Thứ năm, 02/01/2025,


Tiến sĩ văn học và cuộc mưu sinh ở bãi vàng (15/12/2009) 

Đã có thời kỳ, nhiều giáo viên phải bỏ nghề để lao ra chợ buôn bán mưu sinh. Những năm khó khăn chung của cả nước ấy khiến mơ ước được đứng trên bục giảng đối với nhiều người đã chỉ còn là... ước mơ. Tiến sỹ văn học Nguyễn Đức Hạnh, hiện là Phó khoa Đào tạo, giảng viên môn Lý luận văn học của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên mà chúng tôi được gặp giữa những ngày tháng 11 này, những ngày cả nước hướng về lễ kỷ niệm Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, là một điển hình như thế.

 

            Anh đã từng bỏ nhà bỏ cửa, vào bãi Nhâu (tên một bãi vàng ở Thái Nguyên) mưu sinh mong vận may sẽ mỉm cười. Thế nhưng, xui mà cũng là hên, thần vàng không mỉm cười với anh, thế nên giờ đây, anh vẫn còn được đứng trên bục giảng, đi tiếp ước mơ thời trai trẻ, được truyền dạy cho lớp lớp đàn em thân yêu những kiến thức về văn học mà anh đã tâm huyết cả đời này. Nếu không, người ngồi trước mặt chúng tôi bây giờ không còn là Tiến sỹ văn học Nguyễn Đức Hạnh, rất có thể, anh đã giống như muôn vàn các chủ bưởng khác trên đất Thái Nguyên này, không bỏ mạng vì rừng thiêng nước độc, bệnh tật thì cũng hút xách và nhiễm nhiều loại tệ nạn khác.

 

            Luật của rừng

 

            Tất nhiên, không có khái niệm yêu thương, chia sẻ giữa bãi vàng chỉ gồm những đầu gấu, những đối tượng trốn tù, trốn nã và vô số các thành phần bất hảo khác. Giữa bãi Nhâu những năm 1985-1986, mọc lên một lán đào vàng của một chủ bưởng có tên Nguyễn Đức Hạnh. Dân làm vàng càng lạ lùng hơn khi biết bưởng ấy là một giảng viên đại học. Dù là những kẻ giang hồ thì người có chữ vẫn được họ vị nể, vì thế, lán của Hạnh được đặt tên là "lán đại học". Tất cả những giấy tờ liên quan đến vay mượn tiền nong, tóm lại là liên quan đến cái chữ, đều được dân làm vàng ở đây tìm sang nhờ anh Hạnh xử lý giúp. Có kẻ khi nghe đọc xong giấy vay nợ chỉ biết điểm chỉ chứ không biết ký tên.

            "Lán đại học" của anh Hạnh không có cảnh chủ bưởng chèn ép, đánh đập, cướp tay trên của các "cửu" (những người đào vàng thuê). Họ đâu biết rằng, Thạc sỹ văn học Nguyễn Đức Hạnh khi ấy đã phải bỏ nhà bỏ cửa, để lại vợ con để vào bãi Nhâu tính chuyện đổi đời. Đồng lương giáo viên không đủ nuôi sống gia đình, vợ anh - con một vị cán bộ Công an phải tất tưởi với gánh hàng rau, thế mà nghèo khó vẫn vây tứ bề.

            Nguyễn Đức Hạnh kể rằng, những ngày đó, mỗi lần từ bãi Nhâu về thăm nhà là một lần anh lại vác balô quay ngược vào rừng. Các chủ bưởng khác vì có vốn nên chỉ việc ngồi chơi xơi nước, đợi "cửu" đi làm về để "thu hoạch", chứ còn bưởng Hạnh, cũng lăn lưng ra đào đất, nghiền đá... như các “cửu” khác. "Đó là những ngày tháng khủng khiếp trong cuộc đời tôi" - anh Hạnh nhớ lại. Giữa một thế giới hỗn độn toàn những thành phần bất hảo, chuyện đánh nhau, đâm chém, cướp bóc... như cơm ăn nước uống hàng ngày. Nó xảy ra nhiều và thường xuyên đến nỗi, chính một giảng viên đại học chỉ quen với việc cầm viên phấn đứng trên bục giảng như anh Hạnh cũng cảm thấy... bão hòa. Đến bây giờ, những cảnh máu chảy, thậm chí đang đào đất thấy ở lán bên cạnh rung chuyển vì nổ mìn, bên trong có chục người đang ngủ, nhưng cũng chẳng ai cần biết nguyên nhân, bởi chắc chắn đó là vụ thanh toán của một băng nhóm nào đấy, vì cướp vàng, vì cướp hầm, vì tranh gái và vô số lý do khác nữa.

            Có điều thật lạ, chuyện ấy chỉ xảy ra ở các lán khác, còn "lán đại học" của anh Hạnh thì chưa thấy một kẻ cô hồn nào mò đến phá đám. Có thể, đó là sự trân trọng cuối cùng của những kẻ giang hồ đối với những người có chữ như Hạnh. Trong lán của anh, không có sự phân biệt đối xử giữa chủ bưởng và "cửu", anh ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu với "cửu". Sức vóc của anh Hạnh hồi ấy thư sinh, đúng nghĩa là một anh giáo chứ không có vẻ gì là bưởng, ấy thế rồi cũng "cày cuốc" như "cửu". Mỗi lần về nhà thăm vợ con, người vợ lại ứa nước mắt nhìn anh gầy mòn, ốm yếu hơn một chút.

            Những ngày ở bãi Nhâu, cảnh tượng anh Hạnh chứng kiến nhiều nhất đó là... cái chết. Người chết vì sập hầm, người chết vì bị băng nhóm khác đánh thuốc nổ sập lán, kẻ chết vì bệnh tật, vì chém nhau. Có những đám ma chỉ với vài người đưa tiễn, mới thấy thân phận của những con người nơi đây mỏng manh và rẻ mạt đến nhường nào. Trong thế giới hỗn độn này, những kẻ yếu thế thì suốt đời phải làm thuê, phải làm những việc nặng nhọc nhưng bị quỵt tiền công, bị đánh đập đến chán nản mà bỏ đi. “Đặc sản” trong các bãi vàng là "cơm đen" (thuốc phiện), cho đến giờ, Nguyễn Đức Hạnh cũng không hiểu tại sao mình lại không mắc vào nghiện ngập, dù rằng xung quanh anh khi ấy đám “cửu” có đến 99% là nghiện ngập. Quen hơi thuốc phiện đến nỗi, nhiều lần về phố thăm vợ con, không được ngửi hơi thuốc phiện, anh thẫn thờ mất mấy ngày.

 

            Không ác nên... khó giàu

 

            Chăm chỉ làm việc, đối xử tốt với "cửu", thế nhưng, thần vàng không dang tay với Hạnh. Số vàng kiếm được chẳng đáng là bao, thậm chí còn không đủ nuôi "cửu". Hình như càng đói, con người ta càng mơ đến cái ăn. Nuôi hai con chó trong lán thì anh đặt tên một con là "dao", một con là "thớt". Lọ muối ớt bột là thức ăn chính với cơm có thời gian kéo dài hàng tháng, được anh em trong lán ghi bên ngoài dòng chữ "Chua xót", có bữa vừa ăn cơm với muối ớt vừa ứa nước mắt vì xót xa.

            Một lần, lán hết gạo, tiền không có, vàng thì cả tháng không đãi được vẩy nào, bưởng Hạnh đột nhiên nảy ra ý nghĩ sẽ bán con chó của nhà mình để nuôi "cửu". Ngặt một điều, thằng con trai anh thân thiết với con chó ấy, coi nó còn hơn bạn, có gì ăn hai đứa cũng chia đôi. Và đến bây giờ, cái cảnh anh dắt con con chó đi bán trong tiếng khóc ré lên của cậu con trai vẫn mãi ám ảnh trong tâm trí anh. Khi ấy, chính anh cũng phải nuốt nước mắt vào trong, cắn răng để làm một cái việc có ý nghĩa với đám "cửu" nhưng lại thật bất nhẫn với cậu con trai bé bỏng của mình.

            Đã có lúc, trong lúc cùng quẫn, Hạnh đã nảy ra những ý nghĩ tàn độc. Anh đã định tổ chức "xử" K - chủ bưởng bên cạnh để cướp vàng. Gã này người Ninh Bình, chẳng hiểu gã mệnh gì mà lần nào ra quân cũng trúng vỉa vàng lớn. Lán của K suốt ngày tổ chức khao quân vì trúng đậm. Rượu thịt ê hề, bia chảy như suối, gái đẹp được tuyển từ thị xã vào phải chở bằng xe ca, cứ xình xịch hết tốp này đến tốp khác.

            Một đêm nằm ở lán bên này, nghe bên kia tiếng cụng ly chan chát, Hạnh đã loé lên ý nghĩ, phải giết K để cướp vàng. Đến bây giờ nghĩ lại, anh Hạnh vẫn còn rùng mình. Thật may đó chỉ là giây phút thoáng qua, khi mà con người ta đã lâm vào cảnh cùng cực, không còn biết kiếm miếng ăn ở đâu. Chứ nếu ý nghĩ tiêu cực đó thành sự thật, thì có lẽ hôm nay, Nguyễn Đức Hạnh đã không thể ngồi nói chuyện với chúng tôi mà vẫn bận rộn với hàng chục cuộc điện thoại chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam từ sáng đến tối thế này.

            "Không sống ác được nên chẳng giàu" - Tiến sỹ văn học Nguyễn Đức Hạnh nói với chúng tôi mà như tự nhủ với mình. Trong khi các bưởng khác ra sức bóc lột sức lực của “cửu” với đồng công rẻ mạt, thì Hạnh chia sẻ với anh em bằng cái tình của những người đồng cảnh ngộ, vì mưu sinh, vì hoàn cảnh khó khăn mà phải tìm đường vào bãi Nhâu này. Bởi hơn ai hết, anh Hạnh biết rằng, họ đâu muốn bỏ vợ bỏ con, bỏ nhà bỏ cửa để lao vào chốn rừng rú độc địa, mỗi phận người nơi đây là một cảnh ngộ éo le đáng thương hơn bao giờ hết.

            Khi làm chủ bưởng, anh Hạnh đã là giảng viên khoa Văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, một năm theo quy định phải dạy 280 tiết, nhưng anh dành ra hai tháng, dạy đủ số giờ quy định, thời gian còn lại là ở bãi vàng, vừa làm bưởng, vừa làm "cửu", vừa kiêm luôn nghề xe ôm. Bốn năm ở bãi Nhâu với hai lần chết hụt, chưa kể vô số các vụ bị khách đi xe ôm (toàn dân giang hồ trong bãi vàng) kề dao vào cổ dọa giết nếu không đưa cho chúng ít tiền. Hai lần chết hụt cũng đều ở dưới hầm đào vàng. Một lần anh Hạnh trúng khí độc, may mà được một “cửu” cứu thoát chết, còn một lần nổ mìn phá đá. Theo lệ thường, mỗi khi đánh mìn, Hạnh đều nấp vào ngách hầm bên phải, chẳng hiểu sao lần đó anh lại nấp vào ngách bên trái. Sau tiếng nổ ầm trời, cái ngách bên phải mà anh định chui vào đã bị đất đá lấp kín, mà anh ước chừng, nếu xác vùi trong ấy, phải moi ra cũng mất cả tuần. 

            Một người bạn của anh Hạnh, là một thầy giáo dạy Triết, cũng vì nghèo mà phải tìm đường vào bãi Nhâu mưu sinh, thế nhưng số phận anh này không may mắn như Hạnh. Mấy năm trời trong bãi Nhâu, sức tàn lực kiệt mà vẫn không gom góp nổi chút vốn mang về xuôi, uất quá, anh này thề sẽ không quay về phố nữa. Những tháng ngày mòn mỏi cùng rừng thiêng nước độc khiến anh ngã bệnh và chết không lâu sau đó. Sự trả giá vì vàng ngẫm cho cùng thật cay đắng.

Giờ thì Nguyễn Đức Hạnh đã là Tiến sỹ văn học - Phó khoa Đào tạo, giảng viên môn Lý luận văn học của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Cuộc sống bây giờ cũng đã thay đổi chứ không khốn khó như những năm 80 của thế kỷ trước. Anh thầm cảm ơn "thần vàng" đã không mỉm cười với anh, để trả anh về đúng vị trí một người thầy đứng trên bục giảng.

            Bốn năm bầm dập ở bãi vàng Nhâu, điều mà Nguyễn Đức Hạnh tổng kết được, đó là tình người, dù ở hoàn cảnh nào, môi trường nào, nếu có tình người, có sự chia sẻ, đối xử với nhau tử tế thì con người ta mới có niềm tin, có một nơi bấu víu để mà sống. Và một thứ nữa, không thể không nói tới, Nguyễn Đức Hạnh đã mang về từ bãi vàng những tiếng vo vo của máy nghiền đá, cho đến bây giờ, tiếng vo vo ấy vẫn văng vẳng bên tai anh như một thứ bệnh kinh niên. Như một kỉ niệm để anh nhớ về những ngày khốn khó, để tự nhủ với lòng mình cần phải sống tốt hơn.

 

Đinh Hiền

(Nguồn: ANTG Cuối tháng)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: