Thứ bảy, 27/07/2024,


Đỗ Bảo: “Kẻ ngoại đạo” với âm nhạc (12/12/2009) 

“Ngày nhỏ, tôi thường nghĩ mình sẽ là người chơi nhạc nổi tiếng khi nghe người anh trai hát, nhưng rồi lại tự mỉa mai rằng cha mẹ mình là thầy thuốc Đông Y, chả có tẹo nào liên quan đến nhạc nhẽo, mình chỉ là người ngoại đạo với âm nhạc”- Nhạc sĩ của ‘Bức thư tình đầu tiên’ chia sẻ.

 

Gặp Đỗ Bảo với nụ cười hiền hiền khi anh đang nhấm nháp tách café đen đá trong không gian ngoài trời đầy nắng, gió tại Highland caphe cạnh Nhà hát Lớn. Anh bảo, phải lâu lắm rồi mới có thời gian để thưởng thức trọn vẹn một tách café đúng khẩu vị anh yêu thích mà đầu óc không phải nghĩ ngợi quá nhiều về công việc. Có lẽ vì thế mà câu chuyện của chúng tôi cũng trở nên thoải mái hơn và không khiên cưỡng theo kiểu trả lời phỏng vấn của phóng viên với người nổi tiếng.

 

Từ một kẻ ngoại đạo với âm nhạc

 

Bảo nổi tiếng và được công nhận đầu tiên bởi chính những đóng góp của anh cho âm nhạc đương đại. Câu hát: “Anh đã mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ” trong “Bức thư tình đầu tiên” của anh đã trở thành câu hát nằm lòng trong giới trẻ. Đỗ Bảo cho biết khi anh biết nhận thức được cuộc sống, chính là lúc anh phát hiện mình thuộc về thế giới của những phím đàn, mà theo mọi người trong gia đình, đó là “gen trội”. Đỗ Bảo đến với âm nhạc không bắt nguồn từ truyền thống gia đình mà từ niềm say mê trong những lần ngồi ngắm nghía cây đàn guitar của người anh trai.

“Không hiểu sao, khi tôi nghe anh trai ngồi đàn hát, tôi cảm thấy rất hứng thú, rất say mê. Một cảm giác rất gần gũi. Đôi khi cũng tự huyễn hoặc mình kiểu gì sau này cũng là người chơi nhạc nổi tiếng. Nhưng rồi cũng tự mỉa mai mình vì hiểu bố mẹ là thầy thuốc Đông Y, chả có tẹo nào liên quan đến nhạc nhẽo. Trước đó, tôi thường nghĩ không bao giờ một kẻ ngoại đạo lại có thể thành công. Anh trai tôi thấy tôi thích thú thì đăng ký cho tôi đi học lớp học đàn. Lần đầu tiên, khi những ngón tay tôi chạm vào phím đàn organ, tự nhiên trong lòng dấy lên một quyết tâm về con đường âm nhạc của mình. Lúc đó, tôi đã là một cậu bé 15 tuổi, mới bắt đầu chơi nhạc một cách chuyên nghiệp”.

Nếu xét về tuổi đời trong sự nghiệp âm nhạc, 15 tuổi mới bắt đầu tiếp xúc với âm nhạc là một sự muộn màng. Nhưng sự muộn màng không có giá trị nhiều đối với một người được gọi là “thiên tài tiềm ẩn”. Bởi nếu có năng khiếu bẩm sinh, thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào, tài năng đó cũng sẽ được tỏa sáng

Đỗ Bảo thường cho rằng trên con đường nghệ thuật của mình, sự may mắn chiếm một phần trăm không nhỏ. Những gì thuộc về năng khiếu tiềm ẩn của Bảo lại phù hợp với phần đông tư duy của người nghe nhạc, để từ đó những sản phẩm anh đưa ra dễ đi vào lòng người, cho dù đó là một album nhạc Pop dễ nghe như Cánh cung, như Thời gian để yêu, như Bức thư tình thứ 2 (album Tấn Minh), như Thế giới tuyệt vời  (album Ngọc Anh)… hay là một thử nghiệm mới về dòng nhạc New Age như album “Ô màu khối lập phương” (Tùng Dương), cùng nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý thử nghiệm âm nhạc dân tộc và điện tử với một thứ ngôn ngữ âm nhạc đương đại trong “Gió bình minh” (2006)…

Nhưng những người biết Đỗ Bảo lâu năm đều cho rằng, may mắn chỉ chiếm một phần trăm trong thành công mà Đỗ Bảo có được hôm nay. Anh đã có nhiều năm đánh nhạc ở các vũ trường, quán bar như một cách khổ luyện để tập nhạc. Ý thức mình không phải là con nhà nòi, ý thức của một kẻ đến với âm nhạc muộn mằn đã cho Đỗ Bảo một ý chí tột đỉnh để trở thành một người làm nhạc chuyên nghiệp. Anh tự nhận rằng những năm tháng thanh niên nhẽ ra phải vui chơi thì Bảo chỉ biết vùi đầu vào những tài liệu nhạc lý mượn từ thư viện trường, thu thập băng đĩa nước ngoài… Nghiên cứu, học tập, trau dồi kinh nghiệm, dung nạp kiến thức hàng ngày, theo thời gian Đỗ Bảo đã “gom” cho mình một khối lượng tri thức về âm nhạc của Việt Nam và thế giới khá khổng lồ. Để bây giờ, không chỉ làm công việc của một nhà sản suất âm nhạc, anh còn tham gia viết báo khi một tờ báo nào đó muốn có một bài viết chuyên sâu về âm nhạc.

 

Đến một nhạc sĩ nổi tiếng

 

Chẳng phải đến bây giờ, khi bước qua cái ngưỡng 30, người đàn ông nổi tiếng với những “Bức thư tình” này mới nghĩ đến hai từ “trách nhiệm”. Cách đây 4 năm, khi tôi lần đầu tiên gặp Đỗ Bảo, cũng tại một quán cafe cạnh Đài Truyền hình Việt Nam, khi đó anh đang là đội trưởng của Ban nhạc Sao Mai, hơn 2h đồng hồ, câu chuyện của chúng tôi cũng xoay quanh vấn đề “trách nhiệm”: trách nhiệm với cuộc sống, với gia đình, với công việc và hơn cả là với cuộc đời.

Khi “Cánh cung 1” ra đời (năm 2004), rồi anh lập gia đình. Song hành với việc tạo nên tên tuổi trong làng nhạc thì điều anh quan tâm lớn nhất là “sự trụ cột của một người đàn ông trong gia đình”. Anh thể hiện ý tưởng đó trong xuyên suốt album đầu tay của mình.

“Tôi làm không biết mệt mỏi, làm hậu trường ca nhạc, nhạc công, tổ chức sản xuất âm nhạc…tất cả những điều đó được thực hiện một phần là niềm đam mê nhưng một phần vì cuộc sống gia đình. Tôi không muốn vợ con phải sống trong sự thiếu thốn. Tôi thà chịu cực một tí để nhìn thấy sự đầy đủ của người thân”, nhạc sĩ Đỗ Bảo bày tỏ.

Bốn năm sau, khi “Cánh cung 2” với tên gọi “Thời gian để yêu” ra đời, suy nghĩ về sự trách nhiệm của Đỗ Bảo đi theo một quỹ đạo khác. Khi vật chất đã trở nên quá đủ đầy thì yếu tố tinh thần được đặt lên hàng đầu. Anh đã biết cách kiềm chế cái công việc kiếm tiền lại để dành thêm nhiều thời gian cho gia đình hơn.

 

    

 

“Một vài năm trở lại đây, cuộc sống đã làm cho con người bận rộn hơn, sống gấp gáp hơn, vất vả hơn. Và tôi cũng nằm trong cái guồng quay đó. Để rồi một lúc nào đó ngẫm lại, không xác định mình tồn tại vì điều gì. Chẳng nhẽ chỉ để phục vụ công việc thôi sao? Có những lúc tôi mong chỉ có được 30 phút rảnh rỗi, để chở con gái ra bờ sông Hồng hóng gió. Thế mà cũng khó. Tôi nghĩ đến thời gian để yêu. Con người hiện đại hình như đang thiếu đi thời gian để yêu thương? Tôi bất mãn về điều này. Nên tôi đã viết ra những ca khúc này, như nói hộ lòng mình và cũng là một cách để thức tỉnh mình và những người đang đồng suy nghĩ như tôi”.

Quan niệm sống của Đỗ Bảo là tất cả những gì đã thể hiện trong ngôn ngữ của từng ca khúc. Dường như, anh đã bê nguyên xi những nếp nghĩ xuất phát từ trái tim thật thà của mình lên tác phẩm, và rồi những gì tồn tại ở tác phẩm đã được anh minh chứng qua những việc làm cụ thể trong đời sống thực. Có thể nói, tất cả những giá trị đẹp tồn tại trong cuộc sống cũng trở thành cảm xúc chủ đạo để anh sáng tác. Và có một điểm chung, những ca khúc đó đều tuân thủ theo một nguyên tắc là chuyển tải một thông điệp gần gũi và hữu ích với người nghe, đem lại những giây phút thư giãn nhẹ nhàng.

 

Làm mới âm nhạc dân tộc

 

Sau “Thời gian để yêu” ra mắt, được công chúng đón nhận, Bảo phần nào cảm thấy thanh thản. Điều mà anh, cũng như khá nhiều nhạc sĩ Việt Nam hướng đến là đưa âm nhạc dân tộc đến với âm nhạc hiện đại của thế giới. Đã có một thời gian (năm 2006), Đỗ Bảo đã cùng kết hợp với nhạc sĩ Việt Kiều Pháp Nguyễn Nhất Lý mở phòng thu, lên kế hoạch trong việc phát huy thế mạnh âm nhạc dân tộc Việt. “Đứa con chung” cho niềm đam mê này chính là chương trình “Gios Bình minh”, một chương trình hòa nhạc không lời, sử dụng các nhạc cụ dân tộc và điện tử với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại. Vào thời điểm đó, “Gios Bình minh” như một luồng gió mới, như một tấm áo mới đầy đẹp đẽ cho âm nhạc dân tộc đang chìm khuất sau những sôi động của âm nhạc trẻ. Nhưng khi dự án “Gió Bình minh” kết thúc cũng là lúc sự kết hợp của Đỗ Bảo và Nhất Lý cũng dừng chân. Nhất Lý có mục tiêu riêng, muốn đưa âm nhạc dân tộc đạt đến những thứ cao siêu. Còn Đỗ Bảo, sau những tìm tòi riêng lại muốn hướng đến sự giản dị.

Bây giờ Đỗ Bảo cũng đã tìm cho mình được một vài người bạn mới có cùng suy nghĩ. Dự án làm nhạc New Age trên chất liệu dân tộc đang đi vào giai đoạn khởi đầu, và lần này nghệ sĩ đàn tranh Việt Nam đang làm việc tại Mỹ Võ Vân Ánh là người bạn đồng hành của anh. Không muốn nói nhiều về dự án này vì mọi cái vẫn đang còn mới mẻ, Đỗ Bảo chỉ tiết lộ, đó là một thử nghiệm mới cho nhạc dân tộc nhưng không cao siêu mà ngược lại, nghe rất dễ chịu, rất gần gũi. Và tôi tin, dẫu có khám phá mới nào thì nhạc Đỗ Bảo vẫn lãng mạn, dịu dàng, giản dị như tính cách con người anh./.

 

Theo Cẩm Hà (Báo Điện Tử Tổ Quốc)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: