chuyện đời tôi” của NXB CAND giúp đỡ một người bạn, người hàng xóm của ông: Cựu phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lưu Huy Chao viết và xuất bản một cuốn tự truyện; với lời đề nghị chân tình “Để tri ân với đồng chí, đồng đội; không chỉ cho riêng tác giả, cho những người đang sống, mà cho cả những người không còn nữa. Đấy là tâm nguyện cuối đời của một người lính già'.

Thực tế, việc các vị tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của Quân đội, Công an viết và cho xuất bản hồi ký, hay những kỷ nhiệm sâu sắc trong đời Bộ đội, Công an đã khá phổ biến và chúng ta đã làm từ lâu. Nhưng những hồi ký, hay tự truyện của các cựu phi công tiêm kích Việt Nam, đặc biệt là các cựu phi công MiG-17 đã in thành sách thì còn rất hiếm hoi.

Bởi thế, mà chúng tôi đã ủng hộ Anh hùng Lưu Huy Chao thực hiện tâm nguyện nêu trên. Tôi đã tiến cử: Thủy Hướng Dương, (một cựu nữ sinh chuyên văn của Trường Lê Hồng Phong, Nam Định; hiện là Biên tập và quản trị mạng thường trực của trang website lucbat.com) sẽ giúp ông sưu tầm tư liệu và ghi chép lại những câu chuyện đáng nhớ nhất. Còn tôi, sẽ là người hoàn thiện bản thảo trước khi đưa in. Chúng tôi cùng cam kết là sau một năm, vào đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của QĐND VN, cuốn sách viết về những cựu Phi công MiG-17 sẽ được trình làng, với độ dày ít nhất là 500 trang in...

 

Các thành viên của lucbat.com và Ban tổ chức chụp ảnh

chung với các cựu phi công Việt Nam và Mỹ.

 

 

Chúng tôi đã thống nhất một số nguyên tắc chung như sau:

- Về thể loại: Tác phẩm sẽ được viết theo dạng chuyện kể và ký tư liệu, đảm bảo tính xác thực của người thật việc thật. Cựu phi công Lưu Huy Chao vừa là tác giả, vừa là người dẫn chuyện, là nhân chứng cho các đồng đội của mình cùng xúât hiện và lên tiếng.

- Về nội dung: Sẽ chỉ viết những gì có lợi cho cái chung; sẽ không viết lại những gì đã có trong “chính sử”, hoặc những tác phẩm đã xuất bản; nhưng phải tôn trọng sự thật và lịch sử; cố gắng đi vào đời sống của phi công trong kháng chiến, những chuyện tình cảm, riêng tư, buồn vui đời thường nhất; những chuyện còn ít biết, ít người nói ra, bây giờ mới kể…

- Cựu phi công, Đại tá Lưu Huy Chao cũng tâm sự: Ông không có ý định “viết lại lịch sử”, mà chỉ muốn cung cấp thêm cho bạn đọc một góc nhìn của một “người trong cuộc”. Đó có thể là những cảm nhận mang tính riêng tư và nhất thời; không phải là sự đánh giá, đúc kết bản chất của sự vật và hiện tượng sau chiến tranh.

Tuy nhiên, để thực hiện được những nguyên tác trên thật khó khăn, vì thời gian đã lùi xa mấy chục năm, nhiều sự kiện, nhân chứng đã chìm sâu vào dĩ vãng. Thời gian vật chất để thể vừa thu thập tư liệu vừa thể hiện bản thảo lại không có nhiều.

 

Từ trái qua, các bạn thơ: Trần Mạnh Tuân, Chử Thu Hằng,

Phạm Thanh Cải, Nguyễn Vĩnh và Nguyễn Vĩnh Tuyền cùng

 chia vui với 'Chúng tôi và MiG-17' trong phòng tiệc đứng.

 

Chúng tôi đã có những chuyến đi tới nhiều sân bay quân sự; được nhìn tận mắt, sờ tận tay những chiếc máy bay huyền thoại một thời chưa xa, thậm chí còn được ngồi vào buồng lái của những chiếc máy bay phản lực kiểu mới... Chúng tôi đã được tiếp xúc với nhiều nhân chứng của một thời lịch sử hào hùng. Họ là những cựu Phi công MiG-17, dù sau này một số người đã chuyển loại, lái cả MiG-21 và một số loại máy bay chiến lợi phẩm của Mỹ thì MiG-17 vẫn là trung tâm của những hồi ức không thể nào quên, những câu chuyện cảm động, lạ lùng đến ly kỳ, dường như chỉ có trong chiến tranh.

Liên quan đến MiG-17, dĩ nhiên là có cả MiG-21, rồi những trắc thủ ra-đa, những sĩ quan dẫn đường và cả những người thợ máy bình thường, nhưng vô cùng quan trọng vì lo bảo đảm kỹ thuật cho máy bay. Cũng liên quan đến MiG-17 còn có cả những phi công lái trực thăng, bộ đội Tên lửa, Cao xạ, Dân quân, Tự vệ...

Nhưng trước hết, phải là những phi công lái MiG-17. Họ là lớp phi công tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam. Hầu hết, đó là những anh trai làng, vừa tạm biệt tay cày, tay cuốc, ruộng đồng là lên đường đi học lái máy bay chiến đấu. Tuy trình độ văn hóa còn có hạn, nhưng lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm chiến đấu lập công của họ thì có thừa. Khi vào trận, bắn hết đạn, họ sẵn sàng xả thân lao cả máy bay mình vào máy bay giặc... Nhiều người trong số họ đã hi sinh trong các trận không chiến bảo vệ vùng trời Tổ quốc và “Mãi mãi tuổi 20”. Nhưng họ đã cùng đồng đội bắn rơi hàng trăm máy bay hiện đại của Mỹ, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của một kẻ địch hùng mạnh nhất thế kỷ. Lịch sử dân tộc sẽ mãi ghi công các anh – Những “Anh hùng nông dân lái MiG-17” một thời!

 

Nữ tác giả Thuỷ Hướng Dương tặng tập thơ đầu tay cho Giáo sư

Phạm Cao Thăng, một Việt Kiều từ Mỹ về dự giơi thiệu sách.

 

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Huy Chao là một trong số ít những cựu Phi công Việt Nam xuất kích tới trên 100 lần. Trước khi vào bộ đội, rồi trúng tuyển đi học lái máy bay phản lực ở nước ngoài, Lưu Huy Chao mới học hết lớp 7 (nhiều đồng đội của ông chỉ mới học hết lớp 5, thậm chí là lớp 4); vừa đi học, vừa đi cày, cấy lúa. Sau này, khi đã bay thành thạo MiG-17, chỉ huy cả một Đại đội bay, Lưu Huy Chao vẫn giữ nguyên cái chất của một anh nông dân Thanh Hóa: Ông từng lệnh cho các anh em phi công trong Đại đội đi vào xóm mượn... ruộng của dân để... cấy lúa nếp, gần sân bay Kép. Vụ ấy, các phi công trong Đại đội của Chao đã thu được hơn một tạ thóc nếp. Rồi Chao quyết định mang tất cả số thóc ấy đi... nấu rượu lậu. Chả là Lưu Huy Chao, Nguyễn Văn Bảy và nhiều anh em trong đơn vị đều rất mê rượu 'cuốc lủi' và nghiện... thuốc lào nặng.

 

Và tặng sách, tặng hoa cho cả cựu phi công Mỹ...

 

Nhưng tác phẩm này không chỉ viết về Lưu Huy Chao. Ông chỉ đóng vai trò như một nhân chứng, như người dẫn chuyện cho bạn đọc yêu quý. Bởi thế, chúng ta sẽ gặp trong cuốn sách những câu chuyện kể, những kỷ niệm sâu sắc của nhiều người khác nữa. Từ anh Chủ nhiệm Quân y chuyên săm sóc sức khỏe cho phi công; vừa nghe thông tin có anh em ta phải nhảy dù, là vội băng rừng lội suối đi tìm mấy ngày liền, đến nỗi khổ của những người vợ các phi công bị “khát yêu”. Từ chuyện “anh cả” của những người thợ máy đã nghĩ ra cái 'hăng-ga' độc đáo cho MiG-17, kiểu “ma-de-in-Việt-Nam” đến chuyện không quân ta tự khôi phục những chiếc máy bay cường kích A-37 của Mỹ phục vụ cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

 

 

 Mọi người ai cũng vui vì được nhận quà của BTC

 

Ngay trong hội trường này, quý vị và các bạn còn được gặp gỡ những nhân vật bước ra từ cuốn sách “Chúng tôi và MiG-17” bằng xương bằng thịt: Ngoài cựu phi công Nguyễn Văn Lộc (Người từ cõi chết trở về) còn có Thượng tá Phạm Minh Thư – Phó giám đốc Bảo tàng PK-KQ (Có một tiểu đoàn trưởng như thế); cựu phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ (Một phi công Việt Nam có tên trong 29 nhân vật xuất chúng của Bang Kentucky – Mỹ) ; Cựu phi công Vũ Đình Rạng (Phi công đầu tiên của VN bắn trúng B-52)…

 

 

Mời khách quý đến tham dự giới thiệu sách lần lượt lưu bút chữ ký...

 

Cũng xin lưu ý với quý vị và các bạn một nhân vật đặc biệt có mặt trong buổi giới thiệu sách này. Sự xuất hiện của ông đã nói được thật nhiều ý nghĩa: Trung tướng Không quân Mỹ, Giáo sư Steve Ritchie, nguyên phụ tá của Tổng thống Mỹ về Không quân. Gần 40 năm trước, Steve Ritchie là phi công lái F-4 (loại máy bay hiện đại bậc nhất của Mỹ hồi đó, được mệnh danh là “Con Ma”; đối thủ của các loại MiG-17, MiG-21 của chúng ta). Steve Ritchie là một phi công lão luyện vào bậc nhất của không quân Mỹ, với hàng ngàn giờ bay và thoát hiểm. Ông vừa sang VN trong một chuyến du lịch định trước. Và trong kế hoach, ông mong muốn tới thăm Bảo tàng PK-KQ với tư cách là một CCB Mỹ. Là thành viên Ban tổ chức buổi gặp mặt giới thiệu sách hôm nay, đồng thời cũng là tác giả của ý tưởng Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến VN, tôi đã hoan nghênh và mời Giáo sư Steve Ritchie tới dự và chứng kiến buổi giới thiệu sách… Cuộc chiến tranh VN đã lùi xa gần 35 năm, quá khứ đã khép lại, nhưng còn quá nhiều việc chúng ta phải nhìn từ nhiều phía, để cùng nhau trả lại những gì cho khách quan và công bằng như lịch sử đã có. Nếu thời gian cho phép, BTC sẽ dành ít phút cho Trung trướng, Giáo sư Steve Ritchie phát biểu cảm tưởng của mình.

 

Phóng viên Đài Truyền hình VTC phỏng vấn cựu phi công F-4 Mỹ,

Trung tướng, Giáo sư Steve Ritchie trong buổi giới thiệu sách.

 

Điều cuối cùng, vì bản thảo cuốn sách được tổ chức, thể hiện trong thời gian quá gấp, nên chắc chắn còn có những khiếm khuyết. Chúng tôi chỉ ấn hành vài trăm bản mang tính thử nghiệm và thăm dò ý kiến. Kính mong quý vị và các bạn hãy bớt chút thời gian đọc tác phẩm, góp ý, bổ sung thêm, để chúng tôi sẽ hoàn thiện và tái bản cuốn sách trong thời gian sớm nhất, phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Xin cảm ơn quý vị, các bạn đã cho phép tôi phát biểu và lắng nghe.

Xin kính chúc sức khỏe và hạnh phúc và thành công!

(Ảnh trong bài của Nhà báo Tân Linh và phóng viên Đàm Thục Anh).

 

                                            Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2009

                                                         Đặng Vương Hưng

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: